Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 52 NGÀY 01-06-1959 CỦA LIÊN BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN – LAO ĐỘNG VỀ PHỤ CẤP LÁI VÀ PHỤ XE Ô TÔ VẬN TẢI

Chế độ phụ cấp của công nhân lái xe và phụ xe vận tải trước đây quy định có nhiều điểm chưa thích hợp với hoàn cảnh thực tế, nên các nơi gặp khó khăn trong việc thi hành và có hiện tượng thi hành chế độ không thống nhất.

Để giải quyết tình trạng trên, Liên bộ Giao thông và Bưu điện – Lao động ra Nghị định số 52-NĐ/LB ngày 01-06-1959 quy định một chế độ phụ cấp đi đường thống nhất đối với các anh em này để áp dụng chung cho các ngành được thích hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay.

Dưới đây, Bộ Giao thông và Bưu điện nói rõ thêm một số điểm về biện pháp cụ thể thi hành Nghị định này.

1. VỀ CUNG ĐỘ VẬN CHUYỂN

Khoản phụ cấp này tính căn cứ vào thời gian tiêu chuẩn quy định cho từng cung độ vận chuyển và cho từng loại xe.

Thời gian tiêu chuẩn của mỗi cung độ vận chuyển và của mỗi loại xe sẽ căn cứ vào các yếu tố sau đây:

- Tính chất khả năng của từng loại xe,

- Tính chất tốt xấu của từng tuyến đường.

- Tính chất chờ đợi bốc dỡ của các loại hàng khó hay dễ.

- Tính chất luồng hàng 2 chiều hay 1 chiều, để quy định hoặc sửa đổi cho sát với hoàn cảnh cụ thể của từng cung độ vận chuyển và đối với từng loại xe.

Việc quy định thời gian tiêu chuẩn sẽ chia ra hai trường hợp sau đây:

a) Đối với xe chạy đường dài; thời gian tiêu chuẩn cụ thể là số ngày tiêu chuẩn quy định cho mỗi loại xe chạy trên mỗi cung độ vận chuyển.

Trường hợp xe chạy vượt mức không tới số ngày tiêu chuẩn được tính phụ cấp theo số ngày tiêu chuẩn đã quy định.

Trường hợp xe chạy chậm quá số ngày tiêu chuẩn chỉ được tính phụ cấp theo số ngày tiêu chuẩn đã quy định.

Ví dụ: Xí nghiệp quốc doanh vận tải quy định số ngày tiêu chuẩn là 2 ngày rưỡi đối với loại xe từ 6 tấn trở lên, chở hàng một chiều, chạy đường Hà Nội - Bắc Cạn dài 324km (cả đi lẫn về).

Nếu xe chạy hết 2 ngày (vượt mức) hoặc chạy hết 3 ngày (không đảm bảo mức) thì tiền phụ cấp đều tính theo số ngày tiêu chuẩn đã quy định là 2 ngày rưỡi.

b) Đối với xe chạy đường ngắn: thời gian tiêu chuẩn cụ thể là số chuyến trong một ngày quy định cho mỗi loại xe chạy trên mỗi cung độ vận chuyển.

Trường hợp xe chạy vượt hay không đạt số chuyến tiêu chuẩn đã quy định thì được tính phụ cấp theo tỷ lệ số chuyến đã chạy so với số chuyến tiêu chuẩn.

Ví dụ: Xí nghiệp Quốc doanh vận tải quy định số chuyến tiêu chuẩn là 3 chuyến đối với loại xe 6 tấn trở lên chở hàng 2 chiều trên đường Hà Nội – Hà Đông dài 22km (cả đi lẫn về).

Nếu xe chạy được 4 chuyến (vượt mức) tiền phụ cấp được tính:

Mức phụ cấp x 4

=

3

Nếu xe chạy được có 2 chuyến (không đảm bảo mức) tiền phụ cấp chỉ được tính:

Mức phụ cấp x 2

=

3

Tất cả trường hợp xe chạy có cung độ vận chuyển nhất định đều áp dụng thống nhất cách tính trên đây, theo số ngày hay số chuyến tiêu chuẩn do đơn vị nghiên cứu quy định thích hợp với tình hình vận chuyển của đơn vị mình và phải có định kỳ xét lại không được kéo dài quá một năm. Trước khi quy định hoặc sửa đổi nhất thiết phải được Sở, Ty Giao thông đồng ý và Ủy ban Hành chính địa phương thông qua để đảm bảo thống nhất lãnh đạo.

Trường hợp xe chạy không có cung độ vận chuyển nhất định nên không thể quy định được số ngày hay số chuyến tiêu chuẩn thì tạm thời căn cứ vào số cây số chạy được trong một ngày để tính phụ cấp như sau:

- Nếu xe chạy được từ 120km trở lên được tính cả định suất phụ cấp.

- Nếu xe chạy được từ 60km đến dưới 120km được tính 1/2 định suất.

- Nếu xe chạy dưới 60km, không có phụ cấp.

Biện pháp này chỉ tạm thời thi hành đối với các xe chạy linh tinh mà việc quy định số ngày hay số chuyến tiêu chuẩn gặp khó khăn không thực hiện được. Những trường hợp có thể quy định được số ngày hay số chuyến tiêu chuẩn thì phải nghiên cứu áp dụng thống nhất theo quy định ở điểm a và b nói trên.

2. VỀ PHỤ CẤP LÀM THÊM GIỜ

Tính chất công việc của anh em lái xe và phụ cấp xe khác với anh em công nhân sản xuất ở xí nghiệp ở chỗ không phân rõ được ranh giới giữa thì giờ thực tế làm việc thì giờ nghỉ ngơi. Trong lương mới đã có sự chiếu cố đến tính chất đó, nên không đặt vấn đề thi hành chế độ phụ cấp làm thêm giờ. Do đó cần thiết phải nghiên cứu quy định chế độ thì giờ làm việc theo cung độ vận chuyển đã nói ở điểm một để thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện công tác của anh em.

Ngoài ra, nếu anh em phải làm thêm ngày ngoài số ngày tiêu chuẩn phải đảm bảo trong tháng thì những ngày làm thêm được tính phụ cấp bằng một ngày lương.

3. VỀ PHÂN LOẠI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG

Việc quy định các tuyến đường đèo dốc miền rừng núi cần được nghiên cứu thận trọng, chủ yếu chỉ giải quyết đối với những tuyến đường nhiều đèo dốc nguy hiểm thuộc các miền rừng núi, xe chạy gặp nhiều khó khăn gian khổ và trên tinh thần không mở rộng đối với các tuyến đường thuộc miền trung du và đồng bằng kể cả những tuyến đường miền rừng núi ít đèo dốc nguy hiểm, xe chạy tương đối dễ dàng không gặp khó khăn gian khổ nhiều lắm.

(Đính kèm một bản phụ lục quy định tạm thời những tuyến đường đèo dốc để các nơi thi hành chung).

Sau này còn những tuyến đường nào xét cần quy định thêm thì Tổng cục thủy bộ hay các Ủy ban Hành chính địa phương sẽ quán triệt tinh thần trên chịu trách nhiệm công bố theo quy định như sau:

- Tổng cục thủy bộ công bố các tuyến đường đèo dốc trên các đường quốc lộ sau khi thống nhất ý kiến với các Ủy ban Hành chính địa phương thuộc phạm vi các tuyến đường đó.

- Các Ủy ban Hành chính địa phương công bố các tuyến đường đèo dốc trên các đường tỉnh lộ căn cứ vào đề nghị của Sở, Ty Giao thông địa phương.

Sau khi công bố chính thức, Tổng cục thủy bộ và các Ủy ban Hành chính có nhiềm vụ báo cáo Liên bộ Giao thông và Bưu điện – Lao động để nắm tình hình.

Cách tính phụ cấp đường đèo dốc:

Để đơn giản thể thức thanh toán, cách tính phụ cấp về đường đèo dốc quy định như sau:

- Trên một tuyến đường xe chạy, nếu đường đèo dốc chiếm tỷ lệ từ 2/3 trở lên, được tính cả là đường đèo dốc.

- Nếu đường đèo dốc, chiếm tỷ lệ từ 1/3 đến dưới 2/3 được tính 1/2 đường đèo dốc và 1/2 đường đồng bằng.

Nếu đường đèo dốc chiếm tỷ lệ dưới 1/3, coi như đường đồng bằng cả.

4. VỀ PHÂN LOẠI CÁC XE

- Xe tải từ 6 tấn trở lên xếp vào loại xe lớn.

- Xe tải từ 5T5 trở xuống xếp vào loại xe vừa.

- Xe chở khách xếp chung một loại, không phân biệt xe lớn xe nhỏ.

- Các loại xe khác như xe cần trục, xe citerne, v.v… thì cũng căn cứ vào trọng tải quy định như trên để xếp vào loại xe lớn hay xe vừa.

Ngoài ra, trường hợp xe kéo thêm remorque thì ngoài mức phụ cấp đã quy định, mỗi remorque được tính thêm 0đ10 nếu xe chạy trên đường trung du hay đồng bằng, và 0đ15 nếu xe chạy đường đèo dốc miền rừng núi.

5. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI THI HÀNH

a) Khoản phụ cấp này đặt ra chủ yếu để giải quyết khó khăn về sinh hoạt cho anh em lái phụ xe vận tải, do điều kiện làm việc không có giờ giấc nhất định và lưu động ngoài mặt đường, nên phải chi tiêu tốn kém về 2 bữa cơm ăn ở dọc đường. Còn những trường hợp xe chạy nằm trong giây chuyền sản xuất của xí nghiệp công trường, giờ giấc làm việc nghỉ ngơi ăn uống và điều kiện hoạt động gắn liền với anh em công nhân sản xuất, thì không thi hành (Ví dụ: anh em lái xe tracteur ở cảng, anh em lái xe cần trục trong những ngày hoạt động ở một địa điểm, anh em lái xe chuyên chở dụng cụ vật liệu trong một phạm vi nhất định của công trường xí nghiệp v.v… điều kiện hoạt động và thì giờ làm việc nghỉ ngơi ăn uống bố trí như các anh em công nhân sản xuất, nên vấn đề sinh hoạt không bị ảnh hưởng thì không thi hành chế độ phụ cấp này. Nếu làm thêm ca kíp thì áp dụng chế độ phụ cấp làm thêm ca như công nhân xí nghiệp.

b) Khoản phụ cấp này áp dụng chung cho cả 2 trường hợp xe đi đoàn hay xe đi lẻ, và không phân biệt giữa lái và phụ.

c) Cán bộ đi theo phụ trách đoàn xe hay làm công tác kiểm tra, thợ máy và phụ thợ máy đi theo xe để sửa chữa, được thi hành khoản phụh cấp này.

d) Khoản phụ cấp này không thi hành đối với giáo viên và học sinh thực tập trên xe.

e) Anh em lái xe và phụ xe Car hiện nay vẫn còn tạm thời hưởng các mức lương của xe tải. Theo quy định trong phương án lương của Bộ Giao thông và Bưu điện thì kể từ ngày áp dụng khoản phụ cấp này thay thế cho chế độ phụ cấp cũ, mức lương của anh em sẽ được điều chỉnh theo các mức lương của xe Car đã quy định.

Khoản phụ cấp này thi hành kể từ ngày ban hành Nghị định. Các chế độ về phụ cấp lái xe trước đây thi hành không đúng với quy định trong Nghị định và thông tư này thì nay không thi hành nữa.

Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn mắc mứu thì kịp thời phản ảnh để Liên bộ nghiên cứu giải quyết.

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN




Nguyễn Văn Trân

PHỤ LỤC

ĐÍNH KÈM THÔNG TƯ SỐ 13 NGÀY 01-06-1959 CỦA BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN VỀ PHỤ CẤP LÁI VÀ PHỤ XE VẬN TẢI

Những tuyến đường sau đây được tạm thời quy định là đường đèo dốc để áp dụng các mức phụ cấp quy định ở điều 1 trong Nghị định Liên bộ số 52-NĐ/LB ngày 01-06-1959:

- Đường số 6 từ Hòa Bình đi Tây Bắc (và nội địa Tây Bắc).

- Đường 13 từ Cò Nòi đi Yên Bái, Tuyên Quang đến Thái Nguyên.

- Đường số 2, từ Tuyên Quang đi Hà Giang.

- Đường số 3, từ Thái Nguyên đến Thủy Khẩu.

- Đường số 4, từ Móng Cái đến Cao Bằng.

- Đường số 15, từ Suối Rút đi Hồi Xuân, Lang Chánh, Phủ Quỳ đến Đô Lương, và đoạn từ Tân Ấp đi Banaphao.

- Đường số 7, từ Con Cuông đi Mường Xen.

- Các tuyến đường từ Hồi Xuân đi Ban Ngăm, từ Bái Thượng đi Lang Cha Na Neo.