NHIÊN LIỆU TUỐC BIN HÀNG KHÔNG - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ ĂN MÒN BẠC
Aviation turbine fuels - Method for determination of corrosiveness to silver
Lời nói đầu
TCVN 6607 : 2008 thay thế TCVN 6607 : 2000.
TCVN 6607 : 2008 hoàn toàn tương đương với IP 227/99.
TCVN 6607 : 2008 do Tiểu ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC28/SC5 Nhiên liệu sinh học biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
NHIÊN LIỆU TUỐC BIN HÀNG KHÔNG - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ ĂN MÒN BẠC
Aviation turbine fuels - Method for determination of corrosiveness to silver
CHÚ Ý Tiêu chuẩn này không đề cập đến các vấn đề an toàn liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn. Người sử dụng tiêu chuẩn này phải có trách nhiệm lập ra các quy định thích hợp về an toàn và sức khoẻ, đồng thời phải xác định khả năng áp dụng các giới hạn quy định khi sử dụng.
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định xu hướng ăn mòn bạc của nhiên liệu tuốc bin hàng không. Các kết quả được phân loại theo dải từ 0 đến 4.
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi (nếu có).
TCVN 2694 (ASTM D 130) Sản phẩm dầu mỏ − Phương pháp phát hiện độ ăn mòn đồng theo độ xỉn của tấm đồng.
TCVN 2715 (ISO 3170) Chất lỏng dầu mỏ - Lấy mẫu thủ công.
TCVN 6022 (ISO 3171) Chất lỏng dầu mỏ - Lấy mẫu tự động trong đường ống.
TCVN 7487 (ASTM D 3241) Nhiên liệu tuốc bin hàng không – Phương pháp xác định độ ổn định ôxy hóa nhiệt (Qui trình JFTOT).
Thuật ngữ, định nghĩa sau đây dùng cho tiêu chuẩn này:
Ăn mòn bạc (silver corrosion)
Sự ăn mòn của mẫu thử trên tấm bạc đo được bằng cách quan sát trên thang đo từ 0 đến 4.
Nhúng chìm hoàn toàn tấm bạc đã được đánh bóng trong 250 ml nhiên liệu ở 50 oC ± 1 oC trong thời gian 4 h hoặc lâu hơn, tùy theo quy định riêng. Sau thời gian quy định, lấy tấm bạc ra khỏi mẫu, rửa sạch và đánh giá độ ăn mòn.
5.1. Thiết bị thử, xem Hình 1, bao gồm:
a) Ống thử − có dung tích 350 ml, được chế tạo từ thủy tinh chịu nhiệt màu hổ phách, miệng tròn và có nút nhám thủy tinh màu hổ phách B45.
CHÚ THÍCH 1 Có thể dùng ống thử bằng thủy tinh trong với điều kiện mẫu không bị ánh sáng chiếu vào.
b) Ống sinh hàn − có chiều dài 85 mm được cắm qua nút thủy tinh B45 và nhúng chìm vào nhiên liệu. Ống sinh hàn có gắn một móc thủy tinh để treo giá đỡ mảnh bạc.
Nếu có hai ống sinh hàn trở lên thì các ống này được nối song song, sao cho mỗi ống đều có tác dụng như nhau. Kiểm soát nhiệt độ nước vào không vượt quá 25 oC.
c) Giá đỡ thủy tinh − dùng để treo tấm bạc trong nhiên liệu, cách đáy của lõi ngưng từ 25,0 mm đến 30,0 mm.
5.2. Bể ổn nhiệt − có khả năng duy trì nhiệt độ ống thử và nhiên liệu ở 50 oC ± 1 oC. Nắp đậy của bể ổn nhiệt có lỗ để lắp các ống thử.
5.3. Bàn kẹp − dùng để giữ tấm bạc chắc chắn nhưng không để lại vết trên các mép cạnh.
CHÚ THÍCH 2 Loại kẹp quy định trong TCVN 2694 (ASTM D 130), ISO 2160, IP 154, phần 154 BS 2000 là phù hợp.
5.4. Nhiệt kế − loại nhiệt kế có thang đo thích hợp để đo nhiệt độ của bể ổn nhiệt theo Điều 5.2, khi được nhúng chìm như quy định.
5.5. Cặp thép không gỉ.
6.1. Tấm bạc − có độ tinh khiết tối thiểu 99,9 % (khối lượng) Ag, có chiều dài từ 17,0 mm đến 19,0 mm, rộng từ 12,5 mm đến 12,7 mm và chiều dầy từ 2,5 mm đến 3,0 mm.
6.2. Vật liệu mài bóng − vải silic cacbua có độ mịn bao gồm cỡ hạt danh nghĩa 53 µm (loại 240), hoặc bột silic cacbua loại 105 và bông y tế.
6.3. Giấy lọc − loại chảy trung bình và chảy nhanh.
6.4. 2,2,4 trimetylpentan − phù hợp các yêu cầu quy định.
Nếu không có quy định riêng khác, thì các mẫu được lấy theo quy định của TCVN 2715 (ISO 3170) và TCVN 6022 (ISO 3171), cùng các yêu cầu bổ sung sau đây:
a) Bình lấy mẫu phù hợp là các bình bằng thủy tinh borosilicat cứng, polytetrafluoroetylen (PTFE), hoặc các chai polyetylen có khối lượng riêng cao, được gắn kín bằng epoxy. Các bình này có thể dùng trực tiếp hoặc để bảo quản, tránh không để ánh sáng mặt trời chiếu vào mẫu.
b) Trước khi lấy mẫu, phải tráng ít nhất ba lần tất cả các bình và nút kèm theo bằng nhiên liệu sẽ được lấy mẫu.
Hình 1 – Sơ đồ thiết bị thử
8.1. Trong khi vận chuyển và bảo quản phải giữ mẫu ở trạng thái lạnh.
CHÚ THÍCH 3 Nên bảo quản mẫu ở nơi thoáng mát có nhiệt độ thấp hơn 4 oC.
Tiến hành thử mẫu càng sớm càng tốt và thử ngay sau khi mở bình chứa mẫu.
8.2. Nếu thấy trong mẫu có nước ở dạng lơ lửng (mù) thì lấy mẫu khác trong hơn.
9.1. Không dùng tấm bạc có các mép đã bị mòn (bề mặt elip). Dùng giá kẹp chuyên dụng để đánh bóng tấm bạc đều. Làm sạch tất cả sáu mặt tấm bạc bằng vải silic cacbua để đạt kết quả quy định. Sau đó dùng vải silic cacbua loại 53 µm (240) đánh bóng, loại tất cả các vết do các loại vải khác gây ra. Nhúng tấm bạc vào 2,2,4 trimetylpentan, khi nào đánh bóng lần cuối mới lấy ra.
9.2. Theo thực tế, qui trình gia công chuẩn bị bề mặt như sau: trước hết đặt mảnh vải ráp lên mặt phẳng, dùng 2,2,4 trimetylpentan thấm ướt mảnh vải đó, đánh bóng tấm bạc bằng cách xoay tròn tấm bạc trên mảnh vải. Dùng giấy lọc không tro lót các ngón tay để tránh tiếp xúc với giấy lọc, cũng có thể dùng phương pháp cơ khí để chuẩn bị tấm bạc bằng các loại vải ráp phù hợp.
9.3. Lấy tấm bạc ra khỏi 2,2,4 trimetylpentan. Dùng giấy lọc không tro lót tay giữ tấm bạc khi đánh bóng, đầu tiên đánh bóng các mép, sau đó các mặt, đánh bóng bằng cục bông thấm vài giọt 2,2,4 trimetylpentan, chấm các hạt silic cacbua 105 µm trên tấm kính sạch. Lau sạch bằng cục bông mềm khác và chỉ dùng cặp thép không gỉ để giữ tấm bạc. Không chạm tay vào tấm bạc. Dùng giá kẹp chuyên dụng để kẹp tấm bạc rồi dùng bông thấm các hạt silic cacbua để đánh bóng bề mặt chính. Chà xát theo trục dọc của tấm bạc và vượt thẳng qua đầu mút của nó, trước khi quay lại. Dùng cục bông mềm lau sạch các mạt kim loại, lau cho đến khi thấy cục bông mới không có vết bẩn thì thôi, sau đó nhúng chìm tấm bạc mới đánh bóng sạch vào mẫu trong vòng 1 min.
CHÚ THÍCH 4 Điều cơ bản là đánh bóng đều toàn bộ bề mặt của tấm bạc để nhận được tấm bạc bị ăn mòn đều sau khi thử nghiệm. Không dùng tấm bạc có các mép đã bị mòn. Dùng giá kẹp chuyên dụng dễ đánh bóng tấm bạc đều.
CHÚ THÍCH 5 Nếu tấm bạc bị tiếp xúc với nước trước hoặc sau khi thử thì sẽ tạo thành những vệt mờ, gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả.
10.1. Rót 250 ml mẫu nhiên liệu vào ống thử khô và sạch. Đặt tấm bạc vừa đánh bóng vào giá đỡ thủy tinh treo lên móc của ống sinh hàn. Cẩn thận đặt tấm bạc và ống sinh hàn vào mẫu nhiên liệu.
10.2. Đặt ống thử vào bể ổn nhiệt và duy trì nhiệt độ ở 50 oC ± 1 oC trong 4 h hoặc lâu hơn theo quy định riêng. Trong quá trình thử nghiệm cho nước chảy qua ống ngưng tại nhiệt độ không quá 25 oC với tốc độ 10 ml/min để tạo sự khuấy trộn nhiệt. Kết thúc giai đoạn thử, lấy tấm bạc ra khỏi ống thử và nhúng vào dung môi 2,2,4 trimetylpentan. Lấy tấm bạc ra ngay, thấm khô bằng giấy lọc (chỉ thấm không lau) và kiểm tra các dấu hiệu ăn mòn.
11.1. Đánh giá sự ăn mòn của mẫu bằng cách so sánh màu tấm thử với một tấm bạc mới đánh bóng theo phân loại quy định trong Bảng 1. Đánh giá tất cả các bề mặt và các cạnh của tấm bạc thử.
11.2. Dùng bảng chuẩn màu ASTM xác định tính ổn định nhiệt của nhiên liệu tuốc bin TCVN 7487 (ASTM D 3241) để phân biệt giữa sự đổi màu nâu nêu trong loại 1 và 2. Bất kỳ màu nâu nào nhạt hơn màu chuẩn ASTM số 4 thì đều được xếp vào phân loại 1.
Bảng 1 – Phân loại ăn mòn tấm bạc
Phân loại | Trạng thái | Mô tả |
0 | Không có vết xỉn | Giống hệt tấm bạc mới đánh bóng, có thể mất đi một chút độ bóng láng. |
1 | Vết xỉn nhạt | Tấm bạc có màu nâu nhạt hoặc đổi màu trắng (xem 11.2). |
2 | Vết xỉn vừa | Có màu xanh biếc hoặc tím như lông công hoặc nâu vừa như màu rơm (xem 11.2). |
3 | Màu đen nhạt | Có các đốm và mảng đốm màu đen, xám hoặc có màng mỏng cặn đen đều trên bề mặt. |
4 | Màu đen | Màu đen đậm đều có hoặc không có vết loang lổ. |
Báo cáo kết quả thử ăn mòn tấm bạc bao gồm:
a) Loại và thông tin nhận biết về sản phẩm đem thử;
b) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
c) Kết quả của phép thử;
d) Các thay đổi khác so với tiêu chuẩn quy định, đã thỏa thuận hoặc chưa;
e) Ngày tiến hành thử.
Độ chụm của phương pháp như sau:
Độ lặp lại r = 0
Độ tái lập R = 1
Các kết quả về độ chụm được xác định theo phương pháp kiểm tra thống kê các kết quả thử nghiệm liên phòng (9 phòng thử nghiệm thực hiện trên 5 mẫu bao gồm dải kết quả từ 0 đến 3), và được công bố lần đầu vào năm 1971.
CHÚ THÍCH 6 Khi xác định các giá trị độ chụm, quy định là các thay đổi về kết quả là phản ánh độ chụm của phương pháp, không phải do thay đổi của các mẫu thử.