Thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho quân nhân?
Ngày gửi: 02/01/2021 lúc 14:50:46
Tên đầy đủ: Dung Le
Số điện thoại: 0983805xxx
Email: leduydunxxx@gmail.com
Câu hỏi:
Tôi nhập ngũ 3/2002 bây giờ tôi muốn nghỉ hưu thì cần thủ tục gì?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015;
Nghị định 151/2016/NĐ-CP hướng dẫn về chế độ, chính sách của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp;
Thông tư 136/2020/TT-BQP Hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong bộ quốc phòng do Bộ quốc phòng ban hành;
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 17 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp:
“1. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau:
a) Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;
b) Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:
a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;
b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;
c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
3. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.
4. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.”
Như vậy, theo quy định trên thì hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp cấp hàm thượng úy là 52 tuổi đối với nam, 52 tuổi đối với nữ.
Căn cứ Điều 40 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ:
“1. Quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu:
a) Lương hưu được tính theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của Luật này;
b) Trường hợp nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu sử dụng thì ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật còn được hưởng trợ cấp một lần;
c) Được chính quyền địa phương nơi cư trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ Điều 3 Nghị định 151/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về chế độ, chính sách của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp thì nếu trong trường hợp bạn nghỉ hưu theo Điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 40 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì chế độ thực hiện như sau:
– Quân nhân đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của luật bảo hiểm xã hội: chế độ hưu trí và các khoản trợ cấp nếu có.
– Nếu trong trường hợp bạn nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) theo quy định hiện hành, còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần cụ thể:
Trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi
Trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương.
Mức tính lương hưu theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Mỗi năm được tính thêm 2%, tối đa không quá 75%.
Trong trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm nghỉ trước tuổi sẽ bị trừ 2%.
Bạn đối chiếu theo quy định trên để tính vào thời điểm bạn nghỉ hưu, mức hưởng lương hưu của bạn sẽ được là bao nhiêu.
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Thông tư 136/2020/TT-BQP Hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong bộ quốc phòng, hồ sơ bạn cần chuẩn bị bao gồm:
- Sổ BHXH
- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ BHXH của Thủ trưởng đơn vị theo mẫu 05 ban hành kèm theo Thông tư 70/2016/TT-BQP ngày 02/6/2016.
- Bản chính biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của HĐGĐYK cấp có thẩm quyền trong BQP đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.
- Bản quá trình đóng BHXH
- Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).
- Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng (Mẫu số 07AHBQP đến Mẫu số 07c-HBQP).
- Thông báo chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (Mẫu số 10A-HBQP).
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam