Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THANH TRA CHÍNH PHỦ-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 2478/2007/TTLT-TTCP-BNV-BTC-BCA

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM THEO NGHỀ THANH TRA ĐỐI VỚI THANH TRA VIÊN CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 63/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 719/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về Thanh tra viên và Cộng tác viên Thanh tra;
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6015/VPCP-VX ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm theo quy định của pháp luật thuộc các tổ chức trong hệ thống Thanh tra Công an nhân dân, gồm:

a) Thanh tra Bộ;

b) Thanh tra Tổng cục;

c) Thanh tra Bộ Tư lệnh Cảnh vệ;

d) Thanh tra Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng;

đ) Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

e) Thanh tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

g) Thanh tra Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Thanh tra viên được bố trí ở nơi không có tổ chức Thanh tra theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 63/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ.

II. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH TRẢ

1. Mức phụ cấp: 15% mức lương cấp hàm, mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thêm thâm niên vượt khung (nếu có) đối với các chức danh quy định tại Mục I Thông tư này.

2. Cách tính trả:

a) Đối tượng quy định tại Mục I của Thông tư này được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm từ tháng nào, thì được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra từ tháng đó. Khi miễn nhiệm cách chức, từ trần hoặc thôi giữ chức danh theo quy định tại Mục I Thông tư này từ tháng nào thì thôi hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra từ tháng tiếp theo;

b) Phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng; đối tượng thuộc đơn vị nào thì đơn vị đó chi trả và hạch toán theo quy định tại mục lục ngân sách Nhà nước áp dụng đối với lực lượng Công an nhân dân;

c) Công thức tính:

Phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra = [(Hệ số lương + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) x lương tối thiểu chung tại thời điểm được tính hưởng phụ cấp] x 15%.

Ví dụ: Tháng 11/2007, đồng chí A là Chánh Thanh tra Công an tỉnh T, cấp bậc Thượng tá (hệ số lương 7,3), hệ số phụ cấp chức vụ 0,7

Đồng chí A được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra như sau:

[(7,3 + 0,7) x 450.000đ/tháng] x 15% = 540.000đ/tháng.

3. Trường hợp đối tượng quy định tại Mục I Thông tư này bố trí ở các lực lượng có quy định phụ cấp đặc thù, thì được chọn một mức phụ cấp cao hơn để hưởng (phụ cấp đặc thù lực lượng hoặc phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra).

4. Đối tượng quy định tại Mục I Thông tư này không hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra trong các trường hợp sau:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

b) Thời gian đi học tập trung trong nước tại các cơ sở đào tạo từ 03 tháng liên tục trở lên;

c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên;

d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

đ) Thời gian bị đình chỉ công tác.

5. Phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân trên đây không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

III. NGUỒN KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân do ngân sách Nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Công an theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân theo quy định của Thông tư này.

Riêng năm 2007, Bộ Công an cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước đã được giao để thanh toán, chi trả.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên Công an nhân dân được tính hưởng kể từ ngày Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về Thanh tra viên và Cộng tác viên Thanh tra có hiệu lực thi hành (ngày 22 tháng 7 năm 2007).

3. Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân theo quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh Công an các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an để phối hợp liên bộ nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Hữu Thắng

KT. TỔNG THANH TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA




Lê Tiến Hào

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
THƯỢNG TƯỚNG




Nguyễn Khánh Toàn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá