Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/1998/TTLT-TCCP-TC-LĐTBXH-GDĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 1998 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 973/1997-QĐ-TTG NGÀY 17/11/1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN ĐANG TRỰC TIẾP GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP CỦA NHÀ NƯỚC

 

Thi hành Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập của Nhà nước. Sau khi có ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương tại Công văn số 1271/TC-TW ngày 25-12-1997 và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 1743-TLĐ ngày 24-12-1997. Liên tịch Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1.1. Giáo viên (kể cả giáo viên là tổng phụ trách đội, giáo viên hợp đồng, giáo viên trong thời gian tập sự) đang trực tiếp giảng dạy thuộc biên chế hoặc hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế Nhà nước ở trong các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: trường mầm non, phổ thông, bổ túc văn hoá, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học, các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo các cấp, các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, được thành lập và hoạt động theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm giáo dục thường xuyên.

1.2. Giáo viên trong chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang trực tiếp giảng dạy trong các trường bán công.

1.3. Giáo viên (kể cả giáo viên hợp đồng, giáo viên trong thời gian tập sự trong chỉ tiêu biên chế nhà nước) đang trực tiếp giảng dạy trong các trường, học viện ở Trung ương và địa phương gồm: Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia và các phân viện, các trường, trung tâm giáo dục chính trị tỉnh, huyện, các trường thuộc các đoàn thể: Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn.

1.4. Giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương.

1.5. Giáo viên thuộc chỉ tiêu biên chế của các cơ sở giáo dục, đào tạo làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, phòng thí nghiệm, trạm trại theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.6. Cán bộ quản lý thuộc biên chế của các trường, trung tâm, học viện trực tiếp giảng dạy theo số giờ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Điều kiện hưởng phụ cấp ưu đãi:

Những đối tượng quy định tại Điểm 1, Phần I nêu trên phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (trừ giáo viên ở miền núi, biên giới, vùng dân tộc ít người, hải đảo vùng sâu, vùng xa) để chuyển xếp vào các ngạch công chức thuộc bảng lương ngành Giáo dục đào tạo (mã ngạch 15), ban hành kèm theo Nghị định số 25-CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Riêng đối với giáo viên hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, phòng thí nghiệm, trạm, trại không nhất thiết phải xếp vào bảng lương giáo dục đào tạo.

Những đối tượng quy định tại Điểm 1, Phần I nêu trên không được hưởng phụ cấp ưu đãi trong các trường hợp sau:

Đi học tập dài hạn, công tác ở trong và ngoài nước trên 3 tháng, nghỉ về việc riêng 1 tháng (liên tục) thì trong thời gian không tham gia giảng dạy không được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Nghỉ ốm, thai sản vượt quá tiêu chuẩn quy định trong Bộ luật Lao động, thì thời gian nghỉ vượt quá quy định đó không được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Bị kỷ luật đình chỉ giảng dạy thì trong thời gian quyết định kỷ luật còn hiệu lực không được hưởng phụ cấp ưu đãi.

II. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH:

1. Mức phụ cấp:

Mức phụ cấp 30% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường đại học, cao đẳng và tương đương theo phân loại trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Tổ chức Trung ương Đảng (trừ giáo viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm).

Mức phụ cấp 35% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học, các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã và giáo viên dạy trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trung tâm dạy nghề (trừ giáo viên các trường trung học sư phạm, sư phạm kỹ thuật).

Mức phụ cấp 40% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường tiểu học mầm non ở đồng bằng, thành phố, thị xã, giáo viên dạy trong các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học, các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các trường phổ thông trung học dân tộc nội trú.

Mức phụ cấp 50% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường sư phạm các cấp (đại học, cao đẳng, trung học...), các khoa sư phạm của các trường.

Mức phụ cấp 70% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp I, II ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các trường, lớp trẻ em khuyết tật.

Về địa giới miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi. Đối với vùng sâu, vùng xa theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Liên Bộ.

2. Cách tính:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = mức lương tối thiểu x (hệ số lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)) x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Ví dụ 1: Một giáo viên trường đại học được chuyển xếp lương vào ngạch giảng viên, mã số 15111, bậc 3, hệ số 2,40, phụ cấp ưu đãi là 30%, được tính như sau:

Phụ cấp ưu đãi = 144.000đ x 2,40 x 30% = 103.680đ/tháng

Ví dụ 2: Một hiệu trưởng trường tiểu học ở miền núi được xếp lương mã ngạch 15114 (bảng lương giáo dục - đào tạo), bậc 7, hệ số 2,59. Trường hợp được xếp hạng I, được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,35, trực tiếp tham gia giảng dạy quy định tại Thông tư số 49/GD-TT ngày 29/11/1979 của Bộ Giáo dục (cũ) quy định chế độ công tác của giáo viên phổ thông. Được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%. Cách tính như sau:

Phụ cấp ưu đãi = 144.000đ x (2,59 + 0,35) x 70% = 296.352đ/tháng

III. PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ

1. Phụ cấp này được tính để trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè).

2. Phụ cấp này chỉ áp dụng đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, khi thôi không làm giáo viên thì không được hưởng phụ cấp này, không được sử dụng để tính các chế độ phụ cấp khác, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Khoản phụ cấp này được hạch toán vào mục 102 tiểu mục 08 của các chương, loại, khoản, tương ứng và được tính vào ngân sách giáo dục, đào tạo hàng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xét duyệt đối tượng, lập dự toán kinh phí chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

2. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục - đào tạo chịu trách nhiệm xét duyệt đối tượng và lập dự toán chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên của đơn vị mình (có mẫu đính kèm) gửi Bộ chủ quản đối với các cơ quan Trung ương, gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với địa phương trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

3. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xét duyệt và ra quyết định đối với các đối tượng được hưởng phụ cấp ở các đơn vị thuộc quyền quản lý.

4. Việc lập dự toán, quản lý cấp phát và quyết toán: các đơn vị được hưởng phụ cấp này cần lập dự toán chi bổ sung kinh phí của 2 tháng cuối năm 1997 gửi cơ quan chủ quản để gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Số kinh phí này được cấp phát và quyết toán vào niên độ ngân sách năm 1997. Sở Tài chính vật giá các địa phương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để làm căn cứ cấp phát. Đối với năm 1998 căn cứ vào dự toán kinh phí chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài chính sẽ cấp bổ sung vào dự toán đầu năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc địa phương, ngân sách Trung ương sẽ cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để các cơ quan thực hiện.

Từ năm 1999 kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp này được cân đối trong dự toán chi của các đơn vị. Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

5. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra thực hiện Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, ngành và địa phương.

Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/11/1997; bãi bỏ Thông tư số 125/LB-TT ngày 25/3/1996 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 779/TTg ngày 01/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị gửi văn bản về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

 

BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN

BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

 

 

 

 

Đỗ Quang Trung

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

 

 

BỘ TRƯỞNG

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 

 

 

 

Nguyễn Thị Hằng

BỘ TRƯỞNG

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

 

Nguyễn Minh Hiển

 

 

 

 

BỘ, NGÀNH, UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, TP
CƠ QUAN CHỦ QUẢN........
ĐƠN VỊ.............................

MẪU SỐ 1

DANH SÁCH

GIÁO VIÊN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP ƯU ĐÃI

(Theo Quyết định 973/1997/QĐ-TTg ngày 17/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ)

 

TT

 

Họ và tên

Mã ngạch công chức

Lương và phụ cấp chức vụ

Phụ cấp ưu đãi tháng (đ)

Phụ cấp ưu đãi năm (đ)

 

Ghi chú

Hệ số lương hiện hưởng

Hệ số phụ cấp chức vụ

Tỷ lệ phụ cấp ưu đãi

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

1. Tổng số cán bộ CNVC (kể cả hợp đồng) của đơn vị........ người.

2. Biến chế được giao 1997................................ người.

3. Số người thuộc biên chế giảng dạy...................... người.

4. Số người được hưởng phụ cấp ưu đãi..................... người.

5. Tỷ lệ phần trăm người được ưu đãi/tổng số cán bộ CNVC

 

Ngày...tháng ...năm 199…

 

Xét duyệt của cơ quan chủ quản

 

(Ký tên, đóng dấu)

Ngày ...tháng ...năm 199…

Thủ trưởng đơn vị

 

(Ký tên, đóng dấu)

 
 
 
 
 

 

BỘ, NGÀNH, UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, TP
CƠ QUAN CHỦ QUẢN........
ĐƠN VỊ.............................

MẪU SỐ 2

 

TỔNG HỢP CÁC ĐƠN VỊ
VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP ƯU ĐÃI

(Theo Quyết định 973/1997/QĐ-TTg ngày 17/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ)



TT


Tên trường hoặc trung tâm (thuộc quận, huyện)

Tổng số CCVC trong biên chế

Tổng số giáo viên được hưởng phụ cấp

Miền núi

Nơi thuộc vùng sâu vùng xa

Tổng phụ cấp ưu đãi tháng (đ)

Tổng phụ cấp ưu đãi năm (đ)

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng:

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Tổng số cán bộ CNVC (kể cả hợp đồng) của đơn vị........ người.

2. Biến chế được giao 1997................................ người.

3. Số người thuộc biên chế giảng dạy...................... người.

4. Số người được hưởng phụ cấp ưu đãi..................... người.

5. Tỷ lệ phần trăm người được ưu đãi/tổng số cán bộ CNVC

 

Ngày... tháng.... năm 199…

Thủ trưởng đơn vị

(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú: Danh sách làm thành 5 bản:
Gửi Bộ 3 bản (Ban TCCB-CP, Bộ Tài chính, Bộ chủ quản) hoặc UBND tỉnh, thành phố.