CHẤT VẤN
"Chất vấn" được hiểu như sau:
Quyền hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng của đại biểu (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân) đối với các chức danh được các đại biểu bầu, phê chuẩn ra trước phiên họp toàn thể của cơ quan đại diện để trả lời về sự thi hành chính sách quốc gia hoặc một vấn đề hiện thời đối với quốc gia trong trường hợp cần điều tra thì đối với Quốc hội, có thể quyết định cho trả lời trước ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản.
Một trong những đặc điểm của chất vấn là qua thủ tục chất vấn tạo ra một cuộc thảo luận của cơ quan đại diện, trong đó tất cả các đại biểu cỏ mặt đều có quyền tham dự. Kết quả của thủ tục chất vấn có ý nghĩa chế tài, thường bằng một nghị quyết của kì họp ở mức độ có thể thỏa mãn đối với câu trả lời của người bị chất vấn; ngược lại, có thể đặt vấn đề bất tín nhiệm đối với cơ quan chất vấn.
Trong các văn bản pháp luật thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến, như Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội, các luật bầu cử... Về mặt giải thích chính thức, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, thuật ngữ "chất vấn” được giải thích trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (Luật số 05/2003/QH11 ngày 17.6.2003). Theo đó, Điều 2 (giải thích thuật ngữ) khoản 3 quy định: "Chất vấn là một hoạt động giám sát, trong đó đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu những người này trả lời.”
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, chất vấn được quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2015: “Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.”.