Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN NGÀNH

28TCN 128:1998

CẤP BẬC KỸ THUẬT CÔNG NHÂN TRONG LĨNH VỰC CHẾ BIẾN THUỶ SẢN

LỜI NÓI ĐẦU :

28TCN 128:1998 'Cấp bậc kỹ thuật công nhân trong lĩnh vực khai thác hải sản' do Vụ Tổ chức Cán bộ - Lao động biên soạn và đề nghị Bộ Thuỷ sản ban hành theo Quyết định số 668/1998/QÐ-BTS ngày 11 tháng 11 năm 1998.

1. Phạm vi áp dụng.

- Tiêu chuẩn này qui đình tên nghề, số lượng nghề, số lượng bậc và nội dung từng bậc của mỗi nghề trong lĩnh vực khai thác hải sản.

- Tiêu chuẩn áp dụng trong phạm vi cả nước cho công nhân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản thuộc các thành phần kinh tế.

2. Danh mục nghề.

Các nghề của công nhân nuôi trồng thuỷ sản trong Tiêu chuẩn này quy định trong Bảng 1.

Bảng 1. Danh mục nghề công nhân trong lĩnh vực khai thác hải sản

TT

Danh mục nghề

Bậc kỹ thuật

1

Công nhân chế biến thức ăn chín

Từ bậc 1 đến bậc 6

2

Công nhân sản xuất đồ hộp

Từ bậc 1 đến bậc 6

3

công nhân sản xuất vỏ đồ hộp

Từ bậc 1 đến bậc 6

3. Qui định chung

Công nhân các nghề trong Bảng 1 phải thực hiện đúng những quy định sau đây :

3.1 Chấp hành nội qui lao động trong công ty, xí nghiệp (gọi tắt là Doanh nghiệp) theo Điều 83 Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Phụ lục A và các văn bản hướng dẫn thực hiện Điều này của Nhà nước.

3.2 Hiểu và chấp hành các quy trình kỹ thuật sản xuất thuộc phạm vi đảm nhận.

3.3 Bảo quản tốt ngư cụ, dụng cụ, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và trang bị bảo hộ lao động được giao sử dụng.

3.4 Thường xuyên học tập để nâng cao tay nghề và kinh nghiệm sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

3.5 Công nhân kỹ thuật từ bậc 2 trở lên, phải học qua trường lớp đào tạo nghề, hoặc trường, lớp của Doanh nghiệp và được cấp bằng nghề, hoặc chứng chỉ nghề của cấp có thẩm quyền do Nhà nước quy định.

Công nhân kỹ thuật từ bậc 2 đến bậc 4, tối thiểu phải đạt trình độ văn hoá hết trung học cơ sở (cấp 2), hoặc tương đương; từ bậc 5 trở lên, phải đạt trình độ văn hoá hết trung học phổ thông (cấp 3), hoặc tương đương.

3.6 Công nhân bậc 5, phải nắm vững nội dung quản lý sản xuất và có năng lực quản lý ở một tổ sản xuất. Công nhân kỹ thuật bậc 6, phải nắm vững nội dung quản lý sản xuất và có năng lực quản lý một ca trong phân xưởng sản xuất.

3.7 Nắm được các quy định về điều kiện sản xuất và yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm theo : Quy phạm sản xuất (GMP) và Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

3.8 Công nhân kỹ thuật bậc trên, phải nắm vững kiến thức và thông thạo công việc của công nhân bậc dưới trong cùng một nghề.

Công nhân kỹ thuật bầc trên trong cùng một nghề, phải làm được công việc kèm cặp, hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân bậc dưới cách nhau từ 2 bầc trở lên.

4. Nội dung cấp bậc kỹ thuật các nghề.

4.1 Công nhân chế biến thức ăn chín

Bậc 1.

a) Hiểu biết :

1. Tên một số nguyên liệu như : tôm, cá, mực và các thuỷ đặc sản khác thường gặp.

2. Phân biệt được độ tươi, ươn của nguyên liệu bằng cảm quan.

3. Sự cần thiết phải bảo quản nguyên liệu ban đầu. Các phương pháp bảo quản nguyên liệu đơn giản.

4. Tên và tác dụng của các dụng cụ trang bị tại nơi làm việc.

5. Nắm được các yêu cầu về vệ sinh cá nhân; vệ sinh nhà xưởng sản xuất, thiết bị và dụng cụ chế biến.

b) làm được :

1. Nhận biết được các loại nguyên liệu thuỷ sản sử dụng tại nhà máy.

2. Loại bỏ tạp chất, sơ chế nguyên liệu.

3. Vận chuyển nguyên liệu, phế liệu bằng phương tiện thô sơ đến nơi quy định.

4. Bảo quản được nguyên liệu theo các phương pháp đơn giản.

5. Vệ sinh cá nhân, sử dụng các loại thiết bị vệ sinh để làm vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến và nơi làm việc.

Bậc 2

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm

a) Hiểu biết :

1. Tiêu chuẩn của nguyên liệu, của bán thành phẩm đưa vào chần, luộc, hấp, rán, nướng, sấy, hun khói ...

2. Nắm được yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

3. Nắm khái quát quy trình sản xuất các mặt hàng truyền thống. Nắm được yêu cầu của các công đoạn rửa : rửa nước sạch, nước có pha chlorin hoặc các chất tẩy rửa khác.

4. Các nguyên nhân cơ bản gây hư hỏng nguyên liệu.

b) Làm được :

1. Chọn và phân loại được các loại nguyên liệu, bán thành phẩm đúng yêu cầu kỹ thuật.

2. Xử lý được các loại nguyên liệu theo đúng yêu cầu kỹ thuật : cắt khúc, phi lê, tách vỏ tách mai, lọc thịt ...

3. Pha chế được các dung dịch tẩy rửa phù hợp với việc rửa dụng cụ và phù hợp với từng công đoạn cuả qui trình sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

4. Sắp xếp, bảo quản, xuất nhập nguyên liệu ở kho.

Bậc 3

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Nắm được quy trình sản xuất các mặt hàng truyền thống.

2. Nắm chắc được yêu cầu của từng công đoạn mà mình thực hiện.

3. Hiểu được mục đích của từng công đoạn xử lý phối hợp trộn ảnh hưởng đến độ nở, dẻo dai, hương vị màu sắc của sản phẩm sau này.

4. Tác dụng của các quá trình chần, hấp, rán, nướng, sấy ...

5. Hiểu được đặc tính của nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ. Những nguyên nhân làm giảm chất lượng nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ và cách bảo quản, cách khắc phục.

6. Điều kiện và thời gian bảo quản thành phẩm. Những nguyên nhân gây hư hỏng thành phẩm, cách khắc phục.

7. Nắm được nguyên lý cấu tạo và cách vận hành các thiết bị được giao.

b) Làm được :

1. Kiểm tra, phát hiện loại bỏ hoặc hạ cấp các nguyên liệu không đạt yêu cầu kỹ thuật.

2. Xử lý thành thạo các nguyên liệu chính : cá, tôm, mực, cua, ghệ, ốc ... đảm bảo định mức, đảm bảo chất lượng, không gây khuyết tật quá định mức quy định dẫn đến phải hạ cấp, hạ loại.

3. Ðánh giá được bằng cảm quan chất lượng của bán thành phẩm trong từng công đoạn mà mình thực hiện.

4. Bảo quản thành phẩm đúng quy định về điều kiện nhiệt độ và thời gian cho phép đối với từng loại sản phẩm.

Bậc 4

Hiểu biết va làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Ký mã hiệu của sản phẩm thông thường bằng tiếng nước ngoài.

2. Nhận biết những mối nguy dẫn đến mất vệ sinh và an toàn thực phẩm có thể xảy ra. Biện pháp phòng ngừa ở từng công đoạn của dây chuyền sản xuất.

3. Những nguyên nhân gây hư hỏng, hoặc làm giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình chờ nhiệt và trong quá trình gia nhiệt; các biện pháp khắc phục.

4. Những nhân tố ảnh hưởng đến chế độ sấy, hấp, chần, rán, nướng, hun khói...

5. Hiểu biết quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mà phân xưởng đang sản xuất.

6. Hiểu được tính năng, tác dụng và phân biệt được các loại gia vị tốt xấy.

b) Làm được :

1. Vẽ được sơ đồ quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm của phân xưởng.

2. Tạo hình thành thạo các sản phẩm thức ăn chín mà xí nghiệp đang chế biến, kể cả bằng thủ công hoặc cơ giới.

3. Pha chế được các loại gia vị theo yêu cầu của từng sản phẩm. Ngâm tẩm nguyên liệu đảm bảo hương vị, màu sắc, độ khô, độ đồng đều ... trước khi đưa vào gia nhiệt.

4. Bằng cảm quan biết được mức độ chín vừa phải, không để sản phẩm bị sống hoặc quá nhiệt; sửa chữa được các khuyết tật thông thường của sản phẩm.

5. Vận hành thành thạo các thiết bị trong công đoạn sản xuất được giao.

6. Thành thạo công viềc bao gói sản phẩm, ghi ký mã hiệu đúng yêu cầu.

Bậc 5

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Nắm được những kiến thức cơ bản về vi sinh, công nghệ chế biến thực phẩm thuỷ sản, về mối nguy đối với an toàn thực phẩm thuỷ sản.

2. Hiểu được tính năng, tác dụng của các loại gia vị và phụ gia. Hiểu được tính độc hại của các phụ gia, giới hạn và liều lượng cho phép dùng trong thực phẩm.

3. Tính toán được khối lượng của từng loại phụ gia và gia vị (kể cả loại gia vị đã tinh chế và loại gia vị ở dạng nguyên liệu tự nhiên).

b) Làm được :

1. Thực hiện hoạt động giám sát trong kế hoạch HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và tiến hành các hoát động sửa chữa khi xảy ra sai lệch so với giới hạn tới hạn tại các điểm kiểm soát tới hạn (CCP).

2. Kiểm tra xác định được phụ gia đúng chủng loại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Thành thạo các công đoạn sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm.

4. Thành thạo trình tự công việc kiểm tra được chất lượng thành phẩm. Dựa vào màu sắc, mùi vị, độ dòn, độ dẻo, độ nở ... và các khuyết tật trên sản phẩm mà biết được ở công đoạn nào trong sản xuất chưa thực hiện đúng quy trình.

5. Vận hành thành thạo các thiết bị trong phân xưởng (trừ những thiết bị đặc biệt chủng khác có quy định riêng).

6. Phát hiện được những bất hợp lý trong tổ chức và quản lý ở một tổ, hay một ca sản xuất và đề xuất biện pháp khắc phục.

Bậc 6

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Tác dụng của nhiệt độ (thấp, cao) đối với sự hoạt động của men và vi sinh vật. Nhứng nguy cơ vượt qua giới hạn tới hạn dẫn tới mất khả năng an toàn thực phẩm.

2. Nắm được cái bí quyết công nghệ làm cho chất lượng sản phẩm tốt, có tính đặc trưng riêng của Doanh nghiệp (trừ những phụ gia, gia vị, hoặc những hoá chất có tính bí mật riêng do cán bộ phân xưởng, hoặc cán bộ xí nghiệp đã pha chế sẵn đảm nhận).

3. Hiểu biết thông thạo nguyên lý cấu tạo, đặc tính kỹ thuật, tính năng tác dụng và cách vận hàn các máy móc thiết bị trong phân xưởng.

4. Nắm được tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Ngành của các sản phẩm chế biến thức ăn chín đang sản xuất trong Doanh nghiệp.

b) Làm được :

1. Kiểm tra chất lượng bán thành phẩm, thành phẩm, phát hiện nhanh những sai sót và đề ra những biện pháp khắc phục.

2. Khi máy móc hoạt động không bình thường, hoặc hoạt động không đúng chế độ có thể xử lý nhanh không gây sự cố cho máy móc, thiết bị và hư hỏng sản phẩm.

3. Tổng hợp, đúc rút các kinh nghiệm, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong phân xưởng và đề xuất được các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu vật liệu, hạ giâ thành sản phẩm.

4. Sửa chữa nhỏ các hỏng hóc thông thường của máy móc, thiết bị được trang bị trong phân xưởng.

4.2 Công nhân sản xuất đồ hộp.

Bậc 2

a) Hiểu biết :

1. Nắm được yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu kỹ thuật của nguyên liệu để sản xuất đồ hộp, các nguyên liệu phụ và gia vị để phối chế.

3. Tiêu chuẩn bán thành phẩm : luộc, chần, hấp, rán ...

4. Điều kiện bảo quản sản phẩm đồ hộp.

b) Làm được :

1. Phân loại nguyên liệu đạt yêu cầu để sản xuất đồ hộp, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm.

2. Nấu keo, dỡ cây, lau sạch tạp chất vỏ hộp.

3. Xếp cây hộp theo kiểu hình thanh, hình trụ khi bảo ôn.

4. Dán nhãn, xếp hộp vào thùng, bao gói, ghi ký mã hiệu bao bì đồ hộp.

Bậc 3

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Mục đích của công nghệ chế biến nhiệt, rán, sấy, hấp, luộc, chần.

2. Tác dụng của thanh trùng trong sản xuất đồ hộp.

3. Sự biến đổi của chất lượng dầu trong quá trình rán.

4. Sự biến đổi của sản phẩm trong quá trình cô đặc.

5. Chế độ bảo quản đồ hộp, vì sao phải giữ độ ấm 7 - 10 ngày.

6. Tác dụng của việc rửa trước khi thanh trung, lau khô đồ hộp sau khi thanh trùng.

7. Quy trình vận hành máy xay, máy trộn chuyền, nồi 2 vỏ, nồi hấp.

b) Làm được :

1. Vận hành được các thiết bị đơn giản : nồi 2 vỏ, nồi hấp, máy rán, lò hun khói, máy xay, máy trộn.

2. Xếp sản phẩm và cho gia vị, nước sốt, dầu vào hộp.

3. Xác định đước độ hao theo % của bán thành phẩm sau xử lý nhiệt.

4. Pha chế đúng nồng độ quy định dung dịch nước muối và các hoá chất thông thường khác.

5. Sử dụng thành thạo tỷ trọng kế, giấy hoặc máy đo pH.

6. Ghép kín hộp sau khi xếp.

Bậc 4

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Nắm được những kiến thức cơ bản về mối nguy hoá học (độc tố Histamine scombrroid toxin) đối với một số loài thuỷ sản.

2. Quy trình pha chế các loại nước sốt.

3. Những nhân tố ảnh hưởng đến chế độ sấy, rán, hấp, hun khói.

4. Những nguyên nhân làm giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình xử lý nhiệt, xếp hộp, pha chế nước sốt ... biện pháp xử lý.

5. Mục đích ý nghĩa của việc hun khói. Các phương pháp hun khói.

b) Làm được :

1. Nấu và pha chế được các loại nước sốt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

2. Vận hành thành thạo các thiết bị : máy rán, lò sấy, nồi 2 vỏ, máy rót nước sốt, máy ghép mí bán tự động ... được phân công sử dụng.

3. Thanh trùng thành thạo theo phương pháp thuỷ công.

4. Điều chỉnh máy in ký mã hiệu để in từng cỡ hộp khác nhau.

Bậc 5

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Tính chất lý hoá học của dầu rán, các biện pháp hạn chế sự giảm nhanh chất lượng dầu rán.

2. Nắm vững được những kiến thức cơ bản về men vi sinh vật. Các yếu tố để hạn chế và ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển của chúng trong sản xuất đò hộp.

3. Những nguyên nhân thông thường ảnh hưởng đến chất lượng mối ghép và biện pháp xử lý.

4. Những nguyên nhân gây hư hỏng đồ hộp do thanh trùng gây nên, biện pháp xử lý.

5. Tiêu chuẩn cảm quan, lý hoá, vi sinh vật của các loại đồ hộp thành phẩm, thứu phẩm, phế phẩm.

b) Làm được :

1. Sử dụng được thước cặp để kiểm tra kích thước mí và sử dụng được dưỡng kiểm tra mí hộp.

2. Điều chỉnh được độ móc nông sâu và chiều dày của mí hộp. Xác định đúng kích thước mí hộp trước lúc ghép.

3. Phát hiện kịp thời và đề ra biện pháp ngăn ngừa, xử lý tình trạng chất lượng dầu rán giảm thấp.

4. Sử dụng các phương pháp để phân biệt giữa các lô hàng đã thanh trùng và lô hàng chưa thanh trùng.

5. Phát hiện được những bất hợp lý trong tổ chức và quản lý ở một tổ, hay một ca sản xuất và đề ra biện pháp khắc phục.

Bậc 6.

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Cấu tạo và quy trình vận hành nồi cô chân không.

2. Ý nghĩa của việc thanh trùng đối kháng và không đối kháng, giải thích công thức thanh trùng. Thời gian bài khí nâng nhiệt, thanh trùng làm nguội.

3. Ðặc tính kỹ thuật, quy trình vận hành thiết bị thanh trùng kiểu đứng, làm nguội tự nhiên và làm nguội đối kháng.

4. Nắm được các tiêu chuẩn Việt nam, tiêu chuẩn ngành về sản phẩm đồ hộp.

b) Làm được :

1. Kiểm tra được độ kín của mí hộp bằng máy thử chân không.

2. Sử dụng thành thạo nồi cô chân không cô đặc sản phẩm.

3. Phát hiện được nồi ghép của hộp đạt hay không đạt tiêu chuẩn, xử lý được mối ghép không đạt yêu cầu kỹ thuật.

4. Sử dụng thành thạo hệ thống thanh trùng tự động.

5. Xử lý được sự cố trong khi thanh trùng như : mất điện, mất hơi, mất nước, hỏng máy nén khí ...

6. Sửa chữa được những hỏng hóc thông thường như : van hơi tự động không làm việc, kim định mức ghi nhiệt độ chỉ sai với nhiệt kế kiểm tra.

7. Tổng hợp đúc rút kinh nghiệm, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong phân xưởng và đề xuất được các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm.

4.3 Công nhân sản xuất vỏ đồ hộp

Bậc 1

a) Hiểu biết :

1. Nắm được các loại nguyên liệu dùng để sản xuất vỏ hộp trong doanh nghiệp.

2. Biết được các loại dụng cụ thường dùng và biết cách bảo quản các dụng cụ đó trong doanh nghiệp.

3. Nắm được yêu cầu của kho nguyên liệu, kho thành phẩm.

4. Nắm được yêu cầu vệ sinh công nghiệp trong từng phân xưởng.

b) Làm được :

1. Vận chuyển nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm và dụng cụ sản xuất vào các kho và từ các kho đến nơi sản xuất an toàn vệ sinh theo quy định.

2. Phân loại được các nguyên liệu dùng để sản xuất vỏ hộp theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, hoặc công nhân bậc trên.

3. Thực hiện tốt công việc vệ sinh công nghiệp tại nơi làm việc và trong phân xưởng mà mình đang sản xuất.

Bậc 2

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm

a) Hiểu biết :

1. Nắm được yêu cầu kỹ thuật của sắt tráng thiếc dùng để sản xuất vỏ hộp thực phẩm.

2. Nắm được yêu cầu kỹ thuật của vỏ hộp và nắp sau khi dập, hàn.

3. Hiểu được phương pháp bảo quản sắt lá tráng thiếc, bảo quản vỏ hộp và nắp sau khi dập, hàn.

b) Làm được :

1. Chuẩn bị dụng cụ lò, mỏ hàn, đèn trước khi hàn.

2. Cho nắp vào thân hộp và vào máy trước khi sơn, sấy; lấy ra sau khi sấy.

3. Dập, hàn hộp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

4. Phân lolại được những hộp đúng quy cách sau khi dập, hàn.

5. Vận hành được các máy : cắt kéo, cắt đĩa, cắt góc, cuốn thân, loe miệng, thử kín.

Bậc 3

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Nắm được quy trình vận hành các máy được phân công sử dụng như máy dập hộp, dập nắp, sơn, sấy véc ni, êpôxy, pasta.

2. Nắm được quy trình sản xuất hộp dập, hộp thân ghép; quy trình sơn sấy véc ni, êpôxy, pasta.

3. Hiểu biết được một số sơ đồ (bản vẽ) cắt sắt có kích thước khác nhau, để làm các loại (cỡ) vỏ hộp số 3, 6, 7, 13...

4. Hiểu biết được sự biến đổi của mặt thiếc sau khi dập và tiêu chuẩn của vỏ hộp sau khi dập, tiêu chuẩn của hộp thân ghép sau khi hàn và ghép đáy.

5. Tác dụng tốt xấu của viềc sơn dày, mỏng.

6. Biết được thành phần cấu tạo của nước hàn, hợp kim hàn và tác dụng của nó.

b) Làm được :

1. Pha chế được từng loại nước hàn, nấu được thiếc hàn.

2. Hàn được hộp đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Lọc được véc ni, pasta; đo được độ chảy của pasta, phân biệt được sơn dày, mỏng, độ đồng đều của sơn, màu sắc của sơn theo yêu cầu kỹ thuật.

4. Vận hành được các máy dập hộp, dập nắp, máy hàn; phát hiện và sửa chữa được những hỏng hóc thông thường của các máy được phân công sử dụng.

Bậc 4

Hiểu biết và làm được công việc bầc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Hiểu được tiêu chuẩn của từng loại véc ni, êpôxy, pasta, dung môi, tiêu chuẩn của màng sau khi sơn, tiêu chuẩn của joăng sau khi sấy.

2. Hiểu biết được sự biến đổi của véc ni, êpôxy, pasta trong quá trình sơn xấy.

3. Nắm được nguyên nhân gây hư hỏng thông thường của hộp, nắp hộp và đề ra được biện pháp khắc phục.

4. Nắm vững các bước trong quy trình công nghệ sản xuất hộp dập, hộp thân ghép, quy trình sơn sấy véc ni, êpôxy, pasta.

b) Làm được :

1. Thực hiện được các chế độ sơn sấy đối với từng loại véc ni, êpôxy, pasta khác nhau, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

2. Kiểm tra được chất lượng sản phẩm, bán thành phẩm bằng mắt thường, bằng cân kỹ thuật, bằng dưỡng kiểm tra hay bằng thước cặp.

3. Xử lý được nguyên nhân gây hư hỏng hộp, nắp hộp thưởng xảy ra trong quá trình sản xuất.

Bậc 5

Hiểu biết và làm được công việc bầc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Hiểu đặc tính kỹ thuật của các loại sắt tráng thiếc, sắt cán nóng, cán nguội, sắt mạ nóng, mạ điện, sắt tấm đã sơn vécni, êmay, hoắc êpôxy.

2. Hiểu cấu tạo khuôn dập, các chi tiết mau mòn chóng hỏng của các máy móc thiết bị được phân công sử dụng.

3. Hiểu được nguyên lý cấu tạo, đặc tính kỹ thuật của cácmáy chuyên dùng trong phân xưởng.

b) Làm được :

1. Phân biệt được độ dày, mỏng lá sắt bằng tiếng kêu và đo bằng pan me.

2. Điều chỉnh được lượng sơn theo yêu cầu kỹ thuật, có thể sơn phun mù, hoặc sơn lăn quét đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

3. Sử dụng thành thạo và sửa chữa hỏng hóc thông thường các máy móc, thiết bị được trang bị trong phân xưởng.

4. Điều chỉnh được lượng pasta đúng yêu cầu kỹ thuật.

5. Phát hiện được những bất hợp lý trong tổ chứuc và quản lý ở một tổ, hay một ca sản xuất và đề xuất biện pháp khắc phục.

Bậc 6

Hiểu biết và làm được công việc bậc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Nắm vững sơ đồ động cơ của các máy dập nắp, dập hộp, máy sơn sấy vec ni, êpôxy, pasta.

2. Hiểu biết cách tổ chứuc sản xuất trên một dây chuyền.

b) Làm được :

1. Điều chỉnh được chế độ làm viềc của các thiết bị sơn, sấy đối với từng loại nguyên liệu khác nhau, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

2. Sửa chữa thành thạo các hỏng hóc thường gặp của các máy phun sơn, máy tráng joăng, máy sấy được trang bị trong phân xưởng.

Bậc 7

Hiểu biết và làm được công việc bầc dưới, thêm :

a) Hiểu biết :

1. Những yêu cầu kỹ thuật, những công việc cần tiến hành khi đưa các máy móc thiết bị vào sử dụng.

2. Quy tắc sử dụng, điều chỉnh và yêu cầu kỹ thuật các thiết bị tự động điều khiển, điều chỉnh, bảo vệ, tín hiệu trong phân xưởng sản xuất vỏ hộp.

3. Hiểu biết những bất hợp lý trong sản xuất và đề ra các biện pháp khắc phục.

b) Làm được :

1. Kiểm tra, nghiệm thu, tiếp nhận để đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị trong phân xưởng sản xuất vỏ hộp.

2. Lập được lịch sửa chữa định kỳ, trung tu cho các máy móc thiết bị trong phân xưởng.

3. Giải quyết được hầu hết các sự cố thường gặp về cơ, điện của máy móc thiết bị trong phân xưởng, hoặc đề ra các biện pháp sửa chữa các hư hỏng đó.

4. Có những đề xuất hợp lý về cải tiến kỹ thuật, tổ chức lao động, nhằm định mức tiêu hao nguyên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Phụ lục A (quy định)

Điều 83, Bộ luật lao động (ban hành theo sắc lệnh số 35 SL.CTN ngày 5 tháng 7 năm 1994 của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) :

1. Nội quy lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây :

a) Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự trong doanh nghiệp;

c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;

d) Việc bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp;

đ) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, các hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;

2. Nội quy lao động phải được thông báo đến từng người và những điểm chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp.