ÁP GIẢI
"Áp giải" được hiểu như sau:
Biện pháp cưỡng chế được áp dụng với những bị can, bị cáo tại ngoại đã nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại đã quá thời hạn phải có mặt tại cơ quan công an để chấp hành án mà vẫn không có mặt.
Trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 được ban hành, việc cưỡng chế bị cáo tại ngoại đến phiên tòa được gọi là “dẫn giải”. Thuật ngữ “áp giải" được sử dụng tại Khoản 1 Điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và tiếp tục được sử dụng tại Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, theo đó, việc áp giải phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định này được đọc cho bị can, bị cáo hoặc người bị kết án nghe trước khi áp giải.
Người áp giải phải đi kèm để giải bị can, bị cáo hoặc người bị kết án về địa điểm ghi trong giấy triệu tập hoặc quyết định thi hành án.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, áp giải được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015: “Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.”.