Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139/1998/TTLT-BTC-BKHCNMT

Hà Nội , ngày 23 tháng 10 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỐ 139/1998/TTLT-BTC-BKHCNMT CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG  NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH, LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01-7-1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 276-CT ngày 28-7-1992 Chủ tịch Hộiđồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí;
Liên Bộ Tài chính - Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ do cơ quan được phân cấp phê duyệt như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG NỘP PHÍ

Tất cả các tổ chức, cá nhân xin phê duyệt, đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ (HĐ CGCN) theo quy định của Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ phải nộp phí thẩm định, lệ phí đăng ký HĐ CGCN (dưới đây gọi tắt là phí, lệ phí).

II- MỨC PHÍ

- Phí thẩm định HĐ CGCN được tính theo tỉ lệ 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị Hợp đồng nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng và tối thiểu không dưới 2 triệu đồng.

- Đối với HĐ CGCN xin bổ sung, sửa đổi thì phí thẩm định phải nộp bằng 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị Hợp đồng sửa đổi, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng và tối thiểu không dưới 1 triệu đồng.

- Đối với HĐ CGCN không phải phê duyệt, nhưng phải đăng ký tại Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì mức lệ phí là 200.000 đồng cho mỗi hợp đồng.

- Phí thẩm định, lệ phí đăng ký HĐ CGCN thu bằng tiền đồng Việt Nam. Trường hợp phí thẩm định tính trên giá trị Hợp đồng bằng ngoại tệ thì phải quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỉ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm tính mức phí thẩm định.

III- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH

1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt HĐ CGCN (dưới đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) theo quy định của Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 01-7-1998 của Chính phủ trực tiếp thu phí, lệ phí theo quy định của Thông tư này.

2. Toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được là khoản thu của ngân sách Nhà nước. Cơ quan thẩm định được tạm để lại 50% số tiền thu được để sử dụng chi phục vụ cho công tác thẩm định, phê duyệt HĐ CGCN, số tiền còn lại phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

3. Cơ quan thẩm định được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý, theo dõi riêng việc sử dụng 50% tổng số tiền phí, lệ phí được tạm trích nêu trên nhằm kịp thời trang trải các chi phí trong quá trình thẩm định như quy định tại khoản 5, mục III Thông tư này.

4. Hàng quý, căncứ vào quyết toán của cơ quan thẩm định,cơ quan tài chính cùng cấp làm thủ tục ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước số tiền thực chi đúng mục đích, đúng chế độ, định mức quy định và có chứng từ hợp lệ mà cơ quan thẩm định đã sử dụng từ số tiềnđược tạm trích.

Cơ quan thẩm định có trách nhiệm báo cáo quyết toán việc sử dụng số tiền tạm trích với cơ quan chủ quản để tổng hợp quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

5. Phí thẩm định HĐ CGCN, lệ phí đăng HĐ CGCN được sử dụng cho các mục đích dưới đây và phải tuân theo các quy định về quản lý tài chính, định mức, chế độ chi tiêu hiện hành của Nhà nước:

a) Chi phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, đánh giá, nhận xét các tài liệu có liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ các dự án, theo các hợp đồng kinh tế ký kết giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan có trách nhiệm phê duyệt HĐ CGCN (trường hợp cơ quan thẩm định không đủ khả năng thẩm định);

b) Lập hồ sơ thẩm định, lấy ý kiến chuyên gia phản diện;

c) Chi phí cho cuộc họp của Hội đồng thẩm định các dự án;

d) Chi phí cho công tác kiểm tra, thẩm định công nghệ của các HĐ CGCN, kiểm tra việc thực hiện chuyển giao công nghệ của các dự án;

e) Chi phí mua thông tin tài liệu để thẩm định;

g) Chi phí tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ;

h) Chi phí in ấn, dịch thuật tài liệu;

i) Bổ sung chi phí mua sắm phương tiện làm việc, thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác thẩm định (theo dự toán được duyệt);

k) Chi bồi dưỡng làm thêm giờ, tăng cường độ lao động cho cán bộ cơ quan thẩm định trực tiếp thực hiện các công tác thẩm định hồ sơ và làm các thủ tục thu phí, lệ phí nhưng mức bồi dưỡng một năm tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản của mỗi cán bộ.

IV. QUY TRÌNH THU, NỘP PHÍ, LỆ PHÍ:

1. Cơ quan thẩm định khi tiếp nhận đơn, hồ sơ đề nghị thẩm định công nghệ cần chuyển giao của tổ chức, cá nhân phải thực hiện thu ngay mức lệ phí đăng ký và mức phí tối thiểu phải nộp theo quy định của mỗi loại Hợp đồng (2 triệu đồng đối với HĐ CGCN mới hoặc 1 triệu đồng với HĐ CGCN sửa đổi, bổ sung). Sau khi thẩm định và xác định xong mức giá thanh toán cho việc chuyển giao công nghệ, cơ quan thẩm định căn cứ vào mức phí thu theo hướng dẫn của Thông tư này, tiến hành thu nốt số tiền phí thẩm định còn lại phải nộp (nếu có) của tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định.

2. Thủ tục nộp tiền vào ngân sách Nhà nước:

- Chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi thu tiền phí, lệ phí, cơ quan thẩm định phải nộp tờ khai về toàn bộ số phí, lệ phí đã thu được và số tiền phải nộp ngân sách (50% toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được) cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

- Nhận được tờ khai của cơ quan thẩm định gửi đến, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tờ khai, đối chiếu với chứng từ thu đã phát hành và sử dụng để xác định số tiền phải nộp ngân sách. Chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai của cơ quan thẩm định, cơ quan thuế thông báo trở lại cho cơ quan thẩm định về số tiền phải nộp ngân sách (50% tổng số tiền phí, lệ phí thu được), thời hạn nộp, chương loại, khoản mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách Nhà nước và số tiền được tạm giữ lại để chi phục vụ chocông tác thẩm định.

- Căn cứ vào thông báo của cơ quan thuế, cơ quan thẩm định thực hiện nộp ngay số tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước và số tiền còn lại được gửi vào tài khoản của cơ quan thẩm định mở tại Kho bạc Nhà nướcnhư quy định tại khoản 3, Mục III của Thông tư này.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định:

a) Thông báo công khai mức thu, thủ tục thu phí, lệ phí tại nơi tổ chức thu.

b) Thực hiện chế độ sổ sách, chứng từ, báo cáo kế toán sử dụng phí, lệ phí theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.

c) Quản lý, sử dụng và quyết toán số phí, lệ phí thu được với cơ quan tài chính quản lý trực tiếp theo phân cấp quản lý đúng chế độ hiện hành.

2- Trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan Kho bạc Nhà nước:

Cơ quan thuế, nơi cơ quan thẩm định HĐ CGCN đóng trụ sở, có trách nhiệm cấp biên lai thu phí, lệ phí cho cơ quan thẩm định. Cơ quan thuế và cơ quan Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng và thực hiện việc quyết toán biên lai theo quy định hiện hành về quản lý ấn chỉ.

3- Cuối năm ngân sách, cơ quan thẩm định HĐ CGCN phải quyết toán số kinh phí đã sử dụng cho công tác thẩm định với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định. Số tiền thu được không sử dụng hết phải nộp kịp thời, đầy đủ vào ngân sách Nhà nước.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu, giải quyết.

Chu Hảo

(Đã ký)

Trần Văn Tá

(Đã ký)