TCVN 2220-1:2008
ISO 8826-1:1989
BẢN VẼ KỸ THUẬT - Ổ LĂN - PHẦN 1: BIỂU DIỄN CHUNG ĐƠN GIẢN
Technical drawings - Rolling bearings - Part 1: General simplified representation
Lời nói đầu
TCVN 2220-1:2008 và TCVN 2220 -2:2008 thay thế cho TCVN 2220:1977.
TCVN 2220-1:2008 hoàn toàn tương đương ISO 8826-1:1989.
TCVN 2220-1:2008 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 10 Bản vẽ kỹ thuật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 2220:2008 (ISO 8826) Bản vẽ kỹ thuật - ổ lăn bao gồm 2 phần sau:
- TCVN 2220-1:2008 (ISO 8826-1:1989) Phần 1 - Biểu diễn chung đơn giản
- TCVN 2220 -2:2008 (ISO 8826-2:1994) Phần 2 - Biểu diễn đơn giản các chi tiết
BẢN VẼ KỸ THUẬT - Ổ LĂN - PHẦN 1: BIỂU DIỄN CHUNG ĐƠN GIẢN
Technical drawings - Rolling bearings - Part 1: General simplified representation
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định cách biểu diễn chung đơn giản cho các ổ lăn. Nên dùng cách biểu diễn này khi không cần biểu diễn một cách chi tiết và chính xác hình dáng của ổ lăn, ví dụ trong các bản vẽ lắp.
2. Tài liệu viện dẫn
Trong tiêu chuẩn này có viện dẫn các tài liệu sau, đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản dưới đây. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 8 (ISO 128), Bản vẽ kỹ thuật - Quy tắc chung để biểu diễn.
3. Phương pháp biểu diễn
3.1. Nét vẽ
Khi biểu diễn đơn giản hóa các ổ lăn, phải dùng cùng một chiều rộng nét vẽ, cho tất cả các đường bao và cạnh nhìn thấy trên bản vẽ (nét vẽ loại A, TCVN 8)
3.2. Tỷ lệ
Các đường bao trong hình biểu diễn đơn giản hóa, phải vẽ cùng tỷ lệ với tỷ lệ đã dùng trên bản vẽ.
3.3. Cách biểu diễn chung đơn giản
Nói chung (khi không cần biểu diễn chính xác đường bao, không cần chỉ rõ đặc tính ổ lăn và đặc tính tải trọng); phải biểu diễn ổ lăn bằng một hình vuông kèm theo một dấu chữ thập đặt thẳng đứng ở tâm hình vuông này. Dấu chữ thập không được chạm vào hình vuông (Xem Hình 1).
Cách biểu diễn này phải vẽ ở một hoặc cả hai phía của trục đối xứng. (Xem ví dụ ở Hình 3, trường hợp này trục đối xứng nằm ngang).
Nếu cần biểu diễn chính xác đường bao của ổ lăn thì phải vẽ đường bao thực của mặt cắt ngang, dấu chữ thập đặt thẳng đứng ở chính giữa và không được chạm vào đường bao này. (Xem Hình 2)
Hình 1 | Hình 2 |
Trong các trường hợp khi cần ghi các yêu cầu đặc biệt cho lắp ghép ổ lăn thì phải ghi các yêu cầu đó, ví dụ, bằng văn bản hoặc bằng đặc tính kỹ thuật.
4. Gạch mặt cắt
Trong cách biểu diễn đơn giản hóa này không áp dụng việc gạch mặt cắt. Trong các trường hợp đặc biệt khi cần biểu diễn rõ ràng hơn (ví dụ cần biểu diễn chi tiết hơn hoặc cần minh họa cho các danh mục phù hợp với TCVN 2220-2) thì tất cả các chi tiết của ổ lăn, có cùng một chú dẫn phần tử (số vị trí), ngoại trừ các con lăn, cần phải gạch mặt cắt theo cùng một hướng nghiêng bằng nét liền mảnh (loại B, TCVN 8) (Xem Hình 4). Các chi tiết của ổ lăn có các chú dẫn phần tử (số vị trí) khác nhau có thể gạch mặt cắt theo các hướng khác nhau và/hoặc với khoảng cách khác nhau
Hình 3 | Hình 4 |