Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

LIÊN TỊCH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ Y TẾ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2000/TTLT/BLĐTBXH-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, CHĂM SÓC, TƯ VẤN CHO NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS TẠI CƠ SỞ CHỮA BỆNH THUỘC NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thực hiện Nghị định số 34/CP ngày 01/6/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Sau khi có ý kiến của Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS tại Công văn số 914/CV-UB ngày 22 tháng 11 năm 1999, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội _ Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS tại Cơ sở chữa bệnh như sau:

I. Những quy định chung:

1. Cơ sở chữa bệnh quy định tại Thông tư này là cơ sở được thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Qui chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (ban hành kèm theo Nghị định 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ).

2. Quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại Cơ sở chữa bệnh là trách nhiệm của toàn thể cán bộ công nhân viên, của mọi đối tượng kể cả những người nhiễm HIV/AIDS trong Cơ sở chữa bệnh.

3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Uỷ ban phòng chống AIDS cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện, phối hợp với Cơ sở chữa bệnh trong việc quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

II. Quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại Cơ sở chữa bệnh

1. Người nghiện ma tuý, mại dâm nhiễm HIV/AIDS (kể cả đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 20/CP và đối tượng tự nguyện) đều được đưa vào Cơ sở chữa bệnh để chữa trị, cai nghiện và phục hồi.

2. Người nhiễm HIV/AIDS được bố trí ăn ở, sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất cùng với các đối tượng khác trong Cơ sở chữa bệnh, khi mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội được điều trị tại khu hoặc phòng dành riêng như người mắc bệnh truyền nhiễm khác.

3. Người nhiễm HIV/AIDS hết thời hạn chấp hành quyết định ở Cơ sở chữa bệnh được hoà nhập cộng đồng; trường hợp, không có điều kiện hoà nhập cộng đồng như không có nơi nương tựa, gia đình không chấp nhận thì bản thân hoặc gia đình phải có đơn xin ở lại và phải có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS chưa hết thời hạn chấp hành quyết định có nguyện vọng về sống với gia đình thì Giám đốc Cơ sở chữa bệnh đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định.

5. Trong vòng 15 ngày, kể từ khi tiếp nhận, Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm phối hợp với Y tế địa phương tổ chức tư vấn, tuyên truyền về HIV/AIDS cho các đối tượng được đưa vào Cơ sở chữa bệnh để họ tự nguyện xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS.

Kinh phí xét nghiệm được kết cấu theo khả năng của kinh phí chương trình phòng chống AIDS hàng năm.

6. Trường hợp người tự nguyện xét nghiệm nhiễm HIV/AIDS có kết quả (+), người có trách nhiệm của cơ sở y tế phải thông báo cho Giám đốc Cơ sở chữa bệnh biết. Giám đốc phải thông báo cho người bị nhiễm HIV/AIDS biết đồng thời yêu cầu cán bộ phụ trách y tế của Cơ sở làm tốt công tác tư vấn và giữ bí mật để tránh sự phân biệt đối xử.

III. Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong Cơ sở chữa bệnh

A. Đối với các đối tượng trong Cơ sở chữa bệnh:

Mọi đối tượng cai nghiện, chữa trị ở Cơ sở chữa bệnh đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân và cho mọi người như sau:

1. Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

2. Không tiêm chích ma tuý, không tự xăm chích cho mình và cho người khác.

Không sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo và các đồ dùng khác dễ gây chảy máu.

3. Thực hiện tốt các quy định về vệ sinh phòng bệnh của Cơ sở chữa bệnh đặc biệt là các đồ vật có dính máu, dịch tiết như bông, băng vết thương, băng vệ sinh (đối với phụ nữ) phải được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế.

4. Không được phân biệt đối xử, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, phải thường xuyên gần gũi, an ủi, động viên, giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống.

5. Tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Cơ sở chữa bệnh.

6. Nghiêm cấm hành vi cố ý truyền HIV/AIDS cho người khác.

B. Đối với Cơ sở chữa bệnh

Cơ sở chữa bệnh phải nghiêm chỉnh thực hiện các “Qui định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS” ban hành kèm theo Quyết định số 2557/BYT-QĐ ngày 20/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật về phòng chống HIV/AIDS , đặc biệt chú trọng một số điểm sau:

1. Đối với cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc cho các đối tượng trong Cơ sở chữa bệnh:

a. áp dụng các biện pháp dự phòng phù hợp để bảo vệ da và niêm mạc khi tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của đối tượng, thay găng sau mỗi lần thao tác có tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của đối tượng.

b. Khi có các tổn thương xuất tiết hoặc viêm da rỉ nước chưa khỏi phải tránh chăm sóc trực tiếp cho đối tượng.

c. Khử trùng các dụng cụ y tế sau khi sử dụng.

d. Sử dụng bóng khi dùng pipet lấy máu, không được dùng miệng hút.

e. Hướng dẫn người nhà đối tượng sử dụng găng cao su chăm sóc đối tượng nếu có tiếp xúc với máu và dịch tiết

g. Chấp hành các quy định về an toàn khi thực hiện các thủ thuật trong điều trị và chăm sóc người bệnh.

h. Sát khuẩn ngay vùng da nhiễm bẩn khi bị máu, dịch tiết của người nhiễm HIV/AIDS dính vào da bằng các dung dịch sát khuẩn (cồn 70o , cồn iốt).

i. Khi có nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc do tai nạn rủi ro như đứt tay, kim đâm, dịch cơ thể có nguy cơ lây nhiễm bắn vào mắt, niêm mạc mũi họng, cần tiến hành:

- Xử trí tại chỗ (nơi tổn thương hoặc tiếp xúc) theo hướng dẫn chuyên môn.

- Lập biên bản tai nạn, có xác nhận của Giám đốc Cơ sở chữa bệnh.

- Lấy máu tìm kháng thể HIV ngay và xét nghiệm lại sau 3 tháng.

- Tiến hành tư vấn.

- Điều trị dự phòng theo hướng dẫn chuyên môn sau khi đã được tư vấn.

k. Không hà hơi thổi ngạt bằng miệng mà phải bóp bóng Ambu.

2. Tiệt khuẩn các dụng cụ y tế sử dụng cho người nhiễm HIV/AIDS

a. Sử dụng thuốc uống, hạn chế thuốc tiêm, nếu cần tiêm thì phải sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần. Sau khi dùng xong, phải bỏ bơm kim tiêm vào hộp cứng bằng tôn hoặc thép không gỉ để đưa đi đốt, huỷ ở nơi quy định.

b. Dụng cụ bằng chất dẻo dùng trong khám, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định.

c. Đồ vải của bệnh nhân được thu lại trong túi nilon dày hoặc thùng nhựa và xử lý bằng hoá chất theo quy định.

d. Sàn nhà, giường, bàn... có dịch tiết, máu của bệnh nhân phải được phủ ngập kín bằng nước Javen hoặc các dung dịch sát trùng khác trong 20 phút, sau đó cọ rửa bằng nước xà phòng rồi lau sạch, các đồ dùng để lau đó sau khi sử dụng phải bỏ vào túi kín để xử lý.

e. Các dụng cụ sử dụng cho việc thăm khám, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS phải được để riêng và tiệt trùng theo quy định.

3. Lấy máu xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS, vận chuyển và quản lý bệnh phẩm:

a. Chỉ có cán bộ y tế được phân công và đã qua huấn luyện về kỹ thuật xét nghiệm lấy máu thì mới được lấy máu xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS.

b. Sau khi lấy máu để xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS, bệnh phẩm (mẫu máu) phải được đưa ngay đến phòng xét nghiệm và phải được bảo quản lạnh, an toàn tránh lây nhiễm.

c. Lọ đựng bệnh phẩm phải có nhãn ghi: mã số, ngày, giờ lấy mẫu, họ tên cán bộ lấy mẫu, thông tin về người được xét nghiệm phải được giữ kín.

d. Bệnh phẩm phải được để ở tủ riêng, không để chung với bệnh phẩm khác.

e. Mẫu bệnh phẩm khi vận chuyển phải để trong hộp có nắp kín đề phòng bệnh phẩm bị thoát ra ngoài.

4. Liệm thi thể

a. Dịch tiết của thi thể được thấm bằng vật liệu dễ thấm và những thứ này được coi là ô nhiễm. Đề phòng dịch thể có thể rò ra, phải dùng bông, vật thấm nhồi vào các hốc tự nhiên của cơ thể, khi khâm liệm phải đeo găng.

b. Thi hài phải được bọc trong vải liệm trắng, đặt trong 2 lần túi nilon, buộc kín. Khuyến khích hoả thiêu thi hài người bị HIV/AIDS.

c. Tường, bàn, ghế và sàn nhà cũng phải tiệt khuẩn bằng dung dịch tiệt khuẩn.

5. Việc khử khuẩn, tiệt trùng thiết bị, dụng cụ y tế được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

IV. Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở chữa bệnh

1. Tư vấn trước và sau khi xét nghiệm.

Cán bộ phụ trách y tế ở Cơ sở chữa bệnh tổ chức tư vấn cho các đối tượng để họ tự nguyện xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS và tư vấn sau khi có kết quả xét nghiệm.

2. Nội dung tư vấn:

2.1. Tư vấn trước khi xét nghiện:

a. Thảo luận đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn.

b. Thảo luận về mục đích, ý nghĩa của xét nghiệm HIV/AIDS.

c. Thảo luận về ảnh hưởng của kết quả xét nghiệm HIV/AIDS.

d. Mô tả phương pháp lấy máu để xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS.

e. Thảo luận về lối sống và các phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

g. Thảo luận về cách giải quyết với kết quả xét nghiệm.

h. Thảo luận về sự hỗ trợ của xã hội với người nhiễm HIV/AIDS.

2.2. Tư vấn sau xét nghiệm:

2.2.1. Thông báo kết quả xét nghiệm:

- Kết quả xét nghiệm phải được thông báo trực tiếp cho đối tượng ở nơi kín đáo. Không thông báo bằng thư, điện thoại hoặc các phương tiện khác. Nếu người nhận kết quả xét nghiệm muốn có bạn hoặc người thân trong gia đình cùng có mặt thì người thông báo kết quả xét nghiệm có thể cho phép.

- Người thông báo kết quả xét nghiệm phải tư vấn về mặt tâm lý, xã hội, nếu kết quả xét nghiệm là dương tính và giữ bí mật với tất cả mọi người trừ vợ hoặc chồng và người có trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

2.2.2. Tư vấn cho người có kết quả âm tính:

a. Tư vấn thuyết phục để đối tượng thay đổi hành vi nguy cơ, thực hiện những hành vi có lợi cho sức khoẻ, tránh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

b. Kết quả xét nghiệm âm tính có thể là chưa bị nhiễm nhưng cũng có thể là đã nhiễm HIV nhưng đang ở “thời kỳ của sổ”, do vậy cần tư vấn cho đối tượng thay đổi hành vi và xét nghiệm lại sau 3 tháng.

2.2.3. Tư vấn cho người có kết quả dương tính:

a. Sự cần thiết phải ổn định về mặt tâm lý.

b. Tư vấn việc cần thông báo kết quả cho ai, thời gian và cách thức thông báo.

c. Tư vấn về những khó khăn, cách giải quyết trong thời gian tới.

d. Tư vấn về lợi ích của việc theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội.

e. Tư vấn về duy trì lối sồng lành mạnh, thực hiện tình dục an toàn.

f. Cung cấp thông tin về các tổ chức hỗ trợ tại xã, phường, thị trấn.

g. Hẹn ngày tư vấn theo định kỳ.

V. Điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS.

1. Cơ sở chữa bệnh chỉ điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội thông thường cho người nhiễm HIV/AIDS.

2. Người nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh nặng ngoài khả năng điều trị của cơ sở chữa bệnh thì được chuyển đến bệnh viện Nhà nước theo chỉ định của thầy thuốc. Bệnh viện phải có trách nhiệm tiếp nhận và chữa trị cho người bệnh.

VI. Dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất cho người nhiễm HIV/AIDS.

1. Đối với những người nhiễm HIV còn khoẻ nhưng không có nghề, thì cơ sở có trách nhiệm tư vấn về đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề phù hợp để khi hội nhập cộng đồng có khả năng tìm được việc làm.

2. Không bố trí người nhiễm HIV/AIDS tham gia vào những công việc dễ lây truyền HIV/AIDS.

3. Bố trí công việc lao động sản xuất phù hợp với sức khoẻ của từng người.

4. Căn cứ vào tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của từng người, phụ trách y tế của Cơ sở chữa bệnh đề nghị Giám đốc quyết định việc tạm nghỉ lao động để điều trị , giảm thời gian làm việc, giảm định mức lao động hoặc miễn lao động.

VII. Tổ chức thực hiện:

1. Các Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với ngành y tế, Uỷ ban AIDS địa phương triển khai các hoạt động quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở mình.

- Tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch Liên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội _ Y tế về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong Cơ sở chữa bệnh.

- Phối hợp với trung tâm Y tế dự phòng tổ chức xét nghiệm và tư vấn, cho người nhiễm HIV/AIDS.

2. Trung tâm Y tế dự phòng có trách nhiệm:

- Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ phòng chống AIDS cho Cơ sở chữa bệnh.

- Phối hợp với Cơ sở chữa bệnh để tổ chức xét nghiệm, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Uỷ ban AIDS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Đào tạo, huấn luyện về phòng chống AIDS cho cán bộ ở Cơ sở chữa bệnh.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ cho Cơ sở chữa bệnh để triển khai thực hiện tốt Thông tư này.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Thông tư này.

VIII. Điều khoản cuối cùng:

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký, ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục phòng chống tệ nạn xã hội), Số 2 Đinh Lễ - Hà Nội hoặc Bộ Y tế (Ban phòng chống AIDS), 138 Giảng Võ - Hà Nội để nghiên cứu xem xét, giải quyết./.

 

K/T BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Lê Ngọc Trọng

K/T BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc


Nơi nhận
- VP Chính phủ;
- Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Lao động - TBXH các tỉnh, thành phố;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố
- Cục PCTNXH, Vụ TH-PC (Bộ LĐ-TBXH)
- Ban AIDS, Vụ PC (Bộ Y tế)
- Cơ sở chữa bệnh các tỉnh, thành phố
- Lưu Cục VP Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế