BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2003/TTLT-BGTVT-BQP | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2003 |
Căn cứ các Điều 48, Điều 50, Điều 52 và Điều 56 Luật Giao thông đường bộ số 26/2001/QH10 ngày 29/6/2001;
Căn cứ Điều 19 và Điều 21 Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải và căn cứ Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 5/7/1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng;
Xét tính chất đặc thù về tính năng, đặc điểm kết cấu của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý,
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn việc quản lý các loại xe quân sự và người điều khiển xe quân sự khi tham gia giao thông như sau:
1.1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thông tư này được áp dụng đối với:
a) Các loại xe quân sự, người điều khiển xe quân sự (sau đây gọi là người lái xe) khi tham gia giao thông.
b) Các cơ quan chức năng của Nhà nước trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với xe quân sự tham gia giao thông.
1.2. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý bao gồm xe phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng (sau đây gọi là xe quân sự) và xe làm nhiệm vụ kinh tế ở các doanh nghiệp quân đội.
2. Quy định đối với xe quân sự khi tham gia giao thông
2.1. Xe quân sự khi tham gia giao thông phải có: giấy chứng nhận đăng ký, biển số đăng ký, tem kiểm định, giấy phép lưu hành, giấy công tác xe do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp.
2.2. Xe quân sự và người lái xe khi tham gia giao thông phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm tra xe quân sự và lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong phạm vị nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định hiện hành.
2.3. Xe quân sự bánh xích khi tham gia giao thông trong điều kiện bình thường phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và phải có các biện pháp bảo vệ cầu đường, bảo đảm an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
2.4. Xe quân sự siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trong điều kiện bình thường phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và phải có các biện pháp bảo vệ cầu đường, bảo đảm an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
2.5. Xe quân sự dùng để dạy lái xe dân sự phải tuân theo các quy định về đào tạo lái xe của Bộ Giao thông vận tải.
3. Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe quân sự
3.1. Xe quân sự khi tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Việc kiểm định xe được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
3.2. Bộ Quốc phòng ban hành tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe quân sự phù hợp với đặc điểm kết cấu, điều kiện sử dụng xe trong quân đội; phù hợp với tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Các trung tâm kiểm định, trạm kiểm định thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm dán tem kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các xe quân sự đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau khi kiểm định.
4. Tổ chức đào tạo lái xe, cấp và đổi giấy phép lái xe
4.1. Bộ Quốc phòng ban hành chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo lái xe quân sự cho các đối tượng là quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
4.2. Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế thi cấp giấy phép lái xe quân sự, áp dụng cho tất cả các hội đồng thi cấp giấy phép lái xe quân sự trong toàn quân, tổ chức quản lý và thi cấp giấy phép lái xe quân sự cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công chức quốc phòng đã dự thi và trúng tuyển trong các kỳ thi cấp giấy phép lái xe quân sự.
4.3. Người có giấy phép lái xe dân sự hợp lệ, còn hiệu lực khi phục vụ trong quân đội theo chế độ hợp đồng lao động được phép điều khiển loại xe cùng hạng ghi trong giấy phép lái xe đối với xe làm nhiệm vụ kinh tế ở các doanh nghiệp quân đội.
4.4. Quy định về đổi giấy phép lái xe
4.4.1. Nguyên tắc chung
a) Giấy phép lái xe quân sự được đổi tương đương sang giấy phép lái xe dân sự và ngược lại.
b) Việc đổi và sử dụng giấy phép lái xe phải đúng đối tượng, đúng mục đích. Giấy phép lái xe được đổi phải là giấy phép lái xe hợp lệ, còn hiệu lực và thực hiện đổi ngang hạng ghi trong giấy phép lái xe.
4.4.2. Đổi giấy phép lái xe quân sự sang giấy phép lái xe dân sự
a) Quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ có giấy phép lái xe quân sự hợp lệ, còn hiệu lực do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt khi đổi sang giấy phép lái xe dân sự phải có công văn đề nghị của cấp có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng.
b) Quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công chức quốc phòng có giấy phép lái xe quân sự hợp lệ khi thôi phục vụ trong quân đội (kể cả người được nghỉ hưu theo chế độ), còn đủ các điều kiện về độ tuổi và sức khoẻ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Bộ luật lao động được đổi sang giấy phép lái xe dân sự cùng hạng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi phục vụ trong quân đội.
c) Hồ sơ đổi giấy phép lái xe quân sự sang giấy phép lái xe dân sự gồm:
- Đơn xin đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định của Bộ Giao thông vận tải;
- Quyết định thôi phục vụ trong quân đội do thủ trưởng cấp Trung đoàn và tương đương trở lên ký (bản pho tô có công chứng Nhà nước);
- Giấy giới thiệu của cục Quản lý xe - máy hoặc cơ quan quản lý xe - máy cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng và tương đương;
- Giấy phép lái xe quân sự hợp lệ, còn hiệu lực;
- Giấy chứng nhận sức khoẻ của người điều khiển xe cơ giới đường bộ theo quy định;
- 3 ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư.
4.4.3. Đổi giấy phép lái xe dân sự sang giấy phép lái xe quân sự
a) Người có giấy phép lái xe dân sự hợp lệ, còn hiệu lực trước khi được giao điều khiển xe quân sự phải thực hiện thủ tục đổi sang giấy phép lái xe quân sự (trừ đối tượng được nêu tại khoản 4.3 của Thông tư này).
b) Hồ sơ đổi giấy phép lái xe dân sự dang giấy phép lái xe quân sự gồm:
- Đơn xin đổi giấy phép lái xe theo mẫu của Cục quản lý xe - máy, Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng.
- Quyết định nhập ngũ, tuyển dụng của cấp có thẩm quyền (bản phô tô có công chứng nhà nước);
- Công văn đề nghị và giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bổ túc lái xe quân sự của cơ quan Quản lý xe - máy cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng và tương đương.
- Giấy phép lái xe dân sự hợp lệ, còn hiệu lực;
- 3 ảnh chụp theo kiểu chứng minh quân đội, cỡ 2 x 3 cm.
5.1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 2065/TTLB-GTVT-QP ngày 23 tháng 10 năm 1995 của Liên Bộ Giao thông vận tải - Quốc phòng về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
5.2. Các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và thường xuyên thông báo cho nhau về kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, yêu cầu phản ảnh kịp thời về hai Bộ để cùng xem xét, giải quyết.
Nguyễn Huy Hiệu (Đã ký) | Trần Doãn Thọ (Đã ký)
|
- 1 Nghị định 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 2 Nghị định 14/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật giao thông đường bộ
- 3 Luật Giao thông đường bộ 2001
- 4 Nghị định 36-CP năm 1995 về việc bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị