Hệ thống pháp luật

Thủ tục tịch thu hàng hóa vi phạm hành chính và tiêu hủy hàng hóa

Ngày gửi: 01/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33882

Câu hỏi:

1. Xin cho hỏi khi nào ra quyết định tịch thu hàng hóa vi phạm? Khi ra quyết định tịch thu hàng hóa vi phạm có cần lập biên bản tạm giữ hàng hóa không? Theo quy định về tiêu hủy hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa phải tiêu hủy nếu như chủ hàng tự tiêu hủy có đúng quy định không. 2. Xin cho hỏi phương pháp tiêu hủy thức ăn, chất cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý.

–  Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

 – Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. 

2. Nội dung tư vấn.

Thứ nhất: Tịch thu hàng hóa vi phạm.

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là một hình thức xử phạt hành chính. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm và loại hàng hóa vi phạm thì tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính riêng như cảnh cáo, phạt tiền và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Như vậy, chỉ trong trường hợp hành vi của bạn vi phạm thuộc điều luật theo pháp luật về xử phạt hành chính có quy định phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm  quyền sẽ lập biên bản tịch thu tang vật.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thì áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức thì tang vật, phương tiện vi phạm  sẽ bị tịch và sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính này.

Tịch thu hàng hóa vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính, việc tịch thu được áp dụng sau khi đã có kết luận về hành vi vi phạm. Trong khi việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ theo thủ tục hành chính theo quy định của Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính là biện pháp áp dụng để xác minh tình tiết, để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm cho quyết định xử phạt vi phạm. 

Căn cứ vào Điều 81 Luật xử lý vi hành chính 2012 quy định về Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt bắt buộc phải lập biên bản về việc tịch thu chứ không phải biên bản về việc tạm giữ. 

Trong biên bản phải có những nội dung sau:

  Tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có).

Tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu

Chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến.

Trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật về tịch thu, tiêu hủy hàng hóa: 024.6294.9155

Thứ ba: Vấn đề tiêu hủy.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu thì tiêu hủy phải do người ra quyết định tạm giữ thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy các hàng hoá. Hội đồng xử lý do người ra quyết định tạm giữ hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người ra quyết định tạm giữ thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.

Hình thức tiêu huỷ: Tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy được thực hiện theo các hình thức sau đây: Sử dụng hóa chất; Sử dụng biện pháp cơ học; Hủy đốt; Hủy chôn; Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Việc tiêu hủy hàng hoá, vật phẩm phải được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng của hàng hoá, vật phẩm tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.

Như vậy, như đã phân tích ở trên do còn phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa, vấn đề yêu đảm bảo vệ sinh môi trường và hậu quả pháp lý sau khi tiêu hủy hàng hóa nên chủ hàng hóa không được tự ý tiêu hủy.

Thứ tư: Phương pháp tiêu hủy thức ăn, chất cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Theo quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC việc tiêu hủy tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính được thực hiện theo một trong các hình thức sau: 

Sử dụng hóa chất

Sử dụng biện pháp cư học

Hủy đốt

Hủy chôn

Các hình thức khác theo quy định.

Đối với việc tiêu hủy thức ăn, chất cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa, vấn đề yêu đảm bảo vệ sinh môi trường mà hội đồng xử lý sẽ quyết định và ghi trong nội dung của biên bản về hình thức tiêu hủy trong trường hợp này. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn