Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP - BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2011/TTLT-BTP-BNV

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ CỦA SỞ TƯ PHÁP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH VÀ PHÒNG TƯ PHÁP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VỀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) về bồi thường nhà nước như sau:

Điều 1. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp về bồi thường nhà nước

1. Nhiệm vụ và quyền hạn

Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ về bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại địa phương có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc chưa có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;

c) Bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho công chức thực hiện công tác bồi thường của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

đ) Theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

g) Định kỳ sáu tháng sơ kết và hàng năm tổng kết việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 6 hàng năm (đối với báo cáo sơ kết) và trước ngày 20 tháng 12 hàng năm (đối với báo cáo tổng kết);

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan về bồi thường nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

2. Tổ chức và biên chế

a) Phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ về hành chính tư pháp đảm nhận nhiệm vụ tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Biên chế thuộc Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ về bồi thường nhà nước là biên chế công chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm cho Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về bồi thường nhà nước

1. Nhiệm vụ và quyền hạn

Phòng Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại địa phương có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc chưa có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các đơn vị do Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý và Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc giải quyết bồi thường;

d) Cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

đ) Theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải quyết bồi thường;

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

g) Định kỳ sáu tháng sơ kết và hàng năm tổng kết việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Tư pháp trước ngày 15 tháng 6 hàng năm (đối với báo cáo sơ kết) và trước ngày 15 tháng 12 hàng năm (đối với báo cáo tổng kết);

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan về bồi thường nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

2. Biên chế

Biên chế thuộc Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ về bồi thường nhà nước là biên chế công chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm cho Phòng Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp để thống nhất với Bộ Nội vụ xem xét giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Anh Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tư pháp; Website của Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, TCCB Bộ Tư pháp (2b), Cục BTNN (2b); VT, TCBC Bộ Nội vụ (3b).