- 1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11819:2017 về Khối truy nhập có điều kiện dùng trong truyền hình kỹ thuật số - Yêu cầu kỹ thuật đối với giao diện chung mở rộng (CI PLUS)
- 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11302:2016 về Dịch vụ truyền hình Streaming trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT - 2000 - Yêu cầu chất lượng
- 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6385:2009 (IEC 60065 : 2005) về Thiết bị nghe, nhìn và thiết bị điện tử tương tự - Yêu cầu an toàn
- 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6768-1:2000 (IEC 574-1 : 1977) về Thiết bị và hệ thống nghe-nhìn, video và truyền hình - Phần 1: Quy định chung
- 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6766:2000 (IEC 1062:1991) về Thiết bị và hệ thống nghe nhìn - Tấm thông số - Ghi nhãn nguồn điện
- 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6768-3:2000 (IEC 574-3 : 1983) về Thiết bị và hệ thống nghe-nhìn, video và truyền hình - Phần 3: Bộ nối dùng để nối thiết bị trong hệ thống nghe - nhìn
THIẾT BỊ VÀ HỆ THỐNG NGHE-NHÌN, VIDEO VÀ TRUYỀN HÌNH - PHẦN 2: ĐỊNH NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ CHUNG
Audio-visual video and television equipment and systems - Part 2: Definition of general termsl
Lời nói đầu
TCVN 6768-2 : 2000 hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn IEC 574-2 : 1992;
TCVN 6768-2 : 2000 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/E 6 Phát thanh và truyền hình biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành.
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
THIẾT BỊ VÀ HỆ THỐNG NGHE-NHÌN, VIDEO VÀ TRUYỀN HÌNH - PHẦN 2: ĐỊNH NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ CHUNG
Audio-visual video and television equipment and systems - Part 2: Definition of general termsl
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các thuật ngữ và định nghĩa chủ yếu dùng trong lĩnh vực thiết bị và hệ thống giáo dục và đào tạo.
IEC 50 (723) Từ ngữ kỹ thuật điện quốc tế (IEV) - Chương 723: Quảng bá: truyền thanh, truyền hình, truyền dữ liệu.
IEC 50 (801) : 1984 Từ ngữ kỹ thuật điện quốc tế (IEV) - Chương 801: Âm thanh và điện thanh.
IEC 50 (806) : 1975 Từ ngữ kỹ thuật điện quốc tế (IEV) - Chương 806: Ghi và tái tạo âm thanh và video.
IEC 268-2 : 1987 Thiết bị hệ thống âm thanh - Phần 2: Giải thích các thuật ngữ chung và phương pháp tính toán. Sửa đổi 1 (1991).
3.1. Nghe-nhìn: Thuật ngữ có liên quan đến kỹ thuật kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh. (IEV 723-01-46)
3.2. Trợ giúp nghe-nhìn: Tài liệu nghe-nhìn, hoặc các thiết bị trợ giúp, để thuận tiện cho thông tin liên lạc.
3.3. Thiết bị nghe-nhìn: Những thiết bị điện, điện tử hoặc quang (hoặc thiết bị kết hợp tất cả các loại trên), được sử dụng để trợ giúp nghe-nhìn.
3.4. Tài liệu nghe-nhìn: Tài liệu có nội dung được tái tạo bởi một thiết bị nghe-nhìn thích hợp.
3.5. Sản xuất đa phương thức: Chương trình bao gồm nhiều phương tiện nghe-nhìn. Ví dụ: Chương trình có sự kết hợp phương tiện nhìn dương bản với phương tiện nghe.
3.6. Phương tiện giáo dục: Mọi phương tiện nghe-nhìn được sử dụng cho việc ghi và phân bố các tài liệu giáo dục.
3.7. Máy ghi: Thuật ngữ chung chỉ thiết bị ghi tin tức vào phương tiện lưu trữ và tái tạo.
3.8. Máy đọc: Thuật ngữ chung chỉ thiết bị dùng để tái tạo âm thanh hay hình ảnh đã được ghi lại trên bất cứ phương tiện ghi nào (như đĩa, băng, phim...).
3.9. Máy chiếu: Thuật ngữ chung chỉ thiết bị chiếu và phóng đại hình ảnh lên màn bằng phương thức quang.
3.10. Ghi:
1) Việc ghi lại các tín hiệu vào phương tiện để tái tạo sau này.
2) Phương tiện ghi mà trên đó đã ghi các tín hiệu.
(IEV 806-01-01 đã sửa đổi)
3.11. Đọc lại: Tái tạo những tín hiệu đã ghi ở dạng nguyên bản.
(IEV 806-01-06).
CHÚ THÍCH - Thuật ngữ "tái tạo" trong tiếng Anh có thể được sử dụng như một từ đồng nghĩa với "đọc lại", và cũng có thể hiểu là sao chép hay hành động sao chép. Trong tiếng Pháp, "tái tạo" chỉ được sử dụng theo nghĩa là sao chép hay hành động sao chép.
3.12. Trình tự: Các cảnh có liên quan đến nhau được trình bày theo một thứ tự đã định.
3.13. Bảng cảnh: Các bản phác thảo hoặc hình ảnh thể hiện từng chủ đề hay trình tự trong tài liệu nghe-nhìn để sản xuất.
3.14. Chương trình: Bộ tài liệu audio, video hoặc nghe-nhìn, thường gồm một số đoạn hoặc trình tự có kèm theo phần giới thiệu hay bổ trợ.
3.15. Phương pháp thực hiện: Bảng tóm tắt mô tả cách sắp xếp và trình bày nội dung của một chương trình nghe-nhìn.
3.16. Bản thảo, bản in thử (đồng nghĩa): Bản sao dương bản đầu tiên của chương trình nghe-nhìn (như phim dương bản, đoạn phim hoặc phim ảnh động) có sửa chữa và hiệu chỉnh.
3.17. Phụ giải: Những diễn giải bằng chữ đi kèm với các hình ảnh của chương trình nghe-nhìn, có thể xuất hiện trên màn hoặc được in vào một cuốn sách nhỏ.
3.18. Hướng dẫn: Những chỉ dẫn để sử dụng các chương trình nghe-nhìn một cách hiệu quả nhất.
3.19. Tiêu đề chính: Tên của sản phẩm, thường được nêu ở đầu của chương trình nghe-nhìn.
4.1. Thiết bị audio: Thiết bị dùng để xử lý các tín hiệu audio.
4.2. Hệ thống trung thực cao (hifi): Thiết bị dùng để ghi và tái tạo âm thanh với mức chất lượng cao.
4.3. Máy ghi băng audio: Thiết bị kết hợp để ghi và tái tạo âm thanh bằng cách sử dụng băng từ làm phương tiện ghi. (IEV 806-06-01 đã sửa đổi)
4.4. Máy ghi thẻ audio: Kiểu máy ghi audio sử dụng các thẻ đặc biệt có vật liệu từ.
4.5. Máy ghi trang audio: Kiểu máy ghi audio đặc biệt có thể ghi và đọc các tờ phủ vật liệu từ.
4.6. Máy đọc băng audio: Máy tái tạo tín hiệu audio, trong đó phương tiện ghi ở dạng băng từ.
4.7. Ổ băng audio: Thiết bị bao gồm hệ thống kéo băng, các đầu từ, tiền khuếch đại và các bộ điều khiển phụ trợ, không có khuếch đại công suất và loa. (IEV 806-06-10 đã sửa đổi).
4.8. Máy sao băng audio: Hệ thống ghi có khả năng tạo bản sao băng từ đã được ghi sang các băng trắng.
4.9. Bộ trộn audio: Thiết bị dùng để tổ hợp và điều chỉnh hai hoặc nhiều tín hiệu audio.
4.10. Bàn điều khiển trộn audio: Tổ hợp, trong đó lắp đặt bộ trộn audio và các thiết bị khác để trộn và xử lý các tín hiệu audio.
4.11 Bộ nén audio: Thiết bị điện tử dùng để làm giảm sự biến đổi mức tín hiệu đầu ra, theo cách thức quy định, dưới dạng hàm số của biên độ và / hoặc tần số của tín hiệu đầu vào.
4.12. Bộ giãn audio: Thiết bị điện tử dùng để làm tăng sự biến đổi mức tín hiệu đầu ra, theo cách thức quy định, dưới dạng hàm số của biên độ và / hoặc tần số của tín hiệu đầu vào, nhìn chung là để phục hồi một tín hiệu đã nén về dạng ban đầu.
4.13. Bộ hạn chế audio: Thiết bị điện tử dùng để làm giảm độ khuếch đại của thiết bị audio khi tín hiệu đầu vào vượt quá mức quy định, sao cho tín hiệu đầu ra không vượt mức một cách đáng kể.
4.14. Bộ điều hưởng máy thu thanh: Thiết bị điện tử có chức năng lựa chọn, tách sóng và khuếch đại tín hiệu của chương trình phát thanh; không bao gồm bộ khuếch đại công suất hoặc loa.
4.15. Trung tâm nghe: Thiết bị trong đó các cặp ống nghe được nối để nhiều người cùng nghe một chương trình. Có thể có nhiều kênh chương trình và bộ điều khiển âm lượng.
4.16. Ống nghe: Bộ chuyển đổi điện thanh qua đó tín hiệu điện được chuyển thành dao động âm và được áp vào tai. (IEV 801-07-18)
4.17. Cặp ống nghe: Tổ hợp gồm một khung gắn một hoặc hai ống nghe. (IEV 801-07-20)
4.18. Bộ nghe-nói: Tổ hợp gồm một khung gắn micro và một hoặc hai ống nghe. (IEV 801-07-21)
4.19. Loa: Bộ chuyển đổi điện thanh qua đó dao động điện được chuyển thành sóng âm và bức xạ năng lượng âm thanh vào môi trường xung quanh. (IEV 801-07-01 đã sửa đổi)
4.20. Micro: Bộ chuyển đổi điện thanh, qua đó các dao động âm thanh được chuyển thành tín hiệu điện. (IEV 801-06-01)
5.1. Thiết bị video: Camêra truyền hình và các thiết bị phụ trợ dùng để ghi hình, tái tạo, khuếch đại và phát tín hiệu video.
5.2. Tín hiệu video: Tín hiệu thu được từ quá trình chuyển đổi một ảnh quang học thành chuỗi tín hiệu điện ở dải tần cơ bản.
5.3. Máy ghi băng video: Thiết bị dùng để ghi và tái tạo tín hiệu video và audio trên băng từ.
5.4. Máy đọc băng video: Thiết bị tái tạo tín hiệu video và audio trên băng từ
5.5. Máy đọc đĩa/video: Thiết bị tái tạo tín hiệu video và audio đã được ghi trên đĩa.
5.6. Dựng (chương trình): Sự sắp xếp các chuỗi video và audio để tạo một chương trình. (IEV 723-02-11)
5.7. Máy ghi dựng băng video: Máy ghi băng video với chức năng đặc biệt cho phép dựng điện tử và ghi lại tín hiệu video và audio.
5.8. Máy sao băng video: Hệ thống ghi có khả năng tạo bản sao của băng video đã ghi sang một hoặc nhiều băng trắng.
5.9. Camêra truyền hình, camêra video: Thiết bị bao gồm các bộ quang và điện tử cần thiết để biến đổi các đặc tính quang của cảnh vật cần truyền thành tín hiệu điện. (IEV 723-07-01)
5.10. Video monitor: Thiết bị điện tử dùng để đánh giá hình ảnh video trên ống tia catốt hoặc các thiết bị khác. Nó cũng có thể đánh giá âm thanh kèm theo.
5.11. Máy thu hình: Thiết bị điện tử dùng để lựa chọn, khuếch đại và giải điều chế sóng truyền hình và hiển thị hình ảnh thu được đồng thời tái tạo âm thanh kèm theo.
5.12. Máy đọc video: Thiết bị chuyển đổi hình ảnh từ các tư liệu và phim, băng, đĩa, v.v... thành tín hiệu video.
5.13. Bộ trộn video: Thiết bị dùng để tổ hợp và điều chỉnh hai hoặc nhiều tín hiệu video.
5.14. Bàn trộn video: Tổ hợp gồm bộ trộn và các thiết bị khác được lắp đặt để trộn và xử lý các tín hiệu video.
5.15. Máy chiếu truyền hình: Thiết bị được sử dụng để tạo ra các hình ảnh từ tín hiệu video và chiếu chúng lên một màn bằng các thiết bị quang đặc biệt để cung cấp hình ảnh lớn. (IEV 723-07-77)
5.16. Máy chiếu phim truyền hình: Thiết bị cho phép chuyển đổi chương trình ghi trên phim nhựa thành tín hiệu truyền hình. (IEV 723-07-26)
5.17. Truyền hình mạch kín: Hệ thống không truyền quảng bá mà phân phối các tín hiệu video tới một số máy thu đã định hoặc máy kiểm tra.
5.18. Dây chuyền phim: Hệ thống gồm camêra truyền hình cố định, một hoặc nhiều máy chiếu phim và/hoặc máy chiếu ảnh để chuyển các hình ảnh cần chiếu thành tín hiệu video.
5.19. Thiết bị hiển thị video: Thiết bị dùng để thể hiện tín hiệu video dưới dạng hình ảnh.
5.20. Bộ quét ảnh phim: Thiết bị cho phép chuyển đổi ảnh chụp đã ghi dưới dạng phim thành tín hiệu truyền hình. (IEV 723-07-30)
6.1. Thiết bị ảnh: Các thiết bị được dùng để sản xuất ra các ảnh tĩnh hoặc động trên chất liệu nhạy ánh sáng.
6.2. Camêra: Thiết bị có các linh kiện quang, cơ và điện tử để ghi các chuỗi ảnh tĩnh hoặc động, có hoặc không có tiếng động nền.
6.3. Máy ảnh: Thiết bị có các linh kiện quang, cơ và điện tử để ghi các hình ảnh tĩnh.
6.4. Camêra siêu nhỏ: Thiết bị siêu nhỏ dùng để ghi các ảnh tĩnh hoặc động.
6.5. Máy đo độ sáng: Cơ cấu dùng để đo độ sáng của vật thể được chụp, hoặc tán xạ từ vật thể đó, để điều chỉnh độ mở ống kính cho máy ảnh và camera.
6.6. Đèn chớp điện tử: Thiết bị chiếu sáng điện tử có thể dùng nhiều lần, phát ra ánh sáng loé rất nhanh, mạnh để chiếu sáng vật thể cần chụp
6.7. Giá copy: Giá đỡ thẳng đứng hoặc nằm ngang với một khoảng cách có thể điều chỉnh được dùng để đỡ camêra khi chụp các hồ sơ hay vật thể phẳng ở cự li gần.
6.8. Máy sao phim: Thiết bị ảnh để tạo ra các bản sao của phim.
6.9. Bộ phóng ảnh: Thiết bị ảnh để tạo ra bản sao lớn hơn của một bức ảnh.
6.10. Thiết bị biên tập ảnh động: Thiết bị làm đơn giản việc lựa chọn, sắp xếp và ghép các chuỗi ảnh.
7.1. Thiết bị chiếu: Thiết bị có hệ thống quang để chiếu các ảnh động hoặc tĩnh lên màn.
7.2. Đèn chiếu: Thiết bị để chiếu những ảnh tĩnh trong suốt riêng biệt.
7.3. Máy chiếu chuỗi ảnh: Thiết bị để chiếu chuỗi ảnh tĩnh trên một dải phim.
7.4. Đèn chiếu kèm âm thanh: Đèn chiếu có thể tái tạo âm thanh đồng bộ với ảnh.
7.5. Máy chiếu qua đầu (overhead): Thiết bị để chiếu hình ảnh lên màn thẳng đứng bằng cách chiếu ánh sáng vào phim trong suốt đặt nằm ngang.
7.6. Ống ngắm: Thiết bị để quan sát các phim hoặc các dải phim được chiếu sáng và phóng đại.
7.7. Bộ đồng bộ âm thanh: Thiết bị để ghép chính xác chuỗi ảnh với âm thanh tương ứng.
CHÚ THÍCH - Mã được tạo ra hoặc được tái tạo từ nguồn tín hiệu audio được sử dụng để điều khiển diễn biến của chuỗi ảnh.
7.8. Bộ điều khiển hòa ảnh: Thiết bị điều khiển độ chiếu sáng từ hai hoặc nhiều máy chiếu sao cho các ảnh trên màn coi như hòa vào nhau.
7.9. Máy chiếu ảnh không trong suốt: Thiết bị để chiếu các ảnh in trên chất liệu không trong suốt và ảnh của các vật thể phẳng và mỏng.
7.10. Ống ngắm nổi: Hệ thống quang tạo ra hiệu ứng ba chiều bằng cách cho phép mỗi mắt nhìn thấy một ảnh khác nhau của cùng một vật thể.
7.11. Đèn chiếu phim và ảnh: Thiết bị kết hợp các chức năng của cả đèn chiếu phim và đèn chiếu ảnh.
7.12. Đèn chiếu ảnh siêu nhỏ: Thiết bị để chiếu các ảnh siêu nhỏ của bất cứ chất liệu nào có mang ảnh siêu nhỏ.
7.13. Máy xem mẫu siêu nhỏ: Thiết bị phục vụ cho việc quan sát các mẫu siêu nhỏ.
7.14. Máy xem / in mẫu siêu nhỏ: Máy xem các tài liệu siêu nhỏ và có khả năng cung cấp các phiên bản đã được phóng to.
7.15. Màn ảnh: Mặt phẳng được chuẩn bị trước để xem các ảnh được chiếu.
7.16. Màn phía trước: Mặt phẳng được thiết kế để hiển thị ảnh chiếu cùng phía với người xem.
7.17. Màn phía sau: Mặt phẳng mờ được thiết kế để hiển thị ảnh chiếu từ phía đối diện với người xem.
7.18. Máy chiếu ảnh động: Thiết bị để hiển thị các ảnh động.
7.19. Máy biến đổi ảnh: Thiết bị giống như camêra để chiếu ảnh phóng to hoặc thu nhỏ của bất cứ tài liệu ban đầu nào để tạo ra các đường viền.
7.20. Máy chiếu đa ảnh: Sự chiếu đồng thời từ hai hay nhiều máy chiếu để tạo thành ảnh đơn hoặc một tập hợp ảnh trên màn quan sát.
8.1. Hệ thống AP (nghe thụ động): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) chỉ có thể nghe lại những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên)
8.2. Hệ thống AA (nghe chủ động): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) có thể dùng cặp ống nghe - micro để nghe lại những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên), trả lời lại vào những khoảng thời gian xen kẽ không có tín hiệu và đồng thời nghe được câu trả lời của mình, câu trả lời đó không được ghi lại.
8.3. Hệ thống AAC (nghe chủ động - có so sánh): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) có thể dùng cặp ống nghe - micro để nghe lại những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên), trả lời lại vào những khoảng thời gian xen kẽ không có tín hiệu và đồng thời nghe được câu trả lời của mình. Câu trả lời được ghi lại và như vậy có thể nghe lại được cả những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên) và những câu trả lời (của học viên).
8.4. Hệ thống APV (nghe thụ động - có hình ảnh minh họa): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) chỉ có thể nghe lại được những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên) được minh hoạ bằng các hình ảnh từ các máy chiếu phim, hoặc dải phim, phim đồng bộ, máy đọc băng hoặc đĩa ghi hình hoặc các máy chiếu ảnh khác.
8.5. Hệ thống AAV (nghe-nhìn chủ động - có hình ảnh minh họa): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) dùng cặp ống nghe - micrô không những có thể nghe lại những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên) mà còn trả lời lại vào những khoảng thời gian xen kẽ không có tín hiệu và đồng thời nghe được câu trả lời của mình, câu trả lời đó không được ghi lại. Thông tin ghi từ trước (của giảng viên) được minh họa bằng các hình ảnh từ các máy chiếu phim hoặc dải phim, phim đồng bộ, máy đọc băng hoặc đĩa ghi hình, hoặc các máy chiếu ảnh khác.
8.6. Hệ thống AACV (nghe chủ động - có so sánh và có hình ảnh minh họa): Hệ thống tại đó người nghe (học viên) dùng cặp ống nghe - micrô không những có thể nghe lại những thông tin đã được ghi từ trước (của giảng viên) mà còn trả lời lại vào những khoảng thời gian xen kẽ không có tín hiệu và đồng thời nghe được câu trả lời của mình.
Câu trả lời (của học viên) được ghi lại và như vậy có thể nghe lại được cả thông tin được ghi từ trước (của giảng viên) lẫn câu trả lời (của học viên). Thông tin ghi từ trước (của giảng viên) được minh hoạ bằng các hình ảnh từ các máy chiếu phim hoặc dải phim, phim đồng bộ, máy đọc băng hoặc đĩa ghi hình, hoặc các máy chiếu ảnh khác.
8.7. Dừng, tạm dừng chương trình trong một thời gian ngắn:
1) dừng chương trình trong một thời gian ngắn: Sự tạm thời ngừng chạy chương trình (chẳng hạn như để có thời gian tìm lời giải cho một câu hỏi) đúng tại thời điểm đã được định trước trong chương trình tại đó có tín hiệu báo.
2) tạm dừng: Dừng hoạt động của cơ cấu kéo băng còn vẫn giữ nguyên chế độ đang hoạt động của bộ điều khiển như ghi âm hoặc phát lại.
8.8. Tự động ngừng cuốn băng: Chức năng tự động ngừng kéo băng khi hết băng.
8.9. Tự động tắt điện: Tự động cắt nguồn điện của hệ thống do có tín hiệu báo trên băng khi hết thông tin (của giảng viên) hoặc khi hết băng.
8.10. Truy nhập ngẫu nhiên: Khả năng định vị và đến thẳng một điểm nào đó của chương trình trên băng theo một địa chỉ đánh dấu trước.
8.11. Dò tìm: Khả năng tìm nhanh về phía sau hoặc phía trước các phần khác của chương trình mà không làm mất đồng bộ giữa âm thanh và hình ảnh.
8.12. Hướng dẫn được lập trình: Phương pháp hướng dẫn trong đó học viên được hướng dẫn làm theo một chương trình hướng dẫn đã được sắp đặt trước.
8.13. Trắc nghiệm: Khả năng chọn lựa một đáp án trong số hai hoặc nhiều đáp án khác nhau đã được nêu ra trước cho một câu hỏi.
8.14. Tín hiệu báo: Tần số âm thanh có khoảng thời gian quy định được ghi trên đường báo hiệu để cung cấp một hệ thống tín hiệu cho những chức năng có thể được yêu cầu.
8.15. Băng gốc: Thông thường là một băng cát-xét được đặc biệt ghi các thông tin (của giảng viên).
Băng cát-xét này có thể được giảng viên sử dụng để phân phối thông tin cho học viên hoặc trực tiếp hoặc thông qua thư viện hay tới cát-xét của học viên. Băng này có cấu trúc để thông tin được ghi từ trước (của giảng viên) không thể bị xoá.
8.16 Cát-xét thư viện, cát-xét học viên: Cát-xét chuyên để học viên sử dụng.
9.1. Chất liệu ghi, phương tiện ghi: Các chất liệu như băng, đĩa hoặc phim, trên đó có thể ghi lại thông tin để tái tạo sau này.
9.2. Băng từ: Phương tiện ghi dưới dạng một dải băng có nền làm bằng vật liệu không từ tính được phủ bên ngoài bằng vật liệu có thể từ hóa được và được liên kết thích hợp. (IEV 806-05-12)
9.3 Cát-xét: Thiết bị bao gồm một hộp có chứa băng từ cuộn quanh hai trục để có thể chuyển từ trục này sang trục kia trong khi ghi, tái tạo, cuộn đi nhanh hoặc cuộn lại nhanh.
CHÚ THÍCH - Những vòng nối ở đầu cũng có sẵn trong các hộp cát-xét. (IEV 806-05-41 đã sửa đổi)
9.4. Hộp băng: Cơ cấu bao gồm một hộp có chứa băng từ gồm nhiều vòng băng bố trí thành một kiểu vòng lặp vô tận trên một trục đơn. Khi quay thì băng phía trong được thả ra và băng phía ngoài được cuộn lại. (IEV 806-05-40 đã sửa đổi)
9.5. Đĩa từ: Phương tiện ghi từ tính dưới dạng đĩa. (IEV 806-05-14 đã sửa đổi)
9.6. Băng ghi audio: Băng từ dùng để ghi và tái tạo tín hiệu âm tần.
9.7. Đĩa: Tấm nhựa có dạng đĩa, trên đó thông tin được ghi lại. (IEV 806-03-01 đã sửa đổi)
9.8. Thẻ ghi audio: Thẻ có một hoặc nhiều băng chất liệu từ và một hoặc nhiều khu vực để trình bày thông tin xem bằng mắt.
9.9. Trang ghi audio: Phương tiện ghi có dạng một tờ, một mặt được phủ chất liệu tương tự chất liệu từ dùng cho băng từ, trên mặt này có thể ghi lại tín hiệu âm tần còn mặt kia được sử dụng để trình bày thông tin xem bằng mắt.
9.10. Băng ghi video: Băng từ để ghi và tái tạo các tín hiệu hình cùng với các tín hiệu âm tần và tín hiệu điều khiển dữ liệu.
9.11. Đĩa ghi video: Đĩa trên đó có ghi các tín hiệu hình cùng với các tín hiệu âm tần và tín hiệu điều khiển dữ liệu.
10. Chất liệu chụp ảnh để chiếu
10.1. Chất liệu để chiếu hoặc phóng đại: Chất liệu ghi các thông tin xem bằng mắt được dùng để phóng to hoặc chiếu hình ảnh bằng các hệ thống quang.
10.2. Bìa có khe mở: Tấm bìa có độ mở được chuẩn bị đặc biệt để đặt vừa một ảnh siêu nhỏ trong suốt vào đó.
10.3. Phiếu siêu nhỏ: Một tờ phim hình chữ nhật thường cỡ 10 cm x 15 cm, trên đó có từ 60 đến 90 ảnh siêu nhỏ và các đề mục có thể đọc được bằng mắt thường.
10.4. Ảnh phim cho kính hiển vi: Phiến kính mỏng chứa một vật thể rất nhỏ muốn đem quan sát qua kính hiển vi hay máy chiếu siêu nhỏ.
10.5. Chuỗi ảnh: Chuỗi các ảnh tĩnh trên chất liệu trong suốt để chiếu trên đèn chiếu, mỗi lần chiếu một ảnh.
10.6. Phim dương bản: ảnh tĩnh trên chất liệu trong suốt, thường được đặt trong khung và có kính bảo vệ, để chiếu trên máy chiếu.
10.7. Băng phim dương bản: Các phim dương bản được sắp xếp theo thứ tự kèm theo có băng ghi audio, đã ghi âm nhạc, âm thanh gây hiệu ứng hoặc lời dẫn cùng với tín hiệu báo nghe thấy để báo hiệu khi thực hiện chuyển thay phim bằng tay hoặc tín hiệu báo không nghe thấy dùng cho việc tự động chuyển thay phim cho đồng bộ với nội dung của âm thanh kèm theo.
10.8. Tờ trong suốt: Tờ bằng chất liệu trong suốt, thường có cả hai cạnh lớn hơn 200 mm, chứa hình ảnh để có thể chiếu bằng máy chiếu qua đầu.
10.9. Ảnh nổi: Cặp ảnh mờ hoặc trong suốt, thường là ảnh chụp, được sử dụng để tạo ra hiệu ứng ảnh nổi khi quan sát bằng các thiết bị xem ảnh nổi.
10.10. Ảnh ký hóa: Chất liệu trên đó tạo ra hiệu ứng ba chiều khi được chiếu sáng bằng ánh sáng rõ nét, kết quả thu được nhờ một kỹ thuật chụp sử dụng tia laze.
10.11. Phim ảnh động: Một đoạn phim chụp có đục lỗ mang một dãy hình ảnh liên tiếp khi chiếu nhanh liên tiếp từng ảnh một bằng máy chiếu ảnh động tạo ra cảm giác về sự chuyển động.
10.12. Ảnh siêu nhỏ: ảnh quá nhỏ phải phóng đại tới mức có thể đọc được.
10.13. Khung phim dương bản: Khung mờ để đỡ và bảo vệ phim dương bản.
10.14. Thẻ siêu nhỏ: Thẻ trên đó lưu trữ một khối lượng lớn thông tin tư liệu trong một kích thước rất nhỏ bằng các bước xử lý chụp ảnh.
- 1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11819:2017 về Khối truy nhập có điều kiện dùng trong truyền hình kỹ thuật số - Yêu cầu kỹ thuật đối với giao diện chung mở rộng (CI PLUS)
- 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11302:2016 về Dịch vụ truyền hình Streaming trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT - 2000 - Yêu cầu chất lượng
- 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6385:2009 (IEC 60065 : 2005) về Thiết bị nghe, nhìn và thiết bị điện tử tương tự - Yêu cầu an toàn
- 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6768-1:2000 (IEC 574-1 : 1977) về Thiết bị và hệ thống nghe-nhìn, video và truyền hình - Phần 1: Quy định chung
- 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6766:2000 (IEC 1062:1991) về Thiết bị và hệ thống nghe nhìn - Tấm thông số - Ghi nhãn nguồn điện
- 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6768-3:2000 (IEC 574-3 : 1983) về Thiết bị và hệ thống nghe-nhìn, video và truyền hình - Phần 3: Bộ nối dùng để nối thiết bị trong hệ thống nghe - nhìn