Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TT/LB

 Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1975 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC KHÓA SỔ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CUỐI NĂM 1975

Tại thông tư số 16-TT/LB ngày 12-12-1973(*), liên bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước đã hệ thống hóa toàn bộ những điều quy định về việc khóa sổ thu, chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Liên bộ gửi kèm theo đây bản sao thông tư nói trên để các ngành, các cấp nghiên cứu vận dụng và chấp hành đúng, nhằm thúc đấy việc hoàn thành tốt kế hoạch thu, chi ngân sách năm 1975. Căn cứ đặc điểm tình hình năm nay và rút kinh nghiệm việc khóa sổ thu, chi ngân sách Nhà nước những năm gần đây, liên bộ nhấn mạnh và quy định thêm một số điểm như sau:

1. Năm 1975 đối với hai tỉnh Quảng trị và Thừa thiên – Huế, việc khóa sổ thu, chi ngân sách Nhà nước hàng năm phải thi hành đầy đủ những quy định trong thông tư số 16-TT/LB nói trên. Cơ quan tài chính và ngân hàng Nhà nước ở hai tỉnh Trị Thiên có trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị dự toán, các xí nghiệp công, nông, lâm trường trong tỉnh (kể cả những đơn vị thuộc ngân sách trung ương đóng tại phương) chấp hành cho đúng đặc biệt chú ý đôn đốc nộp đủ những khoản phải nộp vào ngân sách, thanh toán các khoản vay mượn, thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng, kinh phí và tiền mặt còn thừa, hoàn trả ngân sách trước ngày, giờ khóa sổ của ngân hàng Nhà nước. Tiếp đó, các cơ quan tài chính, ngân hàng Nhà nước tỉnh tiến hành những công việc phải làm sau khi khóa sổ (như điện báo, báo cáo, đối chiếu số liệu lập quyết toán…) theo đúng các quy định hiện hành.

Đối với các tỉnh, thành phố từ Quảng Đà trở vào Nam bộ, công tác khóa sổ cuối năm chủ yếu là thúc đẩy việc thanh toán giữa các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp với ngân sách, xác định số thu, chi, tồn quỹ ngân sách địa phương và ngân sách trung ương đến ngày 31-12-1975, những số tiền ngân sách địa phương chi bộ cho ngân sách trung ương và ngược lại, để làm căn cứ chuyển ghi sổ sách kế toán ngày 1-1-1976 và làm cơ sở cho việc quản lý ngân sách Nhà nước thống nhất từ 1976 trở đi.

2. Đối với cấp khu được giải thể và các tỉnh, thành phố được sát nhập lại thành những tỉnh mới, việc thanh toán, khóa sổ thu, chi ngân sách tại các cơ quan ngân hàng Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố có liên quan phải đảm bảo nguyên tắc là : trước khi giải thể hoặc sát nhập, tất cả các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trực thuộc khu hoặc thuộc các tỉnh, đều phải thanh toán sòng phẳng toàn bộ sổ thu cho ngân sách, toàn bộ số vốn, kinh phí và tài sản đã nhận. Cơ quan, đơn vị, xí nghiệp được ngân sách cấp nào, địa phương nào cấp phát, phải thanh toán với ngân sách cấp đó, địa phương đó. Tiếp sau, từng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp phải lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách từ đầu năm đến ngày giải thể hoặc sát nhập vào đơn vị mới, theo đúng thể thức quy định trong chế độ kế toán mà cơ quan, đơn vị, xí nghiệp hiện đang áp dụng.

3. Cần làm tốt những việc sau đây:

a) Phải tận thu, tận nộp, tích cực thu hồi vốn, kinh phí thừa, triệt để chống “chi tiêu dốc ống”, “chạy kinh phí”, triệt để tiết kiệm vốn ngân sách:

Đến nay, bên cạnh một số đơn vị có thành tích lo lắng đảm bảo việc thu nộp các khoản thu của ngân sách Nhà nước và tích cực nộp trả ngân sách vốn, kinh phí thừa, vẫn còn hiện tượng lệch lạc như:

- Chưa tận thu, tận nộp các khoản phải thu nộp cho ngân sách;

- Chưa chú ý thanh toán hết những khoản tạm vay, tạm cấp;

- Vẫn còn nhiều trường hợp tranh thủ chi “vét kinh phí”, chi “chạy hạn mức” trước khi hết năm;

- Chưa kê khai rõ ràng số dư tiền gửi ở ngân hàng theo đúng quy định của thông tư liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước số 16-TT/LB ngày 12-12-1973, thậm chí có đơn vị không kê khai;

- Còn coi nhẹ việc thu hồi vào ngân sách tất cả các khoản tiền có nguồn gốc là tiền thuộc vốn ngân sách.

Năm nay, các đơn vị chủ quản cấp I ở trung ương, các Sở, Ty tài chính và Ngân hàng Nhà nước tỉnh và thành phố cần làm tốt việc phổ biến lại mục đích, ý nghĩa của việc khóa sổ thu chi ngân sách Nhà nước cuối năm và nhất là nội dung các việc phải làm theo thông tư liên bộ số 16-TT/LB để thi hành nghiêm chỉnh; phải soát lại nhiệm vụ thu nộp cả năm 1975 để đẩy mạnh thu nộp, hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 1975.

b) Kê khai tồn khoản các tài khoản tiền gửi :

Đối với Sở, Ty tài chính : phần II mục 3 điểm d thông tư liên bộ số 16-TT/LB đã quy định các Sở, Ty tài chính phải lập bảng kê khai số dư tài khoản 733 phân tích rõ rệt hai phần:

- Phần tiền gửi về kinh phí, vốn của bản thân tài chính;

- Phần tiền gửi về những khoản do các bộ hay tổng cục ở trung ương chuyển về ủy quyền cho địa phương quản lý.

Trong năm qua, nhiều Sở, Ty tài chính chưa lập bảng kê khai, chưa báo cáo với Bộ Tài chính, nhưng các cơ quan ngân hàng Nhà nước địa phương vẫn cho chuyển sang năm sau sử dụng mặc dầu không có ý kiến của Bộ Tài chính.

Cuối năm 1975 này và từ nay về sau, các Sở, Ty tài chính cần làm chu đáo việc kê khai số dư tiền gửi về các khoản do các bộ, tổng cục ở trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý, có phân tích và đề nghị cụ thể về từng khoản xin chuyển sang năm sau hoặc nộp lại ngân sách, để Bộ Tài chính có cơ sở cùng các bộ, tổng cục chủ quản xét duyệt. Các cơ quan ngân hàng Nhà nước tỉnh và thành phố chỉ được phép chuyển sang năm sau và cho trích ra sử dụng các khoản vốn, kinh phí này khi có văn bản xét duyệt cụ thể của Bộ Tài chính (Vụ quản lý ngân sách). Tất cả các trường hợp không có ý kiến xét duyệt của Bộ Tài chính (Vụ quản lý ngân sách), thì dù Sở, Ty tài chính đã lập bảng kê, cơ quan ngân hàng Nhà nước nhất thiết không cho trích ra sử dụng.

Đối với cơ quan ngân hàng Nhà nước : các cơ quan ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính để làm tốt việc thu hồi vốn, kinh phí cho các cấp ngân sách hoặc chuyển số dư sang năm sau cho các đơn vị chi tiêu sau khi có ý kiến của Bộ hoặc Sở, Ty tài chính, tránh tự động chuyển sang năm sau không có sự xét duyệt của cơ quan tài chính; cần xử lý thật nghiêm khắc như chế độ quy định đối với cơ quan, đơn vị cố ý không chấp hành đúng.

Ngân hàng Nhà nước các cấp cần chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của thông tư liên bộ, đặc biệt chú ý nhất là phổ biến cho các đơn vị thường xuyên đến giao dịch kê khai kịp thời, lấy ý kiến xét duyệt đầy đủ của cơ quan tài chính để ngân hàng Nhà nước có cơ sở xử lý cho đúng chế độ.

c) Đối chiếu số liệu, xác minh tồn quỷ và kết dư ngân sách địa phương :

Thông tư liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước số 47 ngày 24-9-1975 đã quy định việc xác định tồn quỹ và kết dư cuối năm. Số tồn quỹ cuối năm tại ngân hàng, tách bỏ phần thu trước của năm sau, cộng với khoản cấp phát trước cho năm sau và các khoản thu hồi giảm cấp phát, thu hồi tạm ứng trong thời gian chỉnh lý…nhất thiết phải bằng số kết dư của năm đó. Sở, Ty tài chính và cơ quan ngân hàng Nhà nước địa phương, cuối năm 1975 này, phải đặc biệt chú ý số liệu, theo dõi đôn đốc nộp đủ và nộp đúng kinh phí thừa của năm 1975 trong thời gian chỉnh lý để đảm bảo tồn quỹ và kết dư chính xác. Nếu có chênh lệch, hai bên phải tìm ra nguyên nhân và thống nhất cách điều chỉnh cho đúng thực tế và đúng chế độ, không thể để tình trạng số liệu chênh lệch nhau năm này qua năm khác.

Nhận được thông tư này đề nghị các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ, nắm vững yêu cầu những việc cần làm, đồng thời tiến hành kiểm điểm một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm việc khóa sổ thu chi ngân sách cuối năm 1974, để đề ra kế hoạch bổ khuyết và hướng dẫn cho các đơn vị thi hành, đảm bảo kết thúc tốt ngân sách năm 1975.

 

K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM




Lê Đức

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

 


(*)In trong Công báo 1973, số 20, trang 332.