Thủ tục xin không tham gia tổ chức Công đoàn cơ sở
Ngày gửi: 18/09/2020 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Khái niệm tổ chức công đoàn
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” (Trích: Điều 10 Hiến pháp 2013 – Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối của Đảng, tạo cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
1. Có thể ra khỏi tổ chức Công đoàn ở đơn vị được không? Và có phải làm đơn không?
Điều 190 Bộ luật lao động 2012 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau:
“1. Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
2. Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
3. Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.
4. Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.”
Có thể thấy, việc tham gia Công đoàn là hoàn toàn tự nguyện, dựa trên ý chí của người lao động. Không hề có một quy định nào của pháp luật quy định rằng người lao động phải tham gia tổ chức Công đoàn.
Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan bạn làm sẽ không có quyền ép bạn tham gia vào công đoàn hay ngăn cản việc bạn rút khỏi công đoàn nếu chính bản thân bạn không còn mong muốn và nhu cầu tiếp tục ở trong công đoàn.
Như vậy, với quy định này, bạn có thể xin thôi tham gia tổ chức Công đoàn ở đơn vị. Bạn chỉ cần thông báo với tổ chức Công đoàn nơi bạn tham gia, nêu rõ lý do muốn xin thôi tham gia tổ chức Công đoàn, để làm thủ tục xóa tên và thu lại thẻ đoàn viên theo quy định của pháp luật.
2. Nếu viên chức ra khỏi Công đoàn thì có bị ảnh hưởng gì không?
Khi tham gia tổ chức Công đoàn, bạn sẽ có các quyền sau được quy định cụ thê tại Điều 3 Điều lệ Công đoàn năm 2013 như sau:
“1. Được tham gia thành lập Công đoàn cơ sở và hoạt động Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
2. Được yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
3. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn, đề xuất với Công đoàn kiến nghị với người sử dụng lao động về thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động. Được thông tin về các quy định của Công đoàn và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động.
4. Được ứng cử, đề cử, bầu cử Cơ quan Lãnh đạo Công đoàn; chất vấn cán bộ Công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ Công đoàn có sai phạm. Những đoàn viên ưu tú được Công đoàn giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp, giới thiệu để bầu vào Cơ quan Lãnh đạo của Đảng (nếu là đảng viên), của Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội khác.
5. Được Công đoàn hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về Pháp luật Lao động, Công đoàn; được Công đoàn đại diện tham gia tố tụng các vụ án về lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật.
6. Được Công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ học nghề, tìm việc làm, ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do Công đoàn tổ chức; thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, khi gặp khó khăn. Được tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.
7. Được nghỉ sinh hoạt Công đoàn khi nghỉ hưu, được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và Công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do Công đoàn giúp đỡ”.
Với các quyền lợi của một đoàn viên được quy định như trên, khi bạn xin thôi tham gia tổ chức Công đoàn bạn sẽ mất đi các quyền năng nêu trên của một đoàn viên.
Liên quan tới vấn đề đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức:
Căn cứ Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
– Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức (Điều 3) bao gồm:
Chính trị tư tưởng;
Đạo đức, lối sống;
Tác phong, lề lối làm việc;
Ý thức tổ chức kỷ luật;
Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;
– Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức được quy định như sau:
Đối với viên chức là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu:
- Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Viên chức làm báo cáo tự đánh giá, mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Nhận xét, đánh giá viên chức
Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị.
Trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.
Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.
…
Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
- Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Nhận xét, đánh giá viên chức
Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức.
Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị hoặc toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành nơi viên chức công tác trong trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành.
…”
Như vậy, Công đoàn chỉ là một trong các đơn vị cấu thành nơi viên chức công tác (trong trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành), góp phần trong quá trình đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức. Việc bạn rút khỏi công đoàn cơ sở cũng không vi phạm các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức. Do đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của bạn cũng không bị ảnh hưởng.
3. Tham gia tổ chức Công đoàn ở đơn vị là “tự nguyện trong ép buộc” là đúng hay sai theo quy định pháp luật?
Theo Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012 quy định:
“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
…
Điều 6. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn
Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Trên cơ sở tự nguyện này, việc tham gia hay rút khỏi công đoàn là một quyền năng của người lao động, và đây là ý chí tự nguyện của người lao động khi tham gia tổ chức Công đoàn. Việc tham gia hay xin thôi tham gia tổ chức Công đoàn hoàn toàn dựa vào ý chí của người lao động, và không có một sự ép buộc yêu cầu người lao động phải tham gia. Chính vì vậy, với trường hợp của bạn, Phó Chủ tịch Công đoàn nói như trên là không có căn cứ pháp luật. Hiện tại, không có quy định pháp luật nào quy định về việc không tham gia tổ chức Công đoàn ảnh hưởng đến việc đánh giá cán bộ, viên chức và ảnh hưởng đến tổ chức Công đoàn các cấp trên. Phó Chủ tịch Công đoàn đang cản trở, gây khó khăn cho bạn trong việc thực hiện quyền công đoàn. Đây là một hành vi bị cấm được nêu tại Điều 9 Luật Công đoàn năm 2012. Bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch Công đoàn nơi bạn đang công tác để khiếu nại về hành vi này nhằm bảo vệ lợi ích của bạn.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691