| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28-TC/VP | Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 1979 |
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAMSỐ 8-TC/VP NGÀY 5 THÁNG 5 NĂM 1979
Hướng dẫn thi hành quyết định số 114/CP ngày 14/3/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc xử lý hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam
Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 114-CP ngày 14/03/1979 về việc xử lý hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam.
Liên Bộ Tài Chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn dưới đây chi tiết thi hành quyết định nói trên.
I. VỀ VẤN ĐỀ QUỐC HỮU HOÁ TOÀN BỘ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CỦA CHẾĐỘ CŨ:
1. Yêu cầu của việc quốc hữu hoá toàn bộ hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ đề ra công tác dưới đây:
a. Kiểm tra lại từng tài khoản của từng Ngân hàng của chế độ cũ, xác định rõ giá trị của mỗi tài khoản đến ngày 30/4/1975 teo tài liệu kế toán: kết hợp kiểm tra sổ sách với kiểm kê hiện vật mà phân tích và xác định rõ giá trị tài sản thực còn lại của từng tài khoản của từng Ngân hàng.
Đối với mỗi Ngân hàng Thương mại tư nhân trong nước, mỗi Ngân hàng của tư bản nước ngoài, mỗi Ngân hàng công lập cũ, mỗi Ngân hàng nông thôn và đối với Ngân hàng Quốc gia ngụy, phải lập một biên bản riêng, phân tích và kết luận rõ ràng giá trị của từng tài khoản theo sổ sách kế toán đã được kiểm tra, và số tài khoản thực còn lại về cả 2 mặt; giá trị và hiện vật, ở hội sở trung ương cũng như ở từng chi nhánh của Ngân hàng đó ở địa phương (nếu có).
Trong việc xác định giá trị tài sản thực còn lại của mỗi Ngân hàng cũ, cần chú ý đến thực tế tình hình xảy ra là phần lớn tài sản của nhiều Ngân hàng cũ đã bị giai cấp tư sản cướp đoạt trước và ngay sau ngày giải phóng miền Nam; nhiều khách hàng còn nợ vay Ngân hàng đã trốn chạy ra nước ngoài; nhiều cơ sở kinh tế của bọn tư sản mai bản, ngụy quân, ngụy quyền có liên quan đến các khách nợ vay các Ngân hàng cũ đã thuộc diện tài sản Nhà nước tịch thu...
b. Trên cơ sở kết quả xác định giá trị và hiện vật của số tài sản thực còn lại của từng Ngân hàng cũ, phải lập phương án xử lý và sử dụng tàI sản.
c. Sau khi hoàn thành công việc kiểm tra tài sản và lập phương án đề nghị xử lý số tài sản thực còn lại của từng Ngân hàng cũ, phải làm báo cáo tổng hợp kết quả của công tác kiểm tra tài sản của toàn bộ hệ thống Ngân hàng cũ ở miền Nam Việt Nam.
d. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bàn bạc với Bộ Tài chính quyết định việc xử lý số tài sản thực còn lại của các Ngân hàng cũ và tổ chức thực hiện việc xử lý cụ thể số tài sản Ngân hàng cũ được quốc hữu hoá.
đ. Đối với các Ngân hàng của người nước ngoài, biên bản kiểm tra, phương án xử lý số tài sản thực còn lại, và báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý tài sản phải lập riêng cho từng Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyền trữ sổ tài sản nói trên, trong khi chờ đợi quyết định của Chính phủ.
e. Công việc kiểm tra và xử lý tài sản các Ngân hàng cũ phải hoàn thành trong năm 1979.
2. Việc kiểm tra và xử lý tài sản của các hội sở Trung ương của các Ngân hàng cũ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện.
Đối với các chi nhánh các Ngân hàng cũ đặt ở các nơi, thì uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra tài sản và việc xử lý cụ thể tài sản của các chi nhánh đó theo quyết định xử lý của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở thành phố hoặc tỉnh phối hợp với cơ quan Tài chính cung cấp trực tiếp tiến hành công tác kiểm tra tài sản các chi nhánh Ngân hàng cũ trong tỉnh hoặc thành phố, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, ngoài trách nhiệm trực tiếp kiểm tra và xử lý tài sản của các hội sở Trung ương của các Ngân hàng cũ, phải đôn đốc, theo dõi công tác kiểm tra tài sản của các chi nhánh Ngân hàng cũ ở các địa phương và xét duyệt phương án đề nghị xử lý tài sản của các chi nhánh đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kết quả kiểm tra và xử lý tài sản theo từng Ngân hàng cũ, bao gồm tài sản ở hội sở Trung ương, tài sản ở các chi nhánh ở địa phương, và tổng hợp kết quả kiểm tra và xử lý tài sản của toàn bộ hệ thống Ngân hàng cũ để báo cáo với Chính phủ.
3. Các Ban điều hành và các tổ chức đã được thành lập trước đây để làm công việc thanh lý các Ngân hàng cũ, nay có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu để phục vụ yêu cầu kiểm tra và bàn giao đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và quản lý.
Đối với công nhân, viên chức của hệ thống Ngân hàng cũ làm việc trong các tổ chức nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào chính sách đối với công nhân, viên chức trong bộ máy ngụy quyền cũ, mà xử lý và giải quyết, hạn cuối cùng là cuối tháng 9/1979. Từ ngày 01/05/1979 đến cuối tháng 9/1979, trong thời gian chờ giải quyết, lương và phụ cấp của những người đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm ứng và được thanh toán riêng; sau khi kết thúc, sẽ trích vào tài khoản tiền gửi của các Ngân hàng cũ để thanh toán.
II. VIỆC THU HỒI CÁC KHOẢN KHÁCH HÀNG NỢ CÁC NGÂN HÀNG CŨ:
1. Tất cả các khách hàng còn nợ vay đến ngày 30/04/1975 của các Ngân hàng cũ (kể cả Ngân hàng công và Ngân hàng nông thôn) không phân biệt khách hàng là cá nhân hay tổ chức, người Việt Nam hay người nước ngoài, đều phải thanh toán sòng phẳng các khoản nợ đó cho Nhà nước.
2. Người vay phải trả đủ vốn và lãi, mức lãi suất trước và sau ngày 30/4/1975 đều áp dụng lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Kể từ sau ngày 30/4/1975 trở đi, nếu có những khoảng thời gian mà khách nợ thực sự ngừng sản xuất kinh doanh, được chính quyền địa phương xác nhận thì được xét miẽn trả lãi trong khoảng thời gian đó. Trường hợp bị thiên tai dịch hoạ có thể xét miễn trả lãi. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố ngay chủ trương thu hồi hợ và chưa công bố chủ trương miễn giảm nợ nói trong thông tư này.
Đối với các xí nghiệp, Công ty nay đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc xí nghiệp quốc doanh thì khoản lãi quyết định của Nhà nước chuyển cơ sở đó thành xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc quốc doanh.
3. Khách nợ là tư nhân thì bản thân người ấy phải trả đủ nợ; nếu đã chết hoặc vắng mặt thì người bảo lãnh nợ phải trả; nếu có người thừa kế tìa sản thì người thừa kế phải trả nợ.
Khách nợ là Xí nghiệp tư nhân thì chủ Xí nghiệp phải trả nợ.
Khách nợ là Công ty Cổ phần thì Hội đồng quản trị của Công ty đó chịu trách nhiệm trả nợ.
Đối với khách nợ là xí nghiệp hoặc Công ty nay đã trở thành Xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc xí nghiệp quốc doanh thì thi hành đúng quy định tại điểm 2, quyết định 114-CP ngày 14/3/1979 của Hội đồng Chính phủ:
"Nếu bên vay là xí nghiệp hoặc Công ty nay đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh thì khoản nợ Ngân hàng cũ coi như vốn Nhà nước đầu tư; nếu đã trở thành Xí nghiệp quốc doanh thì khoản nợ Ngân hàng cũ coi như vốn Nhà nước cấp". Những khoản vốn này và tất cả các nguồn vốn khác, phải được phản ánh đầy đủ trong tài sản cố định và tài sản lưu động của các xí nghiệp. Tài sản chính và Ngân hàng Nhà nước phải hướng dẫn và kiểm tra các xí nghiệp trong việc kiểm kê, quản lý và sử dụng tài sản và vốn có hiệu quả.
4. Khách nợ có tài sản gửi trong tủ sắt ở Ngân hàng cũ: Tài sản gửi trong tủ sắt do Uỷ ban nhân dân thành phố, hoặc tỉnh quyết định xử lý: nếu tài sản được trưng mua, mua lại, thì khách nợ phải dùng số tiền thu được ấy để trả nợ. Nếu số tiền ấy không đủ trả nợ thì phải bù thêm cho đủ; nếu thừa thì gửi vào tài khoản ở Ngân hàng hoặc quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa hoặc được rút một phần bằng tiền mặt theo chính sách hiện hành.
Nếu khách nợ được xét chiếu cố chi trả tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng cũ theo quyết định 114-CP của Hội đồng Chính phủ thì khách nợ phải ưu tiên dành tiền này để trả nợ.
Nếu khách nợ có hàng thế chấp, tín chấp thì Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan Tài chính kiểm tra lại việc thanh toán nợ cũ, kiểm tra tính hợp pháp của việc sử dụng hàng thế chấp tín chấp; thu hồi các khoản nợ, khoản thuế còn đọng, quyết định xử lý trong trường hợp cần thiết hoặc nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì lập hồ sơ truy tố trước Toà án.
Nếu các cơ quan Nhà nước đã trưng mua hay thu mua số hàng thế chấp tín chấp của khách nợ thì khách nợ được dùng số tiền thu được về bán hàng đó để trả nợ. Nếu hàng hoá đó bị tịch thu thì khách nợ phải dùng tài sản khác để thanh toán nợ.
Nếu khách nợ dùng đất đai, nhà cửa để thế chấp khi vay nợ Ngân hàng cũ thì Ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính, Ban cải tạo Công thương nghiệp tư sản tự doanh, cơ quan quản lý nhà đất mà xử lý đúng chính sách cảI tạo xã hội chủ nghĩa và theo cách giai quyết đối với hàng hoá thế chấp tín chấp như trên.
5. Khách nợ vay tiền của Ngân hàng cũ ở địa phương nào thì nay phải trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước ở địa phương đó.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra lại sổ sách tài liệu của các Ngân hàng cũ, xác minh rõ và lập hồ sơ về từng khách hàng còn nợ; phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân tỉnh, xác minh rõ địa chỉ cư trú hiện tại của từng khách nợ và tổ chức việc thu nợ.
6. Nhà nước xét chiếu cố miễn hoặc giảm nợ vay Ngân hàng cũ cho những người có công với cách mạng, những người thuộc t6hanhfphaanf nhân dân lao động không làm tay sai cho địch, không chống phá cách mạng, đời sống hiện nay có khó khăn.
Việc xét giảm hoặc miễn nợ này căn cứ vào hoàn cảnh của từng người: mục đích vay nợ Ngân hàng cũ, kết quả sử dụng số tiền vay Ngân hàng cũ, số nợ nhiều hay ít, hoàn cảnh sinh sống hiện nay có khó khăn nhiều hay ít...; nếu là người có công với cách mạng thì xem xét thêm quá trình hoạt động của mỗi người; trên cơ sở đó mà xét, hoặc giảm 50%, 75% số vốn và lãi phải nộp hoặc miễn hoãn nợ cho đương sự.
Khách nợ được xét miễn, giảm nợ phải được Uỷ ban Nhân dân phường, xã, dựa vào ý kiến của các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, xác nhận là đối tượng được chiếu cố.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan Tài chính xã, quận, huyện xem xét, từng trường hợp, lập danh sách khách nợ được xét chiếu cố và đề nghị với Uỷ ban nhân dân thị xã, quận, huyện xem xét và quyết định, sau khi danh sách nói trên được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan Tài chính cấp tỉnh, thành phố thông qua.
7. Để việc thu nợ đạt kết quả, phải nắm chắc cơ sở kinh tế, tình hình tài sản của khách nợ; chú ý những trường hợp người có nợ phân tán, che dấu tài sản bằng nhiều thủ đoạn. Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Tài chính cần phối hợp với các ngành có liên quan đi sâu điều tra, xem xét kỹ những vụ khách nợ chây ỳ, ngoan cố, dùng nhiều thủ đoạn phân tán tài sản, trốn tránh trả nợ... để có biện pháp xử lý thích đáng; trường hợp nghiêm trọng thì lập hồ sơ đưa truy tố trước pháp luật nhằm thu hồi đầy đủ số nợ phải thu.
Việc xử lý các khoản nợ của các Ngân hàng cũ phải hoàn thành trong năm 1979.
III. VIỆC XỬ LÝ CÁC KHOẢN TIỀN GỬI Ở CÁC NGÂN HÀNG CŨ:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố quyết định của Hội đông Chính phủ đình chỉ việc chi trả các khoản tiền gửi hiện có số dư ở tài khoản các Ngân hàng cũ.
Việc đình chỉ chi trả này áp dụng đối với mọi loại tiền gửi: tiền gửi ký thác định kỳ, hoạt kỳ, tiền gửi tiết kiệm; tiền hưu trí, tiền thưởng của công nhân, nhân viên cũ v.v... và áp dụng đối với tất cả các loai chi phiếu (chèques) do các Ngân hàng cũ phát hành. Việc đình chỉ chi trả này thi hành đối với tất cả các Ngân hàng tư nhân, Ngân hàng nông thôn, Ngân hàng công lập của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam trước đấy.
Việc đình chỉ chi trả này áp dụng cho mọi trường hợp, kể cả những trường hợp chi trả trước đây cho sinh hoạt, chi trả cho các trường hợp đặc biệt (ốm đau, sinh đẻ, tang ma, cưới xin), chi trả cho những người trong nước và người nước ngoài được phép xuất cảnh.
Việc đình chỉ chi trả này áp dụng cả đối với các tài khoản tiền gửi tư nhân có nguồn gốc là tiền gửi của tư nhân ở các Ngân hàng cũ trước 30/4/1975 được Ngân hàng Nhà nước chuyển thành tiền gửi tư nhân ở các Ngân hàng thị xã, quận, huyện trong đợt thanh lý Ngân hàng vừa qua.
Khi kiểm tra tài sản của các Ngân hàng cũ, phải xem xét khi xác định cụ thể nội dung, kết cấu của tài khoản này và phong toả tài khoản, lập phương án đề nghị xử lý căn cứ vào quyết định 114-CP của Hội đồng Chính phủ để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bàn bạc với Bộ Tài chính quyết định.
2. Nhà nước xét chiếu cố những người có công với Cách mạng, những người thuộc thành phần nhân dân lao động không làm tay sai cho địch, không chống phá Cách mạng, có số dư tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng cũ đến ngày 30/4/1975 và chưa được chi trả trong các đợt thanh lý trước đây.
Dưới chế độ ngụy trước kia, 33% tiền gửi tư nhân bắt buộc phải dùng để mua công khổ phiếu; 10% phải ký gửi vào Ngân hàng Quốc gia ngụy để chi cho ngân sách chiến tranh; nhiều trường hợp, tài sản của các Ngân hàng cũ lại bị các chủ Ngân hàng cướp đoạt trước khi chạy trốn; số vốn cho vay của các Ngân hàng cũ phần lớn đã bị phá sản. Vì vậy, những người được chiếu cố nói trên đây được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xét cấp một khoản tiền bằng từ 30% đến 60% số dư tiết kiệm đến 30/4/1975; khoản tiền được cấp này nhiều nhất là 500đ. Đương sự có thể được cấp số tiền nói trên bằng tiền mặt hoặc gửi tiền đó vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa để rút dần.
Mức tiền cấp cho các đối tượng được chiếu cố nói trên đây được quyết định cho từng trường hợp, căn cứ vào việc xem xét hoàn cảnh của từng người; nguồn gốc số tiền gửi tiết kiệm trước đây; hoàn cảnh sinh sống của người đó hiện nay...; nếu là người có công với Cách mạng thì xét thêm quá trình hoạt động của người đó.
Trường hợp một người có nhiều trương mục tiền gửi tiết kiệm ở một hoặc nhiều Ngân hàng cũ thì gộp chung các trương mục lại để xét giải quyết theo người gửi, không giải quyết theo từng trương mục tiền gửi tiết kiệm.
Trường hợp đương sự có nợ vay Ngân hàng cũ hoặc thiếu thuế Nhà nước thì số tiền được cấp phải ưu tiên cùng để trả nợ, nộp thuế; nếu còn thừa tiền thì được nhận số tiền còn lại theo mức đã nói ở trên.
Đối với các trường hợp người có tiền gửi thuộc đối tượng được xét chiếu cố đã được chi trả trong các đợt thanh lý trước đây nhưng số tiền được chi trả trong các đợt thanh lý trước đây nhưng số tiền được chi trả chưa đạt tới mức quy định trong thông tư này thì nay cũng được xét giải quyết theo quy định trong thông tư này.
3. Những đối tượng được chiếu cố nói trên phải có đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh là có tài khoản tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng cũ và chưa được chi trả hoặc đã được chi trả nhưng dưới mức quy định tại thông tư này trong các đợt thanh lý trước đây, và phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường đưa vào ý kiến của các đoàn thể quần chúng hoặc tổ dân phố, xác nhận là đối tượng cần được chiếu cố.
Ngân hàng Nhà nước thị xã, huyện, quận ở nơi người đó gửi tiền trước đây, phối hợp với cơ quan Tài chính cung cấp xét và đề nghị Uỷ ban nhân dân thị xã, huyện, quận quyết định. Ngân hàng Nhà nước và cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố cần có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ việc xét các trường hợp được chiếu cố này, đề phòng những thiếu sót có thể xảy ra: quá khắt khe trong việc xác định đối tượng cần được chiếu cố, hoặc lỏng lẻo ban ơn.
Nguồn vốn để cấp tiền cho các đối tượng nói trên đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, tạm trích từ tài khoản tiền gửi của các Ngân hàng tư tại Ngân hàng Thành phố. Đối với các tỉnh khác, vốn vay trích từ nguồn tiền gửi của Ban thanh lý hiện có ở Ngân hàng Nhà nước thị xã. Liên Bộ sẽ hướng dẫn quyết toán sau.
4. Ngoài các đối tượng được chiếu cố nói trên đây, đối với các trường hợp khác, nếu xét cần có sự chiếu cố đặc biệt thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố xét và quyết định với sự thoả thuận của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Ngân hàng Nhà nước và cơ quan tài chính có kế hoạch kiểm tra lại những trường hợp rút tiền gửi trước đây, phát hiện những vụ vi phạm chính sách, chủ trương của Nhà nước và có biện pháp xử lý thích đáng.
IV. XỬ LÝ TÀI SẢN GỬI TRONG TỦ SẮT CÁC NGÂN HÀNG CŨ:
1. Việc xử lý tài sản gửi trong tủ sắt các Ngân hàng cũ ở nơi nào thì Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố nơi có Ngân hàng đó, căn cứ vào quyết định 114-CP của Hội đồng Chính phủ và quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vàng bạc, kim khí quý, đá quý để xét và quyết định.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lập Hội đồng xử lý tài sản gửi trong tủ sắt của Ngân hàng cũ, gồm: đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố làm chủ tịch Hội đồng vfa đại diện 3 ngành: Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và Công an để giúp việc cho Uỷ ban trong công tác xử lý này.
Hội đồng này làm việc theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ban chỉ đạo xử lý các Ngân hàng cũ và triển khai công việc theo hai bước:
Bước 1: Xem xét từng hồ sơ và biên bản mở tủ sắt do Hội đồng xử lý tủ sắt và Ngân hàng Nhà nước đã lập trước đây: lập phương án đề nghị xử lý tài sản cho từng trường hợp; theo đúng quyết định 114-CP của Hội đồng Chính phủ và các chính sách chế độ hiện hành có liên quan (chính sách thống nhất quản lý vàng, bạc, kim khí, đá quý; thể lệ trưng thu, trưng mua...). Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố xét phương án xử lý và quyết định.
Bước 2: Hội đồng triển khai việc thực hiện quyết định xử lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố.
3. Toàn bộ số tài sản hiện vật gửi trong tủ sắt của các Ngân hàng cũ đã được kiểm kê, phải được giao cho các cơ quan chức năng, theo phương án xử lý được duyệt. Cụ thể là:
Đối với vàng, bạc, kim khí, đá quý thuộc diện bị tịch thu hoặc trưng thu, trưng mua thì bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận đưa vào kho của Nhà nước. Việc thử "tuổi vàng" hoặc xác định chất lượng kim khí quý, ngọc... do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thực hiện theo đúng chế độ, thể lệ hiện hành của Nhà nước.
Đối với số vàng, bạc... vì còn thiếu tài liệu hoặc phải chờ chính sách nên chưa lập được phương án xử lý, thì hiện vật tài sản đã kiểm kê phải giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa vào giữ. Sau này, khi tập hợp được đầy đủ tài liệu hoặc có chính sách xử lý cụ thể của Nhà nước thì các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập phương án xử lý để Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc tỉnh xét và quyết định thi hành.
Về đồ vật có giá khác, như đồng hồ, bút máy, máy ảnh... tịch thu, trưng thu, mua lại thì giao cho các ngành kinh doanh như Công ty Du lịch, Nội thương tiếp nhận để bán giá cao, hoặc bán thu ngoại tệ...
Cần chú ý phương thức tiêu thụ, giá cả tiêu thụ loại hàng này, sao cho có lợi nhất; phòng ngừa hiện tượng lợi dụng, tiêu thụ và phân phối hàng riêng trong nội bộ ngành tiếp nhận hàng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan: Tài Chính - Vật giá - Ngân hàng Nhà nước - Ngành kinh doanh.
Về giấy tờ, sổ sách thì bàn giao cho cơ quan công an tiếp nhận quản lý.
Đối với tài sản của kiều dân nước ngoài thì lập hồ sơ và đề nghị xử lý riêng, để báo cáo, xin chỉ thị của Chính phủ. Hiện vật tài sản giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận quản lý, coi như tạm giữ, chờ quyết định xử lý sẽ giải quyết sau.
Riêng về số tài sản xét cho đương sự được lấy về theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố căn cứ vào quyết định 114-CP của hội đồng Chính phủ thì Hội đồng xử lý tài sản trực tiếp cho đương sự được ký nhận lấy tài sản về.
V. VIỆC XỬ LÝ HÀNG THẾ CHẤP, TÍN CHẤP:
1. Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Tài chính tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ tài liệu của Ban chỉ đạo xử lý Ngân hàng cũ; điều tra xác minh những trường hợp tư nhân sử dụng hàng thế chấp, tín chấp trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước, dây dưa trong việc thanh toán nợ vay các Ngân hàng cũ; lập hồ sơ xử lý theo chính sách và chế độ hiện hành, thu hồi số nợ còn thiếu, thu thuế, phát tiền... Trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước thì làm thủ tục đưa truy tố trước Toà án.
2. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và công an nhân dân, sau ngày miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đã tiếp nhận vật tư, hàng hoá lấy từ các kho thế chấp, tín chấp, hoặc từ các nguồn cung cấp khác, có trách nhiệm:
- Soát lại tài liệu; sổ sách để xác minh số vật tư, hàng hoá đã tiếp nhận từ các nguồn khác nhau. Riêng đối với hàng thế chấp và tín chấp, Ban chỉ đạo xử lý các Ngân hàng của chế độ cũ sẽ cung cấp tài liệu đã thu thập được cho các ngành, các cấp.
- Kiểm tra lại việc thanh toán công nợ có liên quan đến số hàng thế chấp tín chấp đã tiếp nhận và tiến hành thanh toán nợ đọng (nếu có). trên cơ sở kết quả kiểm tra, cơ quan tài chính và Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với cơ quan chủ quản cấp trên xem xét định vốn cho xí nghiệp, cơ quan theo đúng chế độ, thể lệ hiện hành của Nhà nước.
- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm chính sách, chế độ của Nhà nước thì xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan và xử lý nghiêm minh.
Các ngành chủ quản ở Trung ương và địa phương, Uỷ ban nhân dân thành phố và các tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt công tác kiểm tra và xử lý nói trên để đưa việc quản lý kinh tế tài chính của đơn vị đi vào nền nếp theo yêu cầu tăng cường và cải tiến quản lý trong tình hình mới. Cơ quan Tài chính - Ngân hàng Nhà nước cử cán bộ giúp các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra và xử lý theo yêu cầu đã đề ra.
Công việc kiểm tra việc tiếp nhận hàng hoá thế chấp tín chấp và công nợ có liên quan cần làm xong trong năm 1979. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước theo dõi đôn đốc công việc và định kỳ báo cáo kết quả với Chính phủ.
VI. XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM CHÍNH SÁCH, CHỦ TRƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC:
Đối với những vụ vi phạm chính sách, chủ trương của Nhà nước, lợi dụng, tham ô, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa... trong việc chi trả tiền gửi, thu nợ Ngân hàng cũ, sử dụng hàng thế chấp, tín chấp, xử lý tài sản gửi trong tủ sắt Ngân hàng cũ... đã phát hiện trước đây hoặc phát hiện trong quá trình thực hiện quyết định 114-CP, các ngành, các cấp có trách nhiệm điều tra, xác minh, truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan và xử lý thích đáng theo chính sách, pháp luật Nhà nước. Gặp trường hợp vi phạm nghiêm trọng chính sách, chủ trương của Nhà nước thì các cơ quan, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân để truy tố trước pháp luật.
Vấn đề đặt ra là kiên quyết không để lọt một vụ vi phạm chính sách, chủ trương của Nhà nước không được phát hiện và xử lý kịp thời, nhằm góp phần kiện toàn tổ chức, giáo dục cán bộ, tăng cường ý thức tôn trọng pháp luật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
* *
Việc thực hiện quyết định số 114-CP của Hội đồng Chính phủ liên quan đến nhiều chính sách, chủ trương lớn của Nhà nước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, cần được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Gặp khó khăn mắc mứu, đề nghị các ngành, các địa phương kịp thời phản ánh cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo xử lý các Ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam (trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, 17 Bến Chương Dương) để nghiên cứu, giải quyết./.
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM | BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |