Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5477 : 2007

VẬT LIỆU DỆT - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU - PHẦN N05: ĐỘ BỀN MÀU VỚI XÔNG HƠI

Textiles - Tests for colour fastness - Part N05: Colour fastness to stoving

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu của tất cả các loại vật liệu dệt đối với tác dụng của lưu huỳnh đioxit, thường dùng để tẩy trắng xơ động vật.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 4536:2002 (ISO 105-A01: 1994), Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A01: Quy định chung.

TCVN 5466: 2002 (ISO 105-A02: 1993), Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.

TCVN 5467: 2002 (ISO 105-A03: 1993), Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A03: Thang màu xám để đánh giá sự dây màu.

ISO 105 - F: 1985, Textiles - Tests for colour fastness - Part F: Standard adjacent fabrics (Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần F: Vải thử kèm chuẩn).

ISO 105 - F10: 1989, Textiles - Tests for colour fastness - Part F10: Specification for adjacent fabric: Multifibre (Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần F10: Yêu cầu cho vải thử kèm : Đa xơ).

3. Nguyên tắc

Mẫu thử ghép chứa khối lượng dung dịch xà phòng bằng khối lượng của nó và mẫu thử ghép đối chứng được đặt trong không khí có lưu huỳnh đioxit. Sự thay đổi màu của mẫu và sự dây màu của vải thử kèm được đánh giá bằng thang màu xám.

4. Thiết bị, dụng cụ và thuốc thử

4.1. Bình, có dung tích khoảng 10 lít dùng để chứa lưu huỳnh đioxit.

4.2. Lưu huỳnh.

4.3. Xà phòng, có độ ẩm không quá 5 % và phù hợp với những yêu cầu sau (dựa trên khối lượng khô):

- kiềm tự do, tính theo Na2CO3: tối đa 3 g/kg;

- kiềm tự do, tính theo NaOH: tối đa 1 g/kg;

- tổng chất béo: tối đa 850 g/kg;

- độ chuẩn của các axit béo hỗn hợp điều chế từ xà phòng: tối đa 30 oC;

- chỉ số iot: tối đa 50.

Xà phòng không được có các chất tăng trắng huỳnh quang.

4.4. Dung dịch xà phòng, chứa 5 g xà phòng (4.3) trong một lít nước loại 3 (4.9).

4.5. Mẫu thử đối chứng, chuẩn bị như sau:

Mẫu vải len đã làm ướt hoàn toàn được đưa vào bể nhuộm ở 40 oC có chứa 2,5 % thuốc nhuộm Cl đỏ axít (thuốc nhộm Cl Acid Red) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba), 10 % natri sulfat ngậm 10 H2O (Na2SO4.10H2O) và 3 % axít axetic (300 g/l), tất cả các giá trị phần trăm trên được tính theo khối lượng của mẫu. Tỷ lệ dung dịch là 40 : 1.

Nâng nhiệt độ bể nhuộm đến nhiệt độ sôi trong vòng 30 phút và để sôi trong 30 phút. Nếu cần thiết, tận trích dung dịch nhuộm bằng cách cho thêm thật cẩn thận từ 1 % đến 3 % axít axetic (300 g/l) hoặc 1 % axít sunphuric (khối lượng riêng tương đối 1,84) pha thật loãng với nước. Đun sôi bể thêm 15 phút nữa sau khi cho thêm axít. Sau đó mẫu được lấy ra, giũ trong dòng nước lạnh và làm khô.

4.6. Vải thử kèm, mỗi miếng có kích thước 40 mm x 100 mm (xem TCVN 4536 : 2002 (ISO 105-A01: 1994), điều 8.3).

Hoặc:

4.6.1. một miếng vải thử kèm đa xơ, phù hợp với ISO 105-F10.

Hoặc:

4.6.2. Hai miếng vải thử kèm xơ đơn phù hợp với phần F01 đến F08 của ISO 105-F: 1985) để đánh giá sự dây màu, một miếng làm bằng len và miếng kia làm từ xơ giống như xơ của mẫu vải thử, hoặc theo quy định.

4.7. Nếu có yêu cầu, vải không bắt thuốc nhuộm (ví dụ polypropylen).

4.8. Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu, phù hợp TCVN 5466 (ISO 105-A02), và thang màu xám đánh giá sự dây màu, phù hợp TCVN 5467 (ISO 105-A03).

4.9. Nước loại 3 (xem TCVN 4536: 2002 (ISO 105-A01: 1994, điều 8.2).

5. Mẫu thử

5.1. Nếu vật liệu thử là vải,

a) đặt miếng mẫu thử có kích thước 40 mm x 100 mm lên một miếng vải thử kèm đa sơ (4.6.1) cũng có kích thước 40 mm x 100 mm bằng cách khâu dọc theo một cạnh ngắn với vải thử kèm áp sát mặt của mẫu thử;

hoặc

b) đặt miếng mẫu thử có kích thước 40 mm x 100 mm giữa hai miếng vải thử kèm xơ đơn (4.6.2) cũng có kích thước 40 mm x 100 mm bằng cách khâu dọc theo một cạnh ngắn.

5.2. Nếu vật liệu thử là sợi hoặc xơ rời thì lấy một lượng sợi hoặc xơ rời xấp xỉ bằng một nửa tổng khối lượng của vải thử kèm và

a) đặt miếng mẫu thử ở giữa một miếng vải thử kèm đa xơ kích thước 40 mm x 100 mm và một miếng vải không bắt thuốc nhuộm (4.7) có kích thước 40 mm x 100 mm và khâu chúng dọc theo cả bốn cạnh (xem TCVN 4536: 2002 (ISO 105-A01: 1994, điều 9.6);

hoặc

b) đặt miếng mẫu thử giữa hai miếng vải thử kèm xơ đơn có kích thước 40 mm x 100 mm và khâu dọc theo cả bốn cạnh.

5.3. Chuẩn bị một mẫu thử ghép từ vải đối chứng (4.5) theo cách tương tự dùng cho vải như ở 5.1.

6. Cách tiến hành

6.1. Nhấm chìm hoàn toàn mẫu thử ghép và mẫu thử ghép đối chứng trong dung dịch xà phòng (4.4) 5 phút tại nhiệt độ 25 oC ± 2 oC, sau đó vắt sao cho mỗi mẫu chứa lượng dung dịch bằng khối lượng của chính nó.

6.2. Treo mẫu thử ghép và mẫu thử ghép đối chứng 16 giờ trong bình (4.1) có chứa lưu huỳnh đioxit bằng cách đốt cháy 5 g lưu huỳnh (4.2) phía dưới mẫu thử ghép và mẫu thử ghép đối chứng và ngay lập tức đậy bình lại.

6.3. Lấy mẫu thử ghép và mẫu thử đối chứng ra khỏi môi trường có lưu huỳnh đioxit.

Nếu mẫu thử ghép không chứa cơ xenlulo, tháo đường khâu ở các cạnh của mỗi mẫu trừ một cạnh ngắn và treo cả hai mẫu trong không khí ít nhất hai giờ không cần giũ.

Nếu mẫu thử ghép chứa xơ xenlulo thì giũ ngay trong nước loại 3 (4.9) và tiếp theo dưới dòng nước lạnh sau khi lấy ra khỏi môi trường có lưu huỳnh đioxit. Tháo đường khâu dọc các cạnh của mỗi mẫu trừ một cạnh ngắn và làm khô bằng cách treo chúng trong không khí ở nhiệt độ không quá 60 oC.

Kiểm tra mẫu ghép và mẫu ghép thử đối chứng khi đã khô.

6.4. Đánh giá ảnh hưởng lên mẫu thử đối chứng bằng thang màu xám (4.8). Nếu sự thay đổi màu không tương đương với cấp 3 thì phép thử đã được thực hiện chưa đúng và phải tiến hành lại các thao tác đã mô tả từ 6.1 đến 6.3 với mẫu ghép và mẫu ghép thử đối chứng mới.

6.5. Đánh giá sự thay đổi màu của mẫu thử và sự dây màu của vải thử kèm bằng thang màu xám (4.8).

7. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) các chi tiết cần thiết để nhận dạng mẫu thử;

c) cấp độ bền màu của sự thay đổi màu của mẫu thử;

d) nếu sử dụng vải thử kèm xơ đơn, cấp độ của sự dây màu đối với mỗi loại vải thử kèm đã sử dụng;

e) nếu sử dụng vải thử kèm đa xơ, loại vải đã sử dụng và sự dây màu của mỗi loại xơ của vải thử kèm đa xơ.