Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201-TL/LB

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN NGÀNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 201-TL/LB NGÀY 30 - 10 - 1991 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Căn cứ Luật công ty và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng như sau:

I. ĐĂNG KÝ KINH DOANH CHO TỔ CHỨC TÍN DỤNG:

1- Đối tượng đăng ký kinh doanh: Ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty tài chính cổ phần (nói ở điều 1 của Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính) sau khi được cấp giấy phép hoạt động và giấy phép thành lập (bao gồm tổ chức tín dụng và các chi nhánh của tổ chức tín dụng) đều phải đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính, khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổ chức tín dụng (hoặc chi nhánh) mới đủ tư cách pháp nhân (hoặc đại diện pháp nhân) và mới được tiến hành hoạt động kinh doanh.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh:

2.1. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, Ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty tài chính cổ phần đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép thành lập.

Hồ sơ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp giấy phép thành lập gồm:

- Đơn xin thành lập (theo nội dung nói tại điều 14 chương II Luật công ty);

- Giấy phép hoạt động, kèm theo các quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cấp giấy phép hoạt động, về chuẩn y thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành.

2.2. Sau khi được Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy thành lập, Ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty tài chính cổ phần gửi hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tới Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm 2, mục III, Thông tư 07/TT-ĐKKD, ngày 29-7-1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước.

2.3. Việc nhận, xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính cổ phần theo các quy định tại Thông tư số 07-TT-ĐKKD ngày 29-7-1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước.

II. ĐĂNG KÝ KINH DOANH CHO CHI NHÁNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty tài chính cổ phần gửi cho Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố nơi mở chi nhánh các tài liệu sau:

a. Bản sao (hoặc chụp) giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời xuất trình bản chính các giấy tờ trên cho Trọng tài kinh tế nơi mở chi nhánh;

b. Giấy chứng nhận (bản chính) cho phép mở chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước và giấy chứng nhận (bản chính) cho phép đặt trụ sở chi nhánh của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi mở chi nhánh;

c. Giấy tờ xác nhận (bản chính) quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp trụ sở chi nhánh.

III. LỆ PHÍ

1- Lệ phí

1.1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động, tổ chức tín dụng phải nộp lệ phí bằng 0,2% vốn điều lệ một lần cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố đặt trụ sở chính theo quy định tại điều 7 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.

1.2. Sau khi Tổ chức tín dụng nộp đủ số tiền lệ phí và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền lệ phí này cho các tổ chức sau đây:

- 10% tổng số lệ phí, chuyển cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã cấp giấy phép thành lập;

- 10% tổng số lệ phí; chuyển cho Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- 80% tổng số lệ phí, chuyển về Ngân hàng Nhà nước trung ương.

-Việc sử dụng tiền thu lệ phí phải theo quy định của Bộ Tài chính

2- Lệ phí trên đây không bao gồm chi phí về cấp giấy phép hoạt động, cấp giấy phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các khoản chi phí trên, Tổ chức tín dụng nộp theo quy định của các cơ quan cấp các giấy tờ đó.

3- Khi đăng ký kinh doanh cho chi nhánh của Tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí.

4-Đối với các trường hợp trước đây Tổ chức tín dụng đã nộp đủ lệ phí 0,2% vốn điều lệ, nay phải làm lại thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh. Tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí.

IV. ĐĂNG KÝ KHI THAY ĐỔI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH:

1- Mọi sự thay đổi về tổ chức và nội dung hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc của chi nhánh đều phải khai báo lại với trọng tài kinh tế đã đăng ký kinh doanh.

2- Việc khai báo thay đổi kinh doanh nói trên phải thực hiện theo các quy định nói tại mục IV Thông tư 07/TT-ĐKKD ngày 29-7-1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước.

V. Đối với các tổ chức tín dụng khác chưa nói trong điểm 1, mục I Thông tư này (Đối tượng đăng ký kinh doanh), hồ sơ và thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ có văn bản quy định riêng.

VI. Quá trình thực hiện Thông tư này, có các vướng mắc phát sinh, cần báo cáo về Ngân hàng Nhà nước và Trọng tài kinh tế Nhà nước để có biện pháp giải quyết và hướng dẫn kịp thời.

Chu Văn Nguyễn

(Đã ký)

Đỗ Minh Quý

(Đã ký)