Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-VHTT-GDĐT/TTLB

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN - GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 18-VHTT-GDĐT/TTLB NGÀY 15 THÁNG 3 NĂM 1994 VỀ VIỆC PHỐI HỢP ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT, THÔNG TIN TRONG TRƯỜNG HỌC

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác văn hoá, văn nghệ, về giáo dục và đào tạo nhằm "góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng, ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" trước mắt phục vụ kịp thời những ngày lễ lớn trong 2 năm 1994, 1995. Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí ra Thông tư Liên bộ về "Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong trường học".

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tăng cường sự phối hợp giữa hai ngành ở các cấp để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong giáo viên, cán bộ, công nhân viên và học sinh, sinh viên, đưa các hoạt động này thành nền nếp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục về mặt nhân cách, lối sống, thẩm mỹ cho thế hệ trẻ Việt Nam.

- Thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong trường học phát động phong trào bảo vệ và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và truyền thống văn hoá dân tộc trong học sinh, sinh viên, đẩy lùi và ngăn chặn các văn hoá phẩm đồi truỵ, bạo lực, góp phần giữ gìn ổn định chính trị, làm lành mạnh xã hội.

- Từng bước thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin trong học sinh, sinh viên hưởng ứng các ngày lễ lớn của đất nước trong hai năm 1994, 1995.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Phương hướng chủ yếu của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong trường học là nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên về đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, biết giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại, bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của địa phương và xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở.

Trong thời gian tới, hai bộ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu và nội dung sau đây:

1. Mở rộng việc giảng dạy các môn âm nhạc, hội hoạ trong các trường, trước hết là ở các trường mẫu giáo, phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, tình cảm cho học sinh, cho thế hệ trẻ Việt Nam.

2. Tổ chức hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt múa, hát tập thể theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá - Thông tin. Mỗi trường có một đội đồng ca, đội múa và nhóm ca nhạc để làm hạt nhân cho phong trào múa hát tập thể và phục vụ các buổi sinh hoạt tập thể, các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương và của trường.

3. Tổ chức và hướng dẫn học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xem phim, triển lãm mỹ thuật, tham gia các hoạt động bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, tham gia xây dựng vào các hoạt động của nhà truyền thống địa phương, tìm hiểu, sưu tầm các hiện vật, tài liệu liên quan đến truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống văn hoá của đất nước, địa phương và của trường.

Các trường tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan các bảo tàng và di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng và kháng chiến nằm trong chương trình học tập và giáo dục hàng năm của nhà trường.

5. Củng cố, mở rộng và xây dựng thư viện nhà trường, tạo điều kiện đưa các sách báo có tính giáo dục phục vụ thiết thực việc dạy và học của giáo viên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao kiến thức cho thầy và trò. ở những làng, bản, xã, phường có điều kiện, chính quyền sở tại có thể giao thư viện, tủ sách của cơ sở cho nhà trường để thầy trò khai thác sử dụng trong trường và phục vụ đông đảo bạn đọc ở địa phương. Phát động rộng rãi các cuộc thi đọc sách, tìm hiểu sách tốt, hay trong trường học.

6. Mỗi trường phổ thông hoặc chuyên nghiệp đều tổ chức các câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật và mỗi trường đại học, cao đẳng tổ chức nhà văn hoá sinh viên nhằm thu hút những học sinh có năng khiếu và tự nguyện tham gia các hoạt động ca nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, đọc sách, sưu tầm văn hoá địa phương.

Ngành văn hoá - thông tin các cấp có trách nhiệm cử các cán bộ, diễn viên có tài năng, tâm huyết đỡ đầu các nhà văn hoá, câu lạc bộ của các trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu văn hoá nghệ thuật cho địa phương và đất nước.

7. Mỗi năm một lần, các trường tổ chức hội diễn văn nghệ theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Văn hoá - Thông tin địa phương. Hai năm một lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật, cuộc thi ca múa nhạc toàn quốc theo khối trường: năm lẻ hội diễn của khối trường phổ thông, năm chẵn hội diễn của khối trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp. Bốn năm một lần tổ chức hội diễn văn nghệ của giáo viên trong cả nước.

8. Nhân các ngày lễ hội, ngày kỷ niệm của địa phương, quốc gia, quốc tế, các trường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử và thi vẽ để đáp ứng nhu cầu hoạt động của học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức các cuộc thi sáng tác nghệ thuật về đề tài nhà trường, quê hương đất nước.

9. Các trường phát động và duy trì phong trào xây dựng người học sinh, sinh viên thanh lịch, tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh, lịch sử, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các âm mưu diễn biến hoà bình xâm nhập vào trường học.

III- BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào những nội dung trên, các Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp chặt chẽ với Sở giáo dục - Đào tạo hàng năm xây dựng chương trình và ngân sách hoạt động văn hoá nghệ thuật trong khối trường thuộc địa phương quản lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt rồi phân phối cho các trường. Các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp thuộc quyền quản lý của các bộ xây dựng chương trình và ngân sách hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin hàng năm để bộ chủ quản phê duyệt và cấp. Hai ngành Văn hoá - Thông tin và Giáo dục - Đào tạo các cấp có kế hoạch và kinh phí cho việc bồi dưỡng phương pháp hoạt động văn hoá nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên phụ trách công tác văn hoá nghệ thuật ở trường học, lựa chọn cán bộ văn hoá, các nghệ sĩ có khả năng, nhiệt tình để tổ chức và hướng dẫn phong trào văn hoá nghệ thuật ở các trường.

2. Các trường văn hoá nghệ thuật, các nhà văn hoá, các thư viện của ngành Văn hoá - Thông tin xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo giáo viên nhạc, hoạ, cán bộ thư viện, cán bộ văn hoá cho các trường theo yêu cầu của ngành giáo dục - đào tạo.

3. Sở Giáo dục - Đào tạo từng bước định biên mỗi trường tiểu học, đặc biệt ở mỗi trường phổ thông dân tộc nội trú, một giáo viên nhạc và một giáo viên hoạ để dạy đủ môn học. Nghiên cứu cải cách nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy môn nhạc, hoạ cho phù hợp với từng đối tượng học sinh phổ thông, học sinh dân tộc nội trú.

4. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các rạp, đội chiếu bóng, đội thông tin lưu động của ngành văn hoá, các đội chiếu Video của ngành giáo dục có kế hoạch phục vụ nhà trường với nội dung phù hợp và giảm 50% giá vé cho học sinh, sinh viên.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá - Thông tin từng bước xây dựng kế hoạch trang bị các phương tiện hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin cho các trường, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú và trong ký túc xã học sinh, sinh viên.

6. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của hai Bộ Văn hoá - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động văn hoá nghệ thuật trong trường học. Hai Bộ đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình của Trung ương và địa phương kịp thời phản ánh mọi hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin của các trường.

7. Trong báo cáo tổng kết hàng năm của các Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hoá - Thông tin cấn có phần đánh giá hoạt động văn hoá nghệ thuật trong khối trường địa phương và trường trung ương đóng trên địa bàn, và phần phương hướng, kế hoạch hoạt động văn hoá nghệ thuật cho năm sau.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá - Thông tin hàng năm xây dựng kế hoạch và ngân sách hoạt động văn hoá nghệ thuật cho khối các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp, phổ thông, mầm non.

9. Ngành Văn hoá - Thông tin và ngành Giáo dục và Đào tạo ở các cấp có trách nhiệm vận động các giới xã hội trong và ngoài nước đóng góp cho hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin trong trường học nhằm mở rộng việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật.

10. Ngành Văn hoá - Thông tin có kế hoạch giúp đỡ việc hình thành, bồi dưỡng và nâng cao hiệu quả của các nhà văn hoá sinh viên các trường đại học, cao đẳng, cả về mặt tài chính, trang thiết bị.

11. Hai ngành kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành một số chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hoá quần chúng ở trường học, đặc biệt là ở vùng miền núi và dân tộc. Hàng năm có đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin trong trường học và toàn xã hội.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO

Để giúp lãnh đạo hai Bộ thực hiện có kết quả thông tư này, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:

1. Thành lập Ban chỉ đạo hoạt động văn hoá nghệ thuật thông tin trong học sinh, sinh viên ở Trung ương gồm:

- Mỗi Bộ cử một đồng chí Thứ trưởng, do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban.

- Đại diện Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương

- Đại diện Ban Khoa giáo Trung ương

- Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội sinh viên Việt Nam.

- Đại diện Văn phòng Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Đại diện Vụ Đào tạo, Vụ Dân tộc, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hoá - Thông tin).

- Đại diện Vụ Công tác chính trị và học sinh, Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Vụ Đào tạo (Bộ Văn hoá - Thông tin) và Vụ Công tác chính trị và học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đại diện thường trực.

Ban chỉ đạo Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thông tư: kiểm tra, đánh giá, lập kế hoạch chương trình và ngân sách hàng năm trình hai bộ duyệt để chỉ đạo trong toàn quốc. Ban chỉ đạo Trung ương mỗi năm họp một lần vào cuối tháng 11 hàng năm.

2. Thành lập Ban chỉ đạo hoạt động văn hoá, nghệ thuật trong trường hoặc ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã bao gồm lãnh đạo cùng cấp của hai ngành văn hoá - thông tin, giáo dục - đào tạo và do lãnh đạo các ngành giáo dục - đào tạo làm Trưởng ban. Ban này có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể xã hội cùng cấp chỉ đạo thực hiện tốt Thông tư này.

3. Ban chỉ đạo cấp tỉnh 6 tháng họp một lần để kiểm điểm và định kỳ kế hoạch công tác cho từng học kỳ.

Hàng năm vào tháng 10, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện thông tư này về Ban chỉ đạo Trung ương.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Các Vụ, Cục Tổng hợp và chuyên ngành của hai bộ như: Văn phòng Bộ, Vụ Đào tạo, Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hoá thông tin cơ sở. Thư viện, Bảo tồn Bảo tàng, Dân tộc, Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin và các Vụ: Vụ Công tác cính trị và học sinh, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài vụ và các Vụ bậc học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Văn hoá - Thông tin, Phòng Giáo dục, Ban Văn hoá giáo dục phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phổ biến, đôn đốc, tạo điều kiện và kiểm tra các trường học thực hiện thông tư này.

3. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ có trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện thông tư này.

Hiệu trưởng các trường mẫu giáo, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học và cao đẳng, kể cả các trường dân lập, tư thục và quốc tế đóng tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

Trần Hoàn

(Đã ký)