Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 2. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y

1. Chức danh chẩn đoán bệnh động vật, bao gồm:

a) Chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II - Mã số: V.03.04.10

b) Chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III - Mã số: V.03.04.11

c) Kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV - Mã số: V.03.04.12

2. Chức danh kiểm tra vệ sinh thú y, bao gồm:

a) Kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II - Mã số: V.03.05.13

b) Kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III - Mã số: V.03.05.14

c) Kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV - Mã số: V.03.05.15

3. Chức danh kiểm nghiệm thuốc thú y, bao gồm:

a) Kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II - Mã số: V.03.06.16

b) Kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III - Mã số: V.03.06.17

c) Kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV - Mã số: V.03.06.18

4. Chức danh kiểm nghiệm chăn nuôi, bao gồm:

a) Kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II - Mã số: V.03.07.19

b) Kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III - Mã số: V.03.07.20

c) Kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV - Mã số: V.03.07.21

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP CỦA VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CHẨN ĐOÁN BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành chẩn đoán bệnh động vật

1. Có trách nhiệm, trung thực, tâm huyết với nghề, chủ động nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác.

2. Có tinh thần đoàn kết nội bộ, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế hoạt động nghề nghiệp.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5. Có trách nhiệm quản lý tài sản, vật tư, máy móc và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật.

Điều 4. Chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II - Mã số:V.03.04.10

1. Nhiệm vụ

a) Chủ trì, tổ chức được việc chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh các loại động vật trong phạm vi được giao;

b) Thực hiện xét nghiệm được các bệnh phẩm đưa đến trong phạm vi chuyên môn phụ trách. Điều trị và báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền để xử lý các loại bệnh qua chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị;

c) Chủ trì tổ chức hoặc tham gia với địa phương để xác minh bệnh tại ổ dịch và đề xuất các biện pháp xử lý để dập tắt các ổ dịch, chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận của mình;

d) Tổng kết, phân tích, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật. Trên cơ sở đó đề xuất bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy trình chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật;

đ) Chủ trì tổ chức xây dựng được phác đồ điều trị hoặc quy trình xét nghiệm;

e) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, các đề tài về chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật;

g) Tham gia biên soạn nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật cho các viên chức hạng dưới và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước và của ngành về công tác thú y;

b) Nắm vững pháp luật về thú y trong nước và quốc tế trong phạm vi công tác;

c) Có kiến thức sâu rộng về các bệnh động vật trong nước và nhập nội;

d) Có khả năng phán đoán bệnh động vật phức tạp để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị chính xác;

đ) Nắm được thông tin mới, kỹ thuật mới trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trong nước và nước ngoài;

e) Có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật vào thực tiễn;

g) Am hiểu tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương và trong nước liên quan đến phát triển chăn nuôi, tình hình dịch bệnh động vật, công tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật;

h) Chủ trì hoặc tham gia công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp tỉnh công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả;

4. Việc thăng hạng chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II

Viên chức thăng hạng từ chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III lên chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II phải có thời gian giữ chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.

Điều 5. Chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III - Mã số:V.03.04.11

1. Nhiệm vụ

a) Trực tiếp thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật theo sự phân cấp và phân công;

b) Thực hiện pha chế và bảo quản một số môi trường dung dịch phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm đối với từng loại bệnh hoặc chẩn đoán bệnh qua lâm sàng và đề xuất biện pháp điều trị;

c) Thực hiện tiêm truyền động vật thí nghiệm, nuôi cấy bệnh phẩm hoặc trực tiếp điều trị và theo dõi kết quả tiêm truyền động vật thí nghiệm theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật;

d) Thực hiện mổ khám, theo dõi kết quả xét nghiệm hoặc điều trị; ghi chép đầy đủ kết quả mổ khám, quá trình diễn biến sau xét nghiệm và điều trị, kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý;

đ) Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật;

e) Hướng dẫn kiểm tra các viên chức chẩn đoán bệnh động vật hạng dưới để làm công tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và của ngành về công tác thú y;

b) Nắm được pháp luật về thú y;

c) Biết đánh giá được kết quả xét nghiệm điều trị, tự giải quyết được một quá trình xét nghiệm và điều trị từ đầu đến kết thúc và kết luận bệnh;

d) Có khả năng độc lập chủ động làm việc, thành thạo kỹ năng chẩn đoán bệnh động vật;

đ) Có khả năng tổng kết kinh nghiệm công tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị các bệnh động vật và hiểu được các bệnh chung của các động vật có liên quan đến công tác chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị;

e) Biết tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp các cơ quan liên quan.

4. Việc thăng hạng chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III

Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV lên chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III phải đáp ứng đủ các quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này và có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, như sau:

a) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm;

b) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm.

Điều 6. Kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV- Mã số:V.03.04.12

1. Nhiệm vụ

a) Theo dõi kết quả tiêm truyền động vật thí nghiệm dưới sự chỉ đạo của viên chức hạng cao hơn;

b) Thực hiện pha chế và bảo quản một số loại môi trường, dung dịch phục vụ công tác chẩn đoán, bảo quản, giữ giống vi sinh vật để phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật dưới sự hướng dẫn của viên chức hạng cao hơn;

c) Chuẩn bị các dụng cụ mổ khám, thí nghiệm, động vật thí nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật;

d) Trực tiếp thực hiện một số xét nghiệm theo sự hướng dẫn của viên chức hạng cao hơn;

đ) Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn được phân công;

e) Quản lý tài sản vật tư, máy móc và các trang thiết bị khác theo sự phân công theo đúng nội quy phòng thí nghiệm; chịu trách nhiệm cá nhân về tài sản được phân công quản lý.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành chẩn đoán bệnh động vật;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT - BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được những quy định của pháp luật, của ngành về thú y;

b) Nắm được công tác kiểm tra, điều tra tình hình về công tác chẩn đoán bệnh động vật;

c) Có phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phát hiện, chẩn đoán bệnh động vật;

d) Biết cách sử dụng và bảo quản các môi trường, hoá chất, máy móc trong phòng thí nghiệm;

đ) Biết cách đánh giá kết quả và xử lý bệnh phẩm sau khi tiêm truyền đối với từng loại động vật và từng bệnh khác nhau.

Chương III

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP CỦA VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y

Điều 7. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm tra vệ sinh thú y

1. Có trách nhiệm, trung thực, tâm huyết với nghề, chủ động nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác.

2. Có tinh thần đoàn kết nội bộ, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, chủ động phối hợp vối đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế hoạt động nghề nghiệp.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5. Có trách nhiệm quản lý tài sản, vật tư, máy móc và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra vệ sinh thú y.

Điều 8. Kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II - Mã số: V.03.05.13

1. Nhiệm vụ

a) Chủ trì tổ chức và thực hiện các quy trình kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

b) Tổ chức xây dựng các quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo độ chính xác nhanh cho từng đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

c) Chủ trì tổ chức phối hợp với các ngành có liên quan và các cơ quan thú y để tổng kết rút kinh nghiệm cho công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

d) Tổng kết, phân tích, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm trong kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

đ) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đề xuất các biện pháp kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

e) Tham gia biên soạn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức hạng dưới và tổ chức đào tạo;

g) Tổ chức chỉ đạo, xây dựng nề nếp quản lý kỹ thuật thống nhất trong công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

h) Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành về kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành thú y hoặc các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành về công tác thú y;

b) Chủ trì hoặc phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

c) Tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan hữu quan khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

d) Có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

đ) Nắm vững pháp luật về thú y và các chủ trương chính sách của nhà nước có liên quan đến công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

e) Am hiểu tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương và trong nước liên quan đến công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

g) Chủ trì hoặc tham gia công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp tỉnh công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả;

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II

Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III lên chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II phải có thời gian giữ chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.

Điều 9. Kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III - Mã số: V.03.05.14

1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện thành thạo lấy mẫu phục vụ công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

b) Thực hiện việc kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thuộc đối tượng kiểm nghiệm được phân công;

c) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các khâu kỹ thuật của kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y và chịu trách nhiệm về những kết quả kiểm nghiệm được giao;

d) Tham gia các đề tài nghiên cứu, thực nghiệm trong lĩnh vực kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

đ) Báo cáo, nhận xét những kết quả trong quá trình kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để bổ sung cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

e) Tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật thú y về kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được giao;

g) Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho các viên chức hạng dưới.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành thú y hoặc các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành liên quan đến công tác thú y;

b) Nắm được các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm;

c) Thực hiện được công tác tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra trong công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

d) Tập hợp và tổ chức phối hợp được với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

đ) Tổ chức và phối hợp giải quyết được các vi phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo đúng quy quy định của pháp luật;

e) Hiểu biết mối quan hệ và sự phối hợp trong công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III

Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV lên chức danh kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III phải đáp ứng đủ các quy định tại các Khoản 1, 2, 3 của Điều này và có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV, cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm;

b) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm.

Điều 10. Kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV - Mã số: V.03.05.15

1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện lấy mẫu phục vụ công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

b) Thực hiện việc kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thuộc đối tượng kiểm nghiệm được phân công;

c) Chuẩn bị hoá chất, dụng cụ, động vật thí nghiệm cho thí nghiệm; pha chế môi trường cho kiểm nghiệm vi sinh, nấm mốc; pha chế các dung dịch cho kiểm tra các chỉ tiêu về hoá học theo hướng dẫn của viên chức hạng cao hơn;

d) Sử dụng được các thiết bị trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho công tác kỹ thuật kiểm nghiệm và chịu trách nhiệm cá nhân về thiết bị dụng cụ được giao theo dõi.

2. Tiêu chuẩn về trình độ, đào tạo

a) Tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành kiểm tra vệ sinh thú y;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT - BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được các quy định của pháp luật về thú y;

b) Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, điều tra nắm tình hình về công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

c) Nắm được các nguyên tắc, các thủ tục hành chính trong xử lý các vi phạm pháp luật về kiểm tra vệ sinh thú y;

d) Nắm được những nguyên lý về khử trùng tiêu độc, xử lý dụng cụ, môi trường, động vật thí nghiệm trong phòng thí nghiệm;

đ) Nắm được những nguyên lý vận hành những trang thiết bị đơn giản trong phòng thí nghiệm;

e) Hiểu các nguyên lý cơ bản việc pha chế môi trường cho kiểm nghiệm vi sinh, nấm mốc và hoá chất thông thường phục vụ phòng thí nghiệm.

Chương IV

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH KIỂM NGHIỆM THUỐC THÚ Y

Điều 11. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm nghiệm thuốc thú y

1. Có trách nhiệm, trung thực, tâm huyết với nghề, chủ động nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác.

2. Có tinh thần đoàn kết nội bộ, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, chủ động phối hợp vối đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế hoạt động nghề nghiệp.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5. Có trách nhiệm quản lý tài sản, vật tư, máy móc và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ công tác kiểm nghiệm thuốc thú y.

Điều 12. Kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II - Mã số: V.03.06.16

1. Nhiệm vụ

a) Chủ trì tổ chức và thực hiện toàn bộ công tác kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y được phân cấp và phân công;

b) Tổng kết, phân tích, đánh giá kết quả kiểm nghiệm và bảo tồn gen vi sinh vật thú y theo phân cấp, phân công;

c) Tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra để đề xuất các biện pháp uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong quá trình kiểm nghiệm và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

d) Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung những quy trình quy phạm về kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

đ) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu, khoa học cấp ngành về công tác kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

e) Tham gia soạn thảo nội dung chương trình để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật cho chức danh viên chức hạng thấp hơn.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành thú y hoặc các ngành khác phù hợp với vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững pháp luật về thú y và các chủ trương chính sách của nhà nước có liên quan đến công tác kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

b) Nắm vững các quy trình quy phạm về kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

c) Thông thạo các kỹ thuật trong công tác kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

d) Có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong và ngoài nước vào công tác kiểm nghiệm thuốc thú y;

đ) Thành thạo trong việc tổ chức và bố trí thí nghiệm;

e) Sử dụng thành thạo các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm phục vụ kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y phát hiện được những sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng;

g) Chủ trì hoặc tham gia công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp tỉnh công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả.

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II

Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III lên chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II phải có thời gian giữ chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.

Điều 13. Kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III - Mã số: V.03.06.17

1. Nhiệm vụ

a) Xây dựng các kế hoạch và phương án thực hiện việc kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

b) Thực hiện việc kiểm nghiệm thuốc thú y, bảo tồn gen vi sinh vật thú y trong phạm vi được phân công và phải chịu trách nhiệm về kết quả công tác kiểm nghiệm của mình;

c) Tổ chức việc kiểm tra, theo dõi quá trình chăn nuôi động vật thí nghiệm để phục vụ kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

d) Báo cáo, nhận xét những kết quả trong quá trình kiểm nghiệm và bảo tồn gen vi sinh vật thú y để bổ sung, hoàn thiện cho quy trình, quy phạm về kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

đ) Tham gia các đề tài nghiên cứu thí nghiệm về kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

e) Tuyên truyền và hướng dẫn về kiểm nghiệm thuốc thú y theo quy định pháp luật về thú y;

g) Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y cho các ngạch viên chức cấp dưới.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được các quy định của pháp luật về thú y;

b) Nắm được kiến thức cơ bản về khoa học thú y;

c) Nắm được các quy trình quy phạm về kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

d) Nắm vững, thành thạo các thao tác trong phòng thí nghiệm;

đ) Biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm để phục vụ kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y.

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III

Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV lên chức danh kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III phải đáp ứng đủ các quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này và có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV, như sau:

a) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm;

b) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm.

Điều 14. Kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV - Mã số:V.03.06.18

1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng và theo dõi động vật thí nghiệm được phân công;

b) Thực hiện việc tiêu độc khu, buồng, các cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm, phòng thí nghiệm theo đúng quy trình, quy phạm;

c) Sử dụng và bảo quản những trang thiết bị đơn giản phục vụ cho công tác kiểm nghiệm và bảo tồn gen vi sinh vật thú y và chịu trách nhiệm cá nhân về việc quản lý những thiết bị và dụng cụ được giao;

d) Thực hiện chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm, pha chế một số môi trường, dung dịch cơ bản phục vụ kiểm nghiệm thuốc thú y và bảo tồn gen vi sinh vật thú y;

đ) Thực hiện việc pha chế các môi trường, dung dịch đặc biệt theo hướng dẫn của các ngạch viên chức cấp trên;

e) Thực hiện việc tiêm truyền cho các động vật thí nghiệm bằng các kỹ thuật đơn giản.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp chuyên ngành kiểm nghiệm thuốc thú y;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT - BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được những nguyên lý về tiêu độc, xử lý dụng cụ, môi trường trong phòng thí nghiệm;

b) Nắm được nguyên lý vận hành những trang thiết bị đơn giản trong phòng thí nghiệm;

c) Hiểu những kiến thức cơ bản về công tác chăn nuôi và chăn nuôi động vật thí nghiệm;

d) Hiểu các bệnh chính của gia súc và động vật thí nghiệm;

đ) Nắm được các nguyên lý cơ bản việc pha chế môi trường và hoá chất thông thường phục vụ thí nghiệm;

e) Hiểu quy trình gen cơ bản về bảo tồn gen vi sinh vật thú y.

Chương V

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP CỦA VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH KIỂM NGHIỆM CHĂN NUÔI

Điều 15. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm nghiệm chăn nuôi

1. Có trách nhiệm, trung thực, tâm huyết với nghề, chủ động nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác.

2. Có tinh thần đoàn kết nội bộ, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, chủ động phối hợp vối đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế hoạt động nghề nghiệp.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5. Có trách nhiệm quản lý tài sản, vật tư, máy móc và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ công tác kiểm nghiệm chăn nuôi.

Điều 16. Kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II - Mã số: V.03.07.19

1. Nhiệm vụ

a) Tổ chức, xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định một số loại giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi, tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án đó có hiệu quả và chính xác;

b) Tổ chức, thực hiện công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi trên cơ sở đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ về kiểm nghiệm, kiểm định và chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định của mình;

c) Chủ trì tổ chức và thực hiện các quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và đề xuất các biện pháp điều chỉnh kịp thời các sai lệch trong quá trình sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi và trong quá trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi của các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi để các giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi được sản xuất và trao đổi trên thị trường đảm bảo chất lượng;

d) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các ngành về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

đ) Tham gia xây dựng và sửa đổi tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi và các quy trình kỹ thuật, quy phạm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

e) Tham gia soạn thảo nội dung chương trình và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật cho các ngạch viên chức cấp dưới về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành chăn nuôi;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

b) Nắm vững các quy trình, quy phạm về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

c) Thông thạo các kỹ thuật trong công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

d) Thành thạo việc tổ chức và bố trí các thí nghiệm;

đ) Sử dụng thành thạo các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm phục vụ khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

e) Nắm được những tiến bộ khoa học kỹ thuật về công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi trong và ngoài nước;

g) Chủ trì hoặc tham gia công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp tỉnh công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả.

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II

Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III lên chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II phải có thời gian giữ chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.

Điều 17. Kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III - Mã số: V.03.07.20

1. Nhiệm vụ

a) Xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi theo sự phân công, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án đó có hiệu quả, chính xác và phải chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định của mình;

b) Tổ chức, thực hiện việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, ghi chép thống kê chính xác các kết quả khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định theo biểu mẫu và chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định của mình. Trực tiếp kiểm tra quy trình sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi để phục vụ cho công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

c) Tuyền truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước về công tác giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi và chất lượng hàng hóa;

d) Đánh giá và tổng kết quá trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi thuộc lĩnh vực được phân công, trên cơ sở đó đề xuất những ý kiến bổ sung cho quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

đ) Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

e) Thực hiện bồi dưỡng về nghiệp vụ khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi cho các kỹ thuật viên và các cộng tác viên.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành chăn nuôi hoặc chuyên ngành khác phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

b) Nắm vững kiến thức cơ bản về công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

c) Nắm vững quy trình, quy phạm về kiểm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

d) Biết sử dụng và thao tác thành thạo các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm phục vụ khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

đ) Hiểu biết mối quan hệ và sự phối hợp trong quá trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi.

4. Việc thăng hạng chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III

Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV lên chức danh kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III phải đáp ứng đủ các quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này và có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV, cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm;

b) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm.

Điều 18. Kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV - Mã số: V.03.07.21

1. Nhiệm vụ

a) Thực hiện lấy mẫu, chia mẫu, bảo quản mẫu và lưu mẫu khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định;

b) Chuẩn bị dụng cụ, hóa chất thí nghiệm, thực hiện pha chế hóa chất phục vụ công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật;

c) Sử dụng, bảo quản và bảo dưỡng các thiết bị, vật tư phòng thí nghiệm và chịu trách nhiệm cá nhân về các thiết bị vật tư đó;

d) Lập hồ sơ, ghi chép và thống kê số liệu kết quả khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định theo biểu mẫu quy định và chịu trách nhiệm về kết quả của mình;

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành chăn nuôi;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT - BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được những nguyên lý cơ bản về khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi;

b) Nắm được nguyên lý vận hành những trang thiết bị đơn giản trong phòng thí nghiệm;

c) Hiểu được các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng giống vật nuôi và các phương pháp thí nghiệm;

d) Nắm được quy trình quy phạm pha chế hóa chất phục vụ công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi.

Chương VI

HƯỚNG DẪN BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 19. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y

1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quy định tại Thông tư liên tịch này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định tại Điều 20 của Thông tư liên tịch này.

2. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Điều 20. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp

Viên chức đã được bổ nhiệm vào các chuyên ngành chăn nuôi và thú y quy định tại Quyết định số 417/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm và Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về ban hành danh mục các ngạch công chức và viên chức, nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y quy định tại Thông tư liên tịch này, cụ thể như sau:

1. Chức danh nghề nghiệp chẩn đoán bệnh động vật

a) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II (mã số V.03.04.10) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch chẩn đoán viên chính bệnh động vật (mã số 09.055);

b) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III (mã số V.03.04.11) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch chẩn đoán viên bệnh động vật (mã số 09.056);

c) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV (mã số V.03.04.12) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật (mã số 09.057).

2. Chức danh nghề nghiệp kiểm nghiệm thuốc thú y

a) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II (mã số V.03.06.16) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kiểm nghiệm viên chính thuốc thú y (mã số 09.063).

b) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III (mã số V.03.06.17) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kiểm nghiệm viên thuốc thú y (mã số 09.064).

c) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV (mã số V.03.06.18) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y (mã số 09.065).

Điều 21. Cách xếp lương

1. Các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng II, kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng II, Kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng II, Kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38);

b) Chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III, kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III, kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III, kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98);

c) Chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV, kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV được áp dụng hệ số lương viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

2. Xếp lương khi hết tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng:

Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì thực hiện xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

a) Trường hợp có trình độ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành về chăn nuôi và thú y thì được xếp bậc 3, hệ số 3,00 của chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III (mã số V.03.04.11), kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III (mã số V.03.05.14), kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III (mã số V.03.06.17), kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III (mã số: V.03.07.20);

b) Trường hợp có trình độ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành về chăn nuôi và thú y thì được xếp bậc 2, hệ số 2,67 của chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III (mã số V.03.04.11), kiểm tra viên vệ sinh thú y hạng III (mã số V.03.05.14), kiểm nghiệm viên thuốc thú y hạng III (mã số V.03.06.17), kiểm nghiệm viên chăn nuôi hạng III (mã số: V.03.07.20);

c) Trường hợp có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành về chăn nuôi và thú y thì được xếp bậc 2, hệ số 2,06 của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV (mã số V.03.04.12), kỹ thuật viên kiểm tra vệ sinh thú y hạng IV (mã số: V.03.05.15), kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV (mã số V.03.06.18), kỹ thuật viên kiểm nghiệm chăn nuôi hạng IV (mã số: V.03.07.21).

3. Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định tại Khoản 1 Điều này đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y quy định tại Quyết định số 417/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về ban hành danh mục các ngạch công chức và viên chức và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện như sau:

a) Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn B đã xếp ngạch chẩn đoán viên bệnh động vật (mã số 09.056), bậc 5, hệ số lương 3,66 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Nay đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III (mã số V.03.04.11) thì xếp bậc 5, hệ số lương 3,66 của chức danh chẩn đoán viên bệnh động vật hạng III kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

b) Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành chăn nuôi, thú ý khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức A0 theo quy định Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV (mã số V.03.04.12), kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV (mã số V.03.06.18) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự) như sau:

Tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV, cứ sau thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên.

Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV nêu trên, nếu hệ số lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV. Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn D, có trình độ cao đẳng chuyên ngành chăn nuôi, thú ý đã được tuyển dụng vào làm viên chức tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và đã xếp bậc 3, hệ số lương 2,72 của viên chức A0 kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, trong thời gian công tác luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật. Nay được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV (mã số V.03.06.18) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV như sau:

Thời gian công tác của ông Nguyễn Văn D từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, trừ thời gian tập sự 06 tháng, tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV và cứ 2 năm xếp lên 1 bậc thì đến ngày 01 tháng 7 năm 2014 được xếp vào bậc 5, hệ số lương 2,66 của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV; thời gian hưởng bậc lương mới ở chức danh nghề nghiệp Kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014; đồng thời hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,06 (2,72 - 2,66).

4. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y quy định tại Thông tư liên tịch này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với viên chức hiện đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập và giữ các ngạch: ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001), chẩn đoán viên cao cấp bệnh động vật (mã số 09.054), kiểm nghiệm viên cao cấp thuốc thú y (mã số 09.062) hoặc các ngạch khác tương đương được bảo lưu ngạch, bậc lương hiện hưởng và được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác hoặc thôi việc.

2. Trường hợp viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch các chuyên ngành chăn nuôi và thú y quy định tại Quyết định số 417/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm và Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 3 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về ban hành danh mục các ngạch công chức và viên chức, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức cử viên chức tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

3. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch: kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật (mã số 09.057), kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y (mã số 09.065) theo quy định tại Quyết định số 417/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm tính đến ngày Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành mà không đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV thì được bảo lưu và thực hiện các chế độ, chính sách ở ngạch hiện giữ trong thời gian không quá 05 (năm) năm kể từ ngày Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành. Đối với kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV chưa đạt chuẩn (chưa đạt trình độ trung cấp hoặc tương đương) tính đến thời điểm Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành có tuổi đời dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 50 tuổi đối với nữ, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải bố trí cho viên chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV. Nếu viên chức đáp ứng đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV thì cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức báo cáo cơ quan, đơn vị quản lý viên chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm vào chức danh kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, kỹ thuật viên kiểm nghiệm thuốc thú y hạng IV. Trường hợp viên chức được cử đi học tập nâng cao trình độ mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức báo cáo cơ quan, đơn vị quản lý viên chức xem xét bố trí lại công tác hoặc thực hiện tinh giản biên chế.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2015.

2. Bãi bỏ tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y tại Quyết định số 417/TCCP-VC ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm.

3. Bãi bỏ quy định về danh mục các ngạch viên chức chuyên ngành chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và các ngạch viên chức.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được vận dụng các quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y.

3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y theo quy định tại Thông tư liên tịch này đối với viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y.

4. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y có trách nhiệm:

a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;

b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y tương ứng trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y;

b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và thú y tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương;

c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y thuộc diện quản lý vào các chức danh chuyên ngành chăn nuôi và thú y tương ứng trong các đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

d) Hàng năm báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết ./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Anh Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở Nội vụ và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ NN&PTNT: Bộ trưởng, Thứ trưởng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, Thứ trưởng và và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ;
- Lưu: Bộ NN&PTNT (VT, Vụ TCCB), Bộ NV (VT, Vụ Tiền lương, Vụ CCVC). (400 bản).

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;