AN NINH QUỐC GIA
"An ninh quốc gia" được hiểu như sau:
Sự ổn định và phát triển vững mạnh về mọi mặt; chế độ xã hội, dân cư, không gian sinh tồn, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khả năng phòng thủ đất nước; sự bảo đảm an toàn, trật tự tổ chức đời sống lao động, sinh hoạt xã hội của dân cư theo pháp luật của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
An ninh quốc gia bao gồm các nội dung an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại .... và trật tự, an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; an ninh đối với những cơ sở quan trọng nhất của sự sinh tồn và phát triển của quốc gia.
An ninh quốc gia có hai mặt cơ bản: 1) Sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước; 2) Sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, ảnh hưởng, thậm chí quy định lẫn nhau; giải quyết mặt này sẽ tăng cường củng cố mặt kia và ngược lại.
Bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại mọi hoạt động xâm hại an ninh quốc gia; là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân, trong đó công an nhân dân và quân đội nhân dân là những lực lượng nòng cốt.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, an ninh quốc gia được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật an ninh quốc gia năm 2004 do Quốc hội khóa 6 ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2004:“An ninh quốc gia chính là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.”.