BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ LỢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47-TT/LB | Hà Nội , ngày 02 tháng 11 năm 1984 |
Thi hành Nghị định số 112-HĐBT về việc thu thuỷ lợi phí Liên Bộ Thuỷ lợi - Tài chính hướng dẫn như sau:
1. Đối tượng thu: Mọi tổ chức và cá nhân bao gồm hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các tổ chức kinh tế quốc doanh, các cơ quan Nhà nước và các hộ nông dân cá thể... được hưởng lợi do sử dụng nước và các dịch vụ khác từ các công trình thuỷ nông mà Nhà nước quản lý đều phải trả thủy lợi phí từ khi bắt đầu được hưởng lợi.
Các đối tượng hưởng lợi từ công trình thủy nông do dân ta làm hoặc nhân dân và Nhà nước cùng làm nhưng do Nhà nước quản lý cũng phải trả thuỷ lợi phí bằng 50% - 70% mức thu ta điểm 2 dưới đây trong thời gian 5 năm đầu. Nếu số thu không đủ chi phí quản lý và khai thác thường xuyên cho các công trình thuỷ nông đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức thu cao hơn. Các năm sau đều phải trả 100% mức thu. Những diện tích hưởng lợi ở những công trình thủy nông do đơn vị sử dụng nước tự quản lý (kể cả công trình do Nhà nước xây dựng nằm gọn trong địa bàn một hợp tác xã đã giao cho hợp tác xã quản lý) nhưng không sử dụng nguồn nước từ hệ thống thủy nông do Nhà nước quản lý thì không thu thuỷ lợi phí. Nếu có sử dụng nước từ các công trình thủy nông do Nhà nước quản lý thì thu thuỷ lợi phí theo mức thu tạo nguồn.
Riêng các xã vùng núi cao, vùng đồng bào các dân tộc miền núi mới định canh, định cư sản xuất chưa ổn định, các xã giáp biên giới Trung Quốc tạm thời chưa thu thuỷ lợi phí. Thời gian chưa thu do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, mọi chi phí quản lý khai thác hệ thống công trình do ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) cấp cho xí nghiệp thủy nông.
2. Mức thu thuỷ lợi phí:
Phải cố gắng thu bảo đảm đủ chi phí quản lý và khai thác trong phạm vi toàn tỉnh với điều kiện thời tiết bình thường. Căn cứ vào nguyên tắc quy định trong điều 2 và tỷ lệ thu quy định trong Điều 5 của Nghị định, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) quy định tỷ lệ thu và mức thu ở từng vùng cho phù hợp, nhưng không được thu dưới tỷ lệ tối thiểu. Trường hợp đã thu đến tỷ lệ tối đa mà vẫn không bảo đảm đủ chi phí quản lý và khai thác cho các xí nghiệp thuỷ nông địa phương muốn thu cao hơn phải được Hội đồng Bộ trưởng cho phép. Khi chưa được phép nâng tỷ lệ cao hơn mà quỹ thuỷ nông của tỉnh không còn đủ bù đắp thì ngân sách địa phương cấp bù để bảo đảm chi phí quản lý khai thác cho xí nghiệp thuỷ nông.
Căn cứ vào tỷ lệ thu và sản lượng bình quân 3 năm 1981-1983 (không thấp hơn sản lượng tính thuế nông nghiệp) của từng vùng để quy định mức thu cơ bản bằng lương thực cho một hécta gieo trồng được tưới tiêu chủ động. Mức thu này được ổn định trong một thời gian, đồng thời làm căn cứ xác định mức thu cho các loại diện tích được tưới tiêu chủ động một phần diện tích được tạo nguồn, v.v....
Diện tích được tưới tiêu chủ động là diện tích được công trình đưa nước trực tiếp vào mặt ruộng hoặc rút nước từ mặt ruộng ra công trình; bảo đảm yêu cầu của sản xuất và sinh trưởng của cây trồng, không có hạn, úng lớn ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng. Trường hợp do nguồn điện hoặc nguồn nước của công trình đầu mối tạm thời có lúc khó khăn, hộ dùng nước phải tát thêm một số ít lần (dưới 1/3 số lần tưới, tiêu ghi trong hợp đồng) thì vẫn coi là diện tích tưới tiêu chủ động:
- Diện tích được tưới, tiêu mới chủ động một phần là diện tích được công trình đưa nước vào hoặc tháo nước ra từ mặt ruộng nhưng còn thất thường, hộ dùng nước còn phải bơm, tát trên 1/3 số lần tưới tiêu theo quy trình thì thu thủy lợi phí bằng từ 70%-80% mức thu cơ bản.
- Diện tích được tạo nguồn là diện tích mà các hộ dùng nước phải bơm, tát nước từ các công trình thủy nông do Nhà nước quản lý lên mặt ruộng hoặc bơm, tát nước từ mặt ruộng ra công trình thuỷ nông do Nhà nước quản lý. Các diện tích được tưới, tiêu từ nguồn nước ở các kênh rạch tự nhiên mà Nhà nước vẫn phải đầu tư nạo vét và diện tích được ngăn mặn, tiêu nước xổ phèn... cũng coi là diện tích được tạo nguồn, thu bằng từ 50% đến 70% mức thu cơ bản.
Trường hợp đặc biệt ở miền núi, trung du, vùng bãi... nếu có diện tích chỉ yêu cầu tưới không cần tiêu hoặc ngược lại thì thu bằng từ 50% đến 60% mức thu cơ bản.
Vùng tưới bằng trọng lực, tiêu bằng bơm điện thu theo mức ở mục B, Điều 5 Nghị định số 112-HĐBT ngày 25 tháng 3 năm 1984.
Đối với diện tích chuyên gieo mà không cấy lúa thu bằng từ 30% đến 50% mức quy định thu của cây lúa.
Mức thu thủy lợi phí về kinh doanh nuôi thủy sản trên hệ thống thủy nông quy định bằng tiền tương đương từ 5 đến 10 kg thóc/ha/năm theo diện tích sử dụng trung bình (đối với hồ chứa nước là diện tích ứng với mức nước dâng bình thường cộng với diện tích ứng với mức nước chết chia đôi).
Mức thu về phục vụ vận tải trên hệ thống thủy nông. Căn cứ vào năng lực vận tải (không kể có chở hàng hay không).
Quy định bằng tiền tương đương với số thu thóc như sau:
Thuyền và xà lan có trọng tải dưới 3 tấn thu tương đương 5 kg thóc.
Thuyền và xà lan có trọng tải từ 3 đến 10 tấn thu tương đương 10 kg thóc.
Thuyền và xà lan có trọng tải từ 11 đến 20 tấn thu tương đương 15 kg thóc.
Thuyền và xà lan có trọng tải từ 21 đến 40 tấn thu tương đương 20kg thóc.
Thuyền và xà lan có trọng tải từ 41 đến 60 tấn thu tương đương 25 kg thóc.
Thuyền và xà lan có trọng tải trên 60 tấn thu tương đương 30 kg thóc.
Bè gỗ, tre, nứa 1m2 thu tương đương 1 kilôgam thóc.
Bè chuyên chở các loại nguyên, nhiên, vật liệu cứ 1m2 thu tương đương 2 kilôgam thóc.
Đối với phương tiện của Nhà nước, phương tiện của tập thể chuyên chở vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thì tính theo giá chỉ đạo. Ngoài ra phải tính theo giá thoả thuận do Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định.
Ngoài mức thu đã quy định trong các Điều 5, 6, 7, 8 của Nghị định số 112-HĐBT ngày 25 tháng 8 năm 1984, Uỷ ban Nhân dân tỉnh thấy cần thiết thì quy định mức thu thuỷ lợi phí các đối tượng hưởng lợi khác từ công trình thuỷ nông do Nhà nước quản lý.
Ngoài việc phải trả thuỷ lợi phí cho các xí nghiệp thuỷ nông, hàng năm các hộ sử dụng nước còn phải đóng góp vào việc tu sửa, bảo dưỡng, xây dựng công trình thuỷ nông bằng công lao động nghĩa vụ theo quy định.
Các xí nghiệp thuỷ nông phải dành một tỷ lệ thích đáng trong số thuỷ lợi phí thu được để tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên nhằm duy trì được năng lực của công trình thuỷ nông (số này phải thể hiện trong kế hoạch chi phí sản xuất của xí nghiệp thủy nông).
II. LẬP KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THU, NỘP VÀ THANH TOÁN THUỶ LỢI PHÍ
1. Lập kế hoạch thu thủy lợi phí:
a. Ký kết hợp đồng tưới, tiêu và thu thủy lợi phí.
Xí nghiệp thủy nông phải cùng các hộ sử dụng nước ký kết hợp đồng tưới, tiêu từng năm và từng vụ. Hợp đồng phải ghi rõ diện tích được tưới, tiêu, biện pháp tưới, tiêu các tiêu chuẩn, định mức, chất lượng và thời gian tưới, tiêu, số thuỷ lợi phí phải nộp, các quy định về thưởng phạt và thanh toán. Nếu hộ dùng nước có yêu cầu nâng cao chất lượng tưới tiêu để tăng sản lượng và trả thuỷ lợi phí tương ứng thì xí nghiệp thuỷ nông ký hợp đồng theo mức đăng ký cao.
b. Tổng hợp xét duyệt và giao chỉ tiêu kế hoạch thu thuỷ lợi phí:
Căn cứ vào hợp đồng đã ký kết với các hộ sử dụng nước, xí nghiệp thuỷ nông tổng hợp kế hoạch thu thuỷ lợi phí của đơn vị mình. Trong kế hoạch thu phải ghi rõ diện tích tưới, đơn giá thu, mức thu bằng hiện vật, bằng tiền, trong đó ghi rõ mức thu ổn định, mức thu theo đăng ký cao, thời gian thu của từng vụ, báo cáo lên Sở thuỷ lợi và Sở tài chính.
Sở Thuỷ lợi và Sở Tài chính xét duyệt và tổng hợp kế hoạch thu thuỷ lợi phí của các xí nghiệp thuỷ nông trong tỉnh, phân chia ra từng huyện, báo cáo lên Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Thuỷ lợi.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch thu thủy lợi phí bằng lương thực cho Uỷ ban nhân dân huyện, số lương thực này được ghi vào tổng mức huy động lương thực trong toàn huyện. Huyện giao kế hoạch cho xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất... cùng một lúc với giao kế hoạch thu thuế nông nghiệp, thu mua lương thực...
2. Tổ chức thu nộp và thanh toán:
Căn cứ vào kết quả tổng nghiệm thu, đánh giá thực hiện hợp đồng, xí nghiệp thuỷ nông lập sổ thu thuỷ lợi phí báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện. Sổ thu thuỷ lợi phí phải ghi rõ tên đơn vị sử dụng nước, số thuỷ lợi phí phải nộp bằng hiện vật, bằng tiền, trong đó ghi rõ số thu theo hợp đồng tưới tiêu đăng ký cao (nếu có) và số thuỷ lợi phí còn phải trả nợ của các năm trước. Uỷ ban nhân dân huyện duyệt sổ thu thuỷ lợi và giao chính thức cho xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và các ngành có liên quan trong huyện. Sau mỗi vụ thu hoạch, số hộ dùng nước phải giao trực tiếp, đầy đủ, kịp thời cho ngành lương thực sổ thuỷ lợi phí bằng lương thực cùng với thuế nông nghiệp và thu mua lương thực. Sau khi nhận lương thực chậm nhất là 15 ngày, ngành lương thực phải thanh toán tiền cho xí nghiệp thuỷ nông theo giá chỉ đạo. Đối với số lương thực nhập kho do thực hiện hợp đồng đăng ký cao mà thu tăng lên so với kế hoạch thu giao ổn định, ngành lương thực thanh toán theo giá khuyến khích (thủ tục hướng dẫn sau).
Xí nghiệp thuỷ nông phải nắm chắc tình hình thu thuỷ lợi phí, đôn đốc các hộ sử dụng nước nộp đầy đủ, kịp thời số thuỷ lợi phí phải nộp và yêu cầu ngành lương thực thanh toán tiền kịp thời.
Số thủy lợi phí được phép thu bằng tiền, xí nghiệp thuỷ nông trực tiếp thu của các hộ sử dụng nước.
Những xí nghiệp thủy nông quản lý từng nhánh của hệ thống thuỷ nông liên tỉnh hoặc liên huyện phải trích một phần thu nhập trả cho xí nghiệp quản lý công trình đầu mối theo như hợp đồng đã ký. Mức trích trả được tính trên cơ sở bảo đảm chi phí quản lý khai thác của xí nghiệp quản lý công trình đầu mối phân bổ cho tổng diện tích được hưởng lợi, do hội đồng quản lý hệ thống đề nghị và được cấp có thẩm quyền quyết định mức trả ổn định trong một thời gian.
III. THƯỞNG, PHẠT VÀ MIỄN GIẢM THUỶ LỢI PHÍ
1. Thưởng, phạt:
Cuối mỗi vụ tưới, tiêu xí nghiệp thuỷ nông phải căn cứ vào kết quả nghiệm thu từng đợt tưới, tiêu để cùng hộ dùng nước tổng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng.
- Nếu do thời tiết thuận lợi, số lần tưới tiêu ít hơn số lần quy định trong hợp đồng nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người sử dụng nước, hoặc vì lý do khách quan mà có một số lần tưới tiêu không bảo đảm yêu cầu nhưng không vượt quá 1/3 số lần quy định trong hợp đồng vẫn được coi là thực hiện hợp đồng và thanh toán thuỷ lợi phí như đã ký kết.
- Nếu số lần tưới tiêu không đạt yêu cầu vượt trên 1/3 số lần quy định trong hợp đồng thì thanh toán thuỷ lợi phí bằng 85% mức quy định trong hợp đồng.
- Nếu số lần tưới, tiêu không đạt yêu cầu tới trên 2/3 số lần quy định trong hợp đồng thì thu thuỷ lợi phí bằng 70% mức đã quy định trong hợp đồng.
2. Miễn giảm:
Điều 10 của Nghị định số 112-HĐBT ngày 25 tháng 8 năm 1984 đã quy định mức độ miễn, giảm, căn cứ vào đánh giá mức độ thiệt hại sản lượng để miễn thuế nông nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Nếu do miễn giảm mà số thu của xí nghiệp không đủ bảo đảm chi tối thiểu thì được bù đắp bằng quỹ dự phòng hoặc phần thu điều tiết của quỹ thuỷ nông của tỉnh nếu không đủ bảo đảm thì quỹ thuỷ nông tỉnh tạm ứng bằng các phần khác (khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn) nhưng phải hoặc trả vào các năm sau. Nếu vẫn không đủ thì ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) trợ cấp đặc biệt các xí nghiệp thuỷ nông.
IV. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ DỰ PHÒNG
Xí nghiệp thuỷ nông được phép lập quỹ dự phòng để bù đắp cho những năm thiên tai chi phí tăng.
1. Nguồn trích lập:
Nguồn để trích quỹ dự phòng là chênh lệch giữa chi phí thực tế hợp lý thấp hơn chi phí được duyệt. Số chênh lệch này (nếu có) được trích:
- 50% bổ sung hai quỹ khen thưởng và phúc lợi.
- 50% chuyển vào quỹ dự phòng gửi ở tài khoản riêng tại ngân hàng.
2. Sử dụng quỹ dự phòng
Những năm thời tiết khó khăn hơn mức bình thường (theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ lợi) có chi phí tăng hơn mức chi phí được duyệt mà được cấp có thẩm quyền xét duyệt, xí nghiệp được trích từ quỹ dự phòng để bù đắp phần chênh lệch được duyệt. Nếu quỹ dự phòng và quỹ thuỷ nông tỉnh trợ cấp vẫn không đủ, thì ngân sách địa phương tạm ứng và trừ vào quỹ dự phòng của các năm sau.
V. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ THUỶ NÔNG TỈNH
Tỉnh, thành phố được lập quỹ thuỷ nông do Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý (Sở Tài chính).
1. Nguồn trích lập bao gồm các khoản sau:
- Khấu hao cơ bản tài sản cố định đã đưa vào sử dụng (trừ các loại máy bơm lớn có lưu lượng từ 8.000m3/h trở lên và các công trình xây đúc bằng đất không trích khấu hao cơ bản).
- Khấu hao sửa chữa lớn tài sản cố định.
- Thu điều tiết từ các xí nghiệp thuỷ nông có điều kiện khách quan thuận lợi.
- Khoản thuỷ lợi phí thu được ở những diện tích hưởng lợi do sử dụng nước từ các công trình thuỷ nông đang xây dựng có khai thác một phần để tưới, tiêu nhưng chưa giao các xí nghiệp thuỷ nông quản lý do Uỷ ban nhân dân tỉnh huyện tổ chức thu và nộp 50% vào quỹ thủy nông tỉnh, 50% bổ sung vào ngân sách huyện.
2. Các quy định về sử dụng quỹ thuỷ nông:
Quỹ thủy nông nhằm tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn vốn để sử dụng vào các việc:
- Sửa chữa lớn và đổi mới máy móc thiết bị.
- Sửa chữa lớn các công trình xây đúc, bằng đất.
- Hỗ trợ cho xí nghiệp do điều kiện khó khăn khách quan mà nguồn thu không bảo đảm nhu cầu chi được duyệt).
- Dự phòng cho những năm thiên tai đặc biệt lớn (đê vỡ, sạt lở công trình lớn phải tu bổ ngay mới duy trì được hoạt động) mà nguồn thu và quỹ dự phòng ở xí nghiệp không đủ.
- Gặp trường hợp cần tiến hành đổi mới máy móc thiết bị hoặc sửa chữa lớn các công trình trong khi quỹ thuỷ nông của tỉnh chưa tập hợp được đủ số vốn cần thiết thì ngân sách địa phương tạm ứng (thu hồi vào các năm sau).
- Gặp trường hợp thiên tai lớn, hư hỏng nhiều công trình hoặc phải đại tu những công trình hư hỏng nặng do lâu ngày không được đại tu sửa chữa hoặc khối lượng nạo vét kênh tưới tiêu quá lớn do trước đây chưa được nạo vét đúng mặt cắt thiết kế mà quỹ thuỷ nông tỉnh chưa tập hợp đủ số vốn cần thiết thì ngân sách địa phương hoặc Trung ương cấp bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản theo kế hoạch xây dựng cơ bản được duyệt.
Hàng năm Sở Thuỷ lợi xem xét và tập hợp các nhu cầu chi bằng nguồn quỹ thuỷ nông trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt.
Để tạo điều kiện chủ động cho xí nghiệp có nhu cầu chi bằng nguồn quỹ thuỷ nông đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt. Sở Thuỷ lợi và Sở Tài chính có thể cho phép xí nghiệp thủy nông được giữ số tiền phải nộp theo kế hoạch về quỹ thuỷ nông tỉnh để chi cho xí nghiệp mình theo kế hoạch chi bằng quỹ thủy nông đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt. Xí nghiệp chỉ phải nộp (nếu còn thừa hoặc được cấp thêm nếu thiếu) phần chênh lệch giữa số tiền phải nộp và số tiền được chi.
Sau khi sử dụng vào các mục đích trên và giành phần dự phòng cần thiết mà vẫn còn dư thì Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể huy động vào việc hoàn thiện, nâng cao, mở rộng các công trình thuỷ nông trong tỉnh. Không được sử dụng quỹ thuỷ nông vào việc khác.
Để đảm bảo duy trì và khai thác tốt các công trình thuỷ nông bằng sự đóng góp công bằng hợp lý cuả các hộ sử dụng nước đồng thời để tạo kiện cho các xí nghiệp thuỷ nông thực hiện hạch toán kinh tế, nâng cao chất lượng tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn. Uỷ ban Nhân dân tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ công tác thu thuỷ lợi phí. Những đối tượng sử dụng nước cố tình trốn tránh việc trả thuỷ lợi phí như đảo hạng, khai giấu diện tích hưởng lợi hoặc dây dưa trong công tác thanh toán thuỷ lợi phí.... phải có biện pháp xử lý thích đáng.
Uỷ ban nhân dân huyện phải chỉ đạo chặt chẽ việc ký kết hợp đồng tưới, tiêu và nghiệm thu kết quả tưới, tiêu giữa xí nghiệp thuỷ nông và các đơn vị sử dụng nước. Đôn đốc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ sử dụng nước thanh toán thuỷ lợi phí đầy đủ, đúng thời hạn. Các xí nghiệp thuỷ nông phải tổ chức tốt việc sửa chữa, bảo vệ công trình, phân phối nước vào đến mặt ruộng theo hợp đồng đã ký kết.
Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ sử dụng nước có trách nhiệm xây dựng tu sửa các công trình thuỷ nông trong địa bàn của mình để chống rò rỉ lãng phí nước; tổ chức các đội thuỷ nông chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ công trình thuỷ nông trong địa bàn của mình, dẫn nước vào ruộng và nghiệm thu kết quả từng đợt tưới tiêu với công ty thuỷ nông để làm căn cứ tổng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng.
Các cấp, các ngành ở địa phương cần triển khai nhanh chóng việc thu thuỷ lợi phí theo quy định mới để bảo đảm thu tốt ngay từ vụ mùa năm 1984 như Nghị định số 112-HĐBT ngày 25 tháng 8 năm 1984 đã quy định, tránh những quy định tuỳ tiện bất hợp lý ở các địa phương.
Mỗi Bộ trong chức năng và quyền hạn của mình có hướng dẫn cụ thể.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về Liên Bộ Thuỷ lợi và Tài chính cùng xem xét giải quyết.
Lê Bá Thuỷ (Đã ký) | Vũ Khắc Mẫn (Đã ký) |