Protective clothing - Test methods for clothing providing protection against chemicals - Part 1: Determination of resistance to outward leakage of gases (internal pressure test)
Lời nói đầu
TCVN 11538-1:2016 hoàn toàn tương đương với ISO 17491-1:2012.
TCVN 11538-1:2016 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 94 Phương tiện bảo vệ cá nhân biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 11538 (ISO 17491), Trang phục bảo vệ - Phương pháp thử trang phục bảo vệ chống hóa chất, gồm các phần sau:
- TCVN 11538-1:2016 (ISO 17491-1:2012), Phần 1: Xác định khả năng chống rò rỉ khí ra bên ngoài (phép thử áp suất bên trong);
- TCVN 11538-2:2016 (ISO 17491-2:2012), Phần 2: Xác định khả năng chống rò rỉ sol khí và khí vào bên trong (phép thử rò rỉ vào bên trong);
- TCVN 11538-3:2016 (ISO 17491-3:2008), Phần 3: Xác định khả năng chống thấm bằng phương pháp phun tia chất lỏng (phép thử tia);
- TCVN 11538-4:2016 (ISO 17491-4:2008), Phần 4: Xác định khả năng chống thấm bằng phương pháp phun sương (phép thử phun sương);
- TCVN 11538-5:2016 (ISO 17491-5:2013), Phần 5: Xác định khả năng chống thấm bằng phương pháp phun sương (phép thử phun sương trên manơcanh).
Lời giới thiệu
Trang phục bảo vệ chống hóa chất được mặc kết hợp với các phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp phù hợp để cách ly cơ thể người mặc với môi trường. Đã có một số phương pháp xác định khả năng chống thẩm thấu hoặc thấm các hóa chất ở dạng khí hoặc dạng lỏng của vật liệu làm trang phục bảo vệ chống hóa chất.
Tuy nhiên, hiệu quả của sản phẩm trang phục bảo vệ hoàn thiện để ngăn ngừa phơi nhiễm với các mối nguy về hóa chất phụ thuộc vào tính nguyên vẹn của kết cấu trang phục trong việc loại bỏ hoặc giảm bớt sự rò rỉ hóa chất vào bên trong.
Việc lựa chọn phương pháp thử tính nguyên vẹn phù hợp sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng trang phục bảo vệ chống hóa chất và sự tồn tại của các mối nguy phải đối mặt. Thông thường, phương pháp thử tính nguyên vẹn sẽ được quy định trong yêu cầu kỹ thuật của trang phục bảo vệ chống hóa chất.
Những đánh giá về khả năng chống hóa chất của vật liệu làm trang phục bảo vệ phải được thực hiện bằng phương pháp thử phù hợp.
TCVN 6881 (ISO 6529) quy định phương pháp đo độ bền của vật liệu làm trang phục bảo vệ, đường may và mối ghép đối với sự thấm chất lỏng hoặc chất khí. TCVN 6692 (ISO 13994) quy định phương pháp xác định khả năng chống thấm qua của vật liệu làm trang phục bảo vệ dưới các điều kiện tiếp xúc liên tục với chất lỏng và áp suất, và có thể áp dụng cho các vật liệu vi xốp, các đường may và các mối ghép. TCVN 6691 (ISO 6530) quy định qui trình đo độ chống thấm của vật liệu làm trang phục bảo vệ do tác động và sự tháo chảy chất lỏng. Các yêu cầu chung về trang phục bảo vệ được quy định trong TCVN 6689 (ISO 13688).
Bộ tiêu chuẩn TCVN 11538 (ISO 17491) quy định sáu phương pháp thử khác nhau để xác định khả năng chống sự rò rỉ hóa chất ở dạng khí hoặc dạng lỏng vào bên trong của trang phục bảo vệ hoàn chỉnh (tính nguyên vẹn của trang phục bảo vệ). Các phương pháp thử này áp dụng cho hóa chất ở dạng khí hoặc dạng lỏng, hoặc sol khí, và thay đổi về mức độ khắc nghiệt.
Các phương pháp thử tính nguyên vẹn được quy định trong bộ tiêu chuẩn này như sau:
- TCVN 11538-1 (ISO 17491-1) quy định phương pháp được thực hiện ở chế độ thử tối thiểu (Phương pháp 1) hoặc ở chế độ thử khắc nghiệt hơn (Phương pháp 2), để đánh giá độ rò rỉ khí ra bên ngoài của bộ trang phục, ví dụ: những chỗ mở, những chỗ khóa, đường may, chỗ tiếp giáp giữa các trang phục, các lỗ, và những khuyết tật trong cấu tạo vật liệu.
- TCVN 11538-2 (ISO 17491-2) quy định hai phương pháp khác để xác định độ rò rỉ vào bên trong của bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất trong môi trường sol khí (Phương pháp 1) hoặc môi trường khí (Phương pháp 2). Qui trình này có thể áp dụng cho bộ trang phục kín khí và bộ trang phục không kín khí theo ISO 16602 và cung cấp một phương pháp đánh giá tính nguyên vẹn của bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất, đặc biệt là sự rò rỉ trên vùng thở, dưới các điều kiện động với đối tượng thử là con người.
- TCVN 11538-3 (ISO 17491-3) quy định phương pháp xác định khả năng chống thấm bằng phương pháp phun tia hóa chất lỏng của trang phục bảo vệ chống hóa chất. Qui trình này có thể áp dụng cho trang phục được mặc trong trường hợp có nguy cơ của việc phơi nhiễm với sự văng bắn mạnh hóa chất lỏng và được dùng để chống lại sự thấm qua dưới các điều kiện yêu cầu che phủ toàn bộ bề mặt cơ thể, nhưng không phải là cho trang phục kín khí.
- TCVN 11538-4 ( ISO 17491-4) quy định phương pháp thực hiện ở chế độ thử tối thiểu (Phương pháp A - phép thử phun sương ở mức thấp) hoặc ở chế độ thử khắc nghiệt hơn (Phương pháp B - phép thử phun sương ở mức cao), để xác định khả năng chống thấm sương chất lỏng của trang phục bảo vệ chống hóa chất. Qui trình này áp dụng cho trang phục dùng để mặc khi có nguy cơ phơi nhiễm với sự văng bắn nhẹ hóa chất lỏng hoặc sương tụ lại và chảy thoát khỏi bề mặt của quần, áo, và cho trang phục dùng để chống lại sự thấm qua dưới các điều kiện yêu cầu che phủ toàn bộ bề mặt cơ thể, nhưng không phải là cho trang phục kín khí.
- TCVN 11538-5 (ISO 17491-5) qui định phương pháp xác định khả năng chống thấm sương. Phương pháp này sử dụng manơcanh tĩnh thay cho đối tượng thử; phương pháp này cũng sử dụng hình dạng và thời gian phun sương khác.
Các phương pháp thử được quy định trong bộ tiêu chuẩn TCVN 11538 (ISO 17491) không phù hợp để đánh giá sự thẩm thấu và sự thấm các hóa chất lỏng qua vật liệu làm trang phục.
TRANG PHỤC BẢO VỆ - PHƯƠNG PHÁP THỬ TRANG PHỤC BẢO VỆ CHỐNG HÓA CHẤT - PHẦN 1: XÁC ĐỊNH KHẢ NĂNG CHỐNG RÒ RỈ KHÍ RA BÊN NGOÀI (PHÉP THỬ ÁP SUẤT BÊN TRONG)
Protective clothing - Test methods for clothing providing protection against chemicals - Part 1: Determination of resistance to outward leakage of gases (internal pressure test)
Tiêu chuẩn này qui định phương pháp thử được thực hiện ở chế độ thử tối thiểu (Phương pháp 1) hoặc ở chế độ thử khắc nghiệt hơn (Phương pháp 2), để đánh giá khả năng chống rò rỉ khí ra bên ngoài của bộ trang phục, ví dụ: chỗ mở, chỗ khóa, đường may, chỗ tiếp giáp giữa các trang phục, các lỗ, và những khuyết tật trong vật liệu làm quần áo.
Phép thử này không mô phỏng sự thấm khí theo hướng vào bên trong. Mặc dù nguy hiểm đối với người mặc gia tăng từ việc rò rỉ theo hướng vào bên trong, phương pháp thử này đánh giá sự rò rỉ khí ra bên ngoài sau khi bộ trang phục kín khí được bơm để kéo căng vật liệu làm quần áo, bằng cách đó cho phép phát hiện những khuyết tật rất nhỏ, ví dụ: các lỗ, chỗ nứt, chỗ xé.
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Mối ghép (assemblage)
Liên kết vững chắc được hình thành giữa hai hoặc nhiều lớp quần, áo khác nhau, hoặc giữa trang phục bảo vệ chống hóa chất và các phụ kiện, ví dụ: bằng cách may, hàn, lưu hóa hoặc dán.
2.2
Trang phục bảo vệ chống hóa chất (chemical protective clothing)
Tổ hợp kết hợp của quần, áo khi mặc sẽ tạo ra sự bảo vệ chống phơi nhiễm hóa chất, hoặc tiếp xúc với hóa chất.
2.3
Bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất (chemical protective suit)
Trang phục mặc để bảo vệ chống hóa chất, che phủ toàn bộ hoặc hầu hết cơ thể.
CHÚ THÍCH 1 Bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất có thể gồm các quần, áo được kết hợp cùng với nhau để bảo vệ cơ thể.
CHÚ THÍCH 2 Bộ trang phục có các loại bảo vệ bổ sung khác nhau kết hợp với nó, ví dụ: mũ trùm đầu hoặc mũ bảo hộ, ủng và găng tay.
2.4
Bộ phận nối (connection)
Mối ghép hoặc chỗ nối.
2.5
Quần, áo (garment)
Bộ phận riêng rẽ (của trang phục bảo vệ chống hóa chất), được mặc để bảo vệ một phần cơ thể chống lại sự tiếp xúc với các hóa chất.
2.6
Bộ trang phục kín khí (gas-tight suit)
Quần, áo liền có mũ trùm đầu, găng tay và ủng, khi được mặc cùng với các thiết bị thở độc lập hoặc ống dẫn khí, để người sử dụng được bảo vệ ở mức độ cao chống lại các chất lỏng, hạt và khí có hại hoặc các chất ô nhiễm ở dạng hơi.
2.7
Chỗ nối (joint)
Liên kết không cố định giữa quần, áo khác nhau, hoặc giữa trang phục bảo vệ chống hóa chất và các phụ kiện.
2.8
Bộ trang phục không kín khí (non-gas-tight suit)
Quần, áo liền có mũ trùm đầu, găng tay và ủng, khi được mặc cùng hoặc kết hợp với các thiết bị thở độc lập hoặc ống dẫn khí, để người sử dụng được bảo vệ ở mức độ cao chống lại các chất lỏng, hạt và khí có hại hoặc các chất ô nhiễm ở dạng hơi nhưng không đáp ứng được phép thử rò rỉ khí ra bên ngoài (phép thử áp suất bên trong).
2.9
Sự thấm (penetration)
Dòng hóa chất có kích thước lớn hơn phân tử chảy qua các nắp, van, vật liệu xốp, đường may, lỗ hoặc chỗ khuyết tật khác trong vật liệu làm trang phục bảo vệ.
2.10
Sự thẩm thấu (permeation)
Quá trình hóa chất có kích thước phân tử di chuyển qua vật liệu của trang phục bảo vệ.
CHÚ THÍCH Sự thẩm thấu bao gồm:
a) sự hút thấm bề mặt các phân tử hóa chất vào bề mặt tiếp xúc (mặt ngoài) của vật liệu.
b) sự khuếch tán các phân tử hút thấm trong vật liệu, và
c) Sự giải hấp các phân tử từ bề mặt đối diện (mặt trong) của vật liệu.
2.11
Vật liệu làm trang phục bảo vệ (protective clothing material)
Bất kỳ vật liệu nào hoặc sự kết hợp của chúng được sử dụng để làm một phần trang phục với mục đích cách li các bộ phận của cơ thể khỏi các mối nguy tiềm ẩn.
Bơm phồng bộ trang phục đến áp suất quy định, sau đó đánh giá mức độ rò rỉ không khí bằng cách ghi lại áp suất đạt được sau một khoảng thời gian quy định. Chuẩn bị hai bộ để thử với áp suất thử khác nhau:
Phương pháp 1 sử dụng áp suất bơm phồng là 1 250 Pa và áp suất thử là 1 000 Pa.
Phương pháp 2 sử dụng áp suất bơm phồng là 1 750 Pa và áp suất thử là 1 650 Pa.
Phương pháp 1 được coi là phép thử áp suất bên trong tối thiểu, nhưng phương pháp 2 đưa ra phương pháp xác định khắc nghiệt hơn về tình trạng nguyên vẹn kín khí của bộ trang phục.
4.1 Nguồn không khí nén, cung cấp không khí trong khoảng nhiệt độ (20 ± 5) 0C.
4.2 Thiết bị đo áp suất, có khả năng đo áp suất lên đến (1 750 ± 50) Pa với độ nhạy (có thể đọc) là 50 Pa.
4.3 Khóa van thông hơi, ví dụ: nút hoặc bộ phận khác được nhà sản xuất cung cấp cho các mục đích thử.
4.4 Đồng hồ bấm giây hoặc dụng cụ đo thời gian phù hợp, có khả năng đo chính xác đến giây.
5.1 Quy định chung
a) Đặt bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất (gồm găng tay, giầy ủng và mặt nạ che cả mặt, nếu phù hợp) lên bề mặt phẳng và sạch phù hợp, cách xa nguồn nhiệt và/hoặc luồng không khí.
b) Lựa chọn khu vực thử cách xa ánh sáng trực tiếp của mặt trời, cửa mở, luồng gió, lò sưởi và điều hòa không khí.
c) Kiểm tra bằng mắt thường bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất. Kiểm tra sự nguyên vẹn các đường may và kéo nhẹ các đường may. Bảo đảm là tất cả các đường cấp khí, ống nối, vành chắn hoặc tấm che mặt, khóa kéo và van chắc chắn và không có dấu hiệu hư hỏng.
d) Kéo phẳng các vết nhăn và vết gấp trên bộ trang phục giống như trên thực tế.
e) Để bộ trang phục tối thiểu 1 h ở nhiệt độ môi trường ± 3 oC.
f) Bơm khí qua các bộ phận nối được minh họa ở Hình 1. Gắn dụng cụ đo áp suất (4.2) vào bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất hoặc hệ thống bơm phồng.
g) Cẩn thận đóng các van hoặc các chỗ mở khác trên bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất bằng các khóa phù hợp được cung cấp bởi nhà sản xuất.
h) Chọn phương pháp 1 hoặc phương pháp 2.
CHÚ DẪN
1 Bộ phận nối dòng khí hoặc cặp bơm khí
2 Bộ phận nối với đường cấp khí hoặc bơm khí
3 Găng tay có thể tháo rời
4 Nút bịt kín tấm trên mặt
Hình 1 - Các ví dụ điển hình của bộ trang phục mô phỏng cho phép bơm khí
5.2 Phương pháp 1 - Qui trình ở mức tối thiểu
a) Bơm cẩn thận không khí nén (4.1) vào bộ trang phục đến áp suất (1 250 ± 50) Pa.
b) Duy trì áp suất ở (1 250 ± 50) Pa trong ít nhất 1 min bằng cách bổ sung thêm không khí nếu cần thiết, trong khi đó đảm bảo là các diện tích bị nhăn không được có nếp gấp và bộ trang phục được kéo căng phù hợp.
CHÚ THÍCH Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ được giữ ổn định và áp suất trên toàn bộ bộ đồ đạt đến trạng thái cân bằng.
c) Sau khoảng thời gian tối thiểu là 1 min [xem 5.2 a)] điều chỉnh áp suất bên trong bộ trang phục đến áp suất thử (1 000 ± 50) Pa.
d) Để thêm 4 min nữa. Chú ý và ghi lại áp suất cuối cùng trong bộ trang phục, tính bằng pascal. Chú ý cẩn thận để giữ sạch và sửa lại những van đã bị tắc hoặc bị rời ra để thực hiện phép thử, đảm bảo là chúng hoạt động tốt sau phép thử.
e) Nếu bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất cho thấy áp suất giảm từ 20 % trở lên [(áp suất thử trừ đi áp suất cuối/áp suất thử) x 100], kiểm tra sự rò rỉ bằng cách bơm bộ trang phục đến (1 250 ± 50) Pa và quét hoặc bôi dung dịch nước xà phòng nhẹ lên toàn bộ bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất (bao gồm đường may, chân van, gioăng kính, các chỗ nối giữa găng tay-ống tay áo, v.v...).
Quan sát sự tạo thành các bong bóng xà phòng chỉ báo sự rò rỉ trên toàn bộ diện tích được bôi dung dịch của bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất. Bất kỳ dung dịch xà phòng thông thường nào có khả năng tạo bọt cao đều được cho là thỏa mãn mục đích này.
CHÚ THÍCH Trong các trường hợp phép thử được sử dụng để kiểm soát chất lượng hoặc vì mục đích bảo dưỡng, sửa chữa tất cả những chỗ rò rỉ được phát hiện theo hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất, nếu được phép. Thử lại bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất đã sửa chữa theo quy định từ 5.1 a) đến 5.1 h) và 5.2 a) đến 5.2 d).
5.3 Phương pháp 2 - Qui trình khắc nghiệt
a) Bơm cẩn thận không khí nén vào bộ trang phục đến áp suất (1 750 ± 50) Pa.
b) Duy trì áp suất ở (1 750 ± 50) Pa trong 10 min bằng cách bổ sung thêm không khí, nếu cần thiết, trong khi đó đảm bảo là các diện tích bị nhăn không được có nếp gấp và bộ trang phục bảo vệ được kéo căng phù hợp.
CHÚ THÍCH Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ được giữ ổn định và áp suất trên toàn bộ bộ trang phục đạt đến trạng thái cân bằng.
c) Sau khoảng thời gian 10 min [xem 5.3 b)], điều chỉnh áp suất bên trong bộ trang phục đến (1 650 ± 50) Pa.
d) Để thêm 6 min nữa. Chú ý và ghi lại áp suất cuối cùng trong bộ trang phục, tính bằng pascal. Chú ý cẩn thận để giữ sạch và sửa lại những van đã bị tắc hoặc bị rời ra để thực hiện phép thử, đảm bảo là chúng hoạt động tốt sau phép thử.
e) Nếu bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất cho thấy áp suất giảm từ 20 % trở lên [(áp suất thử trừ đi áp suất cuối/áp suất thử) x 100], kiểm tra sự rò rỉ bằng cách bơm bộ trang phục đến (1 750 ± 50) Pa và quét hoặc bôi dung dịch nước xà phòng nhẹ lên toàn bộ bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất (bao gồm đường may, chân van, gioăng kính, các chỗ nối giữa găng tay-ống tay áo, v.v...).
Quan sát sự tạo thành các bong bóng xà phòng chỉ báo sự rò rỉ trên toàn bộ diện tích được bôi dung dịch của bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất. Bất kỳ dung dịch xà phòng thông thường nào có khả năng tạo bọt cao đều được cho là thỏa mãn mục đích này.
CHÚ THÍCH Trong các trường hợp phép thử được sử dụng để kiểm soát chất lượng hoặc vì mục đích bảo dưỡng, sửa chữa tất cả những chỗ rò rỉ được phát hiện theo hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất, nếu được phép. Thử lại bộ trang phục bảo vệ chống hóa chất đã sửa chữa theo quy định từ 5.1 a) đến 5.1 h) và 5.3 a) đến 5.3 d).
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) Phương pháp thử sử dụng, ví dụ: Phương pháp 1 hoặc Phương pháp 2;
c) Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp và dấu hiệu nhận biết;
d) Áp suất ghi được trong 5.2 d) hoặc 5.3 d) và nhiệt độ thử;
e) Các nhận xét và quan sát khác;
f) Kết quả của phép thử lại, sau khi sửa chữa lại bộ trang phục.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 6881 (ISO 6529), Quần áo bảo vệ - Quần áo chống hóa chất - Xác định khả năng chống thẩm thấu chất lỏng và khí của vật liệu làm quần áo bảo vệ
[2] TCVN 6691 (ISO 6530), Quần áo bảo vệ - Quần áo chống hóa chất lỏng - Phương pháp thử độ chống thấm chất lỏng của vật liệu
[3] TCVN 6689 (ISO 13688), Quần áo bảo vệ - Yêu cầu chung
[4] TCVN 6692 (ISO 13994), Quần áo bảo vệ - Quần áo chống hóa chất lỏng - Xác định độ chống thấm chất lỏng dưới áp suất của vật liệu làm quần áo bảo vệ