Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10517-4:2014

ISO 2812-4:2007

SƠN VÀ VECNI - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN VỚI CHẤT LỎNG - PHẦN 4: PHƯƠNG PHÁP TẠO ĐỐM

Paints and varnishes - Determination of resistance to liquids - Part 4: Spotting methods

Lời nói đầu

TCVN 10517-4:2014 hoàn toàn tương đương ISO 2812-4:2007.

TCVN 10517-4:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC35 Sơn và vecni biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 10517 (ISO 2812) Sơn và vecni - Xác định độ bền với chất lỏng, bao gồm các phần sau:

- - TCVN 10517-1:2014 (ISO 2812-1:2007) Phần 1: Ngâm trong chất lỏng không phải nước;

- TCVN 10517-2:2014 (ISO 2812-2:2007) Phần 2: Phương pháp ngâm nước;

- TCVN 10517-3:2014 (ISO 2812-3:2012) Phần 3: Phương pháp sử dụng môi trường hấp thụ;

- TCVN 10517-4:2014 (ISO 2812-4:2007) Phần 4: Phương pháp tạo đốm;

- TCVN 10517-5:2014 (ISO 2812-5:2007) Phần 5: Phương pháp tủ sấy gradient nhiệt độ.

 

SƠN VÀ VECNI - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN VỚI CHẤT LỎNG - PHẦN 4: PHƯƠNG PHÁP TẠO ĐỐM

Paints and varnishes - Determination of resistance to liquids - Part 4: Spotting methods

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các phương pháp tạo đốm để xác định độ bền của hệ vật liệu phủ đơn lớp hoặc đa lớp đối với ảnh hưởng của chất lỏng hoặc các sản phẩm dạng nhão.

Các phương pháp này giúp cho người thực hiện thử nghiệm xác định ảnh hưởng của chất thử lên lớp phủ và đánh giá hư hại đối với nền, nếu cần.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi , bổ sung (nếu có).

TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni – Lấy mẫu.

TCVN 5668 (ISO 3270), Sơn, vecni và nguyên liệu thô của chúng – Nhiệt độ và độ ẩm để ổn định và thử nghiệm.

TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni – Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử.

TCVN 5670 (ISO 1514), Sơn và vecni – Tấm chuẩn để thử.

TCVN 9760 (ISO 2808), Sơn và vecni – Xác định độ dày màng.

ISO 4628-1, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 1: General introduction and designation system (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ – Ký hiệu số lượng và kích cỡ các khuyết tật và mức độ thay đổi đồng nhất về ngoại quan – Phần 1: Giới thiệu chung và hệ thống ký hiệu).

ISO 4628-2, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 2: Assessment of degree of blistering (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ – Ký hiệu số lượng và kích cỡ các khuyết tật và mức độ thay đổi đồng nhất về ngoại quan – Phần 2: Đánh giá độ phồng rộp).

3. Nguyên tắc

Tấm thử đã sơn phủ được tiếp xúc với chất thử bằng cách sử dụng phương pháp tạo đốm.

Ảnh hưởng của sự tiếp xúc được đánh giá theo các tiêu chí thỏa thuận.

4. Thiết bị, dụng cụ

Sử dụng các thiết bị thông thường trong phòng thử nghiệm và các thiết bị, dụng cụ sau:

4.1. Pipet, phù hợp dùng để nhỏ giọt khoảng 0,1 mL chất thử.

4.2. Buret, 50 mL, dùng cho chất thử.

4.3. Đĩa Petri, có đường kính 60 mm và viền 20 mm.

5. Chất thử

Sử dụng một hoặc nhiều chất thử theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Ví dụ về chất thử được nêu trong Phụ lục A.

6. Lấy mẫu

Lấy mẫu đại diện của vật liệu phủ được thử nghiệm, theo quy định trong TCVN 2090 (ISO 15528). Thử nghiệm sơ bộ từng mẫu theo TCVN 5669 (ISO 1513) và chuẩn bị mẫu cho thử nghiệm tiếp theo (xem 7.2).

7. Tấm thử

7.1. Nền

Trừ khi có thỏa thuận khác, sử dụng tấm thử phù hợp với yêu cầu trong TCVN 5670 (ISO 1514), có kích cỡ khoảng 150 mm x 100 mm và độ dày từ 0,7 mm đến 1,0 mm.

7.2. Chuẩn bị và sơn phủ

Chuẩn bị từng tấm thử theo quy định trong TCVN 5670 (ISO 1514) và sau đó sơn phủ tấm thử bằng sản phẩm hoặc hệ sản phẩm cần thử theo phương pháp quy định. Làm khô (hoặc sấy khô) và làm già hóa (nếu áp dụng) từng tấm thử đã được sơn phủ trong thời gian xác định dưới các điều kiện quy định.

7.3. Độ dày lớp phủ

Xác định độ dày màng khô của lớp phủ, tính bằng micromet, sử dụng một trong những phương pháp không phá hủy quy định trong TCVN 9760 (ISO 2808).

8. Cách tiến hành

8.1. Ổn định tấm thử

Ngay trước khi thử nghiệm, ổn định tấm thử ít nhất trong 16 h ở điều kiện tiêu chuẩn theo quy định trong TCVN 5668 (ISO 3270), nghĩa là tại nhiệt độ (23 ± 2) oC và độ ẩm tương đối (50 ± 5) %.

8.2. Điều kiện thử nghiệm

Trừ khi có quy định khác, thực hiện thử nghiệm tại nhiệt độ tiêu chuẩn theo quy định trong TCVN 5668 (ISO 3270), nghĩa là tại (23 ± 2) oC.

8.3. Xác định

8.3.1. Phương pháp A – Tấm thử nằm ngang

Tiến hành phép thử song song.

Đặt tấm thử nằm ngang. Khi sử dụng chất thử dạng lỏng, dùng pipet nhỏ giọt chất thử vào tấm thử, đảm bảo các giọt không chạm vào nhau và khoảng cách đến cạnh của tấm thử ít nhất là 12 mm. Sau đó đậy ngay diện tích thử bằng đĩa Petri.

Khi sử dụng chất thử có độ nhớt cao hoặc có dạng nhão, lấy khoảng 0,5 cm3 mỗi chất cho tấm thử và đậy diện tích thử bằng đĩa Petri.

Thời gian thử nghiệm phải theo thỏa thuận giữa các bên liên quan và nên phản ánh thực tế sử dụng của lớp phủ.

8.3.2. Phương pháp B – Tấm thử nghiêng

Tiến hành phép thử song song.

Đặt tấm thử trong bình thu với góc nghiêng 300 so với phương nằm ngang. Trong thời gian 10 min, cứ từ 1 s đến 2 s, dùng buret nhỏ giọt chất thử dạng lỏng lên phần trên của tấm thử, gần với phần giữa tấm thử. Chất thử sẽ chảy xuống tấm thử trong bình thu.

9. Đánh giá

Sau khi thử nghiệm xong, lau tấm thử bằng gạc bông khô. Làm sạch mọi cặn khô của chất thử dạng dung dịch dưới vòi nước chảy và làm sạch cặn khô của các chất thử khác bằng dung môi mà không làm tổn hại đến lớp phủ.

Chỉ đánh giá diện tích có tiếp xúc trực tiếp với chất thử.

Đánh giá ngay tấm thử đối với hiện tượng phồng rộp theo quy định trong ISO 4628 -2 và so sánh với diện tích không được tiếp xúc của tấm thử. Đánh giá mọi sự thay đổi có thể nhìn thấy được theo quy định trong ISO 4628-1.

Trừ khi có quy định khác, đánh giá lại diện tích đã tiếp xúc sau 24 h.

Có thể thực hiện các thử nghiệm tiếp theo trên diện tích tấm thử đã tiếp xúc và không tiếp xúc (ví dụ thử nghiệm độ bám dính bằng phương pháp cắt chéo hoặc thử nghiệm độ cứng) để xác định các thay đổi do ảnh hưởng của chất thử.

Nếu nền của mẫu thử được kiểm tra về những thay đổi có thể nhìn thấy được, loại bỏ lớp phủ theo quy trình quy định.

Nếu kết quả đánh giá của các phép xác định song song chênh lệch nhau đáng kể, lặp lại phép xác định song song khác.

Báo cáo kết quả của tất cả các phép xác định, bao gồm cả các phép xác định lặp lại.

10. Độ chụm

Hiện không có thông tin chi tiết về giới hạn độ lặp lại (r) và giới hạn độ tái lập (R).

11. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:

a) tất cả các thông tin cần thiết để nhận dạng lớp phủ được kiểm tra, bao gồm nhà sản xuất, thương hiệu, số lô, v.v…;

b) viện dẫn tiêu chuẩn này [TCVN 10517-4:2014 (ISO 2812-4:2007)];

c) chi tiết của tấm thử, bao gồm:

1) vật liệu (bao gồm độ dày) và xử lý trước bề mặt nền;

2) phương pháp được sử dụng để sơn phủ nền với mẫu cần thử, bao gồm thời gian làm khô và điều kiện khô đối với tất cả các lớp; các điều kiện làm già hóa được thực hiện trước khi thử nghiệm;

3) độ dày màng khô của lớp phủ, tính bằng micromet, bao gồm phương pháp đo được chọn từ TCVN 9760 (ISO 2808);

d) chi tiết phương pháp được sử dụng (phương pháp A hoặc phương pháp B), bao gồm:

1) chất thử được sử dụng;

2) thời gian thử nghiệm;

3) nhiệt độ;

e) kết quả thử nghiệm theo quy định trong Điều 9;

f) tên người thực hiện thử nghiệm;

g) bất kỳ sai lệch nào so với quy trình được quy định;

h) bất kỳ đặc tính bất thường nào (dị thường) quan sát được trong quá trình thử nghiệm;

i) ngày thử nghiệm.

 

PHỤ LỤC A

(tham khảo)

Ví dụ về chất thử

A.1. Tổng quan

Các loại nhiên liệu và hóa chất thường được sử dụng làm chất thử đối với các loại sơn ô tô được nêu trong A.2 và A.3. Các chất lỏng thử khác có thể được sử dụng để thử nghiệm cho cả sơn ô tô và các loại sơn khác.

Chỉ sử dụng hóa chất có cấp tinh khiết phân tích.

A.2. Nhiên liệu và chất lỏng vận hành đối với ngành công nghiệp ô tô

A.2.1. Chất thử FAM, phù hợp với yêu cầu trong DIN 51604-1, DIN 51604-2 hoặc DIN 51604-3.

A.2.2. Nhiên liệu điêzen, phù hợp với yêu cầu trong EN 590.

A.2.3. Xăng cao cấp, phù hợp với yêu cầu trong EN 228.

A.2.4. Điêzen sinh học, phù hợp với yêu cầu trong EN 14214.

A.2.5. Dầu động cơ.

A.2.6. Dầu hộp số hypoid.

A.2.7. Dầu thủy lực.

A.2.8. Dầu hộp số tự động.

A.2.9. Dầu phanh.

A.2.10. Chất chống đông dùng cho bộ tản nhiệt.

A.2.11. Hỗn hợp keo trét kín thân.

A.2.12. Hỗn hợp keo trét kín khoang.

A.2.13. Chất lỏng rửa kính chắn gió.

A.2.14. Chất tẩy rửa lạnh.

A.3. Hóa chất phòng thí nghiệm

A.3.1. Etanol.

A.3.2. Isopropanol.

A.3.3. Dung dịch natri hydroxit, 5 % theo khối lượng.

A.3.4. Dung dịch axit clohydric, 10 % theo khối lượng.

A.3.5. Dung dịch axit sulfurơ, 6 % theo khối lượng.

A.3.6. Dung dịch axit sulfuric, 10 % theo khối lượng.

A.3.7. Dung dịch axit sulfuric, 36 % theo khối lượng.

A.3.8. Nước, phù hợp với yêu cầu loại 3 trong TCVN 4851 (ISO 3696).

A.4. Hợp chất sinh học

A.4.1. Nhựa dẻo, bao gồm:

- nhựa thông (rosin) 50 % theo khối lượng

- dầu thông 50 % theo khối lượng.

A.4.2 Chất thử bụi phóng xạ, bao gồm:

- ví dụ axit fomic 47 % theo khối lượng

- axit tanic 24 % theo khối lượng

- albumin 5 % theo khối lượng

- mật ong 24 % theo khối lượng.

A.4.3. Gôm Arabic (nhựa cây keo).

A.4.4. Nhựa thông (rosin).

A.4.5. Mẫu mô phỏng phân chim: Pancreatin, được pha loãng theo tỷ lệ 1:1 với nước loại 3 theo quy định trong TCVN 4851 (ISO 3696).

Nếu được thỏa thuận giữa các bên liên quan, pancreatin có thể được nghiền trong cối. Nếu pancreatin được nghiền, phải công bố trong báo cáo thử nghiệm.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TCVN 4851 (ISO 3696), Nước dùng để phân tích trong phòng thí nghiệm – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

[2] EN 228, Automotive fuels – Unleaded petrol – Requirements and test methods (Nhiên liệu ô tô – Xăng không chì – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử).

[3] EN 590, Automotive fuels – Diesel – Requirements and test methods (Nhiên liệu ô tô – Điêzen – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử).

[4] EN 14214, Automotive fuels – Fatty acid methyl esters (FAME) for diesel engines – Requirements and test methods (Nhiên liệu ô tô – Metyl este axit béo (FAME) cho động cơ điêzen – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử).

[5] DIN 51604-1, FAM testing fluid for polymer materials; composition and requirements (Chất lỏng thử FAM cho vật liệu polyme; thành phần và yêu cầu kỹ thuật).

[6] DIN 51604-2, Methanolic FAM testing fluid for polymer materials; compositi on and requirements (Chất lỏng thử FAM trong metanol cho vật liệu polyme; thành phần và yêu cầu kỹ thuật).

[7] DIN 51604-3, Methanolic lower layer FAM testing fluid for polymer materials; composition and requirements (Chất lỏng thử FAM lớp phía dưới trong metanol cho vật liệu polyme; thành phần và yêu cầu kỹ thuật).

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Nguyên tắc

4. Thiết bị, dụng cụ

5. Chất thử

6. Lấy mẫu

7. Tấm thử

8. Cách tiến hành

9. Đánh giá

10. Độ chụm

11. Báo cáo thử nghiệm

Phụ lục A (tham khảo) Ví dụ về chất thử

Thư mục tài liệu tham khảo