TIÊU CHUẨN NGÀNH
TCN 06:2004
PHAO TRÒN CỨU SINH DỰ TRỮ QUỐC GIA - QUY PHẠM BẢO QUẢN
Lifebuoy of the National Reserve – Rules for preservation
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật, kiểm tra, giao nhận, vận chuyển và phương pháp bảo quản phao tròn cứu sinh dự trữ Quốc gia trong điều kiện Việt Nam.
LSA - 1996 Bộ luật quốc tế về trang bị cứu sinh
SOLAS 74 Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người
TCVN 7283-2003 Phao tròn cứu sinh
TCVN 6278 - 1997: Quy phạm trang bị an toàn tàu biển
22 TCN.94 - 77 Tiêu chuẩn phao tròn cứu sinh
Trong Tiêu chuẩn này áp dụng các định nghĩa sau:
3.1 Phao tròn cứu sinh
Là loại phao khép kín, tiết diện ngang có hình enlíp, ruột phao làm bằng vật liệu nổi, vỏ ngoài là nhựa HDPE có màu vàng da cam. Dây bám và băng vật liệu phản quang gắn tại 4 vị trí đối xứng nhau theo chu vi của phao.
3.2 Lô phao tròn cứu sinh
Là lượng phao tròn có cùng ký hiệu, cùng kích thước, được sản xuất từ cùng nguyên liệu, theo cùng một phương pháp, trong khoảng thời gian nhất định, được giao nhận cùng một lúc và có cùng một Giấy chứng nhận chất lượng.
4. Yêu cầu kỹ thuật phao tròn cứu sinh nhập kho dự trữ quốc gia
4.1 Vật liệu
4.1.1 Cốt phao
Là Polystyren xốp (styrofoam) hoặc Polyuretan foam
4.1.2 Vỏ bọc ngoài
Là nhựa HDPE (High Density Polyethylene) dầy 1,5-2,8mm, có màu da cam.
4.2. Kích thước mặt cắt ngang thân phao
(110 x 130) mm ± 5mm hoặc (100 x 150) mm ± 5mm
4.3. Băng vật liệu phản quang
Rộng 50 mm ± 1mm, có độ bền cao trong nước, dùng cho hàng hải.
4.4. Dây bám
Bằng PP (Polypropylen), dây bám có đường kính 10,5mm ± 1mm, chiều dài dây bám bằng 4 lần đường kính ngoài của phao, và được bắt chặt vào phao theo 4 dây cung bằng nhau.
4.5. Đường kính ngoài và đường kính trong
(720 x 440)mm ± 10mm hoặc (750 x 450)mm ±10mm
4.6. Khối lượng
Từ 2500g đến 3200g.
4.7. Độ nổi
Phao tròn cứu sinh nổi trong nước ngọt một thời gian tối thiểu là 24 giờ khi có treo một vật bằng thép nặng tối thiểu 14,5kg, treo thêm 1kg trong vòng 16 phút nữa phao vẫn nổi.
4.8. Độ bền
Phao tròn cứu sinh phải có kết cấu sao cho nó không bị hư hỏng (nứt, lõm, thay đổi hình dạng... ) khi thả phao theo phương thẳng đứng từ độ cao 2m xuống nền cứng (bê tông, gạch, đá ) và ném phao xuống nước từ độ cao 30m.
4.9. Tính chịu lửa
Phao tròn cứu sinh không cháy hoặc không tiếp tục nhão chảy sau khi bị lửa bao trùm hoàn toàn trong 2 giây.
4.10. Tính chịu dầu
Như thử tính nổi nhưng ngâm trong dầu
4.11. Các thông số yêu cầu kỹ thuật của phao tròn cứu sinh nhập kho dự trữ Quốc gia
Phải thoả mãn những quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam, quy phạm và công ước quốc tế hiện hành.
Các phao tròn phải được kiểm tra, thử và cấp giấy chứng nhận theo các quy định của Đăng kiểm Việt nam.
4.12. Thời gian từ khi sản xuất phao tròn đến khi nhập kho dự trữ Quốc gia
Không quá 6 tháng (kể cả thời gian vận chuyển).
5.1. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật
5.1.1. Đối với cơ sở sản xuất trong nước cần kiểm tra:
Giấy chứng nhận cơ sở chế tạo phương tiện cứu sinh còn hiệu lực.
Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm (hoặc sản phẩm mẫu) còn hiệu lực.
5.1.2. Đối với phao tròn sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu vào Việt nam, cần kiểm tra:
Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm.
Các giấy chứng nhận trên đều do Đăng Kiểm Việt nam cấp theo quy định.
5.1.3. Đối với mỗi lô hàng nhập kho
Phao sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu nước ngoài phải do Đăng kiểm Việt nam có thẩm quyển quy định kiểm tra, thử và cấp giấy chứng nhận phù hợp bao gồm:
Biên bản kiểm tra
Giấy chứng nhận
Nội dung biên bản kiểm tra, giấy chứng nhận nêu rõ:
Loại sản phẩm (ký mã hiệu nếu có ), nơi (cơ sở) chế tạo, công dụng, nơi sử dụng (phạm vi sử dụng), ngày sản xuất và các đặc tính kỹ thuật đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như đã nêu ở mục 4.
5.2. Kiểm tra sản phẩm khi tiếp nhận
5.2.1. Lấy mẫu kiểm tra:
Số phao được mở ra kiểm tra tối tối thiểu là 2% nhưng không ít hơn 2 chiếc. Nội dung kiểm tra bao gồm:
5.2.1.1. Số lượng toàn bộ đúng với hợp đồng đã ký, số lượng mỗi lô phao tròn phải phù hợp với số lượng phao ghi trong biên bản kiểm tra và Giấy chứng nhận sản phẩm do Đăng kiểm Việt nam cấp.
5.2.1.2. Bao bì mỗi phao được bao bọc bằng PE. Mỗi kiện phao gồm 05 phao đóng trong bao dệt bằng vật liệu pp, bao phải mới nguyên, sạch, không bị xơ - thủng - nứt, miệng bao khâu chắc chắn, kín, phao ở trong không bị xộc xệch và đảm bảo mỹ thuật. Ngoài bao ghi: kiểu sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, số lượng phao.
5.2.1.3. Bề mặt phao phải ghi đủ các nội dung đã quy định bằng mực hoặc sơn không phai, dấu nghiệm thu KCS, có đóng dấu ấn chỉ (đối với phao sản xuất trong nước) và số kiểm tra của Đăng kiểm Việt nam phù hợp với Giấy chứng nhận đã cấp. Yêu cầu bề mặt phao phải nhẵn mịn, màu không bị phai.
5.2.1.4. Các chi tiết kèm theo dây bám, dây đai, vật liệu phản quang phải có đủ và đúng quy cách.
Nếu một trong số các sản phẩm kiểm tra theo 5.2.1 không đạt yêu cầu thì phải tiến hành kiểm tra với số lượng gấp đôi và tất cả các phao được kiểm tra lại đều phải đạt yêu cầu thì lô phao đó được chấp nhận.
Phương tiện vận chuyển phải có mui che mưa nắng và sạch sẽ
Trước khi xếp phao lên xe hoặc đưa phao xuống kê xếp vào kho, phải chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ vận chuyển, không được lôi kéo hàng hoá, tránh xây sát kiện phao, các kiện phao xếp lên xe theo phương thẳng đứng và chằng buộc cẩn thận, không vận chuyển chung với hoá chất và các chất dễ gây bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng phao.
7.1. Yêu cầu về nhà kho
Phải là kho kín, có mái che và tường bao quanh.
Nền kho phải bằng phẳng, cứng, chịu tải trọng tối thiểu đạt 3,0 tấn/m2.
Kho phải cách xa các nguồn dễ cháy nổ, nguồn phát nhiệt và hoá chất, tránh những nơi có đường dây điện cao thế đi qua (vì các vật liệu nhựa làm vỏ phao cứu sinh đều là vật liệu không có khả năng chống cháy cao).
Phải có đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bão lụt và phải có nội quy phòng cháy chữa cháy và phương án xử lý khi có hoả hoạn, bão lụt.
Có hệ thống cửa thông gió hợp lý, kho luôn khô ráo, thoáng mát. Trong kho phải có dụng cụ đo nhiệt độ và độ ẩm không khí, hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản.
Phải có hệ thống chống chuột, phòng trừ mối, nấm mốc và các sinh vật khác. Kho được vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra kho trước khi đưa phao vào bảo quản.
7.2. Yêu cầu đối với thủ kho
Nắm được nhiệm vụ của người thủ kho dự trữ Quốc gia, có hiểu biết nhất định về sản phẩm đang bảo quản, được tập huấn về quy phạm bảo quản phương tiện cứu sinh.
Thủ kho phải được trang bị bảo hộ lao động (giày dép, quần áo, khẩu trang, găng tay .. ) để làm tốt nhiệm vụ được giao.
7.3. Quy hoạch, kê xếp phao tròn cứu sinh trong kho
Phao tròn được quy hoạch theo lô, để riêng từng chủng loại, từng thời gian nhập và xếp theo các quy định sau:
Kệ hoặc tầng dưới cùng của giá cách mặt nền kho tối thiểu 0,3 m. Các tầng của giá phải cách nhau tối thiểu một kiện hàng khi xếp phao theo phương thẳng đứng (vòng tròn má phao nằm trên mặt phẳng ngang để các phao chồng lên nhau); hoặc đủ không gian để được một kiện khi để kiện nằm nghiêng (chu vi ngoài của phao tiếp xúc với giá, các phao xếp áp vào nhau).
Giá đỡ có 3 tầng, làm bằng kim loại đảm bảo chắc chắn và thuận tiện trong bảo quản.
Giá hoặc kệ để cách tường, cột nhà kho tối thiểu 0,5m. Giữa 2 hàng giá hoặc các lô của kệ phải cách nhau tối thiểu 1,5m, tạo lối đi hợp lý trong kho.
Đỉnh của lô phao cách trần kho tối thiểu 2m.
Để đảm bảo an toàn và chắc chắn, khi xếp phao trên kệ theo phương thẳng đứng thì xếp 3 - 4 kiện phao chồng lên nhau theo phương thức: lớp dưới cùng và lớp giữa có 2 kiện phao xếp sát vào nhau theo phương thẳng đứng và 1 kiện phao ở trên cùng "khoá" vào giữa 2 kiện (xem hình 1):
Đánh ký hiệu các lớp kiện phao để thuận lợi cho công việc bảo quản.
Các kiện phao phải được sắp xếp ngay ngắn, chắc chắn, dễ quan sát, dễ kiểm đếm.
7.4 Ghi nhãn
Mỗi lô hàng xếp trong kho có đính một nhãn với nội dung sau:
Ký hiệu sản phẩm
Quy cách
Tên cơ sở sản xuất, địa chỉ
Ngày sản xuất
Số lượng
Ngày nhập kho
7.5. Công việc bảo quản:
Hằng ngày kiểm tra kho, bên ngoài các kiện phao, nhiệt độ và độ ẩm, nếu thấy có biến động (kiện phao bị đổ, có chuột, kho bị dột, nhiệt độ trong kho >50oC và độ ẩm >95%) thì tìm hiểu nguyên nhân và chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, nếu vượt quá khả năng và quyền hạn thì báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để có chủ trương, biện pháp giải quyết.
Mỗi tuần tối thiểu 02 lần dùng chổi mềm hoặc máy hút bụi (ở những nơi có điều kiện) tiến hành làm sạch bụi bẩn, mạng nhện, ...xung quanh, phía ngoài kiện phao, giá kê hàng, nền, trần kho.
Ba tháng một lần tiến hành đảo các kiện phao theo tuần tự " trên xuống, dưới lên ", mỗi kiện phao đều được thay đổi vị trí theo thời gian. Nếu kiện phao xếp theo chiều thẳng đứng thì kiện dưới cùng đảo lên trên cùng, kiện trên cùng đảo xuống giữa, kiện giữa đảo xuống dưới cùng . Nếu phao xếp nghiêng trên giá cũng phải đảo và cứ 3 tháng một lần xoay 900 theo chiều kim đồng hồ.
Mỗi năm 1 lần dỡ toàn bộ số phao bảo quản trong kho ra, dùng dẻ mềm, sạch, khô hoặc máy hút bụi làm sạch cẩn thận từng chiếc phao, làm sạch trong, ngoài bao bì, rồi đóng thành từng kiện phao (gồm 05 chiếc) để bảo quản như ban đầu, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh kho tàng, sửa chữa cửa và các thiết bị trong kho (nếu cần thiết).
Định kỳ kiểm tra: trong thời gian 5 năm đầu thì 2 năm rưỡi lấy bất kỳ một mẫu phao đi kiểm tra theo các chỉ tiêu mà Cục Đăng kiểm đã quy định. Từ năm thứ 6 thì cứ một năm lấy mẫu một lần kiểm tra. Nếu kết quả chất lượng phao có gì đột biến, phải báo cáo ngay với thủ trưởng đơn vị để kịp thời xử lý.
Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường, phao tròn cứu sinh nhập kho dự trữ Quốc gia được bảo quản có thời gian tối đa là 8 năm.
Khi có lệnh xuất hàng, thủ kho phải chuẩn bị đủ sổ sách, giấy tờ có liên quan và nhân lực bốc xếp.
Kiểm tra chất lượng, số lượng hàng dự kiến xuất .
Xuất hàng theo nguyên tắc:hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau, xuất gọn từng lô hàng.
Xuất đúng số lượng, đúng chủng loại.
Khi xuất hàng xong phải hoàn chỉnh các thủ tục, chứng từ giao nhận theo đúng quy định.
9. Chế độ ghi chép sổ sách và báo cáo
Các kho bảo quản phao tròn cứu sinh đều phải lập thẻ kho cho mỗi loại kiểu phao, ghi đủ các nội dung, thủ tục theo đúng chế độ kế toán.
Phải có sổ nhật ký đóng dấu giáp lai theo dõi công tác bảo quản, ghi chép cụ thể nội dung các công việc đã làm, những vấn đề tồn tại trong ngày, những diễn biến trong quá trình bảo quản (số lượng, chất lượng), phải theo dõi và ghi chép nhiệt độ, độ ẩm trong kho hàng ngày.
Sổ sách để đúng chỗ quy định của Ngành.
Sau mỗi đợt nhập xuất hàng, tổng kho báo cáo lên dự trữ Quốc gia khu vực, dự trữ Quốc gia khu vực lập báo cáo về số lượng và chất lượng hàng.
Định kỳ theo quý, dự trữ Quốc gia khu vực báo cáo Cục Dự trữ Quốc gia tình hình thực hiện công tác bảo quản, diễn biến chất lượng hàng, khó khăn tồn tại đề nghị giải quyết.
Hằng năm dự trữ Quốc gia khu vực tổng hợp, báo cáo Cục Dự trữ Quốc gia toàn bộ công tác quản lý và bảo quản phao tròn cứu sinh. Mọi biến động đột xuất về hàng, dự trữ Quốc gia khu vực phải xử lý kịp thời và báo cáo Cục Dự trữ Quốc gia cùng các kiến nghị (nếu có).