Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2005/TTLT-BYT-BTS

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2005 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHÂN CÔNG, PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM THUỶ SẢN 

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL – UBTVQH 11 ngày 26 tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Bộ Y tế - Bộ Thủy sản hướng dẫn việc phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản như sau,

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Phạm vi và đối tượng quản lý:

a) Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm thuỷ sản, bao gồm nuôi trồng; khai thác; bảo quản, vận chuyển nguyên liệu về cơ sở sản xuất; chế biến; bảo quản thành phẩm để đưa ra tiêu thụ tại khâu bán buôn đối với thị trường trong nước hoặc xuất khẩu; nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để chế biến; sản phẩm thuỷ sản tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh.

b) Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản trong quá trình lưu thông từ sau khâu bán buôn và tiêu thụ trên thị trường trong nước trên cơ sở công bố tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở chế biến thủy sản và giấy chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Thủy sản.

2.Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Sản phẩm thủy sản sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sống trong nước và lưỡng cư, kể cả trứng và những bộ phận của chúng (trừ các động vật có vú sống trong nước) sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà thành phần của nó có chứa thuỷ sản.

b) Tạm nhập tái xuất hàng hoá thuỷ sảnlà việc thương nhân Việt Nam mua hàng của thương nhân nước ngoài về Việt Nam (không qua quá trình chế biến, đóng gói lại) để bán cho một thương nhân nước ngoài khác, hàng hoá có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua và bán hàng. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

c) Sản phẩm thủy sản nhập khẩu là sản phẩm thủy sản được nhập khẩu để tiêu thụ trực tiếp tại thị trường trong nước mà không qua bất kỳ hoạt động xử lý, chế biến, bao gói lại nào.

d) Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu là thủy sản; thành phẩm; hoặc bán thành phẩm thủy sản được nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến sản phẩm thủy sản.

II. PHÂN CÔNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cho từng thời kỳ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Căn cứ vào chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia trong từng thời kỳ đã được phê duyệt, Bộ Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho lĩnh vực thuỷ sản.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng, trình ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các yêu cầu chung về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; yêu cầu chung về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm. Tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên tham gia chế biến thực phẩm theo quy định của pháp luật.

b) Bộ Thủy sản chủ trì xây dựng, ban hành các quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản; chất lượng, vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thủy sản; tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản cho những đối tượng có liên quan theo phạm vi được phân công tại mục I.1.a phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

3. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản.

a) Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Định kỳ 06 tháng, Bộ Thủy sản thông báo cho Bộ Y tế danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản.

b) Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản tiến hành phúc tra, kiểm tra, thanh tra đột xuất điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sởsản xuất, kinh doanh thủy sản tiêu thụ trong nước.

4. Kiểm tra, chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản:

a) Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống kiểm tra, chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với: sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu để chế biến, sản phẩm thuỷ sản tạm nhập tái xuất (nếu thị trường nhập khẩu có yêu cầu), theo các quy định của pháp luật.

b) Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu tiêu thụ trực tiếp tại thị trường trong nước; Tổ chức hệ thống kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm thuỷ sản tiêu thụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại thị trường trong nước.

5. Quản lý hoá chất, phụ gia dùng cho chế biến thuỷ sản:

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản và các Bộ, Ngành có liên quan quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hoá chất tẩy rửa, khử trùng được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

b) Bộ Y tế kiểm tra, việc đảm bảo thực hiện các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hoá chất tẩy rửa, khử trùng sản xuất trong nước và nhập khẩu để sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

c) Căn cứ các quy định của Nhà nước và kết quả kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hoá chất tẩy rửa, khử trùng trong sản xuất chế biến thực phẩm, Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc áp dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm thuỷ sản.

6. Quản lý hệ thống kiểm nghiệm và hệ thống bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản:

a) Quản lý hệ thống kiểm nghiệm:

Căn cứ yêu cầu chung của Nhà nước, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì xây dựng yêu cầu chung về điều kiện, năng lực và kiểm tra, công nhận đối với các đơn vị tham gia công tác kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Quản lý hệ thống bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản:

- Bộ Y tế ban hành quy định chung về áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Bộ Thủy sản quy định lộ trình áp dụng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản.

7. Công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm thuỷ sản tiêu thụ trong nước:

Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm thủy sản tiêu thụ trong nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Định kỳ 06 tháng một lần, Bộ Y tế thông báo cho Bộ Thủy sản; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho Sở Thuỷ sản/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản về kết quả xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm thủy sản tiêu thụ trong nước.

8. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chương trình và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản.

9. Phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch phòng ngừa, tổ chức cấp cứu điều trị, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thủy sản và các Bộ, Ngành có liên quan khắc phục và giải quyết hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ thủy sản.

c) Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và tổ chức kế hoạch phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thuỷ sản và bệnh truyền qua thực phẩm thủy sản.

10. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

a) Bộ Thủy sản chủ trì thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trong phạm vi được quy định tại mục I.1.a của Thông tư này.

b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.  

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Y tế giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Bộ Thủy sản giao Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Lãnh đạo hai Bộ họp đánh giá kết quả hoạt động trong năm và thống nhất kế hoạch phối hợp công tác trong năm tiếp theo.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Y tế hoặc Bộ Thủy sảnđể liên Bộ kịp thời phối hợp giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Hồng Minh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 



Trịnh Quân Huấn