Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/1998/TTLT-BTM-TCHQ

Hà Nội , ngày 31 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 23/1998/TTLT-BTM-TCHQ NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ GIẢI QUYẾT MỘT SỐ THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 

Thi hành Nghị định 12/CP ngày18/02/1997 và Nghị định 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ quy định một số biện pháp khuyến khích và đảm bảo hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam, để tạo thuận lợi vể thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan thống nhất giải quyết một số thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể như sau:

QUY ĐỊNH CHUNG

Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số vấn đề quy định tại Nghị định 12/CP ngày 18/01/1997 và Nghị định 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ thuộc chức năng quản lý nhà nước của hai ngành Thương mại và Hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên hợp doanh trên cơ sở hợp đồng, hợp tác kinh doanh, sau đây gọi tắt là doanh nghiệp.

Bộ Thương mại và các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền duyệt kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu (gồm các Ban quản lý các Khu công nghiệp và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành đã được Bộ thương mại uỷ quyền) được gọi tắt là các cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Về việc xuất nhập khẩu vượt quá trị giá kế hoạch đã duyệt:

a) Đối với hàng hoá thuộc kế hoạch nhập khẩu xây dựng cơ bản miễn thuế nhập khẩu:

i. Một số hàng nhập khẩu để xây dựng cơ bản thuộc vốn đầu tư khó xác định về số lượng, không thể kể chi tiết cụ thể (thường tính theo hệ thống, bộ, lô...), cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu trừ lùi theo trị giá đã duyệt.

ii. Nếu lượng hàng nhập khẩu vượt kế hoạch được duyệt hoặc trị giá thực nhập vượt quá trị giá đã ghi ở kế hoạch được duyệt với mức không quá 10% (nhưng trị giá tuyệt đối không quá 100.000 USD) và nếu doanh nghiẹp chấp thuận nộp thuế nhập khẩu phần chênh lệch so với kế hoạch thì cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu không cần có xác nhận của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu;

Nếu doanh nghiệp đề nghị được miễn thuế nhập khẩu, hoặc trị giá nhập khẩu thực tế vượt 10% so với kế hoạch đã duyệt hoặc trị giá tuyệt đối cao hơn 10.000 USD: phải có văn bản cho phép và xác nhận miễn thuế nhập khẩu của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu cơ quan hải quan mới làm thủ tục nhập khẩu.

b) Đối với hàng hoá thuộc kế hoạch nhập khẩu cho sản xuất kinh doanh:

Trị giá thực nhập vượt trị giá ghi ở kế hoạch được duyệt với mức không quá 10% (nhưng trị giá tuyệt đối không quá 200.000 USD) thì cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu và thực hiện thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành, không cần có xác nhận lại của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

c) Việc xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra theo quy định của GPĐT:

Nếu trị giá thực xuất vượt quá trị giá mặt hàng đó ghi ở kế hoạch được duyệt (không hạn chế về trị giá tuyệt đối) thì cơ quan hải quan là thủ tục xuất khẩu, không cần có xác nhận lại của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

2- Về việc nhập khẩu dụng cụ, phụ tùng chưa có trong kế hoạch được duyệt để sửa chữa, thay thế phần hư hỏng của máy móc thiết bị:

Cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu và thực hiện thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành các mặt hàng này với trị giá không quá 100.000 USD/lần, không cần có xác nhận lại của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

(Lưu ý: dụng cụ phụ tùng nhập khẩu phải là sản phẩm mới)

3- Về việc tạm xuất, tái nhập thiết bị máy móc để sửa chữa

Cơ quan hải quan làm thủ tục đối với việc tạm đưa thiết bị, máy móc (hoặc bộ phận thiết bị máy móc) bị hỏng ra nước ngoài để sửa chữa và tái nhập trở lại chính các thiết bị máy móc (hoặc bộ phận thiết bị máy móc) này sau khi đã sửa chữa xong không cần có văn bản cho phép của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

4- Các điều chỉnh nhỏ cơ quan hải quan được làm thủ tục để doanh nghiệp nhập khẩu, không cần có văn bản cho phép của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu:

i. Đối với nguyên liệu, dụng cụ, phụ tùng, vật tư nhập khẩu có tên hàng, đơn vị tính, chủng loại nhập khẩu thực tế chưa sát với kế hoạch do doanh nghiệp dịch thuật chưa đúng, hoặc do in ấn sai; cơ quan hải quan căn cứ vào bản gốc danh mục nhập khẩu bằng tiếng nước ngoài kèm theo văn bản kế hoạch đã được cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu duyệt để làm thủ tục cho doanh nghiệp nhập khẩu.

ii. Việc thay đổi kích kỡ, mẫu mã các vật tư trang bị (như giường, tủ, bàn ghế, thảm, rèm vv... trừ máy móc thiết bị) cho các dự án dịch vụ (như khách sạn, văn phòng, khu thể thao...) với trị giá không đổi).

5- Về việc tạm nhập, tái xuất, hoặc tạm xuất, tái nhập bao bì:

Việc tạm nhập tái xuất, hoặc tạm xuất tái nhập bao bì cho nguyên liệu nhập khẩu hoặc dùng cho thành phẩm xuất khẩu có tính chất luân chuyển (như lõi sợi, bô bin, hộp đựng chuyên dụng v.v...) do các bên mua bán thoả thuận quy định trong hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu sản phẩm. Cơ quan hải quan làm thủ tục tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất không cần có xác nhận của cơ quan duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu.

6- Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu:

Việc xuất khẩu trả lại nước ngoài những hàng hoá không đúng với quy định ở hợp đồng và nhận lại hàng thay thế; việc nhận lại hành đã xuất khẩu nhưng khách hàng từ chối do không đúng quy đinh của hợp đồng và xuất khẩu hàng thay thế do cơ quan hải quan làm thủ tục, không cần có văn bản xác nhận của cơ quan duyệt kế hoạch.

7- Về việc xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài nhưng hàng không xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, doanh nghiệp được giao trực tiếp cho cơ sở khác trong nước theo chỉ định của người mua nước ngoài:

a. Hàng xuất khẩu:

Hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu cho Công ty nước ngoài phải là sản phẩm được quy định trong GPĐT do chính doanh nghiệp sản xuất ra thuộc kế hoạch xuất khẩu đã duyệt hàng năm (theo Quyết định 0321/1998/QĐ-BTM ngày 14/3/1998 và quyết định số 0625/1998/QĐ-BTM ngày 01/6/1998 của Bộ Thương mại).

b- Doanh nghiệp trong nước nhận hàng cho mục đích sản xuất, kinh doanh:

i. Doanh nghiệp trong nước nhận hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Sản phẩm này phải là nguyên liệu cho tiếp tục sản xuất của doanh nghiệp và thuộc kế hoạch nhập khẩu hàng năm đã được duyệt.

ii. Doanh nghiệp trong nước nhận hàng là doanh nghiệp Việt Nam:

Sản phẩm này có thể là nguyên liệu sản xuất hoặc là hàng hoá phục vụ cho kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với phạm vi kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phù hợp với chính sách quản lý xuất nhấp khẩu và chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu.

iii. Thủ tục:

- Các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu đều phải ký hợp động nhập khẩu sản phẩm với thương nhân nước ngoài.

- Cơ quan hải quan giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành.

c- Doanh nghiệp trong nước nhận sản phẩm để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài:

Việc thực hiện gia công, và thủ tục nhập khẩu theo quy định của nghị định 57/NĐ-CP/1998 ngày 30/7/1998 của Chính phủ và Thông tư số 18/1998/TT-BTM ngày 28/8/1998 của Bộ Thương mại.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

Mai Văn Dâu

(Đã ký)

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)