Hệ thống pháp luật

Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30241

Câu hỏi:

Xin chào Luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam! Em sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, do mẹ em mang quốc tịch Đài Loan nên năm 2007 em đã thôi quốc tịch Việt Nam làm giấy tờ di dân sang ̣Đài Loan. Bố em vẫn còn sinh sống ở Việt Nam, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Em muốn hỏi về vấn đề chuẩn bị giấy tờ xin nhập lại quốc tịch Việt Nam ̣(theo chế độ song tịch) mà vẫn muốn giữ quốc tịch Đài Loan như thế nào? Cần về Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ không? Có cần chuẩn bị Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước Đài Loan cấp đối với thời gian cư trú ở Đài Loan không? Cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Quốc tịch 2008

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Điều 23 Luật Quốc tịch 2008 quy định Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam như sau:

"1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

2. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

3. Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam.”

Theo quy định trên, người muốn trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp là vợ, chồng, cha để, mẹ để hoặc con đẻ của công dân Việt Nam hoặc có công lao đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được Chủ tịch nước xem xét cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam.

Đối chiếu theo quy định vào trường hợp của bạn, trước đó bạn mang quốc tịch Việt Nam nhưng đã thôi quốc tịch và nhập quốc tịch Đài Loan, bố bạn vẫn sinh sống ở Việt Nam và mang quốc tịch Việt Nam; trong trường hợp này bạn vẫn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Nếu bạn muốn giữ song quốc tịch cả Việt Nam và Đài Loan thì bạn phải được Chủ tịch nước cho phép.

Để xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Luật quốc tịch 2008 như sau:

Đơn xin trở lại quốc tịch

Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

Bản khai lý lịch;

Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

Giấy tờ chứng minh có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam.

– Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan lãnh sự Việt Nam đóng tại Đài Loan.

– Thời gian giải quyết: 2 tháng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn