TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ- PHẦN 212 : CÁCH ĐIỆN RẮN, LỎNG VÀ KHÍ
International Electrotechnical Vocabulary - Part 212 : Isulating solids, liquids and gases
Lời nói đầu
TCVN 8095-212 : 2009 thay thế TCVN 3681-81;
TCVN 8095-212 : 2009 hoàn toàn tương đương với IEC 60050-212 : 1990;
TCVN 8095-212 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụ điện biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
TCVN 8095-212 : 2009 là một phần của bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095.
Bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095 (IEC 60050) hiện đã có các tiêu chuẩn sau:
1) TCVN 8095-212: 2009 (IEC 60050-212: 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 212: Chất rắn, chất lỏng và chất khí cách điện
2) TCVN 8095-436: 2009 (IEC 60050-436: 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 436: Tụ điện công suất
3) TCVN 8095-461: 2009 (IEC 60050-461: 2008), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 461: Cáp điện
4) TCVN 8095-466: 2009 (IEC 60050-466: 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 466: Đường dây trên không
5) TCVN 8095-471: 2009 (IEC 60050-471: 2007), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 471: Cái cách điện
6) TCVN 8095-521: 2009 (IEC 60050-521: 2002), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 521: Linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp
7) TCVN 8095-845: 2009 (IEC 60050-845: 1987), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 845: Chiếu sáng
TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ- PHẦN 212 : CÁCH ĐIỆN RẮN, LỎNG VÀ KHÍ
International Electrotechnical Vocabulary - Part 212 : Isulating solids, liquids and gases
212-01-01. Vật liệu cách điện
Chất rắn có độ dẫn điện thấp tới mức không đáng kể được sử dụng để cách ly các bộ phận dẫn có điện thế khác nhau.
212-01-02. Chất lỏng cách điện
Chất lỏng có độ dẫn điện thấp tới mức không đáng kể được sử dụng để cách ly các bộ phận dẫn có điện thế khác nhau.
212-01-03. Chất khí cách điện
Chất khí có độ dẫn điện thấp tới mức không đáng kể được sử dụng để cách ly các bộ phận dẫn có điện thế khác nhau.
212-01-04. Chất điện môi
Chất có đặc tính điện từ cơ bản là bị phân cực trong trường điện.
CHÚ THÍCH: Trong thực tế, vật liệu cách điện thường được gọi là các chất điện môi khi hằng số điện môi là một đặc tính quan trọng trong sử dụng.
212-01-05. Cách điện
Một bộ phận của sản phẩm kỹ thuật điện dùng để cách ly các bộ phận dẫn có điện thế khác nhau.
212-01-06. Điện trở cách điện
Điện trở trong các điều kiện quy định giữa hai phần dẫn được cách ly bằng vật liệu cách điện.
212-01-07. Điện trở khối
Một phần của điện trở cách điện có được do tính dẫn điện qua một thể tích nhưng không tính đến dòng điện bề mặt.
212-01-08. Suất điện trở khối
Điện trở khối giảm về một đơn vị thể tích.
CHÚ THÍCH: Theo Phần 121 của bộ tiêu chuẩn này, “độ dẫn’ được định nghĩa là "đại lượng vô hướng hoặc ma trận mà tích của đại lượng này với cường độ trường điện là mật độ dòng điện dẫn" và “suất điện trở' là "nghịch đảo của độ dẫn". Suất điện trở khối là giá trị trung bình của đại lượng này trên toàn bộ tính không đồng nhất có thể xảy ra trong một thể tích được kết hợp trong phép đo, và kể cả ảnh hưởng của hiện tượng phân cực có thể có tại các điện cực.
212-01-09. Điện trở bề mặt
Một phần của điện trở cách điện có được do tính dẫn điện dọc theo bề mặt.
CHÚ THÍCH 1: Điện trở bề mặt nhìn chung chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường.
CHÚ THÍCH 2: Dòng điện bề mặt nhìn chung phụ thuộc nhiều vào thời gian nhiễm điện và thường thay đổi theo cách thất thường. Trên thực tế, thời gian nhiễm điện được lấy theo qui ước bằng một phút.
212-01-10. Suất điện trở bề mặt
Điện trở bề mặt giảm về một diện tích hình vuông.
CHÚ THÍCH 1: Suất điện trở bề mặt bao gồm ảnh hưởng của hiện tượng phân cực có thể có ở các điện cực.
CHÚ THÍCH 2: Giá trị bằng số của suất điện trở bề mặt không phụ thuộc vào kích thước hình vuông.
212-01-11. Điện cực
Phần dẫn được thiết kế làm bề mặt chung dẫn điện cùng với sự có mặt của môi chất có tính dẫn điện khác nhau.
212-01-12. Điện cực dùng để đo
Vật dẫn được đặt vào hoặc cắm vào vật liệu để tạo tiếp xúc với vật liệu và để đo đặc tính điện môi của chúng.
212-01-13. Điện trở một chiều (điện trở khối)
Tỷ số giữa điện áp một chiều đặt vào hai điện cực tiếp xúc với môi chất cách điện và dòng điện chạy qua chúng, ở thời gian nhiễm điện cho trước.
212-01-14. Suất điện trở một chiều (suất điện trở khối)
Tỷ số giữa cường độ trường điện một chiều và mật độ dòng điện trong môi chất cách điện, ở thời gian nhiễm điện cho trước.
212-01-15. Nhiễm điện
Việc đặt điện áp giữa các điện cực.
212-01-16. Dòng điện nhiễm điện
Dòng điện giữa hai điện cực tiếp xúc với môi chất cách điện, khi đặt trực tiếp điện áp giữa chúng.
212-01-17. Dòng điện dẫn
Thành phần trạng thái ổn định của dòng điện nhiễm điện.
212-01-18. Dòng điện phân cực
Thành phần quá độ của dòng điện nhiễm điện.
CHÚ THÍCH: Dòng điện phân cực thường được đo sau khi có ngắn mạch trước đó của các điện cực trong khoảng thời gian đủ dài để dòng điện nối tắt là không đáng kể.
212-01-19. Dòng điện khử phân cực
Dòng điện chạy trong mạch nối tắt được thiết lập giữa hai điện cực tiếp xúc với môi chất cách điện sau khi nhiễm điện bởi điện áp đặt trực tiếp trong khoảng thời gian nào đó.
CHÚ THÍCH: Dòng điện khử phân cực thường được đo sau khi nhiễm điện trong thời gian đủ dài để dòng điện phân cực là không đáng kể.
212-01-20. Dòng điện khử nhiễm điện
Dòng điện chạy qua mạch nối tắt được thiết lập giữa hai điện cực ngay sau khi các điện cực được đặt vào môi chất cách điện, hoặc sau khi lưu giữ trong một thời gian nào đó bằng cách ngắt điện các điện cực và tách các điện cực khỏi nhau.
CHÚ THÍCH: Dòng điện khử nhiễm điện có thể xuất hiện, ví dụ, do phân cực dư của môi chất cách điện hoặc do các điện tích tĩnh điện.
212-01-21. Hằng số điện môi (giá trị tuyệt đối)
Đại lượng mà tích của nó với cường độ điện trường điện là mật độ thông lượng điện.
CHÚ THÍCH: Đối với môi chất đẳng hướng, hằng số điện môi là vô hướng, đối với môi chất không đẳng hướng, hằng số điện môi là một ma trận.
212-01-22. Hằng số điện môi tương đối
Tỷ số giữa hằng số điện môi tuyệt đối và hằng số điện εo.
CHÚ THÍCH 1: Trong trường hợp trường không đổi và trường biến đổi có tần số đủ thấp thì hằng số điện môi tương đối của điện môi đẳng hướng hoặc gần đẳng hướng bằng tỷ số giữa điện dung của tụ điện, trong đó không gian giữa và xung quanh các điện cực được điền đầy hoàn toàn và duy nhất bởi chất điện môi, và điện dung của cùng một cấu hình của các điện cực trong chân không.
CHÚ THÍCH 2: Trong thực tế, thường sử dụng thuật ngữ hằng số điện môi khi muốn nói đến hằng số điện môi tương đối.
212-01-23. Hằng số điện môi tĩnh
Hằng số điện môi trong các điều kiện trường trực tiếp ổn định.
212-01-24. Hằng số điện môi phức
Hằng số điện môi được thể hiện dưới dạng phức, trong các điều kiện trường hình sin ổn định.
CHÚ THÍCH: Hằng số điện môi phức tương đối thường được biểu diễn dưới dạng:
T= ε’T – jε’’T = εT exp(-jd)
Trong đó ε’T và ε’’T có giá trị dương, và
tan d =
T thường được trích dẫn dưới dạng ε’T và ε’’T, hoặc dưới dạng εT và tan d.
Nếu ε’T >> ε’’T thì εT » ε’T mà cả hai đều được gọi là hằng số điện môi tương đối.
ε’’T là chỉ số tổn hao còn tan d là hệ số tiêu tán điện môi.
212-01-25. Tổn hao điện môi
Công suất được hấp thụ từ một trường điện thay đổi theo thời gian trong một chất điện môi và thường được tiêu tán dưới dạng nhiệt.
212-01-26. Chỉ số tổn hao (điện môi)
Giá trị bằng số của phần ảo của hằng số điện môi phức tương đối.
212-01-27. Hộ số tiêu tán điện môi
tan d
Tang góc tổn hao
Giá trị bằng số của tỷ số giữa phần ảo và phần thực của hằng số điện môi phức.
212-01-28. Góc tổn hao điện môi
Giá trị của arctg của hệ số tiêu tán điện môi.
212-01-29. Đánh thủng (về điện)
Việc mất đặc tính cách điện, ít nhất là tạm thời, của môi chất cách điện do ứng suất điện.
212-01-30. Điện áp đánh thủng
Điện áp tại đó xuất hiện đánh thủng trong các điều kiện thử nghiệm quy định, hoặc trong sử dụng.
212-01-31. Điện áp kiểm chứng
Điện áp chịu đựng
Điện áp đặt lên mẫu trong các điều kiện thử nghiệm quy định mà không gây ra phóng điện đánh thủng và/hoặc phóng điện bề mặt của mẫu thoả đáng.
212-01-32. Cường độ điện
Tỷ số giữa điện áp lớn nhất mà không gây đánh thủng và khoảng cách giữa các phần dẫn mà giữa chúng đặt điện áp trong các điều kiện thử nghiệm quy định. Thuật ngữ này cũng được sử dụng để mô tả đặc tính tương ứng của vật liệu.
212-01-33. Phóng điện
Sự dịch chuyển không liên tục của các điện tích qua môi chất cách điện, bắt đầu bởi thác điện tử và được bổ sung bằng các quá trình thứ cấp.
212-01-34. Phóng điện cục bộ
Phóng điện mà chỉ bắc cầu một phần qua cách điện giữa các vật dẫn. Phóng điện này có thể xuất hiện bên trong cách điện hoặc liền kề vật dẫn.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ iôn hoá mô tả quá trình bất kỳ sinh ra các iôn và không cần sử dụng để định nghĩa phóng điện cục bộ.
212-01-35. Phóng điện bên trong
Phóng điện cục bộ trong một khoảng trống trong môi chất cách điện, có thể liền kề với vật dẫn.
212-01-36. Phóng điện bể mặt
Phóng điện cục bộ trên, hoặc dọc theo, bề mặt của cách điện.
212-01-37. Phóng điện đánh thủng
Phóng điện đánh thủng giữa các điện cực trong chất khí, chất lỏng hoặc trong chân không, tối thiểu dọc theo một phần bề mặt cách điện rắn.
212-01-38. Phóng điện đâm xuyên
Một tuyến dẫn sinh ra trong cách điện rắn bởi phóng điện đánh thủng gây hỏng vĩnh viễn. Thuật ngữ này cũng được sử dụng như một từ đồng nghĩa với phóng điện đánh thủng về điện trong các chất rắn.
212-01-39. Quầng điện
Phóng điện cục bộ trong chất khí liền kề với vật dẫn không cách điện hoặc cách điện sơ sài tạo ra trường phân kỳ cao cách xa với các vật dẫn khác. Quầng điện thường sinh ra ánh sáng và tạp.
212-01-40. Cường độ phóng điện cục bộ
Thuật ngữ chung mô tả lượng phóng điện xuất hiện trong các điều kiện cho trước, mà không quy định phương pháp đo hoặc đơn vị đo.
212-01-41. Điện trở hồ quang
Khả năng của vật liệu cách điện chống lại ảnh hưởng của hồ quang điện dọc theo bề mặt của vật liệu trong các điều kiện quy định.
212-01-42. Vết phóng điện
Sự suy giảm lũy tiến của bề mặt vật liệu cách điện rắn do phóng điện cục bộ hình thành các tuyến dẫn hoặc tuyến dẫn một phần.
CHÚ THÍCH: vết phóng điện thường xuất hiện do bề mặt bị nhiễm bẩn.
212-01-43. Thời gian-vết phóng điện
Thời gian trong thử nghiệm vết phóng điện cho đến khi vết phóng điện đạt đến các tiêu chí điểm cuối quy định.
212-01-44. Chỉ số phóng điện tương đối
CTI
Giá trị bằng số của điện áp lớn nhất tính bằng vôn mà vật liệu có thể chịu được mà không có vết phóng điện trong các điều kiện thử nghiệm quy định.
212-01-45. Chỉ số phóng điện bề mặt PTI
Giá trị bằng số của điện áp kiểm chứng trong đó vật liệu có thể chịu được mà không gây vết phóng điện trong các điều kiện thử nghiệm quy định.
212-02-01. Ổn định
Việc mẫu chịu khí quyển có độ ẩm tương đối quy định hoặc ngâm hoàn toàn trong nước hoặc chất lỏng khác, ở nhiệt độ quy định trong khoảng thời gian quy định.
212-02-02. Ổn định trước
Việc xử lý mẫu với mục đích nhằm loại bỏ hoặc làm mất tác dụng của những quá trình trước đó của mẫu chủ yếu liên quan đến nhiệt độ và độ ẩm mà mẫu đã phải chịu.
CHÚ THÍCH 1: Đôi khi ổn định trước còn gọi là bình thường hoá.
CHÚ THÍCH 2: Ổn định trước thường thực hiện trước ổn định mẫu. Khi việc kết hợp nhiệt độ và độ ẩm để ổn định giống như quy định cho ổn định trước thì ổn định trước có thể thay cho ổn định.
212-02-03. Lão hoá
Sự thay đổi không thể đảo ngược ở một hoặc nhiều đặc tính của vật liệu cách điện rắn, lỏng hoặc khí do sử dụng bình thường của chúng.
212-02-04. Lão hoá gia tốc
Lão hoá được gia tốc bằng cách đẩy nhanh mức độ và/hoặc tần xuất đặt các yếu tố lão hoá vượt quá các điều kiện vận hành dự kiến.
CHÚ THÍCH: Các yếu tố lão hoá ví dụ có thể là nhiệt độ, ứng suất cơ hoặc ứng suất điện, điều kiện môi trường.
212-02-05. Độ bền
Khả năng chịu được các tác động của yếu tố lão hoá. Độ bền có thể được đặc trưng bởi kết quả của các thử nghiệm lão hoá gia tốc.
212-02-06. Độ bền nhiệt
Khả năng chịu được các tác động của nhiệt độ tăng cao. Độ bền nhiệt có thể được đặc trưng bởi kết quả của các thử nghiệm lão hoá gia tốc.
212-02-07. Đồ thị độ bền nhiệt
Đồ thị Arrhenius
Đồ thị trong đó giá trị lôgarit theo thời gian đạt đến điểm cuối quy định trong thử nghiệm độ bền nhiệt được vẽ theo nhiệt độ thử nghiệm nhiệt động thuận nghịch (tuyệt đối).
212-02-08. Chỉ số nhiệt độ
TI
Con số tương ứng với nhiệt độ tính bằng độ Celsius rút ra từ quan hệ độ bền nhiệt tại một thời gian cho trước, thường là 20 000 giờ.
212-02-09. Chỉ số nhiệt độ tương đối
RTI
Chỉ số nhiệt độ của vật liệu thử nghiệm đạt được từ thời gian ứng với chỉ số nhiệt độ đã biết của vật liệu chuẩn khi cả hai vật liệu đều chịu các qui trình lão hoá và phép chẩn đoán giống nhau trong thử nghiệm so sánh.
212-02-10. Một nửa thời gian
HIC
Con số ứng với khoảng nhiệt độ tính bằng độ Celsius thể hiện một nửa thời gian đến điểm cuối được lấy ở nhiệt độ TI hoặc RTI.
212-02-11. Nhiệt độ hoá dẻo
Nhiệt độ, được đo theo một số qui trình quy định, tại đó chứng tỏ một lượng vật liệu được hoá dẻo đã thoả thuận.
212-02-12. Tính thấm ướt
Khả năng của một bề mặt vật liệu rắn hấp thu chất lỏng, không nhất thiết là nước. Thước đo khả năng ướt là góc tiếp xúc giữa bề mặt rắn và bề mặt chất lỏng của giọt chất lỏng rơi trên chất rắn.
212-02-13. Hấp thụ chất lỏng
Lượng chất lỏng được mẫu hấp thụ khi tiếp xúc với chất lỏng trong điều kiện quy định.
212-02-14. Sự thâm nhập của nước
Lượng nước thấm qua mẫu trong một đơn vị thời gian ở các điều kiện quy định.
212-02-15. Hấp thụ hơi ẩm
Lượng hơi ẩm được mẫu hấp thụ khi mẫu đặt vào khí quyển ẩm trong các điều kiện quy định.
212-02-16. Độ thấm hơi nước
Lượng hơi nước thấm qua mẫu trong một đơn vị thời gian ở các điều kiện quy định.
212-02-17. Tách lớp
Sự phân tách thành các lớp của vật liệu.
212-02-18. Khả năng chịu mài mòn (của sợi dây tráng men)
Lực cần thiết để loại bỏ lớp men khỏi sợi dây trong thử nghiệm quy định.
212-02-19. Thử nghiệm mềm dính (của sợi dây có tráng men)
Một thử nghiệm để xác định nhiệt độ lớn nhất mà tại đó không xuất hiện sự thâm nhập của các lớp men trong các điều kiện quy định.
212-02-20. Chiều dài gây rách (của giấy)
Giới hạn độ bền kéo, được tính bằng chiều dài giới hạn của băng giấy có chiều rộng đồng nhất bất kỳ, mà nếu vượt quá giá trị đó thì có thể bị rách do trọng lượng của bản thân nó khi băng giấy được treo ở một đầu.
Mục 212-03 - Thuật ngữ liên quan đến xử lý vật liệu cách điện
212-03-01. Ngâm tẩm
Quá trình điền chất lỏng vào các lỗ hoặc chỗ trống trong vật liệu cách điện hoặc kết hợp các vật liệu.
CHÚ THÍCH: Chất lỏng có thể vẫn ở dạng lỏng hoặc trở thành dạng rắn sau khi ngâm tẩm.
212-03-02. Đúc
Quá trình trong đó vật liệu lỏng hoặc sền sệt được rót hoặc được đưa vào khuôn hoặc đổ lên bề mặt được chuẩn bị trước để làm rắn lại mà không cần sử dụng lực ép bên ngoài nào.
212-03-03. Bao bọc
Quá trình đặt lớp bảo vệ bằng nhựa nhiệt dẻo hoặc nhựa nhiệt cứng hoặc lớp phủ cách điện để bao bọc vật cần bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp ví dụ như quét lên, nhúng vào, phun, định hình bằng nhiệt hoặc đúc.
212-03-04. Bọc kín
Quá trình bọc hoàn toàn vật cần bảo vệ trong hợp chất cao phân tử bằng cách rót hợp chất thích hợp lên vật cần bảo vệ đang nằm trong khuôn, lưu hoá hoặc làm cứng hợp chất và lấy vật đã được bao kín ra khỏi khuôn.
CHÚ THÍCH: Đối với các linh kiện điện, dây nối hoặc chân linh kiện có thể để nhô ra bên ngoài phần bao kín.
212-03-05. Kết bao
Quá trình bọc kín trong đó khuôn vẫn gắn chặt vào vật cần bảo vệ đã được bao kín.
212-03-06. Lớp phủ bằng bột nhựa hoá lỏng
Quá trình phủ trong đó:
1. Phần cần phủ được gia nhiệt trước, được nhúng vào hạt nhựa nhiệt dẻo nghiền thành bột được hóa lỏng, và sau đó thường được gia nhiệt lại để làm chảy các phần tử kết dính; hoặc
2. Phần cần phủ, được nối đất và tối thiểu phải có một chút tính dẫn điện, được nhúng nguội vào hạt nhựa nhiệt dẻo nghiền thành bột được hoá lỏng được nạp tĩnh điện để dính chặt vào phần cần phủ, sau đó được gia nhiệt để làm chảy các phần tử kết dính.
212-03-07. Lưu hoá
Để chuyển hoá một kết cấu trùng hợp hoặc trước trùng hợp sang trạng thái ổn định hơn bằng cách trùng hợp và/hoặc tạo liên kết ngang.
212-03-08. Nhiệt độ lưu hoá
Nhiệt độ được quy định là thích hợp để xử lý vật liệu để sử dụng hoặc để thử nghiệm.
212-03-09. Thời gian lưu hoá
Thời gian cần thiết để vật liệu lưu hoá đạt đến trạng thái quy định trong các điều kiện quy định.
212-03-10. Lưu hoá nguội
Lưu hoá vật liệu nhựa nhiệt cứng ở nhiệt độ phòng.
212-03-11. Định hình
Thay đổi từ pha lỏng sang pha đặc quánh (212- 04-15).
212-03-12. Điểm bắt đầu định hình
Giai đoạn tại đó chất lỏng bắt đầu thể hiện đặc tính giả đàn hồi (giống như thạch).
CHÚ THÍCH: Trạng thái này có thể được quan sát thuận tiện từ điểm uốn trên đồ thị tính dẻo-thời gian.
212-03-13. Thời gian định hình
Thời gian cần thiết để vật liệu lỏng đạt đến điểm bắt đầu định hình trong điều kiện quy định.
212-03-14. Gắn kết
Tạo liên kết giữa hai bề mặt với nhau bằng chất gắn. (212-05-41).
212-03-15. Tuổi thọ lưu kho
Thời gian mà vật liệu thô hoặc bán thành phẩm có thể được lưu kho trong các điều kiện quy định mà không làm mất đi các đặc tính gia công của chúng.
212-03-16. Tuổi thọ gia công
Thời gian mà vật liệu thô hoặc bán thành phẩm vẫn giữ được các đặc tính gia công sau bước chuẩn bị cuối cùng (trộn các thành phần, thêm chất xúc tác, v.v...).
212-03-17. Tạo nếp
Thao tác tạo nếp giấy để tăng độ co dãn và độ mềm.
Mục 212-04 - Thuật ngữ về hoá học dùng cho vật liệu cách điện
212-04-01. Nhựa tổng hợp
Vật liệu hữu cơ rắn, bán rắn hoặc giả rắn có khối lượng phân tử không xác định và thường là tương đối cao, có xu hướng chảy loãng khi chịu ứng suất, thường có một dải hoá dẻo hoặc dải nóng chảy và thường nứt gãy dạng khoáng chất. Theo nghĩa rộng hơn, thuật ngữ này được sử dụng để đặt tên cho hợp chất cao phân tử bất kỳ có vật liệu nền là chất dẻo.
CHÚ THÍCH: Các chất lỏng được sử dụng để ngâm tẩm và sau đó cứng hoá cũng được gọi là nhựa dẻo (xem thêm 212-05-27, 29, 30 và 31).
212-04-02. Chất dẻo
Vật liệu chứa hợp chất cao phân tử như một thành phần thiết yếu và có thể định hình bằng cách làm nóng chảy ở một số giai đoạn trong quá trình chuyển thành sản phẩm cuối cùng.
CHÚ THÍCH: Vật liệu đàn hồi được định hình bằng cách làm nóng chảy, không được coi là chất dẻo.
212-04-03. Nhựa nhiệt dẻo
Nhựa có khả năng làm mềm nhiều lần bằng cách gia nhiệt và làm cứng bằng cách để nguội qua dải nhiệt độ đặc trưng của chất dẻo và khi ở trạng thái mềm thì có khả năng định hình lại bằng dòng chảy vào vật thể bằng cách đúc, đùn hoặc định hình.
212-04-04. Nhựa nhiệt cứng
Nhựa khi được xử lý bằng nhiệt hoặc các phương tiện khác thì chuyển thành sản phẩm về cơ bản là không hoà tan và không nóng chảy được.
212-04-05. Chất đàn hồi
Vật liệu có phân tử lớn, nhanh chóng trở về xấp xỉ kích thước và hình dạng ban đầu sau khi bị biến dạng đáng kể do một ứng suất yếu rồi giải phóng ứng suất.
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này áp dụng cho các điều kiện thử nghiệm ở nhiệt độ phòng.
212-04-06. Mủ cao su
Sự phân tán thành dạng keo trong nước của vật liệu trùng ngưng.
212-04-07. Chất làm mềm
Chất có độ bay hơi thấp hoặc không đáng kể nằm trong nhựa để chuyển dải nhiệt độ hoá dẻo của nó sang các nhiệt độ thấp hơn và làm tăng khả năng gia công, tính linh hoạt hoặc loang rộng.
212-04-08. Chất độn (trong nhựa)
Vật liệu rắn trơ tương đối được thêm vào nhựa để thay đổi độ bền, tính bền vững, đặc tính làm việc hoặc chất lượng khác của nhựa hoặc để làm giảm chi phí.
212-04-09. Chất hoạt hoá
Chất được dùng một lượng nhỏ để làm tăng tốc độ phản ứng của hệ thống hoá học (chất xúc tác và các chất phụ gia khác).
212-04-10. Chất làm cứng
Chất lưu hoá thúc đẩy hoặc điều chỉnh phản ứng lưu hoá của nhựa tổng hợp để tạo ra sản phẩm cứng vững.
212-04-11. Chất kiềm chế
Chất được sử dụng một tỷ lệ nhỏ để kiềm chế phản ứng hoá học.
212-04-12. Chất ổn định
Chất được sử dụng trong thành phần của một số nhựa để hỗ trợ duy trì các đặc tính của vật liệu tại hoặc gần giá trị ban đầu của chúng trong quá trình xử lý hoặc trong tuổi thọ vận hành.
212-04-13. Chất chống ôxy hoá
Chất phụ gia có trong chất cách điện rắn hoặc lỏng để làm giảm hoặc làm chậm quá trình suy giảm chất lượng do ôxy hoá.
212-04-14. Chất chống tĩnh điện
Chất được đặt vào bề mặt hoặc đưa vào thể tích của vật liệu cách điện để ngăn ngừa việc hình thành hoặc loại bỏ các điện tích tĩnh điện.
212-04-15. Thể đặc quánh
Giai đoạn đặc giống như thạch ban đầu, xuất hiện trong quá trình hình thành nhựa tổng hợp (xem thêm 212-03-11).
212-04-16. Mức độ polyme hoá (của hợp chất polyme)
Giá trị trung bình của số lượng đơn thể trong phân tử của hợp chất polyme.
CHÚ THÍCH: Có thể xác định được các giá trị trung bình khác nhau (số lượng, khối lượng hoặc độ dẻo trung bình) đối với cùng một vật liệu.
212-04-17. Mức độ polyme hoá (của giấy xenlulô)
Số lượng trung bình các đơn thể anhydrous-b- glucose, C6H10O5 trong phân tử xenlulô.
212-04-18. Tính tương thích (trong nhựa)
Trạng thái trong đó chất dạng hỗn hợp trong nhựa không không bị rỉ ứa, lên tính khoáng hoặc phân ly tương tự.
212-04-19. Tính tương thích (của vật liệu cách điện)
Khả năng của hai hoặc nhiều vật liệu cần sử dụng cùng nhau mà không có sự thay đổi có hại lẫn nhau.
212-04-20. Sự tiết lỏng (của chất làm mềm)
Sự di chuyển, thường là không mong muốn, của chất làm mềm từ nhựa hoặc chất đàn hồi đến các phần rắn tiếp xúc với chúng.
Mục 212-05 - Thuật ngữ chung dùng cho vật liệu cách điện
212-05-01. Tấm
Tấm cuộn
Sản phẩm dạng mỏng có chiều dày nhỏ so với chiều dài và chiều rộng.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp đặc biệt, thuật ngữ tấm được sử dụng để chỉ các mảnh vật liệu riêng rẽ có chiều dài và chiều rộng tương đương nhau, trong khi đó tấm cuộn được sử dụng cho vật liệu có các đoạn dài liên tục, thường ở dạng cuộn.
212-05-02. Màng (nhựa)
Sản phẩm nhựa dạng mỏng không hạn chế có chiều dày lớn nhất, trong đó chiều dày rất nhỏ so với chiều dài và chiều rộng, thường ở dạng cuộn.
CHÚ THÍCH: Chiều dày giới hạn lớn nhất thường khoảng vài trăm micro mét.
212-05-03. Băng
Màng hoặc tấm có chiều rộng lớn nhất không hạn chế và có các đoạn dài liên tục, thường ở dạng cuộn.
CHÚ THÍCH: Chiều rộng giới hạn lớn nhất thường khoảng 100 mm.
212-05-04. Ống
Thân rỗng, hình trụ, thường có tiết diện hình tròn, có đường kính lớn nhất không hạn chế nhưng nhỏ so với chiều dài.
CHÚ THÍCH 1: Đường kính hạn chế lớn nhất thường vào khoảng 100 mm.
212-05-05. Trụ cách điện
Ống có đường kính lớn thường cứng và có chiều dài không nhất thiết phải lớn so với đường kính.
CHÚ THÍCH: Xem thêm 212-05-04, ống.
212-05-06. Ống lồng
Ống mềm được sử dụng để cách điện và/hoặc nhận biết.
212-05-07. Sợi (đơn)
Sợi có đường kính nhỏ và chiều dài rất dài, được xem là liên tục.
212-05-08. Sợi xơ
Sợi có đường kính nhỏ và chiều dài tương đối ngắn (cỡ vài centimét).
212-05-09. Sợi độn
Sản phẩm được làm từ các sợi đơn, sợi xơ hoặc sợi bện, cắt hoặc không cắt, có hướng hoặc không có hướng, được giữ với nhau một cách lỏng lẻo ở dạng tấm hoặc tấm cuộn (212-05-01).
212-05-10. Sợi thô
Tập hợp các sợi bện đặt song song hoặc sợi đơn đặt song song ghép với nhau nhưng không xoắn.
212-05-11. Sợi dệt
Thuật ngữ chung đề cập đến các loại kết cấu vật liệu dệt cụ thể xoắn hoặc không xoắn làm từ sợi xơ hoặc sợi đơn.
212-05-12. Vải
Vật liệu dạng tấm làm từ các sợi vật liệu dệt bằng quá trình dệt, nếu không có quy định khác.
212-05-13. Vải xé
Vật liệu không viền mép được cắt từ vật liệu đủ khổ vải.
212-05-14. Vải cắt thẳng
Vật liệu được cắt song song với thớ vải.
212-05-15. Vải cắt chéo
Vật liệu được cắt sao cho cả sợi dọc và sợi ngang làm thành một góc không phải góc 0° hoặc 90°.
212-05-16. Ô vải cắt chéo
Vật liệu cắt chéo thành các đoạn ngắn không dính vào nhau.
212-05-17. Vải cắt chéo được khâu với nhau
Vật liệu cắt chéo thành các đoạn ngắn và được khâu với nhau trước hoặc sau khi quét dầu, để tạo thành đoạn dài liên tục.
212-05-18. Vải cắt chéo được dính lại với nhau
Vật liệu được cắt chéo thành các đoạn ngắn và được dính lại với nhau bằng chất dính sau khi quét dầu, để tạo thành đoạn dài liên tục.
212-05-19. Vải cắt chéo liền một mảnh
Vật liệu được cắt chéo và tạo thành đoạn dài liên tục bằng cách cắt xoắn từ một ống dệt kiểu ống tay áo và sau đó được quét dầu.
212-05-20. Vải không dệt
1 Sản phẩm từ các sợi dựa vào nhau nhưng không có sợi nào đi ngang qua và sợi này dưới sợi kia theo dạng bình thường.
2 Sợi độn trong đó các sợi được liên kết với nhau bằng xử lý nhiệt hoặc chất liên kết, vật liệu vẫn giữ được tính mềm dẻo.
212-05-21. Giấy
Thuật ngữ chung dùng cho một loạt vật liệu được làm thành tấm hoặc tấm cuộn cố kết bằng cách làm lắng đọng các chất lơ lửng trong chất lỏng lên thiết bị tạo hình thích hợp có các sợi thực vật, động vật hoặc sợi tổng hợp, hoặc các sợi khoáng hoặc hỗn hợp của chúng, có hoặc không bổ sung thêm các chất khác.
212-05-22. Bìa
Bìa giấy
Thuật ngữ chung sử dụng cho một số loại giấy nhất định thường đặc trưng bởi độ cứng tương đối cao.
CHÚ THÍCH: Đối với một số mục đích, vật liệu có độ grammage (khối lượng cơ bản) nhỏ hơn 225 g/m2 được coi là giấy, còn vật liệu có độ grammage lớn hơn hoặc bằng 225 g/m2 thì được coi là bìa.
212-05-23. Nhựa có lỗ
Nhựa xốp
Nhựa mà khối lượng riêng của chúng giảm đi do có nhiều hốc rỗng nhỏ, nối liền với nhau hoặc không, phân bố đều trong vật liệu.
212-05-24. Gốm
Vật liệu vô cơ được định hình rồi nung thường là chất chịu lửa (ví dụ như silicat, oxit, titanate) và kết tinh khi nguội.
212-05-25. Thuỷ tinh
Vật liệu vô cơ, thường là oxit hoặc hỗn hợp các oxit, tạo ra bằng cách nóng chảy và sau đó làm cứng mà không có kết tinh.
212-05-26. Thuỷ tinh gốm
Thuỷ tinh được kết tinh một phần.
212-05-27. Nhựa tổng hợp đúc
Nhựa đúc
Hỗn hợp lỏng có gốc là nhựa nhiệt cứng, mà có thể được rót hoặc đưa vào khuôn đúc và được làm cứng mà không cần ép thành vật cứng.
CHÚ THÍCH: sản phẩm được lưu hoá sẽ có các đặc tính tự chịu đựng và thưởng được lấy khỏi khuôn đúc. Xem thêm 212-03-04, bao kín.
212-05-28. Hợp chất kết bao
Hợp chất dạng lỏng được đặt vào bằng cách đúc. Xem thêm 212-03-02, đúc, và 212-03-05, kết bao.
212-05-29. Nhựa tổng hợp bao kín
Hợp chất có tính bám dính cao được sử dụng để bao kín. Thông thường hợp chất này có tính điền đầy cao và không dự kiến để ngâm tẩm các dây mảnh. Xem thêm 212-03-03, bao kín.
212-05-30. Nhựa tổng hợp dùng để ngâm tẩm
Hợp chất không có dung môi được đặt vào bằng kỹ thuật đúc hoặc nhúng và có độ bám dính thấp, để cho phép nhựa thâm nhập hoàn toàn vào cuộn dây mảnh và được làm cho đặc lại sau khi đặt. Xem thêm 212-05-33, men.
212-05-31. Nhựa nhỏ giọt
Nhựa tổng hợp ngâm tẩm được đặt vào bằng qui trình nhỏ giọt.
212-05-32. Bột phủ
Bột sau khi được làm cho bám vào bề mặt của đồ vật được chuyển thành lớp phủ liên tục. Xem thêm 212-03-06, lớp phũ bột nhựa hoá lỏng.
212-05-33. Vecni
Chất lỏng, có hoặc không có dung môi, có hoặc không có chất màu hoặc chất nhuộm, cứng lại sau khi đặt, và tạo lớp bảo vệ hoặc cải thiện bề mặt. Xem thêm 212-05-30, nhựa tổng hợp ngâm tẩm.
212-05-34. Emay (1)
Vecni có nhuộm màu có độ bóng cao khi đạt lên, và thường được sử dụng làm lớp vecni ngoài cùng.
Emay (2)
Vecni có công thức đặc biệt để sử dụng làm cách điện cho các sợi dây của dây quấn (dây tráng emay).
212-05-35. Sơn dầu
1. Emay khô nhanh (212-05-34-1) mà không cần sấy.
2. Lớp phủ khô nhanh và cứng lại chủ yếu do mất dung môi và thường không phải sấy. Đôi khi sơn dầu còn được sử dụng làm lớp vecni ngoài cùng.
212-05-36. Tráng thuỷ tinh (trên kim loại)
Lớp phủ nhẵn về cơ bản bằng thuỷ tinh được liên kết với bề mặt bằng cách nóng chảy. Lớp phủ này có thể có chứa các chất vô cơ để tạo mầu hoặc làm mờ.
212-05-37. Tráng men (trên gốm)
Lớp phủ nhẵn, về cơ bản là thuỷ tinh được liên kết với bề mặt bằng cách nóng chảy. Lớp phủ này có thể chứa các chất vô cơ để tạo màu hoặc làm mờ.
CHÚ THÍCH: Có một số loại men thuỷ tinh có thể là vật liệu dẫn hoặc bán dẫn.
212-05-38. Láng bóng (trên giấy hoặc bìa)
Giấy hoặc bìa được láng bóng bề mặt theo qui trình làm khô thích hợp hoặc qui trình hoàn thiện bằng cơ khí thích hợp.
212-05-39. Chất bổ sung
Chất dạng lỏng hoặc rắn được bổ sung vào nhựa tổng hợp hoặc chất dẻo để giảm chi phí.
212-05-40. Chất kết dính
Thuật ngữ chung dùng cho tất cả các vật liệu phi kim loại mà có thể liên kết với các chất rắn bằng liên kết bề mặt và liên kết bên trong (bám dính và cố kết).
212-05-41. Xi măng
Chất nền được đặt vào ở trạng thái mềm và sền sệt sau đó cứng lại và được sử dụng để liên kết các bề mặt với nhau.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ xi măng cũng được sử dụng với nghĩa kết dính, xem 212-03-14.
212-05-42. Chất nền
Vật liệu nền mà trên hoặc trong đó có linh kiện điện hoặc điện tử được đặt hoặc đúc.
212-05-43. Vật liệu nền (dùng cho tấm mạch in)
Vật liệu cách điện trên đó có thể hình thành các đường dẫn.
CHÚ THÍCH: Vật liệu này có thể cứng hoặc mềm.
212-05-44. Vật liệu nền
Vật liệu mềm mang theo chất dính để tạo thành băng dính.
212-05-45. Vật liệu (cách điện) kết hợp
Tấm hoặc tấm cuộn mềm (212-05-01) gồm hai hoặc nhiều vật liệu cách điện khác nhau liên kết với nhau.
212-05-46. Băng dính
Băng dính cho bản thân nó hoặc để dính các vật liệu khác có hoặc không có xử lý ngay trước khi sử dụng.
212-05-47. Băng dính nhạy với áp suất
Băng dính không yêu cầu xử lý trước và dính vào vị trí khi có áp suất.
212-05-48. Vật liệu ngâm tẩm trước (đối với các điện)
Vật liệu cách điện đã được ngâm tẩm, thích hợp để lưu hoá sau khi đặt vào. Thuật ngữ này thường chỉ được sử dụng cho tấm, tấm cuộn (212-05-01) hoặc băng (212-05-03) có chất ngâm tẩm bán lưu hoá.
212-05-49. Trộn trước (đối với cách điện)
Vật liệu ngâm tẩm trước (212-05-48) không có hình dạng xác định.
212-05-50. Nhiều lớp
Sản phẩm được làm bằng cách liên kết hai hoặc nhiều lớp vật liệu giống nhau hoặc khác nhau với nhau.
212-05-51. Vải phủ vecni
Vải có phủ thường là trên cả hai phía và ở mức độ phủ khác nhau được ngâm tẩm bằng vecni cách điện mềm hoặc nhựa tổng hợp. Có thể sử dụng lớp phủ đàn hồi đối với các sản phẩm tương tự.
212-05-52. Polyme độ dẫn thấp
Polyme có độ dẫn điện đủ để tiêu tán điện tích tĩnh điện trên nó.
212-05-53. Polyme độ dẫn cao
Polyme có độ dẫn điện đủ để cho phép sử dụng cho các ứng dụng mang dòng.
212-05-54. Vecni dẫn điện
Vecni mà sau khi hoá rắn có độ dẫn điện đủ để khống chế ứng suất điện trên bề mặt mà nó phủ lên.
Mục 212-06 - Thuật ngữ liên quan đến các vật liệu cách điện cụ thể
212-06-01. Giấy xenlulô
Giấy được làm từ sợi xenlulô.
212-06-02. Giấy cotton
Giấy được làm hoàn toàn từ cotton hoặc sợi cotton.
212-06-03. Giấy cráp
Giấy được làm hoàn toàn từ bột giấy có độ bền cơ cao, được chế tạo từ bột gỗ mềm theo qui trình sunfat.
212-06-04. Giấy manila
Giấy làm hoàn toàn từ sợi gai manila.
212-06-05. Giấy hỗn hợp manila/cráp
Giấy làm từ sợi gai manila có thêm bột gỗ mềm được chế tạo theo qui trình sunfat.
212-06-06. Giấy lụa Nhật bản
Giấy xenlulô nhẹ được đặc trung bởi các sợi dài và có độ bền kéo cao theo chiều dọc.
212-06-07. Giấy kếp
Giấy đã được tạo kếp (xem 212-03-17).
212-06-08. Giấy cráp dùng cho tụ điện
Giấy cráp nhẹ (212-06-03) thường có mật độ cao, và độ tinh khiết hoá học cao có được bằng cách rửa cẩn thận bột giấy.
212-06-09. Giấy dùng trong tụ điện phân
Giấy xenlulô có độ xốp cao, dùng để chứa chất điện phân trong tụ điện phân.
212-06-10. Giấy không thấm dầu
Giấy không có bột nghiền bằng cơ, có khả năng chống thấm dầu hoặc mỡ cao. Khả năng này có được bằng cách tăng cường xử lý về cơ trước khi đưa vào lưu kho.
212-06-11. Giấy ép
Giấy nhiều lớp được làm bằng quá trình liên tục từ bột giấy có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật và có độ tinh khiết hoá học cao. Giấy này được đặc trưng bởi khối lượng riêng, chiều dày, độ nhẵn bề mặt, độ bền cơ, khả năng chống lão hoá và các đặc tính cách điện cao.
212-06-12. Bìa ép
Bìa được làm trên máy ép bìa không liên tục từ bột giấy có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật và có độ tinh khiết hoá học cao. Bìa này được đặc trưng bởi khối lượng riêng, thậm chí cả chiều dày, độ nhẵn bề mặt tương đối cao, độ bền cơ, độ mềm dẻo và các đặc tính cách điện cao. Đối với một số mục đích, bề mặt này có thể được làm mịn.
212-06-13. Bìa ép được ép trước
Bìa ép mà trong quá trình ép có sử dụng nhiệt để loại bỏ nước thừa, làm chắc các lớp gỗ và dồn ép vật liệu.
212-06-14. Sợi lưu hoá
Vật liệu gần như đồng nhất gồm có xenlulô hydrat, được làm bằng cách cho xenlulô chịu quá trình giả da.
212-06-15. mica
Các silic kép kết tinh trong đó có hai loại được sử dụng cho các mục đích điện:
1. Muscovite (mica nhôm-kali cacbonat), tương đối cứng.
2. Mica vàng (Mica nhôm-magiê- kali cacbonat), tương đối mềm.
212-06-16. Mica tổng hợp
Vật liệu nhân tạo mà về cơ bản có thành phần và cấu trúc giống với mica tự nhiên.
212-06-17. Mica khối
Mica được cắt bằng dao tỉa để có chiều dày tối thiểu quy định, thường khoảng 200 µm.
212-06-18. Mica tách
Lớp mica được tách từ mica khối hoặc tấm mica mỏng, và có chiều dày tối đa quy định, thường khoảng 30 µm.
212-06-19. Giấy mica
Giấy (212-05-21) được làm hoàn toàn từ những mảnh mica rất nhỏ.
212-06-20. Giấy mica qua xử lý
Giấy mica có chất kết dính thích hợp.
212-06-21. Mica dán
Một hoặc nhiều lớp mica được liên kết với nhau bằng chất kết dính thích hợp.
212-06-22. Vật liệu mica mềm
Mica dán hoặc giấy mica đã qua xử lý có hoặc không có lõi tăng cường, có độ mềm đủ để cho phép cuộn hoặc quấn vào bên trong một không gian nhỏ mà không cần gia nhiệt. Độ mềm này có thể được duy trì vĩnh viễn. Vật liệu sẵn có ở dạng tờ và/hoặc cuộn, ví dụ các băng và tờ mica mềm dùng cho cách điện của ruột dẫn, cách điện của cuộn dây và cách điện rãnh.
212-06-23. Vật liệu mica cứng
Mica dán hoặc giấy mica đã qua xử lý có hoặc không có lõi tăng cường, được ép thành dạng các miếng phẳng, ví dụ bộ cách ly các phiến góp, tấm gia nhiệt.
212-06-24. Vật liệu mica đúc
Vật liệu mica cứng có khả năng định hình đến hình dạng cần có của nó khi đúc có gia nhiệt.
212-06-25. Vật liệu mica có khả năng liên kết nhiệt
Mica dán hoặc giấy mica đã qua xử lý, có hoặc không có tăng cường, liên kết với bản thân nó khi được gia nhiệt, ví dụ lá mica hoặc băng mica có chất gắn kết là nhựa nhiệt dẻo hoặc nhựa nhiệt cứng.
212-06-26. Vật liệu mica làm cổ góp
Mica dán loại cứng hoặc giấy mica đã xử lý có khả năng nén thấp và dung sai kích thước thấp được sử dụng để lắp vào cổ góp.
212-06-27. Mica dạng tấm dùng cho bộ gia nhiệt
Mica dán loại cứng hoặc giấy mica đã qua xử lý được sử dụng cho các phần tử gia nhiệt.
Mục 212-07 - Thuật ngữ chung liên quan đến vật liệu cách điện dạng lỏng hoặc khí
212-07-01. Khí có điện tích âm
Khí giữ các điện tử tự do và hình thành các iôn âm vì thế ngăn ngừa việc phóng điện tĩnh điện.
212-07-02. Dầu khoáng cách điện
Chất lỏng cách điện được lấy từ dầu thô là hỗn hợp phức tạp của các hydro cácbon với một lượng nhỏ các chất hoá học tự nhiên khác.
212-07-03. Dầu cách điện loại naphten
Dầu khoáng cách điện được lấy từ dầu thô không có thành phần sáp hoặc có nhưng thấp.
CHÚ THÍCH: Loại dầu này thường có điểm chảy thấp.
212-07-04. Dầu cách điện loại paraffin
Dầu khoáng cách điện được lấy từ dầu thô về cơ bản có thành phần sáp.
CHÚ THÍCH: Có thể cần một quá trình loại bỏ sáp và/hoặc sử dụng chất ức chế điểm chảy để đáp ứng các yêu cầu về điểm chảy.
212-07-05. Dầu polyolefin
Chất lỏng cách điện gồm một chuỗi các hydro cácbon paraffin thẳng hoặc phân nhánh, có được bằng cách polyme hoá các olefin thấp hơn.
CHÚ THÍCH: Dầu này gồm các polybuten.
212-07-06. Hydrocarbon thơm tổng hợp
Chất lỏng cách điện gồm các cấu trúc thơm mạch vòng có các chuỗi hydrocarbon paraffin thẳng hoặc phân nhánh thay thế.
CHÚ THÍCH: Các hydrocarbon này bao gồm alkylbenzen, alkylnaphthalen.
212-07-07. Ester hữu cơ tổng hợp
Chất lỏng cách điện tạo thành từ axit và alcohol thông qua các phản ứng hoá học.
CHÚ THÍCH: Các ester này gồm một, hai và đa phân tử ester.
212-07-08. Askarel
Chất lỏng cách điện tổng hợp, chịu cháy mà, khi bị phân huỷ bởi hồ quang điện, sẽ tạo ra hỗn hợp khí không cháy.
CHÚ THÍCH: Askarel được sử dụng hiện nay gồm biphenyl polychlorinate có hoặc không có chất phụ gia benzene polychlorinated.
212-07-09. Biphenyl polychlorinate PCB (viết tắt)
Chất lỏng cách điện gồm hỗn hợp của một số hợp chất đẳng phân và đồng nhất, có được bằng cách thay ít nhất hai nguyên tử hydro trong phân tử biphenol bằng các nguyên tử clo.
212-07-10. Benzene polychlorinate
Chất lỏng cách điện gồm hỗn hợp một của số chất đẳng phân và đồng nhất, có được bằng cách thay ba hoặc bốn nguyên tử hydro trong phân tử benzene bằng các nguyên tử clo.
212-07-11. Chất lỏng silicone
Chất lỏng cách điện có cấu trúc polyme organosiloxane dạng lỏng mà thường gồm các chuỗi nguyên tử silicon hoặc oxy dạng thẳng trong đó có các gốc hữu cơ liên kết với từng phân tử silicon.
212-07-12. Chất phụ gia
Một chất cụ thể thường được thêm vào chất lỏng cách điện với một tỷ lệ nhỏ để làm tăng một số đặc tính nhất định.
212-07-13. Chất chống ôxy hoá
Chất phụ gia có trong chất cách điện rắn hoặc lỏng để làm giảm hoặc làm chậm quá trình suy giảm chất lượng do ôxy hoá.
212-07-14. Chất làm thụ động
Chất làm giảm hoạt động
Chất phụ gia có trong chất lỏng cách điện để tăng khả năng chống ôxy hoá bằng cách làm giảm hoạt hoá của kim loại rắn hoặc kim loại hoà tan tác động như một chất xúc tác ôxy hoá.
212-07-15. Chất chống muội
Chất phụ gia có trong chất lỏng cách điện để phản ứng với các thành phần ion hoá gây ra do suy giảm chất lượng.
212-07-16. Chất làm giảm điểm chảy
Chất phụ gia cho phép giảm điểm chảy của dầu khoáng cách điện.
212-07-17. Dầu cách điện không tự do
Dầu khoáng có chứa chất ôxy hoá.
CHÚ THÍCH: ở một số nước, dầu cách điện không tự do được định nghĩa là dầu khoáng cách điện có chứa tối thiểu 0,15 % theo khối lượng, nhưng không vượt quá 0,40 % theo khối lượng chất 2,6-di-tert-butyl- paracresol (DBPC) hoặc 2,6-di-tert-butyl-phenol (DBP).
212-07-18. Dầu cách điện tự do
Dầu khoáng cách điện, không chứa chất chống ôxy hoá, nhưng có thể chứa chất phụ gia.
CHÚ THÍCH: ở một số nước, dầu chứa 2,6-di-tert- butyl paracresol (DBPC) hoặc 2,6-di-tert-butyl-phenol (DBP) đến 0,08 % theo khối lượng được coi là dầu tự do.
212-07-19. Dầu cách điện thụ động hoá
Dầu khoáng mà ngoài chất chống ôxy hoá còn chứa chất làm thụ động hoá.
212-07-20. Chất lỏng cách điện chưa sử dụng
Chất lỏng cách điện như khi được phân phối bởi nhà cung ứng.
212-07-21. Chất lỏng cách điện đã qua xử lý
Chất lỏng cách điện chưa sử dụng được xử lý một cách thích hợp để sử dụng trong thiết bị.
212-07-22. Chất lỏng cách điện đã đổ đầy
Chất lỏng cách điện chưa sử dụng nằm trong thiết bị còn mới trước khi cấp điện.
212-07-23. Chất lỏng cách điện sử dụng
Chất lỏng cách điện có một số đặc tính nhất định bị thay đổi sau khi cấp điện vào thiết bị.
212-07-24. Sáp X
Vật liệu rắn tách khỏi dầu khoáng cách điện do phóng điện và thường có các mảnh phân tử được polyme hoá của chất lỏng ban đầu.
CHÚ THÍCH: sản phẩm tương đương có thể được hình thành từ các chất lỏng khác trong các điều kiện tương tự.
212-07-25. Sáp paraffin
Vật liệu rắn, thường chứa hydrocarbon bão hoà, mà có thể tách đồng thời trong quá trình làm nguội dầu khoáng cách điện.
212-07-26. Chất gây bẩn nhiễm
Chất bên ngoài hoặc vật liệu trong chất lỏng cách điện hoặc chất khí cách điện thường có ảnh hưởng có hại đến một hoặc nhiều thuộc tính.
Mục 212-08 - Thuật ngữ liên quan đến đặc tính và thử nghiệm chất cách điện lỏng và khí
212-08-01. Màu (của chất lỏng cách điện)
Giá trị bằng số khi so sánh mẫu chất lỏng với chuỗi màu chuẩn có ánh sáng truyền qua trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-02. Ngoại quan (của chất lỏng cách điện)
Đặc tính nhìn thấy được của mẫu đại diện của chất lỏng cách điện được kiểm tra trong lớp tương đối dày.
212-08-03. Độ nhớt động
Tính chất của một chất lỏng do có sự cản trở dòng chảy bên trong chống lại chuyển động tương đối của các lớp liền kề.
CHÚ THÍCH: Độ nhớt động là tỷ số giữa ứng suất dịch chuyển và gradient tốc độ.
212-08-04. Độ nhớt động học
Thương của độ nhớt động và khối lượng riêng, cả hai được đo ở cùng nhiệt độ.
212-08-05. Điểm chớp cháy
Nhiệt độ thấp nhất mà tại đó sản phẩm phải được gia nhiệt để hơi phát ra được mồi cháy ngay khi có ngọn lửa, trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-06. Điểm cháy
Nhiệt độ thấp nhất mà tại đó sản phẩm mồi cháy rồi tiếp tục cháy trong thời gian quy định sau khi đặt ngọn lửa nhỏ vào bề mặt của sản phẩm trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-07. Nhiệt độ tự mồi cháy
Nhiệt độ mồi cháy tự phát của sản phẩm khi có ngọn lửa, được xác định trong các điều kiện quy định.
212-08-08. Điểm chảy
Nhiệt độ thấp nhất mà tại đó chất lỏng cách điện sẽ tiếp tục chảy khi được làm lạnh trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-09. Điểm mây
Nhiệt độ mà tại đó chất lỏng cách điện trong suốt trở nên mù sương hoặc vẩn đục khi được làm lạnh trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-10. Sức căng giữa hai bề mặt
Lực hấp dẫn phân tử giữa hai phân tử không giống nhau tại mặt phân cách giữa chất lỏng/chất lỏng.
212-08-11. Điểm sương
Nhiệt độ tại đó hơi nước trong khí cách điện lắng xuống như dạng chất lỏng hoặc sương giá trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-12. Nhiệt độ ngưng tụ
Nhiệt độ mà tại đó khí cách điện bắt đầu lắng xuống thành dạng lỏng, ở giá trị áp suất cho trước.
212-08-13. Áp suất ngưng tụ
Áp suất tại đó khí cách điện bắt đầu lắng xuống thành dạng lỏng, ở giá trị nhiệt độ cho trước.
212-08-14. Điểm anilin
Nhiệt độ thấp nhất mà tại đó hai thể tích bằng nhau của aniline và của sản phẩm đang thử nghiệm có thể trộn lẫn hoàn toàn, trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-15. Số axit
Giá trị trung tính hoà
Số miligam của kali hydroxide (KOH) cần thiết để trung hoà các thành phần axit có trong một gam sản phẩm, trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-16. Số xà phòng hoá
Số miligam kali hydroxiđe (KOH) cần dùng để trung hoà và xà phòng hoá một gam sản phẩm, trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-17. Độ ổn định thuỷ phân
Khả năng một sản phẩm chịu phản ứng hoá học với nước để tạo ra axit và các chất khác.
212-08-18. Cặn
Các sản phẩm suy giảm chất lượng không hoà tan hình thành trong chất lỏng cách điện do lão hoá.
212-08-19. Độ ổn định ôxy hoá
Khả năng chịu lão hoá ôxy hoá của chất lỏng cách điện.
212-08-20. Giai đoạn cảm ứng
Khoảng thời gian trong đó chất lỏng cách điện cho thấy không suy giảm chất lượng đáng kể trong các điều kiện oxy hoá gia tốc tiêu chuẩn.
212-08-21. Lưu huỳnh ăn mòn
Lưu huỳnh tự do và hợp chất lưu huỳnh ăn mòn được phát hiện bằng cách cho đồng tiếp xúc với chất lỏng cách điện trong các điều kiện tiêu chuẩn hoá.
212-08-22. Khả năng thuỷ phân clo (trong askarel)
Tổng lượng hỗn hợp clo có thể thuỷ phân hình thành trong askarel sau khi xử lý kiềm theo quy định.
212-08-23. Chất chống muội tương đương (của askarel)
Lượng axit clohydric acid (HCI) phản ứng hoá học với chất chống muội chứa trong mẫu askarel cho trước để hình thành sản phẩm phản ứng khó bay hơi.
212-08-24. Sự ổn định về nhiệt
Khả năng chịu nhiệt độ tăng cao trong thời gian dài của chất lỏng cách điện khi không có ôxy.
212-08-25. Lão hoá
Sự thay đổi không thể đảo ngược ở một hoặc nhiều đặc tính của chất cách điện dạng rắn, lỏng hoặc khí do sử dụng bình thường của chúng.
212-08-26. Lão hoá gia tốc
Lão hoá được gia tốc bằng cách tăng cường mức và/hoặc tần xuất áp dụng các yếu tố lão hoá vượt quá các điều kiện vận hành dự kiến.
CHÚ THÍCH: Các yếu tố lão hoá có thể là nhiệt độ, ứng suất cơ và điện, các điều kiện môi trường.
212-08-27. Sự tách khí (khi có ứng suất điện)
Quá trình trong đó khí được tách ra hoặc hấp thụ bởi chất lỏng cách điện khi chịu ứng suất điện có cường độ đủ lớn để gây ra phóng điện tĩnh điện thông qua pha khí khi có giao diện khí/lỏng.
CHÚ THÍCH: Các kết quả thử nghiệm tách khí được thể hiện dưới dạng thể tích hoặc tốc độ. Thông thường giá trị này là dương nếu khí được tách ra trong thử nghiệm và là âm nếu khí được hấp thụ.
212-08-28. Hình thành khí
Quá trình mà trong đó khí được tách ra bằng chất lỏng cách điện khi chịu nhiệt độ cao hoặc các điều kiện phóng điện xuyên thủng.
212-08-29. Xả khí
Sự giải phóng các khí hoà tan khỏi chất lỏng cách điện do thay đổi điều kiện hoà tan.
212-08-30. Chất lỏng hấp thụ khí
Chất lỏng cách điện sẽ hấp thụ khí khi đặc tính tách khí của nó chịu ứng suất điện được thử nghiệm trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-31. Chất lỏng tách khí
Chất lỏng cách điện sẽ tách khí khi đặc tính tách khí của chúng chịu ứng suất điện được thử nghiệm trong các điều kiện tiêu chuẩn.
212-08-32. Phân tích kiểu cácbon
Thành phần dầu khoáng cách điện được thể hiện dưới dạng tỷ số giữa nguyên tử cacbon trong cấu trúc thơm, naphthen and paraffin và phân tử dầu.
212-08-33. Thành phần cacbon thơm
Tỷ số giữa nguyên tử cácbon có trong cấu trúc thơm và tổng thành phần nguyên tử cácbon.
212-08-34. Thành phần hydrocarbon thơm
Giá trị phần trăm theo khối lượng giữa phân tử chứa ít nhất một vòng thơm trong dầu khoáng cách điện.
Mục 212-09 - Thuật ngữ liên quan đến xử lý chất lỏng và chất khí cách điện
212-09-01. Ngâm tẩm
Quá trình điền đầy chất lỏng vào các khe hở hoặc chỗ trống trong vật liệu cách điện hoặc kết hợp các vật liệu.
CHÚ THÍCH: Chất lỏng có thể vẫn là chất lỏng hoặc trở thành chất rắn sau quá trình ngâm tẩm.
212-09-02. Xử lý bằng axit
Quá trình lọc trong đó dầu khoáng cách điện được cho tiếp xúc với axit sunphuric để cải thiện một số tính chất nhất định.
212-09-03. Xử lý bằng hydro
Quá trình lọc trong đó dầu khoáng cách điện được phản ứng với khí hydro ở nhiệt độ và áp suất nâng cao có chất xúc tác, để cải thiện một số tính chất nhất định.
212-09-04. Ổn định lại
Quá trình làm giảm hàm lượng chất rắn và hàm lượng nước của chất lỏng cách điện đã qua sử dụng đến mức chấp nhận được bằng các biện pháp cơ khí.
CHÚ THÍCH: Thông thường ổn định lại bao gồm cả sự tách khí.
212-09-05. Phục hồi
Việc loại bỏ các chất bẩn có thể hoặc không thể hoà tan khỏi chất lỏng cách điện bằng biện pháp hấp thu hoá học, bổ sung cho biện pháp cơ khí, để phục hồi các đặc tính càng sát với giá trị ban đầu càng tốt.
CHÚ THÍCH: Quá trình này có thể gồm cả việc sử dụng chất chống oxy hoá.
212-09-06. Lọc lại
Việc sử dụng các kỹ thuật lọc cho các chất lỏng cách điện để đạt được sản phẩm có chất lượng về cơ bản là tương đương với các chất chưa sử dụng với cùng một mục đích.
212-09-07. Xử lý bằng chất hút dạng rắn
Quá trình làm tinh khiết chất lỏng cách điện cần dùng bằng cách cho chảy qua hoặc tiếp xúc với chất hút thu dạng rắn.
212-09-08. Xử lý chân không
Quá trình làm giảm hàm lượng khí và nước của chất lỏng cách điện bằng cách giảm áp suất và tăng nhiệt độ của chất lỏng cách điện theo lớp mỏng hoặc phun.
212-09-09. Hàm lượng khí (trong chất lỏng cách diện)
Thể tích của khí hoà tan trong một đơn vị thể tích chất lỏng cách điện, thường được biểu thị bằng phần trăm.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
Mục 212-01: Thuật ngữ liên quan đến đặc tính điện của vật liệu, chất lỏng hoặc chất khí dùng làm cách điện
Mục 212-02: Thuật ngữ liên quan đến đặc tính vật lý không phải các đặc tính điện của vật liệu cách điện
Mục 212-03: Thuật ngữ liên quan đến xử lý vật liệu cách điện
Mục 212-04: Thuật ngữ về hóa học dùng cho vật liệu cách điện
Mục 212-05: Thuật ngữ chung dùng cho vật liệu cách điện
Mục 212-06: Thuật ngữ liên quan đến các vật liệu cách điện cụ thể
Mục 212-07: Thuật ngữ chung liên quan đến vật liệu cách điện dạng lỏng hoặc khí
Mục 212-08 : Thuật ngữ liên quan đến đặc tính và thử nghiệm chất cách điện lỏng và khí
Mục 212-09 : Thuật ngữ liên quan đến xử lý chất lỏng và chất khí cách điện