
- 1 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6910-2:2001 (ISO 5725-2 : 1994) về Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo - Phần 2: Phương pháp cơ bản xác định độ lặp lại và độ tái lập của phương pháp đo tiêu chuẩn do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
- 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12402-1:2020 (ISO 7027-1:2016) về Chất lượng nước - Xác định độ đục - Phần 1: Phương pháp định lượng
CHẤT LƯỢNG NƯỚC - XÁC ĐỊNH ĐỘ ĐỤC - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP BÁN ĐỊNH LƯỢNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐỘ TRONG CỦA NƯỚC
Water quality- Determination of turbidity - Part 2: Semi-quantitative methods for the assessment of transparency of water
Lời nói đầu
TCVN 12402-2:2020 và TCVN 12402-1:2021 thay thế TCVN 6184:2008.
TCVN 12402-2:2020 hoàn toàn tương đương với ISO 7027-2:2019.
TCVN 12402-2:2020 do Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC 147 Chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 12402 (ISO 7027), Chất lượng nước - Xác định độ đục gồm các tiêu chuẩn sau:
- TCVN 12402-1:2020 (ISO 7027-1:2016), Phần 1: Phương pháp định lượng.
- TCVN 12402-2:2021 (ISO 7027-2:2019), Phần 2: Phương pháp bán định lượng để đánh giá độ trong của nước.
Lời giới thiệu
Độ đục trong nước là do sự có mặt của các chất không phân hủy và/hoặc chất keo và các sinh vật nhỏ (ví dụ: vi khuẩn, thực vật phù du và động vật phù du) trong nước. Độ đục làm thay đổi điều kiện chiếu sáng ở vùng nước bề mặt bởi sự hấp thụ và tán xạ ánh sáng và do đó ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của những vùng nước này. Để đánh giá chỉ thị về điều kiện chiếu sáng của nước hoặc độ trong của nước, có thể sử dụng các phương pháp bán định lượng (Tài liệu tham khảo [2]).
Các phép đo độ trong có thể bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các chất hấp thụ ánh sáng hòa tan (các chất truyền màu) cũng như bởi các hạt (như trầm tích).
Trong các phương pháp bán định lượng như xác định độ sâu trong bằng đĩa Secchi, phản xạ trên mặt nước có thể gây nhiễu. Chúng thường phụ thuộc vào các điều kiện ánh sáng và gió.
CHÚ THÍCH: Kết quả của nghiên cứu xác nhận giá trị của tiêu chuẩn này được nêu trong Phụ lục B.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC - XÁC ĐỊNH ĐỘ ĐỤC - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP BÁN ĐỊNH LƯỢNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐỘ TRONG CỦA NƯỚC
Water quality- Determination of turbidity - Part 2: Semi-quantitative methods for the assessment of transparency of water
CẢNH BÁO - Người sử dụng tiêu chuẩn này cần phải thành thạo các phép thực hành cơ bản trong phòng thử nghiệm. Tiêu chuẩn này không đề cập tới mọi vấn đề an toàn liên quan đến người sử dụng. Trách nhiệm của người sử dụng là phải bảo đảm an toàn và có sức khỏe phù hợp với các quy định của quốc gia.
QUAN TRỌNG - Chỉ những nhân viên được đào tạo phù hợp mới được tiến hành phép thử theo tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp bán định lượng để đánh giá độ trong của nước:
a) Đo khoảng nhìn thấy bằng ống thử độ trong (áp dụng cho nước trong và hơi đục), xem Điều 4;
b) Đo khoảng nhìn thấy ở các lớp nước phía trên bằng đĩa đo độ trong (đặc biệt áp dụng cho nước mặt, nước tắm, nước thải và thường sử dụng cho quan trắc biển), xem 5.1;
c) Đo độ nhìn được qua các thợ lặn ở một độ sâu định trước, xem 5.2.
CHÚ THÍCH: Phép đo định lượng sử dụng máy đo độ đục hoặc máy đo độ đục quang học được mô tả trong TCVN 12402-1 (ISO 7027-1).
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
CIE Publication No. 17, International lighting vocabulary (Từ vựng quốc tế về ánh sáng).
Tiêu chuẩn này, các định nghĩa được đưa ra trong CIE xuất bản số 17 và sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Độ trong (transparency)
Khả năng xuyên qua của sóng điện từ, ở đây đặc biệt là ánh sáng.
CHÚ THÍCH: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ độ trong được hiểu là độ nhìn được trong nước.
3.2
Độ đục (turbidity)
Sự giảm độ trong của chất lỏng do sự có mặt của chất không tan và/hoặc chất keo và các sinh vật nhỏ.
3.3
Hệ số suy giảm (attenuation coeficient)
Một phần của chùm ánh sáng tia tới bị hấp thụ hoặc tán xạ trên một đơn vị độ dày của vật hấp thụ mục tiêu.
CHÚ THÍCH: Hệ số suy giảm lớn nghĩa là chùm tia sáng tới nhanh chóng bị “suy giảm” (suy yếu) khi nó đi qua môi trường, và hệ số suy giảm nhỏ nghĩa là môi trường tương đối trong suốt đối với chùm tia. Đơn vị SI của hệ số suy giảm là nghịch đảo của m (m-1).
4.1 Yêu cầu chung
Trong trường hợp các phép đo không thể tiến hành ngoài hiện trường, thì có thể thực hiện trong phòng thử nghiệm theo hướng dẫn tại 4.2.
4.2 Phương pháp đo bằng ống thử độ trong
4.2.1 Thiết bị, dụng cụ
4.2.1.1 Ống thử độ trong gồm một ống thủy tinh không màu dài 600 mm ± 10 mm, có đường kính trong 25 mm ± 1 mm, được chia vạch 10 mm. Điển hình là ống thử độ trong có lỗ ở đáy ống hoặc có lỗ thoát thích hợp, để hạ thấp mực nước trong ống.
4.2.1.2 Vành chắn, gắn khít để bảo vệ ống thử độ trong khỏi ánh sáng bên ngoài.
4.2.1.3 Mẫu in, đặt bên dưới ống (4.2.1.1), gồm dấu in đen trên nền trắng (độ cao của kí tự 3,5 mm, đường nét độ rộng 0,35 mm); hoặc dấu thử (ví dụ như dấu chữ thập đen trên giấy trắng) được cung cấp cùng dụng cụ.
4.2.1.4 Nguồn sáng không đổi, đèn tungsten có hiệu điện thế thấp (công suất 3 W) dùng để chiếu sáng mẫu in hoặc dấu thử (4.2.1.3).
4.2.2 Lấy mẫu và mẫu thử
Tất cả các bình lấy mẫu phải sạch. Nếu cần, rửa các bình lấy mẫu trước khi sử dụng với axit clohydric (ví dụ 1 mol/L) hoặc dung dịch tẩy rửa bề mặt.
Thu thập mẫu thử trong các bình thủy tinh hoặc nhựa, và thực hiện các phép xác định càng sớm càng tốt sau khi thu thập. Các bình phải được làm đầy hoàn toàn (không có bọt khí). Nếu việc bảo quản là không thể tránh khỏi, cần bảo quản mẫu thử ở nơi tối, mát ở nhiệt độ (10 ± 5) °C không quá 24 h. Nếu các mẫu thử đã được bảo quản mát, thì cần để mẫu ở nhiệt độ phòng trước mỗi phép đo. Tránh tiếp xúc giữa mẫu thử và không khí và tránh những thay đổi không cần thiết về nhiệt độ của mẫu.
Ống thử độ trong cần được làm sạch và không vẩn đục. Các ống riêng lẻ phải đồng nhất về đặc tính quang học.
4.2.3 Cách tiến hành
Mẫu thử cần được trộn đều bằng tay, mà không tạo ra bong bóng và cuộn xoáy, và sau đó chuyển vào ống thử độ trong (4.2.1.1). Hạ thấp mức mẫu một cách đều đặn cho đến khi có thể nhận biết rõ ràng mẫu in hoặc dấu thử khi nhìn từ trên xuống. Đọc chiều cao của chất lòng từ thang chia trên ống.
Nếu lặp lại quy trình, tính trung bình tất cả các phép lặp lại và báo cáo giá trị như chiều sâu đo độ trong.
4.2.4 Biểu thị kết quả
Báo cáo phép đo chiều cao chất lỏng, chính xác đến 10 mm, cùng với các thiết bị đã sử dụng (tên nhà sản xuất).
5 Phương pháp đo tại chỗ (phương pháp hiện trường)
5.1 Yêu cầu chung
Phương pháp đo tại chỗ được trình bày trong 5.2 và 5.3.
5.2 Phương pháp đo bằng đĩa đo độ trong
Độ sâu mà tại đó đĩa đo độ trong (5.2.1.1) không còn nhìn thấy được dùng làm thước đo độ trong của các vực nước mặt. Các số đọc không cung cấp một thước đo chính xác về độ trong, vì kết quả bị ảnh hưởng, ví dụ: bởi ánh sáng chói của mặt trời trên mặt nước, dòng nước và/hoặc sự khác biệt về thị lực của từng nhân viên thực hiện đo.
CHÚ THÍCH 1: Phương pháp này ban đầu được phát triển bởi A. Secchi (1865)[4], và được sửa đổi bởi George c. Whipple (1899)[S1, và thường được gọi là độ sâu Secchi.
CHÚ THÍCH 2: Đối với các đánh giá liên quan đến điều tra thực vật nổi, độ sâu trong thường được sử dụng.
CHÚ THÍCH 3: Ổ vùng nước ven biển chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều hoặc trong các hồ chứa có dòng chảy đục (ví dụ từ các phụ lưu), các kết quả liên quan đến thực vật nổi không có nhiều thông tin bởi vì kết quả bị ảnh hưởng bởi nồng độ của chất khoáng lơ lửng. Các chất mùn có thể làm giảm đáng kể độ trong.
5.2.1 Thiết bị, dụng cụ
5.2.1.1 Đĩa đo độ trong, đĩa thử nghiệm màu trắng mờ hình tròn đã được chuẩn hóa có tỉ trọng và khối lượng đủ để chìm (ví dụ: 1,7 kg) dùng để xác định độ sâu trong.
Đĩa này được treo trên một thước dây hoặc thanh đo (5.2.1.2) để nằm ngang một cách chính xác. Để tạo thuận lợi cho vị trí nằm ngang của đĩa, sáu lỗ lớn [xem Hình A.1 a)] có thể hữu ích.
Đối với phép đo độ sâu trong, các đĩa phải sạch và không có vết xước và phải được bảo đảm để hạn chế sự mất màu ban đầu của chúng.
Các đường kính sau được khuyến nghị:
a) đối với vùng nước lục địa: 20 cm; ví dụ. có sáu lỗ hoặc các hình quạt đen trắng (xem A.1);
b) đối với vùng nước biển: 30 cm, ví dụ: không có lỗ và hình quạt (xem A.1).
CHÚ THÍCH: Các đường kính khác của đĩa cũng có thể phù hợp, tùy thuộc vào yêu cầu của chương trình lấy mẫu (ví dụ, các đĩa có đường kính 10 cm được kết nối với thiết bị lấy mẫu nước Limnos, xem Hình A.2).
Nếu sử dụng các loại đĩa thử nghiệm khác, kết quả không thể so sánh được. Ví dụ, nếu cần tùy chỉnh các đĩa thử nghiệm, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng trong thời gian nghiên cứu hoặc quan trắc và đối với các vị trí giám sát đã xác định, cùng một loại thiết bị luôn được sử dụng. Nếu có thể, các phép đo nên được thực hiện bởi cùng một nhân viên.
5.2.1.2 Thước dây, có chia độ centimet (cm) hoặc thanh đo có vạch chia 10 cm (dài mét rưỡi có thể được xác định bằng các điểm đánh dấu màu khác nhau) hoặc bằng chỉ báo độ sâu dây (thường là ở chiều dài ít nhất 10 m, ở vùng nước nghèo dinh dưỡng thì dài hơn).
Thường xuyên kiểm tra độ chính xác của chiều dài chỉ báo của thanh đo hoặc thước dây. So sánh với chuẩn có chiều dài có thể xác định được ví dụ như thước dây hoặc quy tắc gấp.
5.2.1.3 Thanh đo Pole (5,03 m), tùy chọn, cho vùng nước chảy hoặc vùng nước có dòng nước.
5.2.1.4 Vật nặng, tùy chọn, cho vùng nước chảy hoặc vùng nước có dòng nước, được cố định ở giữa mặt đáy của đĩa tạo điều kiện cho nó chèn vào cột nước hoặc cho phép nó ổn định hơn dễ dàng trong vùng nước chảy hoặc có dòng chảy.
5.2.1.5 Các thiết bị tùy chọn đề triệt tiêu phản xạ, ví dụ như khung nhìn (ví dụ về khung nhìn được nêu trong Phụ lục A, Hình A.3).
5.2.2 Quy trình
Độ sâu trong có thể được ghi lại dễ dàng và đáng tin cậy nhất bằng cách nhìn từ một khoảng cách nhỏ ở trên mặt nước vào trong nước. Nên sử dụng phần bóng mờ của thuyền, bến tàu hoặc cầu đi bộ để tránh phản xạ ánh sáng mặt trời trực tiếp từ mặt nước. Điều cần thiết là không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Khoảng thời gian cho kết quả tốt nhất là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Để đủ thời gian khi nhìn vào đĩa gần điểm tắt của nó để mắt thích nghi hoàn toàn với mức độ sáng.
Hạ đĩa (5.2.1.1) xuống nước và để đĩa chìm từ từ. Xác định điểm tại đó bề mặt của đĩa nhìn thấy. Nếu cần, từ từ di chuyển đĩa lên và xuống vài lần để xác định điểm biến mất và xuất hiện lại. Đảm bảo rằng đường thị giác vuông góc với bề mặt nước.
CHÚ THÍCH: Cho đĩa chuyển động chậm để tránh cặn bẩn không bị xáo trộn.
Đọc độ sâu từ đĩa đến mặt nước từ thước dây hoặc thanh đo (5.2.1.2).
Nếu lặp lại quy trình, thì tính giá trị trung bình từ tất cả các lần lặp lại và báo cáo là độ sâu trong.
Nếu có thể, độ sâu của nước phải lớn hơn độ sâu Secchi ít nhất 50 % để đĩa được nhìn trên nền nước, không phải ánh sáng phản xạ từ đáy (xem Tài liệu tham khảo [3]).
Trong các vùng nước chảy hoặc vùng nước có các dòng nước, có thể cần bổ sung vật nặng (5.2.1.4) hoặc một thanh đo Pole (5.2.1.3) để tránh bị rung lắc đĩa và tạo điều kiện thuận lợi cho phép đo.
Để giảm thiểu nhiễu phát sinh do phản xạ ở mặt nước, có thể cần đến kính ngắm (ví dụ như khung nhìn, xem A.2). Với một khung nhìn, có thể sử dụng mặt có chiếu nắng của thuyền (xem Tài liệu tham khảo [3]). Người sử dụng tiêu chuẩn này phải xác nhận và chứng minh liệu phạm vi nhìn có cần phân tích hay không.
Cần lưu ý rằng một lượng ánh sáng đáng kể bị hấp thụ khi sử dụng kính phân cực. Điều này có thể cản trở việc xác định độ sâu trong.
Độ sâu trong phụ thuộc vào các yếu tố nước chảy (xem Tài liệu tham khảo [6]):
a) vật liệu suy giảm giữa bề mặt nước và đĩa;
b) trạng thái quang học của bề mặt nước;
c) Sự phản chiếu độ chói của bầu trời trên mặt nước;
d) sự phản xạ của khối nước;
e) bề mặt phản xạ của dĩa;
f) đường kính của đĩa;
g) độ cao mặt trời và độ che phủ của mây;
h) cường độ gió và chiều cao sóng;
i) chiều cao của người quan sát trên mặt nước;
j) thích ứng của mắt của người xem;
k) bóng của thuyền hoặc cầu của người quan sát.
5.2.3 Biểu thị kết quả
Độ sâu trong được biểu thị bằng mét (m). Nếu nhiều phép đo được tiến hành, báo cáo kết quả trung bình. Ghi lại đường kính và kiểu đĩa.
Báo cáo kết quả như sau.
Dữ liệu đo phải được báo cáo đến 0,1 m. Độ sâu nhỏ hơn 0,5 m, kết quả phải làm tròn đến 0,05 m.
VÍ DỤ
Độ sâu trong: 4,6 m (Ø 20 cm/6 lỗ)
Độ sâu trong: 0,45 m (Ø 30 cm/trắng tự nhiên)
Độ sâu trong: 0,65 m (Ø 20 cm/các hình quạt trắng và đen).
5.2.4 Ước lượng hệ số suy giảm (trong môi trường hàng hải)
Giá trị độ sâu đĩa secchi có thể được sử dụng trong trường hợp khi không có hệ số suy giảm (tắt) theo phương thẳng đứng có thể được đo trực tiếp. Trong những trường hợp này, mối quan hệ sau sẽ được sử dụng để ước lượng hệ số suy giảm:
Hệ số suy giảm = x/độ sâu secchi (m)
Hệ số x thay đổi với vùng biển và tăng khi độ mặn giảm.
Giá trị được khuyến nghị: 1,7 (xem tài liệu tham khảo [7]); 1,84 (xem tài liệu tham khảo [8]); hoặc 2,3 (xem tài liệu tham khảo [9]).
5.3 Xác định độ nhìn thấy qua thợ lặn
5.3.1 Thiết bị, dụng cụ
5.3.1.1 Đĩa đo độ trong, 25 cm, màu trắng.
Đối với phép đo độ nhìn thấy, đĩa phải được làm sạch và không có vết xước.
Nếu sử dụng đĩa khác, quy định đường kính như sau:
Độ nhìn thấyN(5) = khoảng cách nhìn 5 m với đĩa chuẩn.
Độ nhìn thấyD30(5) = khoảng cách nhìn 5 m với đĩa có đường kính 30 cm.
5.3.1.2 Thước dây hoặc dây thừng, chia đến centimet.
5.3.1.3 Thước đo độ sâu với dụng cụ đo nhiệt độ.
5.3.1.4 La bàn lặn
5.3.1.5 Thiết bị lặn cho hai người.
5.3.1.6 Bút viết dưới nước
5.3.2 Quy trình
Phép đo tiến hành bởi ít nhất hai thợ lặn. Trước khi tiến hành đo dưới nước, điều kiện thời tiết và ánh sáng phải được đánh giá và ghi lại. Sau khi xuống nước đến độ sâu thích hợp (ví dụ các hồ tự dưỡng ba độ sâu được khuyến nghị: 2 m, 5 m và 10 m), phải ghi lại cả nhiệt độ nước. Trong suốt quá trình đo độ nhìn thấy, một thợ lặn ở tại vị trí điều tra với một đĩa trắng trong khi người còn lại bơi theo chiều ngang theo cả bốn hướng với thước dây được gắn chặt vào đĩa, đến khi người quan sát có thể vẫn nhận ra đĩa. Đọc và ghi lại khoảng cách của mỗi hướng.
Điều quan trọng là các phép đo được tiến hành trong cùng khoảng thời gian.
5.3.3 Biểu thị kết quả
Dữ liệu đo được làm tròn đến 0,1 m.
Báo cáo thử nghiệm phải gồm ít nhất các thông tin sau đây:
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này, nghĩa là TCVN 12402-2:2021 (ISO 7027-2:2019);
b) Tên nguồn nước và vị trí lấy mẫu;
c) Ngày và thời gian đo;
d) Phương pháp đã sử dụng;
e) Kiểu thiết bị đã sử dụng (ví dụ hình dạng và đường kính của đĩa thử);
f) Tên của người thực hiện phép đo (thị lực cá nhân);
g) Điều kiện ánh sáng (ví dụ ánh sáng mặt trời - có/không);
h) Điều kiến thời tiết (gió);
i) Kết quả, biểu thị theo 4.2.4, 5.2.3 hoặc 5.3.3, phụ thuộc và phương pháp sử dụng;
j) Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo.
Các thông tin đưa ra dưới đây là tùy chọn:
k) Màu sắc của nước (ví dụ hóa nâu bởi mùn);
l) Tảo nở hoa trên bề mặt nước;
m) Vệt phấn hoa;
n) Vị trí tầng hồ ở giữa nếu có thể.
A.1 Ví dụ về đĩa đo độ trong
| | |
a) Đĩa với 6 lỗ lớn | b) Đĩa với các hình quạt đen và trắng | a) Đĩa trắng |
CHÚ THÍCH: Được giới thiệu với sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
Hình A.1 - Ví dụ về đĩa đo độ trong.
CHÚ THÍCH: Được giới thiệu với sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
Hình A.2 - Ví dụ về dụng cụ lấy mẫu nước Limnos bằng đĩa đo độ trong 10 cm.
A.2 Ví dụ về khung nhìn
Phương pháp tốt để tránh phản xạ đến bề mặt nước được dùng là khung nhìn, ống có đường kính xấp xỉ 15 cm đến 18 cm (kích thước đầu); một đầu được nút chống rò rỉ có ống Plexiglas1) trong suốt, và hình dạng của khuôn mặt người được đúc ở đầu kia để tránh phản xạ ánh sáng bên cạnh đầu của người quan sát.
CHÚ THÍCH: Khung nhìn chỉ thích hợp với khoảng cách nhỏ tới bề mặt nước và điều kiện thời tiết lặng gió.
CHÚ THÍCH: Được giới thiệu với sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
Hình A.3 - Ví dụ về khung nhìn.
Kết quả nghiên cứu hiện trường liên phòng thử nghiệm
Dữ liệu hiệu suất đưa ra tại Bảng A.1 được xác định trong khuôn khổ nghiên cứu liên phòng thử nghiệm để xác nhận giá trị sử dụng được đưa ra từ 10 người tham dự vào tháng 8 năm 2017. Những người tham dự đã đến một con sông (sông Spree) và 3 trạm thủy nội địa khác nhau (được nêu trong Bảng B.1). Tất cả các vị trí đều ở Beclin, Đức. Mỗi trạm, bốn kiểu đĩa Secchi được chuẩn bị:
- Kiểu 1: 20 cm, đĩa trắng với 6 lỗ, thước dây [xem Hình A.1 a)];
- Kiểu 2: 20 cm, đĩa với các phần hình quạt trắng và đen, thước dây [xem Hình A.1 b)];
- Kiểu 3: 20 cm, đĩa trắng tự nhiên, thước dây [xem Hình A.1 c)];
- Kiểu 4: 30 cm, đĩa trắng tự nhiên với vật nặng, dây được đánh dấu.
Đánh giá tất cả dữ liệu được đưa ra theo TCVN 6910-2 (ISO 5725-2)[1].
Bảng B.1 - Dữ liệu hiệu suất nghiên cứu tại hiện trường liên phòng thử nghiệm
Trạm | Kiểu đĩa | l | n | o % | cm | X cm | sR cm | CV,R % | sr cm | CV,r % |
Spree, Baumschulenweg | 1 | 10 | 50 | 0 | 72,7 | 72,7 | 6,0 | 8,22 | 1,8 | 2,51 |
2 | 9 | 45 | 10 | 72,0 | 72,0 | 6,5 | 9,01 | 1,4 | 2,00 | |
3 | 8 | 40 | 0 | 78,6 | 78,6 | 4,3 | 5,43 | 1,1 | 1,42 | |
4 | 9 | 45 | 10 | 83,7 | 83,7 | 8,0 | 9,62 | 1,6 | 1,87 | |
Groβer Mϋggelsee | 1 | 10 | 50 | 0 | 139,9 | 139,9 | 13,9 | 9,94 | 3,3 | 2,35 |
2 | 9 | 45 | 0 | 144,3 | 144,3 | 13,3 | 9,23 | 3,1 | 2,14 | |
3 | 10 | 50 | 0 | 153,6 | 153,6 | 15,5 | 10,11 | 2,2 | 1,42 | |
4 | 9 | 45 | 10 | 169,1 | 169,1 | 10,8 | 6,39 | 3,2 | 1,91 | |
Kleiner Mϋggelsee | 1 | 10 | 50 | 0 | 158,0 | 158,0 | 16,6 | 10,48 | 5,2 | 3,29 |
2 | 9 | 45 | 10 | 154,5 | 154,5 | 15,5 | 10,01 | 3,1 | 2,03 | |
3 | 10 | 50 | 0 | 164,8 | 164,8 | 12,7 | 7,73 | 3,8 | 2,30 | |
4 | 10 | 50 | 0 | 171,1 | 171,1 | 16,5 | 9,63 | 4,2 | 2,47 | |
Dämeritzsee | 1 | 10 | 50 | 0 | 96,0 | 96,0 | 8,6 | 8,98 | 3,5 | 3,70 |
2 | 10 | 50 | 0 | 98,9 | 98,9 | 7,9 | 7,98 | 1,9 | 1,94 | |
3 | 10 | 50 | 0 | 105,0 | 105,0 | 6,8 | 6,49 | 2,4 | 2,30 | |
4 | 10 | 50 | 0 | 107,5 | 107,5 | 9,8 | 9,17 | 2,2 | 2,09 | |
l số phòng thử nghiệm sau khi loại bỏ ngoại lệ. n số kết quả thử nghiệm riêng lẻ sau khi loại bỏ ngoại lệ. o phần trăm ngoại lệ. X giá trị được chỉ định.
sR độ lệch chuẩn tái lập. CV,R hệ số biến thiên của độ tái lập. sr độ lệch chuẩn lặp lại. CV,r hệ số biến thiên của độ lặp lại. |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 6910-2:2001 (ISO 5725-2:1994), Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo - Phần 2: Phương pháp cơ bản xác định độ lặp lại và độ tái lập của phương pháp đo tiêu chuẩn
[2] Legeler Ch, Chemische, physikalisch-chemische und physikalische Methoden. - Reprint of. Ausgewählte Methoden der Wasseruntersuchung. G. Fischer Jena, Vol. 1, Second Edition, 1988, 518 p
[3] Davies, Colley R.J, Vant W.N, Smith D.G, Colour and Clarity of Natural Waters. The Blackburn Press, 2003, 310 p
[4] Cialdi M, Secchi P.A, Sur la Transparence de la Mer. Comptes Rendu de I'Acadamie des Sciences. 1865, 61 pp. 100-104
[5] Whipple G.c, The Microscopy of Drinking-Water. John Wiley & Sons, New York, 1899, pp. 73-5
[6] Peisendorfer R.w, (1986): Secchi disk science: Visual optics of natural waters. L & O 31: pp. 909-926
[7] Raymont J.E.G, Plankton and Productivity in the Oceans. Pergamon Press, Oxford, 1967
[8] Edler L, (1997): In: Report of the ICES/HELCOM Workshop on Quality Assurance of pelagic biological measurements in the Baltic Sea. ICES CM 1997/E:5
[9] Aertebjerg G, Bresta A.M, eds. (1984): Guidelines for the Measurement of Phytoplankton Primary Production. Baltic Marine Biologists Publication No. 1. 2nd edition
1) Thông tin này được đưa ra nhằm tao thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn và không phải xác nhận của tiêu chuẩn.