Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2005 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG LAO, HIV/AIDS VÀ CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC TẠI TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI

Thi hành Nghị định số 135/2004/NĐ - CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này quy định các biện pháp phòng, chống lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chẩn đoán và điều trị lao, AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong phòng chống lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

2. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) quy định tại Thông tư này là đơn vị được thành lập và tổ chức hoạt động theo Nghị định số 135/2004/NĐ - CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

b) Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sau đây gọi tắt là STD) là các bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm, kí sinh trùng đơn bào và các nguyên nhân khác gây nên và lây lan qua quan hệ tình dục không được bảo vệ.

3. Học viên đang cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm mắc lao, nhiễm HIV hoặc mắc STD không bị phân biệt đối xử; được giữ bí mật về bệnh tật; được quản lý, chăm sóc, tư vấn và chữa trị phù hợp với điều kiện tổ chức, quản lý của Trung tâm.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm:

a) Đưa tin về tình trạng nhiễm HIV/AIDS trong Trung tâm;

b) Xăm trổ, quan hệ tình dục, sử dụng các chất gây nghiện, sử dụng bơm kim tiêm và các vật sắc nhọn trái phép dễ gây chảy máu trong Trung tâm;

c) Cố tình làm lây nhiễm HIV cho người khác.

II. PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO, HIV/AIDS VÀ STD TẠI TRUNG TÂM

1. Dự phòng bệnh lao, nhiễm HIV và mắc STD

1.1. Đối với Trung tâm

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh lao, HIV/AIDS và STD thông qua các hình thức như panô, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác, hội diễn văn nghệ;

b) Giáo dục về nếp sống văn minh, lành mạnh, ý thức phòng bệnh trong sinh hoạt, vệ sinh hàng ngày tại Trung tâm;

c) Giáo dục nâng cao kiến thức về bệnh lao, HIV/AIDS và STD, bao gồm kiến thức về nhóm bệnh, nguồn lây, các triệu chứng lâm sàng, biến chứng, cách phòng tránh bệnh lao, nhiễm HIV và mắc STD;

d) Giáo dục nâng cao kỹ năng thực hiện các hành vi an toàn về phòng, chống bệnh lao, nhiễm HIV và mắc STD;

đ) Giáo dục pháp luật về phòng, chống bệnh lao, HIV/AIDS và STD;

e) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế về dự phòng bệnh lao, nhiễm HIV và mắc STD;

g) Xử lý các đồ dùng, chất thải có dính máu, dịch tiết, kể cả đồ dùng (chăn, ga, gối, đệm...) trước khi cấp cho học viên khác sử dụng theo đúng quy định của Bộ Y tế.

1.2. Đối với cán bộ của Trung tâm

a) Không phân biệt đối xử với người mắc bệnh lao, nhiễm HIV và mắc STD; thường xuyên gần gũi, an ủi, động viên, giúp đỡ họ để họ an tâm chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm;

b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về giữ bí mật thông tin liên quan đến phòng, chống bệnh lao, HIV/AIDS và STD;

c) Tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh lao, HIV và STD theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

d) Hướng dẫn học viên thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh của Trung tâm.

1.3. Đối với học viên đang cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm

Trong thời gian cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm, học viên phải thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh lao, nhiễm HIV và STD cho bản thân và mọi người như sau:

a) Tích cực rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng bệnh;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về vệ sinh phòng bệnh tại Trung tâm:

- Giữ vệ sinh chung, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi;

- Các vật dụng có dính máu, dịch tiết như quần áo, chăn màn, ga, gối... phải được ngâm nước xà phòng hoặc nước javen 30 phút trước khi giặt;

- Các chất thải có dính máu, dịch tiết như bông, băng vết thương, băng vệ sinh (đối với phụ nữ)... phải được gom và để vào đúng nơi quy định;

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như quần áo, chăn, màn, ga, gối, bàn chải đánh răng, dao cạo râu...;

c) Tham gia các hoạt động của Trung tâm về phòng chống lao, HIV/AIDS và STD.

2. Chẩn đoán và điều trị lao, HIV/AIDS và STD

2.1. Chẩn đoán lao, HIV và STD:

Trong quá trình khám sức khoẻ tiếp nhận học viên vào cai nghiện, chữa trị hoặc khám sức khỏe định kỳ, đột xuất, Trung tâm tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan y tế để xét nghiệm lao, HIV và STD cho những học viên có dấu hiệu mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD.

a) Chẩn đoán lao:

Việc chẩn đoán lao được thực hiện theo quy định của Chương trình phòng chống lao quốc gia.

b) Chẩn đoán HIV:

- Phối hợp với cơ sở y tế của địa phương có chức năng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV để xét nghiệm phát hiện HIV;

- Trước và sau khi tiến hành xét nghiệm HIV cho học viên, cán bộ y tế của Trung tâm tiến hành tư vấn cho học viên về xét nghiệm HIV theo nội dung và hướng dẫn được quy định tại phần IV của Thông tư này.

c) Chẩn đoán STD:

- Việc chẩn đoán STD trong nhóm học viên chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng;

- Trên cơ sở các triệu chứng lâm sàng và điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm, Trung tâm tiến hành hoặc phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn để tiến hành các xét nghiệm cần thiết theo quy định của ngành y tế đối với từng loại bệnh để xác định bệnh và phác đồ điều trị.

2.2. Điều trị bệnh cho học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD:

Trung tâm có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong quá trình điều trị cho học viên. Trường hợp học viên bị bệnh nặng, vượt quá khả năng chữa trị của Trung tâm, Trung tâm phải chuyển học viên đến điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có trách nhiệm phối hợp, tiếp nhận và chữa trị cho học viên được chuyển đến điều trị.

 

a) Điều trị học viên mắc lao:

Học viên mắc lao được điều trị tại khu cách ly và thực hiện theo phác đồ điều trị bệnh lao của Bộ Y tế;

b) Điều trị học viên nhiễm HIV:

- Trung tâm điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội thông thường cho học viên nhiễm HIV;

- Học viên nhiễm HIV mắc các bệnh ngoài khả năng điều trị của Trung tâm, được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước theo chỉ định của bác sỹ điều trị.

c) Điều trị học viên mắc STD:

Việc điều trị cho học viên mắc STD được thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

3. Quản lý học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD

3.1 Trong thời gian cai nghiện, chữa trị cho học viên tại Trung tâm, phòng Y tế của Trung tâm lập Sổ quản lý sức khoẻ (mẫu kèm theo) theo dõi diễn biến sức khoẻ và tiến hành khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để chủ động phát hiện học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD.

3.2 Trường hợp phát hiện học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD, cán bộ phụ trách y tế của Trung tâm có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn cho học viên nhiễm bệnh các biện pháp phòng ngừa lây lan lao, HIV và STD sang cho người khác;

b) Đối với trường hợp học viên mắc lao, lập hồ sơ và tiến hành thủ tục đưa học viên vào khu cách ly ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm AFB và các xét nghiệm khác (nếu cần thiết). Hồ sơ đưa học viên mắc lao vào khu cách ly bao gồm:

- Bệnh án;

- Kết quả xét nghiệm AFB và các xét nghiệm khác (X-quang, chọc hút hạch…);

- Phiếu chuyển bệnh nhân vào khu cách ly có xác nhận của Giám đốc Trung tâm.

Học viên mắc lao đã được điều trị đủ thời gian theo phác đồ điều trị và kết quả kiểm soát đờm 3 lần âm tính (-), bác sỹ điều trị tổng kết bệnh án, xác định tình trạng sức khoẻ, đề nghị Giám đốc Trung tâm duyệt, chuyển học viên ra khỏi khu điều trị cách ly về chữa trị, học tập và sinh hoạt tại các tổ, đội.

c) Xây dựng các chương trình chữa bệnh, học tập và lao động phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và tình trạng sức khoẻ của học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD.

III. KHU TRỊ CÁCH LY

1. Căn cứ vào kiện cơ sở vật chất, quy mô và số lượng học viên mắc lao, Trung tâm thành lập khu điều trị cách ly để tiếp nhận, điều trị cho học viên mắc bệnh này trong thời gian cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm.

2. Cán bộ làm việc tại khu điều trị cách ly, trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc lao phải tuân thủ các quy định chuyên môn y tế về tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm.

3. Học viên đang được điều trị tại khu cách ly phải chấp hành nội quy của khu điều trị cách ly.

IV. TƯ VẤN VỀ HIV/AIDS

Cán bộ phụ trách y tế của Trung tâm tổ chức tư vấn cho học viên để họ tự nguyện xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và tư vấn sau khi có kết quả xét nghiệm.

1. Tư vấn cho học viên trước khi xét nghiệm

1.1. Về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV, các đường lây nhiễm qua tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn;

1.2. Về mục đích, ý nghĩa của xét nghiệm HIV;

1.3. Về ảnh hưởng của kết quả xét nghiệm HIV;

1.4. Về lối sống và các phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV;

1.5. Về cách giải quyết với kết quả xét nghiệm;

1.6. Về sự hỗ trợ của xã hội với người nhiễm HIV.

 

2. Tư vấn sau khi xét nghiệm

2.1. Kết quả xét nghiệm phải được cán bộ tư vấn hoặc người có trách nhiệm thông báo trực tiếp cho học viên. Việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho học viên phải bảo đảm tính bí mật, không thông báo bằng thư, điện thoại hoặc các phương tiện khác.

2.2. Người thông báo kết quả xét nghiệm phải tư vấn về mặt tâm lý, xã hội cho học viên nếu kết quả xét nghiệm của học viên là dương tính và giữ bí mật với tất cả mọi người (trừ vợ hoặc chồng và người có trách nhiệm) theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống nhiễm HIV.

3. Tư vấn cho học viên có kết quả âm tính

3.1. Tư vấn để thuyết phục học viên thay đổi hành vi nguy cơ, thực hiện những hành vi có lợi cho sức khoẻ, tránh nguy cơ lây nhiễm HIV;

3.2. Kết quả xét nghiệm âm tính có thể là chưa bị nhiễm HIV nhưng cũng có thể là đã nhiễm HIV nhưng đang ở "thời kỳ cửa sổ", do vậy, cần tư vấn cho học viên thay đổi hành vi và xét nghiệm lại sau 3 tháng.

4. Tư vấn cho học viên có kết quả xét nghiệm HIV dương tính

4.1. Tư vấn về những khó khăn, cách giải quyết trong thời gian tiếp theo;

4.2. Tư vấn về lợi ích của việc theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội;

4.3. Tư vấn về duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện hành vi tình dục an toàn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

1.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm.

1.2. Chỉ đạo, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các quy chế và hoạt động phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm.

2. Sở Y tế có trách nhiệm

2.1. Hướng dẫn Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội của địa phương thực hiện các quy định do Bộ Y tế ban hành về mẫu hồ sơ, bệnh án và các quy định khác liên quan đến dự phòng và điều trị lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm.

2.2. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo cho cán bộ công tác tại Trung tâm về phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD.

2.3. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phân bổ kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu phòng, chống lao, HIV/AIDS của địa phương cho các hoạt động phòng chống lao, HIV/AIDS tại Trung tâm.

2.4. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ quan y tế tại địa phương phối hợp với Trung tâm triển khai các hoạt động phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm.

3. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội có trách nhiệm

3.1. Phối hợp với các cơ sở y tế địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm.

3.2. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình mắc lao, nhiễm HIV/AIDS và STD của học viên cai nghiện, chữa trị tại Trung tâm.

3.3. Tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các kế hoạch liên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế về triển khai hoạt động phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD tại Trung tâm theo quý, năm.

4. Bệnh viện, Trung tâm phòng, chống lao, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm y tế dự phòng, cơ quan quản lý STD cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm

4.1. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống lao, HIV/AIDS và STD cho Trung tâm.

4.2. Phối hợp với Trung tâm tổ chức xét nghiệm, điều trị và tư vấn cho học viên mắc lao, nhiễm HIV và mắc STD.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Thông tư số 14/2000/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 16/6/2000 của liên Bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở chữa bệnh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Những quy định hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế để có hướng dẫn kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 



Trịnh Quân Huấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
 



Đàm Hữu Đắc

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Các Bộ; cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế;
- Công báo;
- Lưu VP Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế , Cục PCTNXH (3).