Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI XÂY DỰNG DANH MỤC THIẾT BỊ DẠY NGHỀ TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP NGHỀ, TRUNG CẤP NGHỀ, CAO ĐẲNG NGHỀ

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dạy nghề về trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định nội dung và mức chi xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề như sau:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề theo Quyết định số 241/QĐ-LĐTBXH ngày 12/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành danh mục thiết bị dạy nghề cho từng nghề theo ba trình độ đào tạo.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí chi hoạt động xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung và mức chi cho việc xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề

1. Đối với danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề: thực hiện theo quy định tại khoản 5.3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, thông tư này quy định bổ sung thêm một số nội dung chi như sau:

- Lấy ý kiến (chuyên gia) góp ý về danh mục thiết bị dạy nghề, trình độ sơ cấp nghề: 100.000 đồng/01 mô đun/01 chuyên gia.

- Nhận xét, đánh giá của Hội đồng thẩm định, trình độ sơ cấp nghề: 800.000 đồng/01 mô đun/01 hội đồng".

2. Đối với danh mục thiết bị dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề:

a) Chi cho các hoạt động hội thảo, tập huấn; điều tra khảo sát; xây dựng tài liệu báo cáo, tổng hợp, đề cương chi tiết để xây dựng danh mục thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Nội dung và mức chi đặc thù cho việc xây dựng danh mục thiết bị nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư này.

c) Chi thẩm định danh mục thiết bị dạy nghề của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập.

- Lấy ý kiến (chuyên gia) góp ý về danh mục thiết bị dạy nghề, trình độ trung cấp nghề: 100.000 đồng/01 mô đun/01 chuyên gia.

- Lấy ý kiến (chuyên gia) góp ý về danh mục thiết bị dạy nghề, trình độ cao đẳng nghề: 120.000 đồng/01 mô đun/01 chuyên gia;

- Nhật xét, đánh giá của Hội đồng thẩm định trình độ trung cấp nghề: 1.000.000 đồng/01 mô đun/01 hội đồng;

- Nhận xét, đánh giá của Hội đồng thẩm định trình độ cao đẳng nghề: 1.500.000 đồng/01 mô đun/01 hội đồng".

Điều 4. Lập, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

Việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề theo 3 trình độ đào tạo nghề được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

a) Căn cứ vào kế hoạch công tác xây dựng danh mục thiết bị các nghề trong năm, Tổng cục Dạy nghề thành lập các Ban chủ nhiệm xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định tại Quyết định số 241/QĐ-LĐTBXH ngày 12/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành danh mục thiết bị dạy nghề cho từng nghề, theo 3 cấp trình độ đào tạo.

b) Căn cứ vào yêu cầu về nội dung, khối lượng công việc liên quan đến việc xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề, các định mức kinh tế - kỹ thuật do các Bộ, ngành chức năng ban hành (Trường hợp không có định mức kinh tế - kỹ thuật thì cần thuyết minh cụ thể) và nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này, các Ban chủ nhiệm xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề lập dự toán gửi Tổng cục Dạy nghề.

c) Tổng cục Dạy nghề chịu trách nhiệm kiểm tra và tổng hợp dự toán xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp vào dự toán chung hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

d) Xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề được thực hiện thông qua hình thức ký hợp đồng giữa Tổng cục Dạy nghề với Ban chủ nhiệm. Chứng từ làm căn cứ thanh toán, quyết toán được lưu tại Tổng cục Dạy nghề gồm: Hợp đồng xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề được ký giữa Tổng cục Dạy nghề và Ban chủ nhiệm (kèm theo dự toán chi tiết được Tổng cục Dạy nghề phê duyệt); biên bản nghiệm thu công việc; biên bản thanh lý hợp đồng; ủy nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu liên quan (nếu có); các hóa đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể theo quy định hiện hành.

đ) Ban chủ nhiệm xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng đối với các danh mục thiết bị dạy nghề được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các chế độ chi tiêu tài chính theo quy định.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2011.

2. Các đơn vị trong năm 2010 đã chi xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề được áp dụng các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này và quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán năm 2010 đã được cấp có thẩm quyền giao.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để hướng dẫn thực hiện.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Phi

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở KHĐT, Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị thuộc BTC, Bộ LĐTBXH;
- Lưu VT: BTC, BLĐTBXH.

 

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI XÂY DỰNG DANH MỤC THIẾT BỊ DẠY NGHỀ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ VÀ CAO ĐẲNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 28/2/2011 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Nội dung chi

Mức chi cho 01 mô đun (MĐ), môn học (MH)

Theo số lượng thiết bị trong từng MĐ, MH

Số lượng thiết bị cho một MĐ, MH < 10

Số lượng thiết bị cho một MĐ, MH >= 10 và < 20

Số lượng thiết bị cho một MĐ, MH >=20

TCN

CĐN

TCN

CĐN

TCN

CĐN

1

Rà soát lại và hoàn thiện các đề xuất về dụng cụ và trang thiết bị đã nêu trong chương trình đào tạo

100

150

150

200

200

250

2

Xác định danh mục thiết bị dạy nghề theo từng môn học, mô-đun

200

250

250

300

300

350

3

Xác định yêu cầu sư phạm cho từng thiết bị trong từng môn học, mô-đun

300

350

350

400

450

500

4

Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của từng thiết bị trong từng môn học, mô-đun

400

450

550

600

650

700

5

Xác định số lượng thiết bị tối thiểu cho từng thiết bị trong từng môn học, mô-đun

450

500

550

600

650

700

6

Tổng hợp danh mục thiết bị tối thiểu cho các môn học, mô-đun bao gồm:

6.1

Chuẩn tên gọi (chủng loại) thiết bị

100

150

100

150

100

150

6.2

Xác định số lượng tối thiểu cho tất cả các môn học, mô-đun

450

500

450

500

450

500

6.3

Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của thiết bị (đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của tất cả môn học, mô-đun).

850

900

850

900

850

900

7

Biên soạn danh mục thiết bị dạy nghề

250

300

250

300

250

300

8

Sửa chữa, biên tập tổng thể

250

300

250

300

250

300