Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 582:2003

QUI TRÌNH

GIÁM ĐỊNH RỆP SÁP VẢY LÀ ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH THỰC VẬT CỦA VIỆT NAM

The procedure of identification for armoured scale insects - Plant Quarantine Pests of Vietnam

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi

Qui trình này áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc

1.2. Đối tượng

Qui trình này áp dụng cho việc giám định rệp sáp vảy thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 117/2000/QĐ-BNN-BVTV ngày 20/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Tiêu chuẩn trích dẫn

1. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3937 - 2000 “Kiểm dịch thực vật - Thuật ngữ và Định nghĩa”, 1999.

2. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4731 – 89 “Kiểm dịch thực vật - Phương pháp lấy mẫu”, 1989.

3. Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 336 - 98 “Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra củ, quả xuất, nhập khẩu và quá cảnh”, 1998.

4. Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 337 - 98 “Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra các loại hạt xuất, nhập khẩu và quá cảnh”, 1998.

5. Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 338 - 98 “Kiểm dịch thực vật - Phương pháp kiểm tra cây xuất, nhập khẩu và quá cảnh”, 1998.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong Tiêu chuẩn này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Đối tượng kiểm dịch thực vật là loài sinh vật có tiềm năng gây tác hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa xuất hiện hoặc xuất hiện có phân bố hẹp.

3.2. Thực vật là cây và những bộ phận của cây còn sống bao gồm cả hạt giống

3.3. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc những vật thể khác có khả năng mang đối tượng kiểm dịch thực vật.

3.4. Dịch hại thực vật là loài, dòng, dạng sinh học của thực vật, động vật hoặc tác nhân gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật.

3.5. Lô vật thể là một lượng nhất định của vật thể có các điều kiện và yếu tố giống nhau về khả năng nhiễm dịch.

3.6. Mẫu là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy ra theo một qui tắc nhất định.

3.7. Mẫu ban đầu là khối lượng mẫu thực vật, sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy ra từ một vị trí trong lô vật thể.

3.8. Mẫu chung là mẫu gộp các mẫu ban đầu.

3.9. Mẫu trung bình là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy từ mẫu chung theo một qui tắc nhất định, dùng để làm mẫu lưu và mẫu phân tích.

3.10. Mẫu phân tích là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật hoặc đất được dùng để phân tích rệp sáp vảy trong phòng thí nghiệm.

3.11. Tiêu bản là mẫu vật điển hình tiêu biểu của rệp sáp vảy được dùng cho việc định loại, nghiên cứu, giảng dạy, phổ biến kỹ thuật và bảo tàng.

3.12. Rệp sáp vảy là côn trùng thuộc Họ rệp sáp vảy (Diaspididae), Bộ cánh đều (Homoptera).

3.13. Phần cuối bụng (Pygidium) là những đốt cuối thân của con cái liên kết với nhau hoá cứng tạo thành.

4. Phương pháp thu thập và bảo quản mẫu

4.1. Thu thập mẫu

- Đối với hàng xuất, nhập khẩu, quá cảnh hoặc vận chuyển trong nước: Tiến hành lấy mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4731 - 89.

- Đối với cây trồng ngoài đồng ruộng: Lấy mẫu theo phương pháp của Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 224 – 2003.

4.2. Bảo quản mẫu

- Bảo quản khô cắt phần thực vật bị hại có mang theo rệp sáp vảy để trên bông trong phong bì giấy ở điều kiện độ ẩm tương đối không khí nhỏ hơn 70%.

- Bảo quản ướt ngâm bộ phận thực vật bị hại có mang theo rệp sáp vảy trong cồn 70%.

5. Phương pháp làm tiêu bản mẫu giám định

Chỉ làm tiêu bản cố định đối với rệp sáp vảy cái trưởng thành. Có hai phương pháp làm tiêu bản cố định đối với rệp sáp vảy:

5.1. Phương pháp 1

- Tách rệp ra khỏi vảy, cho vào dung dịch KOH 10%, đun nóng ở nhiệt độ 90 - 95oC (không sôi) trong 10 phút sau đó vớt ra.

- Chuyển tiêu bản vào nước cất, rửa sạch sáp; nếu còn sáp thì rửa bằng cồn 96%.

- Ngâm tiêu bản vào dung dịch Carbolxylen (gồm 3 phần Xylen 1 phần Carbolic tinh thể).

- Ngâm tiêu bản vào hỗn hợp gồm 20% Axít Acetic 80% cồn 50%, sau đó vớt ra để 3 -5 phút.

- Nhuộm màu tiêu bản trong hỗn hợp 0,5gam Axít Fuchsine 25ml HCl 10% 300ml nước cất trong 1 giờ.

- Vớt tiêu bản ra, rửa thuốc nhuộm bằng cồn 96% trong 2 - 3 phút, sau đó rửa bằng cồn tuyệt đối.

- Chuyển tiêu bản vào dầu đinh hương(Clove oil) trong 20 phút.

- Cố định tiêu bản bằng keo Canada.

5.2. Phương pháp 2

- Tách rệp ra khỏi vảy.

Đối với mẫu sống dùng kim cắm côn trùng làm thủng một lỗ ở phía đầu cơ thể, ngâm mẫu rệp trong cồn 70% trong 10 - 15 phút.

Đối với mẫu khô ngâm mẫu rệp trong dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH 10%) trong 24 giờ hoặc đun cách thuỷ trong 30 phút.

- Rửa sạch mẫu trong dung dịch kiềm nóng trên.

- Rửa lại mẫu bằng nước cất.

- Ngâm mẫu trong cồn 70% trong 10 - 15 phút.

- Nhuộm mẫu bằng Axit Fuchsine (bão hoà trong cồn 96o) trong 2 giờ.

- Vớt mẫu ra và chuyển mẫu vào ngâm trong cồn 96% trong 10 - 15 phút.

- Vớt mẫu ra và đặt vào giọt dầu đinh hương trên lam kính, để 30 phút.

- Hút dầu ra bằng giấy lọc.

- Cố định tiêu bản bằng keo Canada.

6. Trình tự giám định

6.1. Mẫu rệp trưởng thành chưa làm tiêu bản:

- Quan sát trên kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 40 - 70 lần các chỉ tiêu sau.

- Hình dạng và đo kích thước của rệp đực và cái.

- Hình dạng vảy, số đốt bàn chân, đốt râu và hình dạng râu của rệp đực và cái.

- Phần phụ miệng, bụng và vùng hậu môn.

6.2. Mẫu tiêu bản cố định: Quan sát trên kính hiển vi các chỉ tiêu sau.

- Lỗ thở ở bụng, lỗ hậu môn phía cuối bụng (ở mặt lưng), lỗ sinh dục ở cuối bụng (mặt bụng).

- Các mấu lồi “L”, các khe, gai và các tuyến hình trụ, hình đĩa của phần cuối bụng (pygidium).

7. Đặc điểm hình thái

Rệp sáp dâu Pseudaulacaspis pentagona Targioni và rệp sáp vảy ốc đen Quadraspidiotus perniciosus Comstock được trình bày ở phụ lục 1.

8. Thẩm định kết quả giám định và báo cáo

Sau khi khẳng định kết quả giám định rệp sáp vảy là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đơn vị giám định phải báo cáo Cục Bảo vệ thực vật (kèm phiếu kết quả giám định), đồng thời gửi tiêu bản hoặc mẫu rệp về Trung tâm Phân tích giám định và thí nghiệm KDTV để phúc tra.

Đơn vị lần đầu tiên giám định và phát hiện được rệp sáp vảy là đối tượng KDTV của Việt Nam phải gửi mẫu hoặc tiêu bản về Trung tâm Phân tích giám định và thí nghiệm KDTV để thẩm định trước khi ra quyết định công bố dịch và xử lý.

Đơn vị giám định phải lưu mẫu trong thời hạn ít nhất là 3 tháng để giải quyết khiếu nại kết quả giám định (nếu có).

Mẫu phiếu kết quả giám định như phụ lục 2 kèm theo.

 
PHỤ LỤC 1

1. Đặc điểm nhận dạng rệp sáp dâu Pseudaulacaspis pentagona Targioni - đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm II của Việt Nam.

1.1. Vảy rệp cái: Dài 2 mm - 2,5 mm, hình tròn, hơi lồi, màu trắng xám giống vỏ cây. Xác tuổi 1 nằm phía trước và hơi lệch sang một bên.

1.2. Rệp cái:

- Màu vàng da cam hoặc hơi đỏ, thân dài gần 1 mm, hình quả lê dẹt, ngực rộng, bụng chia đốt, bên cạnh lồi ra như múi.

- Cơ thể không chia thành đầu, ngực, bụng rõ ràng.

- Râu đầu thoái hoá chỉ còn mấu lồi, không có cánh, không mắt, vòi rất dài và không có chân. Cơ thể được bao phủ bằng vảy cứng dễ tách khỏi cơ thể. Xung quanh lỗ thở trước ở mặt bụng của đốt ngực thứ nhất có 18 tuyến đĩa.

- Phần cuối bụng “Pygidium” rộng, thuỳ giữa (L1) rất phát triển, đỉnh lượn tròn, rìa có răng cưa. Gờ phía trên của tuyến gai ở mặt bụng rất phát triển. Thuỳ bên (L2) nhỏ hơn (L1), đỉnh nhọn hoặc tròn chia làm hai múi. Thuỳ (L3) chia hai múi bằng nhau.

- Các tuyến gai bên ở đốt thứ 5 nằm tách biệt nhau. Đỉnh của những tuyến gai này phân thành 2 hoặc 3 gai nhỏ. Từ mép ngoài vào trong của pygidium, các tuyến hình trụ lớn và rõ hơn ở đốt thứ 5 và giảm dần đến đốt thứ 2. ở đốt ngực trước và đốt ngực cuối có một vài tuyến gai và tuyến ống.

- Lỗ hậu môn nằm ở mặt lưng và giữa của pygidium, phần cuối của pygidium hoá cứng. Lỗ sinh dục nằm ở mặt bụng và cuối của pygidium, xung quanh có 5 nhóm tuyến hình đĩa.

Tuyến gai bên

                                     L3     L2      L1                  L3     L2        L1

Hình 1. Phần cuối bụng (Pygidium) của rệp sáp dâu Pseudaulacaspis pentagona Targioni

1.3. Vảy rệp đực: Dài 0,8 - 1 mm, hai bờ bên song song, trên vảy có 3 rãnh dọc khá rõ, màu trắng xám, xác tuổi 1 ở phía đỉnh màu vàng da cam.

1.4. Rệp đực:

- Hình thoi, dài 0,6 - 0,7 mm, màu đỏ da cam, mắt kép màu đen.

- Râu đầu hình sợi chỉ có 10 đốt, dài bằng thân. Bàn chân một đốt và có một móng đơn.

- Một đôi cánh rộng, màu trắng xám, dài hơn thân.

- Bụng dài, gai sinh dục dài bằng 1/3 thân.

1.5. Ấu trùng: Màu vàng đến đỏ da cam, thân dẹt, tuổi 1 có chân phát triển. Tuổi 2 có hình dáng giống rệp cái, không có mắt, chân và râu.

2. Đặc điểm nhận dạng của rệp sáp vảy ốc đen Quadraspidiotus perniciosus Comstock - đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I của Việt Nam.

2.1. Vảy rệp cái: Đường kính 1,5 – 2 mm, hình tròn, màu xám, phía giữa vảy màu xám hơn. Màu sắc, hình dạng và kích thước vảy thay đổi theo ký chủ.

2.2. Rệp cái:

- Cơ thể được bao phủ bằng vảy cứng dễ tách khỏi cơ thể.

- Hình tròn, màu vàng chanh, không mắt, không râu, không cánh và không chân.

- Cơ thể không chia thành đầu, ngực, bụng rõ ràng.

- Vòi dài gấp 3 chiều dài thân.

- Hai đôi lỗ thở ở ngực trước và sau. Bên cạnh lỗ thở có một số tuyến.

- Lỗ hậu môn ở phía cuối bụng trên mặt lưng và 1/3 của pygidium tính từ trên xuống.

- Lỗ sinh dục phía cuối bụng trên mặt bụng xung quanh không có các tuyến.

- Phần cuối bụng “Pygidium” có 02 thuỳ (L1 và L2) rất phát triển, L1 lớn hơn L2, đỉnh của thuỳ lượn tròn. Mặt lưng của thuỳ L1 có 2 chấm lõm. Mặt bụng của thuỳ L2 có chấm lõm rất rõ. Thuỳ L3 không rõ ràng, gồm 3 gai nhỏ giống hình răng lược.

- Các tuyến gai bên ở đốt bụng thứ 5 chia thành các mấu gai nhỏ hơn hình răng lược. Hai tuyến gai phía trên chia thành 02 gai nhỏ, tuyến phía dưới chia thành 06 gai nhỏ. Đỉnh của pygidium có gờ cụt. Các răng lược phía ngoài to hơn phía trong.

2.3. Vảy rệp đực

- Hình ô van, kích thước 1 x 0,6 mm, màu sắc gần giống vảy rệp cái.

2.4. Rệp đực

- Cơ thể chia 3 phần đầu, ngực, bụng rõ ràng.

- Hình thoi, dài 0,5 – 1 mm, màu da cam.

- Râu đầu 10 đốt, 3 đôi chân, bàn chân 1 đốt có một móng đơn, cánh phát triển, vòi thoái hoá.

Lưu ý:

Thông thường, số lượng cá thể nghiên cứu phải đảm bảo là 30 (n=30). Trong trường hợp số lượng cá thể ít hơn hoặc chỉ phát hiện được một cá thể rệp cái có các đặc điểm nhận dạng như trên có thể cho phép kết luận là Pseudaulacaspis pentagona Targioni hoặc Quadraspidiotus perniciosus Comstock (chỉ áp dụng đối với các đơn vị đã từng giám định được rệp sáp vảy Pseudaulacaspis pentagona hoặc Quadraspidiotus perniciosus Comstock).

 

 

L1

 

L2

 

L3

 

Tuyến gai bên

Hình 2. Phần cuối bụng (Pygidium) của rệp sáp vảy ốc đen Quadraspidiotus perniciosus Comstock

 
PHỤ LỤC 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

............ ngày      tháng       năm 200....

 

PHIẾU KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH

RỆP SÁP VẢY LÀ ĐỐI TƯỢNG KDTV CỦA VIỆT NAM

1. Tên lô hàng hoặc cây trồng:

2. Nước xuất khẩu hoặc địa điểm gieo trồng trong nước:

3. Nước xuất xứ:

4. Phương tiện vận chuyển:                                           Khối lượng:

5. Địa điểm lấy mẫu:

6. Ngày lấy mẫu:

7. Người lấy mẫu:

8. Tình trạng mẫu hoặc cây trồng bị hại:

9. Ký hiệu mẫu:

10. Số mẫu lưu:

11. Người giám định:

12. Phương pháp giám định: Theo Tiêu chuẩn ngành số 10 TCN 582 - 2003 “Qui trình giám định rệp sáp vảy là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam”

13. Kết quả giám định:

Tên khoa học:

Họ: Diaspididae

Bộ: Homoptera

Là đối tượng KDTV nhóm .... thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

 

Thủ trưởng Đơn vị

(Ký tên đóng dấu)

Trưởng phòng kỹ thuật

(hoặc người giám định)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được công bố bởi Lệnh của Chủ tịch nước số 11/2001/LCTN ngày 08 tháng 08 năm 2001.

2. Điều lệ về kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03 tháng 06 năm 2002.

Đường Hồng Dật  - Chủ biên (1996)

3. Từ điển bách khoa Bảo vệ thực vật, Nhà xuất bản Nông nghiệp.

4. Viện Bảo vệ thực vật (1997)

Phương pháp nghiên cứu Bảo vệ thực vật, tập 1, Nhà xuất bản Nông nghiệp.

5. Hill, D. S. (1983)

Agricultural Insects of the Tropical and their Control, Cambridge University.

6. Smith, I. M. (EPPD); McNamara, D. G. (EPPD); Scott, P. R. (CABI); Holderness, M. (CABI) (1997)

Quarantine Pest for Europe, CAB International, Cambridge University.

7. Williams, D. J. and Watson, G. W. (1998)

The Scale insects of the Tropical South Pacific Region, part 1, The Armoured scales (Diaspididae), C.A.B International, Cambrian New Ltd, Aberystwyth - UK.

8. European and Mediterranean Plant Protection Organization (1979)

Data Sheet on Quarantine Organisms, Paris 1, rue Le Nôtre.