Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10517-5:2014

ISO 2812-5:2007

SƠN VÀ VECNI - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN VỚI CHẤT LỎNG -  PHẦN 5: PHƯƠNG PHÁP TỦ SẤY GRADIENT NHIỆT ĐỘ

Paints and varnishes - Determination of resistance to liquids - Part 5: Temperature-gradient oven method

Lời nói đầu

TCVN 10517-5:2014 hoàn toàn tương đương ISO 2812-5:2007.

TCVN 10517-5:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC35 Sơn và vecni biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 10517 (ISO 2812) Sơn và vecni - Xác định độ bền với chất lỏng, bao gồm các phần sau:

- TCVN 10517-1:2014 (ISO 2812-1:2007) Phần 1: Ngâm trong chất lỏng không phải nước;

- TCVN 10517-2:2014 (ISO 2812-2:2007) Phần 2: Phương pháp ngâm nước;

- TCVN 10517-3:2014 (ISO 2812-3:2012) Phần 3: Phương pháp sử dụng môi trường hấp thụ;

- TCVN 10517-4:2014 (ISO 2812-4:2007) Phần 4: Phương pháp tạo đốm;

- TCVN 10517-5:2014 (ISO 2812-5:2007) Phần 5: Phương pháp tủ sấy gradient nhiệt độ.

 

SƠN VÀ VECNI - XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN VỚI CHẤT LỎNG - PHẦN 5: PHƯƠNG PHÁP TỦ SẤY GRADIENT NHIỆT ĐỘ

Paints and varnishes - Determination of resistance to liquids - Part 5: Temperature-gradient oven method

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp sử dụng tủ sấy gradient nhiệt độ để xác định độ bền của hệ vật liệu phủ đơn lớp hoặc đa lớp đối với ảnh hưởng của chất lỏng hoặc các sản phẩm dạng nhão.

Phương pháp này giúp cho người thực hiện thử nghiệm xác định ảnh hưởng của chất thử lên lớp phủ và đánh giá hư hại đối với nền, nếu cần.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi , bổ sung (nếu có).

TCVN 2090 (ISO 15528), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni – Lấy mẫu.

TCVN 5668 (ISO 3270), Sơn, vecni và nguyên liệu thô của chúng – Nhiệt độ và độ ẩm để ổn định thử nghiệm.

TCVN 5669 (ISO 1513), Sơn và vecni – Kiểm tra và chuẩn bị mẫu thử.

TCVN 5670 (ISO 1514), Sơn và vecni – Tấm chuẩn để thử.

TCVN 9760 (ISO 2808), Sơn và vecni – Xác định độ dày màng.

3. Nguyên tắc

Chất thử (xem Phụ lục A) được áp dụng đối với tấm thử đã sơn phủ theo quy trình quy định. Tấm thử được đặt trong tủ sấy gradient. Ảnh hưởng của sự tiếp xúc được đánh giá theo các tiêu chí thỏa thuận.

4. Thiết bị, dụng cụ

Sử dụng các thiết bị thông thường trong phòng thử nghiệm và các thiết bị, dụng cụ sau:

4.1. Tủ sấy gradient (xem Hình 1).

CHÚ DẪN:

1. Chất thử

2. tấm thử

3. kính dùng cho mục đích chuyên dụng

4. bộ phận gia nhiệt

Hình 1 – Bàn gia nhiệt tủ sấy gradient

4.2. Pipet chia vạch, phù hợp để nhỏ giọt chất thử với thể tích từ 25 µL đến 100 µL.

5. Chất thử

Sử dụng một hoặc nhiều chất thử theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Ví dụ về chất thử được nêu trong Phụ lục A.

6. Lấy mẫu

Lấy một mẫu đại diện của vật liệu phủ được thử nghiệm, theo quy định trong TCVN 2090 (ISO 15528).

Thử nghiệm sơ bộ từng mẫu theo TCVN 5669 (ISO 1513) và chuẩn bị mẫu cho thử nghiệm tiếp theo (xem 7.2).

7. Tấm thử

7.1. Nền

Trừ khi có thỏa thuận khác, sử dụng tấm thử có kích cỡ khoảng 560 mm × 100 mm và có độ dày từ 0,7 mm đến 1,0 mm.

7.2. Chuẩn bị và sơn phủ

Chuẩn bị từng tấm thử theo quy định trong TCVN 5670 (ISO 1514) và sau đó sơn phủ tấm thử bằng sản phẩm hoặc hệ sản phẩm cần thử theo phương pháp quy định. Làm khô (hoặc sấy khô) và làm già hóa (nếu áp dụng) từng tấm thử đã được phủ trong thời gian xác định dưới các điều kiện quy định.

7.3. Độ dày lớp phủ

Xác định độ dày màng khô của lớp phủ, tính bằng micromet, sử dụng một trong những phương pháp không phá hủy được quy định trong TCVN 9760 (ISO 2808).

8. Cách tiến hành

8.1. Ổn định tấm thử

Ngay trước khi thử nghiệm, ổn định tấm thử hoặc thanh thử ít nhất trong 16 h trong điều kiện tiêu chuẩn, nhiệt độ (23 ± 2) oC và độ ẩm tương đối (50 ± 5) %, theo quy định trong TCVN 5668 (ISO 3270).

8.2. Điều kiện thử nghiệm

Tủ sấy được đặt trong môi trường tại nhiệt độ tiêu chuẩn theo quy định trong TCVN 5668 (ISO 3270), nghĩa là tại (23 ± 2) oC.

8.3. Phép xác định

Đặt tấm thử nằm ngang. Sử dụng pipet nhỏ giọt chất thử dạng lỏng (xem ví dụ trong Phụ lục A) lên tấm thử, sao cho khoảng cách giữa các giọt tương ứng với khoảng cách giữa phần gia nhiệt riêng lẻ của tủ sấy gradient, nếu không có thỏa thuận khác.

Việc nhỏ giọt phải được thực hiện tại nhiệt độ phòng (18 oC đến 28 oC) cùng với tấm thử được đặt trên bàn thử nghiệm và không được đặt trên tủ sấy gradient.

Trừ khi có thỏa thuận khác, đặt nhiệt độ tủ sấy gradient tại mức từ 35 oC đến 80 oC. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các phần gia nhiệt riêng lẻ là 1 oC.

Đưa tấm thử đã được chuẩn bị vào trong tủ sấy gradient và nén tấm thử vào bàn gia nhiệt sử dụng thiết bị nén. Phơi nhiễm tấm thử trong tủ sấy gradient trong 30 min sau đó lấy tấm thử ra khỏi tủ sấy.

9. Đánh giá

Sau khi thử nghiệm xong, lau tấm thử bằng vải mềm. Làm sạch mọi cặn khô của chất thử dạng dung dịch dưới vòi nước chảy, và làm sạch cặn khô của các chất thử khác bằng dung môi mà không làm tổn hại đến lớp phủ.

CHÚ THÍCH: Xăng giặt khô có thể được sử dụng để loại bỏ chất dẻo. Xăng giặt khô cũng có thể được sử dụng để làm sạch tấm thử lần cuối trước khi đánh giá.

Chỉ đánh giá diện tích có tiếp xúc trực tiếp với chất thử. Sau đó đánh giá ngay tấm thử.

Nếu không có thỏa thuận khác, sử dụng phương pháp rọi sáng sau đây để đánh giá: gương phản xạ tráng phủ nhôm không có bộ quét, màu sáng ít nhất 840, độ rọi trên tấm thử ít nhất là 800 lx. Khuyết tật có thể nhìn thấy rõ nhất nếu phản xạ nguồn sáng được quan sát cùng với khuyết tật.

Trừ khi có thỏa thuận khác, đánh giá lại diện tích tiếp xúc sau 24 h.

Báo cáo kết quả khi nhiệt độ cho thấy sự thay đổi đầu tiên có thể nhìn thấy được.

10. Độ chụm

10.1. Giới hạn độ lặp lại (r)

Giới hạn độ lặp lại (r) là giá trị mà dưới giá trị đó chênh lệch tuyệt đối giữa hai kết quả thử đơn lẻ, mỗi kết quả là giá trị trung bình của phép xác định song song, có thể chấp nhận được khi phương pháp này được sử dụng dưới các điều kiện độ lặp lại. Trong trường hợp này, kết quả thử nghiệm nhận được trên cùng vật liệu do cùng một thí nghiệm viên thực hiện trong một phòng thử nghiệm trong khoảng thời gian ngắn, theo phương pháp thử đã được tiêu chuẩn hóa. Trong tiêu chuẩn này, (r) là 4 oC (± 2 oC), với xác xuất 95 %.

10.2. Giới hạn độ tái lập (R)

Giới hạn độ tái lập (R) là giá trị mà dưới giá trị đó chênh lệch tuyệt đối giữa hai kết quả thử nghiệm, mỗi kết quả là giá trị trung bình của phép xác định song song, có thể chấp nhận được khi phương pháp này được sử dụng dưới các điều kiện độ tái lập. Trong trường hợp này, kết quả thử nghiệm nhận được trên cùng vật liệu do các thí nghiệm viên thực hiện trong các phòng thử nghiệm khác nhau, theo phương pháp thử đã được tiêu chuẩn hóa. Trong tiêu chuẩn này, ( R) là 8 oC (± 4 oC), với xác xuất 95 %.

11. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:

a) tất cả các thông tin cần thiết để nhận dạng mẫu được thử, bao gồm nhà sản xuất, thương hiệu, số lô, v.v…;

b) viện dẫn tiêu chuẩn này [TCVN 10517-5:2014 (ISO 2812-5:2007)];

c) chi tiết của tấm thử, bao gồm:

1) vật liệu (bao gồm độ dày) và xử lý trước bề mặt nền;

2) phương pháp được sử dụng để sơn phủ nền với mẫu cần thử, bao gồm thời gian làm khô và điều kiện khô cho tất cả các lớp; các điều kiện làm già hóa được thực hiện trước khi thử nghiệm;

3) độ dày màng khô của lớp phủ, tính bằng micromet, bao gồm phương pháp đo được chọn từ TCVN 9760 (ISO 2808);

d) chi tiết phương pháp được sử dụng, bao gồm yêu cầu kỹ thuật của chất thử;

e) gradient nhiệt độ trong tủ sấy;

f) kết quả thử nghiệm theo quy định trong Điều 9;

g) tên người thực hiện thử nghiệm;

h) bất kỳ sai lệch nào so với quy trình đã được quy định;

i) bất kỳ đặc tính bất thường nào (dị thường) quan sát được trong quá trình thử nghiệm;

j) ngày thử nghiệm.

 

PHỤ LỤC A

(tham khảo)

Ví dụ về chất thử

Ví dụ về hóa chất phòng thí nghiệm và chất sinh học có thể được sử dụng làm chất thử được nêu trong bảng A.1 và A.2. Các chất lỏng thử khác có thể được sử dụng theo thỏa thuận giữa các bên liên quan.

Sự nhận dạng và/hoặc thành phần của sản phẩm phải được quy định như nêu trong Bảng A.1 và A.2, trừ khi có thỏa thuận khác.

Chỉ sử dụng hóa chất có cấp tinh khiết phân tích.

Bảng A.1 – Hóa chất phòng thử nghiệm

Chất thử

Thể tích khác nhau của giọt

(xem 8.3)

Dung dịch natri hydroxit, 5 % theo khối lượng

100 µL

Dung dịch axit clohydric, 10 % theo khối lượng

100 µL

Dung dịch axit sulfurơ, 6 % theo khối lượng

25 µL

Dung dịch axit sulfuric, 10 % theo khối lượng

25 µL

Dung dịch axit sulfuric, 36 % theo khối lượng

25 µL

Nước, phù hợp với yêu cầu loại 3 trong TCVN 4851 (ISO 3696)

100 µL

 

Bảng A.2 – Hợp chất sinh học

Chất thử

Yêu cầu

Thể tích khác nhau của giọt

(xem 8.3)

Nhựa dẻo

Nhựa thông 50 % (theo khối lượng)

Dầu thông 50 % (theo khối lượng)

25 µL

Chất thử bụi phóng xạ

Ví dụ axit formic 47 % (theo khối lượng) Axit tannic 24 % (theo khối lượng) Albumin 5 % (theo khối lượng)

Mật ong 24 % (theo khối lượng)

25 µL

Gôm Arabic

Ví dụ nhựa cây keo

25 µL

Nhựa thông

 

25 µL

Mẫu mô phỏng phân chim

Pancreatina được pha loãng theo tỷ lệ 1:1 với nước loại 3 theo quy định trong TCVN 4851 (ISO 3696)

50 µL

a Nếu được thỏa thuận giữa các bên liên quan, pancreatin có thể được nghiền trong cối. Nếu pancreatin được nghiền, cần công bố trong báo cáo thử nghiệm.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 4851 (ISO 3696), Nước dùng để phân tích trong phòng thí nghiệm – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Nguyên tắc

4. Thiết bị, dụng cụ

5. Chất thử

6. Lấy mẫu

7. Tấm thử

8. Cách tiến hành

9. Đánh giá

10. Độ chụm

11. Báo cáo thử nghiệm

Phụ lục A (tham khảo) Ví dụ về chất thử

Thư mục tài liệu tham khảo