BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2004/TTLT-BTC-BVHTT |
Hà Nội , ngày 19 tháng 7 năm 2004 |
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN SỐ 74/2004/TTLT/BTC-BVHTT NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO TÁC PHẨM CÔNG TRÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NĂM 2004
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động sáng tạo các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật năm 2004;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Năm 2004, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động sáng tạo các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có định hướng cho các địa phương thông qua các Hội văn học nghệ thuật địa phương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Việc hỗ trợ kinh phí của Nhà nước nhằm tăng thêm nguồn tài chính và nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật ở địa phương, không vì sự hỗ trợ này ngân sách địa phương giảm mức hỗ trợ thường xuyên hàng năm.
2. Nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật thuộc các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số và ưu tiên các mảng đề tài phản ánh:
- Lịch sử, cách mạng, kháng chiến và truyền thống văn hoá dân tộc.
- Công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội.
- Thiếu niên và nhi đồng.
Hội văn học nghệ thuật địa phương tổ chức xét duyệt mức hỗ trợ cho tác giả, nhóm tác giả có đề cương cụ thể về đề tài, nội dung, thời hạn hoàn thành tác phẩm hoặc bản thảo tác phẩm.
3. Phạm vi hỗ trợ
- Hỗ trợ cho các tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội văn học nghệ thuật địa phương trong các hoạt động sáng tạo, sưu tầm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Mức hỗ trợ căn cứ vào đề tài, quy mô, chất lượng tác phẩm.
- Chi tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, mở trại sáng tác, sưu tầm nghiên cứu, thâm nhập thực tế.
- Chi hỗ trợ công bố tác phẩm.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ ngân sách Trung ương.
5. Hội văn học nghệ thuật địa phương có trách nhiệm ban hành, phổ biến công khai quy trình hỗ trợ; thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn lọc đề cương, đánh giá, nghiệm thu, thẩm định tác phẩm, công trình và sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.
1. Hội văn học nghệ thuật địa phương chi:
- Hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội văn học nghệ thuật địa phương kinh phí sáng tạo tác phẩm theo từng lĩnh vực thuộc các mảng đề tài được quy định. Mức hỗ trợ cụ thể do Hội văn học nghệ thuật địa phương xem xét, quyết định căn cứ vào chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình sáng tạo, đề tài, quy mô và chất lượng tác phẩm. Khoản chi hỗ trợ trực tiếp này thực hiện theo hình thức ký hợp đồng cụ thể giữa tác giả, nhóm tác giả với Hội văn học nghệ thuật địa phương.
- Chi hỗ trợ kinh phí để các Hội văn học nghệ thuật địa phương tổ chức thẩm định, phê bình, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật theo từng loại hình. Mức chi 100.000 đồng/thành viên Hội đồng/ngày.
- Chi hỗ trợ kinh phí công bố tác phẩm. Mức chi hỗ trợ do Hội văn học nghệ thuật địa phương quyết định căn cứ vào loại hình, quy mô, chất lượng tác phẩm.
Hội văn học nghệ thuật địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, mở trại sáng tác, vận dụng mức chi quy định tại điểm 2, mục II của Thông tư này.
Các khoản chi đặc thù (nếu có) ngoài chế độ chi quy định tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu tài chính khác hiện hành, Hội văn học nghệ thuật địa phương trình HĐND tỉnh quyết định mức chi cụ thể.
2. Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chi:
- Chi tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, tổng kết chương trình hoạt động sáng tạo tác phẩm công trình văn học nghệ thuật.
- Chi hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, mở trại sáng tác nhằm tập hợp, thống nhất và định hướng đường lối sáng tạo văn hoá, văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Mức chi cụ thể như sau:
Tiền ăn: Tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo mức 30.000 đồng/người/ngày; nếu tổ chức tại các tỉnh, thành còn lại theo mức 25.000 đồng/người/ngày.
Tiền thuê chỗ ngủ: Tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo mức 90.000 đồng/người/ngày; tổ chức tại các tỉnh, thành còn lại theo mức 60.000 đồng/người/ngày.
Tiền thuê hội trường trong những ngày tổ chức lớp tập huấn, hội thảo (nếu có). Mức chi thực hiện theo hợp đồng ký kết cụ thể.
Tiền in tài liệu phục vụ tập huấn, hội thảo.
Tiền thuê xe đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi tổ chức tập huấn, hội thảo (nếu có).
Các khoản chi tiền nước uống (15.000 đồng/người/ngày), tiền thuốc chữa bệnh thông thường, trang trí hội trường.
Chi khác (nếu có).
Trường hợp vì những lý do khách quan kinh phí bổ sung cho Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và kinh phí hỗ trợ các Hội văn học nghệ thuật địa phương chưa thực hiện hết trong năm và vẫn còn nhiệm vụ thì Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật địa phương có văn bản gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định cho chuyển nguồn sang năm sau thực hiện theo quy định của Luật NSNN.
Các Hội văn học nghệ thuật địa phương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam thực hiện công khai tài chính theo quy định hiện hành.
Cuối năm, các Hội văn học nghệ thuật địa phương tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả hoạt động (kinh phí thực hiện, các sản phẩm chủ yếu được hỗ trợ) gửi Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam làm đầu mối tổng hợp báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Tài chính. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Đinh Quang Ngữ (Đã ký) | Trần Văn Tá (Đã ký) |