Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/1998/TTLT-BGDĐT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, BỘ TÀI CHÍNH SỐ 66/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 1998HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MIỄN THU HỌC PHÍ ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN NGÀNH SƯ PHẠM VÀ HỖ TRỢ NGÂN SÁCH CHO CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM 

Điểm 2, Điều 2 Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định: "Miễn học phí cho học sinh, sinh viên ngành sư phạm";

Điểm 3 (3.1.7), mục II Thông tư Liên tịch số 54/1998/TTLT/GD&ĐT-TC ngày 31/8/1998 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính đã có hướng dẫn việc thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định: "Miễn học phí cho học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung ngành sư phạm khi vào học có cam kết sau khi tốt nghiệp phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo";

Để thống nhất thực hiện và đảm bảo kinh phí hoạt động đối với các trường sư phạm thực hiện các quy định trên, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

Phần 1:

ĐỐI TƯỢNG MIỄN THU HỌC PHÍ VÀ KHÔNG MIỄN THU HỌC PHÍ LÀ HỌC SINH, SINH VIÊN NGÀNH SƯ PHẠM

I. ĐỐI TƯỢNG MIỄN THU HỌC PHÍ:

1. Học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung tại các trường và khoa sư phạm là học sinh, sinh viên trong chỉ tiêu kế hoạch đào tạo hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường sư phạm thuộc Trung ương quản lý và do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho các trường sư phạm thuộc địa phương quản lý, đã qua kỳ thi tuyển sinh quốc gia hàng năm.

Học sinh, sinh viên ngành sư phạm (không bao gồm các lớp chuyên ngành khác trong trường sư phạm) hệ chính quy tập trung nêu trên không phân biệt được nhà nước cấp ngân sách hay không cấp ngân sách, từ năm học 1998 - 1999 (kể cả học sinh tuyển mới và học sinh cũ đang học tại trường) có cam kết sau khi tốt nghiẹp phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo.

Các đối tượng nêu trên nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng góp học phí trong thời gian học tại trường. Nguyên tắc bồi hoàn Liên Bộ sẽ có hướng dẫn riêng.

2. Học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung tại các trường sư phạm thuộc diện được miễn học phí theo quy định tại các điểm 3.1.2, 3.1.3, 3.1.4, 3.1.5, 3.1.6, 3.1.8, 3.1.10 mục II Thông tư số 54/1998/TTLT-GD&ĐT-TC ngày 31/8/1998 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tài chính hướng dẫn việc thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

II. ĐỐI TƯỢNG PHẢI ĐÓNG HỌC PHÍ VÀ MỨC THU HỌC PHÍ:

1. Đối tượng phải đóng học phí:

Học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung đã được tuyển vào học tại các trường sư phạm không thuộc các đối tượng quy định tại điểm I phần I nói trên.

2. Khung mức thu học phí áp dụng theo khung mức quy định tại Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Đại học sư phạm: Từ 50.000đ đến 180.000đ/ tháng/HS

- Cao đẳng sư phạm: Từ 40.000đ đến 150.000đ/ tháng/HS

- Trung học sư phạm: Từ 15.000đ đến 100.000đ/tháng/HS

Học phí được thu định kỳ hàng tháng và thu 10 tháng/năm.

Mức thu học phí cụ thể đối với từng chuyên ngành đào tạo, khoá đào tạo do Hiệu trưởng các trường sư phạm (hoặc hiệu trưởng của các trường có khoa sư phạm) căn cứ vào khung học phí nói trên để đề nghị và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với các trường sư phạm do địa phương quản lý); Giám đốc các Đại học, Hiệu trưởng (đối với các trường sư phạm do Trung ương quản lý) quyết định. Quyết định về mức thu học phí trên đây phải được công bố công khai cho học sinh, sinh viên và phụ huynh vào đầu năm học; đồng thời phải báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cấp trên và gửi cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước để theo dõi và kiểm soát việc thu chi học phí.

III. QUẢN LÝ THU, CHI VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ (NẾU CÓ) TRONG CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM:

Việc quản lý thu, chi và sử dụng quỹ học phí của các trường sư phạm (từ nguồn thu học phí tại trường đối với các đối tượng không được hưởng chế độ miễn học phí) được thực hiện theo các quy định tại thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT/GD&ĐT -TC ngày 31/3/1998 của Liên Bộ GD&ĐT -Tài chính.

Phần 2:

HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO CÁC TRƯỜNG VÀ KHOA SƯ PHẠM DO THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ MIỄN HỌC PHÍ

1/ Các trường sư phạm và khoa sư phạm khi thực hiện chế độ miễn học phí đối với các đối tượng học sinh, sinh viên ghi tại điểm I Phần I trên đây được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đảm bảo hoạt động của Nhà trường. Khoản kinh phí hỗ trợ được tính trong dự toán ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm của các cấp.

Kinh phí hỗ trợ cho mỗi trường và khoa sư phạm được căn cứ vào số lượng học sinh được miễn học phí của trường đó và mức hỗ trợ bằng mức thu học phí của từng học sinh thuộc các hệ đào tạo tương ứng, cụ thể như sau:

- Đại học sư phạm : Từ 50.000đ đến 180.000đ/tháng/HS

- Cao đẳng sư phạm : Từ 40.000đ đến 150.000đ/tháng/HS

- Trung học sư phạm: Từ 15.000đ đến 100.000đ/tháng/HS

2. Phương thức cấp phát kinh phí:

- Đối với các Trương Sư phạm và Khoa sư phạm do Trung ương quản lý, Bộ Tài chính cấp kinh phí qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để cấp cho các trường trực thuộc.

- Đối với các trường sư phạm do địa phương quản lý, Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố cấp từ kinh phí sự nghiệp đào tạo địa phương cho các trường sư phạm.

3. Khoản Ngân sách hỗ trợ cho các trường và khoa sư phạm này được sử dụng như sau:

- 45% tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy - học tập (như sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, xây dựng nhỏ các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, ký túc xá học sinh, sinh viên; mua sắm, thuê mướn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy - học tập; quản lý chuyên môn hành chính các công việc khác có liên quan,...).

- 15% bổ sung kinh phí cho các hoạt động đào tạo kể cả hỗ trợ thi tốt nghiệp (bao gồm tất cả các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn và các khoản chi thường xuyên thuộc nội dung chi hoạt động sự nghiệp đào tạo, kể cả chi cho tốt nghiệp ở các trường, chi nghiệp vụ quản lý quỹ học phí tại cơ sở).

- 40% hỗ trợ cho lao động trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy, bao gồm chi hỗ trợ cho lao động trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy tính theo giờ giảng và khối kượng công tác của giáo viên, cán bộ công nhân viên phục vụ giảng dạy và các bộ phận liên quan, chi khen thưởng và chi phúc lợi tập thể ở các trường.

4. Hàng năm, cùng với việc lập dự toán ngân sách, các trường sư phạm và khoa sư phạm căn cứ vào số lượng học sinh, sinh viên sư phạm thuộc diện miễn học phí và mức hỗ trợ, lập dự toán khoản kinh phí hỗ trợ do việc thực hiện miễn học phí sư phạm, tổng hợp vào dự toán ngân sách chung của đơn vị. Quy trình quản lý, lập dự toán, cấp phát, kế toán và quyết toán khoản kinh phí này thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.

Khi quyết toán định kỳ theo chế độ báo cáo tài chính, ngoài việc tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán của trường, các trường sư phạm và khoa sư phạm phải có thuyết minh chi tiết phần kinh phí hỗ trợ này gửi cơ quan quản lý giáo dục đào tạo và cơ quan tài chính.

Phần 3:

KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 1998.

2. Trong qua trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để liên bộ xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Lê Vũ Hùng

(Đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)