Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 12005-6:2017

ISO 4628-6:2011

SƠN VÀ VECNI - ĐÁNH GIÁ SỰ SUY BIẾN CỦA LỚP PHỦ - KÝ HIỆU SỐ LƯỢNG, KÍCH CỠ CỦA KHUYẾT TẬT VÀ MỨC BIẾN ĐỔI ĐỒNG NHẤT VỀ NGOẠI QUAN - PHẦN 6: ĐÁNH GIÁ ĐỘ PHẤN HÓA BẰNG PHƯƠNG PHÁP BĂNG DÍNH

Paints and varnishes - Evaluation of degradation of coatings - Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance - Part 6: Assessment of degree of chalking by tape method

Lời nói đầu

TCVN 12005-6:2017 hoàn toàn tương đương ISO 4628-6:2011.

TCVN 12005-6:2017 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC35 Sơn và vecni biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ TCVN 12005 (ISO 4628), Sơn và vecni - Đánh giá sự suy biến của lớp phủ - Ký hiệu số lượng, kích cỡ của khuyết tật và mức biến đổi đồng nhất về ngoại quan, bao gồm các tiêu chuẩn sau:

- TCVN 12005-1:2017 (ISO 4628-1:2016), Phần 1: Giới thiệu chung và hệ thống ký hiệu

- TCVN 12005-2:2017 (ISO 4628-2:2016), Phần 2: Đánh giá độ phồng rộp

- TCVN 12005-3:2017 (ISO 4628-3:2016), Phần 3: Đánh giá độ gỉ

- TCVN 12005-4:2017 (ISO 4628-4:2016), Phần 4: Đánh giá độ rạn nứt

- TCVN 12005-5:2017 (ISO 4628-5:2016), Phần 5: Đánh giá độ bong tróc

- TCVN 12005-6:2017 (ISO 4628-6:2011), Phần 6: Đánh giá độ phấn hóa bằng phương pháp băng dính

- TCVN 12005-7:2017 (ISO 4628-7:2016), Phần 7: Đánh giá độ phấn hóa bằng phương pháp vải nhung

- TCVN 12005-8:2017 (ISO 4628-8:2012), Phần 8: Đánh giá độ tách lớp và độ ăn mòn xung quanh vết khía hoặc khuyết tật nhân tạo khác

- TCVN 12005-10:2017 (ISO 4628-10:2016), Phần 10: Đánh giá độ ăn mòn dạng sợi

 

SƠN VÀ VECNI - ĐÁNH GIÁ SỰ SUY BIẾN CỦA LỚP PHỦ - KÝ HIỆU SỐ LƯỢNG, KÍCH CỠ CỦA KHUYẾT TẬT VÀ MỨC BIẾN ĐỔI ĐỒNG NHẤT VỀ NGOẠI QUAN - PHẦN 6: ĐÁNH GIÁ ĐỘ PHẤN HÓA BẰNG PHƯƠNG PHÁP BĂNG DÍNH

Paints and varnishes - Evaluation of degradation of coatings - Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance - Part 6: Assessment of degree of chalking by tape method

QUAN TRỌNG: Để đánh giá độ phấn hóa bằng phương pháp băng dính, cần sử dụng các chuẩn hình ảnh đối chứng trong tiêu chuẩn này. Do thực tế là các bản sao điện tử của các tiêu chuẩn này bị thay đổi khi xem trên màn hình hoặc được in ra, khi so sánh các kết quả thử nghiệm nên sử dụng các chuẩn hình ảnh có trong bản tiêu chuẩn này được cung cấp bởi cơ quan phát hành tiêu chuẩn quốc gia.

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra các chuẩn hình ảnh đối chứng đối với ký hiệu độ phấn hóa của các lớp phủ sơn. Tiêu chuẩn này cũng mô tả phương pháp đánh giá độ phấn hóa. Khi sử dụng phương pháp này, cần phải thận trọng để phân biệt giữa các sản phẩm suy biến thực sự và bụi bẩn bám vào, đặc biệt khi phấn hóa nhẹ.

2  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây.

2.1

Phấn hóa (chalking)

Sự xuất hiện của một loại bột mịn bám không chắc trên bề mặt lớp phủ sơn, phát sinh từ sự suy biến của một hoặc nhiều thành phần sơn.

3  Nguyên tắc

Lớp phấn hóa được lấy ra khỏi lớp phủ đang thử nghiệm bằng cách sử dụng băng dính. Lớp phấn hóa bám trên băng dính được kiểm tra trên nền có độ tương phản cao (đen hoặc trắng, tùy theo nền nào cho độ tương phản cao hơn) và độ phấn hóa được đánh giá bằng cách tham chiếu với thang xếp hạng.

4  Vật liệu

4.1  Băng dính tự dính trong suốt, có chiều rộng nhỏ nhất là 15 mm.

Băng dính mềm sẵn có trên thị trường, thỏa mãn với điều kiện trong suốt và không có màu. Tuy nhiên, chất lượng của băng dính ảnh hưởng đến xếp hạng nhận được. Do vậy, loại băng dính phải được thỏa thuận giữa các bên liên quan và phải được công bố trong báo cáo thử nghiệm.

4.2  Nền, màu đen hoặc trắng, mờ đục, ví dụ tấm bìa hoặc nhung có lông tơ ngắn không có xu hướng bị nhàu nát.

5  Cách tiến hành

5.1 Để bề mặt khô ở nhiệt độ phòng trước khi thực hiện thử nghiệm.

Đặt một miếng băng dính (4.1) lên lớp phủ khô bằng cách áp một lực ổn định và miết bằng ngón tay.

Băng dính nên có chiều dài nhỏ nhất là 40 mm.

Lấy băng dính ra theo hướng vuông góc với bề mặt và đặt trên nền (4.2) có màu sắc thích hợp sao cho có độ tương phản cao hơn, với mặt có keo dính tiếp xúc với nền. Đánh giá các lớp phủ sáng màu trên nền đen và các lớp phủ tối màu trên nền trắng.

Dưới độ sáng phù hợp, ngay lập tức đánh giá (xem 5.5) độ phấn hóa bằng cách so sánh số lượng phấn trên băng dính với các chuẩn hình ảnh đối chứng trong Hình 1. Khi nền càng được nhìn thấy nhiều thì độ phấn hóa càng thấp. Báo cáo độ sáng trong báo cáo thử nghiệm.

5.2  Độ phấn hóa cũng có thể được xác định định lượng bằng cách sử dụng thiết bị quang điện phù hợp để so sánh độ truyền qua của băng dính có phấn bám với băng dính không sử dụng. Trong quy trình này, băng dính sẽ không được đặt lên nền (4.2), mà đặt lên một tấm kính sạch hoặc tấm đỡ hở, được đặt trong chùm tia quang học của thiết bị[2],[3]. Độ truyền qua nhỏ hơn 70 % so với băng dính chưa sử dụng là thể hiện sự phấn hóa.

Phương pháp dùng thiết bị này chỉ được sử dụng khi sự phân bố của dư lượng phấn trên băng dính là đồng nhất.

5.3  Độ phấn hóa có thể khác nhau trên một vùng nhất định. Trên các vùng rộng với một bề mặt đồng nhất (không có vân hoa), tốt hơn là nên thực hiện xác định tại một số vị trí, báo cáo giá trị trung bình và phạm vi thử nghiệm.

Để tránh số đọc sai, áp băng dính vào vùng của tấm thử chưa được sử dụng trong các lần đo trước đó.

5.4  Các xếp hạng nhận được đối với các lớp phủ được phơi nhiễm bởi phong hóa tự nhiên phải được xử lý một cách thận trọng do bụi bẩn đọng lại trên bề mặt từ khí quyển có thể cho giá trị phấn hóa sai.

5.5  Sau khi lấy lớp phấn hóa khỏi lớp phủ đang thử nghiệm, việc đánh giá mỗi miếng băng dính phải được thực hiện ngay bởi vì sự xuất hiện dư lượng của lớp phấn hóa trên băng dính và độ truyền qua của băng dính có thể thay đổi theo thời gian.

5.6  Khi thử nghiệm các lớp phủ sơn có độ bóng thấp, có thể quan sát thấy một số vật liệu nhất định bám không chắc, thậm chí ngay cả với các tấm không bị phong hóa. Do vậy, đối với loại sơn này, khuyến nghị thực hiện phép thử trắng trên tấm không bị phong hóa.

6  Đánh giá

Đánh giá độ phấn hóa bằng cách tham chiếu đến các chuẩn hình ảnh nêu trong Hình 1.

CHÚ THÍCH: Các giá trị số đã cho tương ứng với các giá trị số trong TCVN 12005-1 (ISO 4628-1).

Đối với bề mặt có vân hoa, đánh giá phải dựa trên những quan sát các phần của băng dính bị bám phấn với mức độ mạnh nhất.

7  Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:

a) tất cả các thông tin cần thiết để nhận biết mẫu được thử;

b) viện dẫn tiêu chuẩn này, nghĩa là TCVN 12005-6:2017 (ISO 4628-6:2011);

c) chi tiết của phương pháp được sử dụng, bao gồm:

1) kiểu phong hóa (nhân tạo hay tự nhiên) của lớp phủ,

2) tất cả các chi tiết cần thiết để nhận dạng loại băng dính được sử dụng, bao gồm cả nhà sản xuất và tên của băng dính,

3) tất cả các chi tiết cần thiết cho việc nhận dạng nền được sử dụng làm nền cho băng dính (xem 4.2),

4) điều kiện chiếu sáng được sử dụng để đánh giá;

d) các kết quả thử nghiệm, bao gồm:

1) xếp hạng độ phấn hóa bằng số,

2) việc đánh giá được tiến hành bằng mắt hoặc sử dụng thiết bị (xem 5.2);

e) sự sai khác bất kỳ so với các quy trình được quy định;

f) bất kỳ đặc điểm không bình thường quan sát được trong quá trình đánh giá;

g) ngày kiểm tra.

CHÚ THÍCH: Đầu bên phải của mỗi băng dính tương ứng với mức phấn bằng 0.

Hình 1 - Các chuẩn hình ảnh đối chứng cho các xếp hạng phấn hóa bằng số từ 1 đến 5

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 12005-1 (ISO 4628-1), Sơn và vecni - Đánh giá sự suy biến của lớp phủ - Ký hiệu số lượng, kích cỡ của khuyết tật và mức biến đổi đồng nhất về ngoại quan - Phần 1: Giới thiệu chung và hệ thống ký hiệu

[2] HELMEN, T., Farbe und Lack, 84 (5), 1978, trang 315-322

[3] HELMEN, T., Farbe und Lack, 87 (3), 1981, trang 181-189

[4] JPIA, Standards for evaluation of paint films (Tiêu chuẩn đánh giá màng sơn), 2003, trang 6-1 đến 6-5

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1  Phạm vi áp dụng

2  Tài liệu viện dẫn

3  Nguyên tắc

4  Vật liệu

5  Cách tiến hành

6  Đánh giá

7  Báo cáo thử nghiệm

Thư mục tài liệu tham khảo