Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92/1998/TTLT-TCKTTV-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 1998 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHẬP KHẨU VÀ KIỂM SOÁT SỬ DỤNG CHẤT METHYL BROMIDE

Căc cứ văn kiện Công ước Viên về bảo vệ tầng ozôn (1985) và Nghị định thư Môntrêan về các chất làm suy giảm tầng ozôn (1987) mà Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên chính thức từ tháng 01 năm 1994.
Căn cứ công văn số 3148-KGVX ngày 10-6-1995 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì phối hợp thực hiện “Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozôn”

Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc sử dụng chất Methyl Bromide như sau:

I. QUẢN LÝ NHẬP KHẨU

1. Methyl BromiDe có công thức hóa học CH3Br là chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Môntrêan, có tiềm năng làm suy giảm tầng ozôn với hệ số = 0,6 (Nghị định thư Môntrêan, Phụ lục E) và phải hạn chế sản xuất từ năm 2001 (giảm 25%) và loại trừ hoàn toàn vào năm 2010 ở các nước phát triển (Bản sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Môntrêan, 12-1995)

2. Trên cơ sở chiến lược và kế hoạch loại trừ dần Methyl Bromide trong Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozôn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất vể khối lượng chất Methyl Bromide cần nhập hàng năm.

3. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu chất Methyl Bromide (cả hai loại: có hàm lượng 99,4% CH3Br và 98% CH3Br + 2% CCL3NO2) phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 15-2-1993, Điều lệ về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành theo Nghị định số 92-CP ngày 27-11-1993 của Chính phủ và các văn bản pháp quy khác có liên quan đến việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật hiện hành

II. KIỂM SOÁT SỬ DỤNG

1. Chất Methyl Bromide được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam và chỉ những tổ chức nào, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của: Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Điều lệ về Kiểm dịch thực vật (ban hành theo Nghị định số 92-CP ngày 27-11-1993 của Chính phủ); quy định quản lý Nhà nước về hoạt động khử trùng (bàn hành kèm theo Quyết định số 189-Nhà nước/BVTV/QĐ ngày 31-3-1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng như các văn bản pháp quy khác có liên quan mới được sử dụng.

2. Trong thời gian từ trước cho d8ến hết năm 2005, trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, các tổ chức, cá nhân có sử dụng chất Methyl Bromide phải báo cáo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Cục bảo vệ thực vật) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozôn) tình hình sử dụng chất Methyl Bromide trong năm (bao gồm lượng đã sử dụng, chủng loại, số lượng và khối lượng vật thể đã xông hơi bằng chất Methyl Bromide và những vấn đề khác liên quan).

3. Vụ Khoa hoc Công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Vụ Khoa học Kỹ thuật (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) có trách nhiệm phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế sớm phát triển thay thế chất Methyl Bromide nhằm đáp ứng công tác khử trùng xông hơi ở Việt Nam trong thời gian tới.

III. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Thông tư này, góp phần hạn chế phát thải Methyl Bromide và bảo vệ môi trường thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Thông tư này làm ảnh hưởng xấu đến môi trường thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định cùa pháp luật hiện hành.

IV. KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được nhập khẩu và sử dụng chất Methyl Bromide có trách nhiệm quán triệt, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG

 
 
 

Ngô Thế

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

 
 
 


Nguyễn Đức Ngữ