TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ - PHẦN 471: CÁI CÁCH ĐIỆN
International electrotechnical vocabulary – Part 471: Insulators
Lời nói đầu
TCVN 8095-471 : 2009 thay thế TCVN 3677-81;
TCVN 8095-471 : 2009 hoàn toàn tương đương với IEC 60050-471 : 2007;
TCVN 8095-471 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụ điện biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
TCVN 8095-471 : 2009 là một phần của bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095.
Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095 (IEC 60050) hiện đã có các tiêu chuẩn sau:
1) TCVN 8095-212 : 2009 (IEC 60050-212 : 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 212: Chất rắn, chất lỏng và chất khí cách điện
2) TCVN 8095-436 : 2009 (IEC 60050-436 : 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 436: Tụ điện công suất
3) TCVN 8095-461 : 2009 (IEC 60050-461 : 2008), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 461: Cáp điện
4) TCVN 8095-466 : 2009 (IEC 60050-466 : 1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 466: Đường dây trên không
5) TCVN 8095-471 : 2009 (IEC 60050-471 : 2007), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 471: Cái cách điện
6) TCVN 8095-521 : 2009 (IEC 60050-521 : 2002), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 521: Linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp
7) TCVN 8095-845 : 2009 (IEC 60050-845 : 1978), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, Phần 845: Chiếu sáng
TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ - PHẦN 471: CÁI CÁCH ĐIỆN
International electrotechnical vocabulary – Part 471: Insulators
Tiêu chuẩn này đưa ra thuật ngữ chung sử dụng trong cái cách điện.
Thuật ngữ này phù hợp với thuật ngữ được xây dựng trong các tiêu chuẩn khác của bộ tiêu chuẩn này.
471-01-01. Khoảng cách hồ quang
Khoảng cách ngắn nhất trong không khí bên ngoài tới cái cách điện giữa các phần kim loại mà bình thường có điện áp làm việc giữa chúng.
471-01-02. Cái cách điện ghép
Cái cách điện được làm từ ít nhất hai phần cách điện được gọi là lõi và vỏ có các phụ kiện đầu mút.
CHÚ THÍCH: Cái cách điện ghép, ví dụ, có thể gồm các mái che riêng rẽ được lắp trên một lõi, có hoặc không có vỏ trung gian, hoặc thay vào đó là có vỏ được đúc trực tiếp vào một hoặc một số mảnh rời trên lõi.
471-01-03. Lõi của cái cách điện
Phần cách điện ở giữa của cái cách điện đảm bảo các đặc tính về cơ.
CHÚ THÍCH: Vỏ bọc và mái che phải là một phần của lõi.
471-01-04. Chiều dài đường rò
Khoảng cách ngắn nhất hoặc tổng các khoảng cách ngắn nhất dọc theo bề mặt trên cái cách điện, đo giữa hai phần dẫn mà bình thường giữa chúng có điện áp làm việc.
CHÚ THÍCH 1: Bề mặt bằng xi măng hoặc vật liệu liên kết không cách điện khác không được coi là tạo thành chiều dài đường rò.
CHÚ THÍCH 2: Nếu một lớp phủ có điện trở cao đặt lên các phần cách điện, các phần này được coi là các bề mặt cách điện hiệu quả và khoảng cách qua chúng được tính vào chiều dài đường rò.
471-01-05. Võng do tải uốn
Độ dịch chuyển của một điểm trên cái cách điện, được đo vuông góc với trục, do ảnh hưởng của tải đặt vuông góc với trục này.
471-01-06. Phụ tùng đầu mút
Thành phần lắp liền hoặc phần tạo thành cái cách điện được thiết kế để nối cái cách điện với kết cấu đỡ hoặc với dây dẫn hoặc với hạng mục của thiết bị hoặc với cái cách điện khác.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp phụ tùng đầu mút bằng kim loại thì thường sử dụng thuật ngữ “phụ tùng kim loại”.
471-01-07. Phóng điện bề mặt (của cái cách điện)
Phóng điện đánh thủng từ bên ngoài đến cái cách điện và bên trên bề mặt của cái cách điện, nối các phần mà giữa chúng thường có điện áp làm việc.
471-01-08. Cái cách điện rỗng
Cái cách điện có lỗ thông từ đầu này đến đầu kia, có hoặc không có mái che, kể cả phụ tùng đầu mút.
CHÚ THÍCH: Cái cách điện rỗng có thể được làm từ một hoặc nhiều phần tử cách điện lắp ráp vĩnh viễn với nhau.
471-01-09. Vỏ bọc
Phần cách điện bên ngoài của cái cách điện ghép tạo ra chiều dài đường rò cần thiết và bảo vệ lõi khỏi môi trường.
CHÚ THÍCH: Vỏ trung gian được làm bằng vật liệu cách điện có thể được coi là một phần của vỏ.
471-01-10. Cái cách điện
Thiết bị được thiết kế để cách điện và dùng để cố định trang bị về cơ hoặc dây dẫn và chịu chênh lệch điện thế.
471-01-11. Thân cái cách điện
Phần cách điện ở giữa của cái cách điện từ đó các mái che nhô ra.
471-01-12. Tải gây hỏng về cơ
Tải lớn nhất đạt được khi cái cách điện được thử nghiệm trong các điều kiện thử nghiệm quy định.
471-01-13. Cái cách điện bằng polyme
Cái cách điện mà phần thân cách điện gồm ít nhất là một vật liệu gốc hữu cơ.
CHÚ THÍCH 1: Cái cách điện bằng polyme còn được gọi là cách điện không phải bằng gốm.
CHÚ THÍCH 2: Chi tiết ghép nối có thể gắn chặt với các đầu của phần thân cách điện.
471-01-14. Phóng điện đâm xuyên (của cái cách điện)
Phóng điện đánh thủng xuyên qua vật liệu cách điện rắn của cái cách điện làm mất vĩnh viễn độ bền điện môi.
471-01-15. Mái che (của cái cách điện)
Phần cách điện, nhô ra từ thân cái cách điện, được thiết kế để làm tăng chiều dài đường rò.
CHÚ THÍCH: Mái che có thể có hoặc không có gân.
471-01-16. Chiều dài đường rò riêng đồng nhất
Chiều dài đường rò của cái cách điện chia cho giá trị hiệu dụng của điện áp làm việc cao nhất đặt lên cái cách điện.
CHÚ THÍCH 1: Định nghĩa này khác với định nghĩa chiều dài đường rò riêng trong trường hợp sử dụng giá trị pha-pha của điện áp cao nhất dùng cho thiết bị (đối với hệ thống điện xoay chiều thường là Um /). Đối với cách điện pha-đất, định nghĩa này sẽ đưa ra giá trị bằnglần giá trị cho bởi định nghĩa chiều dài đường rò riêng của IEC 60815.
CHÚ THÍCH 2: Đối với ‘Um’ xem IEV 604-03-01.
CHÚ THÍCH 3: Giá trị này thường có đơn vị là mm/kV.
471-01-17. Lớp men
Lớp bề mặt trong suốt nằm trên phần cách điện của cái cách điện gốm.
471-01-18. Lớp men bán dẫn
Lớp men có suất điện trở khối thấp hơn giá trị của vật liệu gốm hoặc lớp men thông thường sao cho suất điện trở bề mặt của nó thường nằm trong dải từ 104 đến 108.
471-01-19. Chiều dài đường rò có bảo vệ
Phần chiều dài đường rò trên phía được chiếu sáng của cái cách điện mà phần này có thể nằm trong phần bị che khuất nếu ánh sáng được chiếu lên cái cách điện ở góc 90o (hoặc 45o trong trường hợp đặc biệt) so với trục dọc của cái cách điện.
471-01-20. Khoảng trống
Khoảng cách giữa hai điểm liên tiếp xuất hiện ở những vị trí lặp lại trên cái cách điện hoặc cụm cái cách điện.
471-01-21. Cái cách điện lõi đặc
Cái cách điện có lõi là đặc và chỉ gồm một vật liệu cách điện đồng nhất.
471-01-22. Cái cách điện nhiều phần tử
Cái cách điện có thân cách điện gồm một hoặc nhiều phần tử cách điện dạng chuông hoặc dạng đĩa được ghép vĩnh viễn với nhau và với (các) cơ cấu cố định.
471-01-23. Cái cách điện kiểu chống nhiễm bẩn
Cái cách điện có hình dạng bên ngoài được thiết kế để sử dụng trong khu vực có nhiễm bẩn.
471-01-24. Thủy tinh qua tôi
Thủy tinh trong đó tạo ra ứng suất trước để cải thiện đặc tính cơ của nó.
471-01-25. Thủy tinh qua ủ
Thủy tinh được xử lý để loại bỏ các ứng suất bên trong.
471-01-26. Độ vồng lên (của cái cách điện)
Khoảng cách lớn nhất giữa trục trên lý thuyết của cái cách điện và đường cong là quỹ tích của tâm các mặt cắt ngang của cái cách điện không mang tải.
Mục 471-02 – Thuật ngữ liên quan đến ống lót
471-02-01. Ống lót
Chi tiết cho phép một hoặc một số dây dẫn xuyên qua vách ngăn như tường hoặc thùng chứa, và cách điện các ruột dẫn với vách ngăn đó.
CHÚ THÍCH 1: Phương tiện gắn chặt với vách ngăn (mặt bích hoặc cơ cấu dùng để cố định) tạo thành một phần của ống lót. Ruột dẫn có thể tạo thành bộ phận liền với ống lót hoặc được luồn vào ống ở giữa của ống lót.
CHÚ THÍCH 2: Ống lót có thể là một trong số các kiểu sau:
- Ống lót chứa chất lỏng;
- Ống lót cách điện bằng chất lỏng;
- Ống lót chứa khí;
- Ống lót cách điện bằng khí;
- Ống lót bằng giấy ngâm tẩm dầu;
- Ống lót bằng giấy có liên kết nhựa tổng hợp;
- Ống lót bằng giấy ngâm tẩm nhựa tổng hợp;
- Ống lót bằng gốm, thủy tinh hoặc vật liệu vô cơ tương tự khác;
- Ống lót cách điện bằng nhựa tổng hợp đúc;
- Ống lót cách điện ghép;
- Ống lót cách điện chứa hợp chất;
- Ống lót ngâm tẩm khí.
471-02-02. Ống lót kiểu cắm vào
Ống lót mà một đầu được ngâm trong môi chất cách điện, đầu còn lại được thiết kế để tiếp nhận bộ nối cáp có cách điện tách ra được mà nếu không có thì ống lót không thể thực hiện chức năng được.
471-02-03. Ống lót được phân cấp theo điện dung
Ống lót tụ điện
Ống lót trong đó phân cấp điện áp mong muốn đạt được bằng cách bố trí các lớp dẫn hoặc bán dẫn kết hợp với vật liệu cách điện.
471-02-04. Ống lót ngâm hoàn toàn
Ống lót mà cả hai đầu đều được thiết kế để ngâm trong môi chất cách điện không phải không khí xung quanh (ví dụ dầu hoặc khí).
471-02-05. Ống lót dùng trong nhà
Ống lót mà cả hai đầu đều được thiết kế để sử dụng trong áp suất khí quyển của không khí xung quanh nhưng không chịu điều kiện của khí quyển ngoài trời.
471-02-06. Ống lót dùng trong nhà loại ngâm
Ống lót mà một đầu được thiết kế để sử dụng trong không khí xung quanh nhưng không chịu các điều kiện của khí quyển ngoài trời, đầu còn lại được ngâm trong môi chất cách điện không phải là không khí xung quanh (ví dụ dầu hoặc khí).
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này bao gồm ống lót làm việc trong không khí ở nhiệt độ lớn hơn nhiệt độ xung quanh ví dụ xuất hiện trong hệ thống ống cách điện bằng khí.
471-02-07. Ống lót dùng ngoài trời
Ống lót mà cả hai đầu đều được thiết kế để sử dụng trong không khí xung quanh ở áp suất khí quyển và chịu các điều kiện của khí quyển ngoài trời.
471-02-08. Ống lót loại ngâm dùng ngoài trời
Ống lót mà một đầu được thiết kế để sử dụng trong không khí xung quanh và chịu các điều kiện của khí quyển ngoài trời, đầu còn lại được ngâm trong môi chất cách điện không phải là không khí xung quanh (ví dụ dầu hoặc khí).
471-02-09. Ống lót ngoài trời – trong nhà
Ống lót mà cả hai đầu đều được thiết kế để sử dụng trong không khí xung quanh ở áp suất khí quyển. Một đầu được thiết kế để chịu các điều kiện khí quyển ngoài trời, đầu kia không chịu các điều kiện khí quyển ngoài trời.
471-02-10. Ống lót trên tường
Ống lót được thiết kế để lắp trên tường (mái) của tòa nhà ví dụ như hội trường có van chuyển đổi.
471-02-11. Ống luồn dây
Ống lót không có dây dẫn mang dòng lắp liền; cáp hoặc dây dẫn khác có thể luồn qua ống lót rồi gắn chặt với ống lót ở một đầu sao cho sau đó cáp hoặc dây dẫn có thể tách ra để rút ống lót.
Mục 471-03 - Thuật ngữ liên quan đến cái cách điện của đường dây trên không
471-03-01. Ghép nối kiểu ngàm kẹp
Ghép nối gồm một ngàm chữ U, một vạt nhô ra, một chốt ghép nối, và tạo ra sự linh hoạt nhất định.
471-03-02. Bộ cách điện
Cụm lắp ráp gồm một hoặc nhiều cái cách điện kiểu treo thích hợp được nối với nhau, có đủ phụ kiện đầu mút và cơ cấu bảo vệ như yêu cầu trong vận hành.
471-03-03. Chuỗi cách điện
Một hoặc nhiều khối cách điện ghép với nhau thành chuỗi và được thiết kế để có khả năng đỡ linh hoạt cho đường dây và chủ yếu chịu ứng suất kéo căng.
471-03-04. Cái cách điện đỡ đường dây
Cái cách điện rắn được thiết kế để chịu tải trọng của dầm chìa, tải trọng kéo căng và tải trọng nén, có một hoặc nhiều vật liệu cách điện và được lắp trên đế kim loại, đế kim loại được thiết kế để lắp cứng vững với kết cấu đỡ.
471-03-05. Cái cách điện dạng thanh dài
Cái cách điện được thiết kế để chịu tải trọng kéo căng gồm phần cách điện có thân hình trụ tròn, có hoặc không có mái che, có các cơ cấu dùng để cố định bên ngoài hoặc bên trong gắn với mỗi đầu của cái cách điện.
471-03-06. Cái cách điện loại có chân
Cái cách điện rắn gồm một phần tử là vật liệu cách điện được thiết kế để lắp cứng vững trên kết cấu đỡ bằng một chân xuyên vào bên trong phần cách điện, phần cách điện gồm một hoặc nhiều bát cách điện được nối cố định với nhau.
471-03-07. Cái cách điện có mũ và chân
Cái cách điện gồm phần cách điện thường có dạng đĩa hoặc chuông, có hoặc không có gân trên bề mặt, và cơ cấu cố định gồm mũ bên ngoài và chân bên trong gắn đồng trục.
471-03-08. Khối cách điện dạng chuỗi
Cái cách điện có mũ và chân là cái cách điện dạng thanh dài có các cơ cấu cố định thích hợp để gắn linh hoạt với khối cái cách điện dạng chuỗi tương tự hoặc nối với các phụ kiện để đấu nối.
471-03-09. Cái cách điện kiểu bắt ghim
Cái cách điện gồm phần cách điện và được thiết kế để gắn chắc chắn với kết cấu đỡ bằng một trục xuyên qua cái cách điện đó.
471-03-10. Cái cách điện dạng néo
Cái cách điện đặt trong kết cấu đỡ ví dụ như dây xích hoặc dây néo để cách ly với một phần của kết cấu đỡ và ngăn dòng điện rò chạy qua kết cấu đỡ đó.
471-03-11. Ghép nối hốc và cầu
Ghép nối gồm quả cầu, hốc và cơ cấu hãm, tạo độ linh hoạt
471-03-12. Cái cách điện bắt cứng
Cái cách điện được thiết kế để tạo giá đỡ cứng vững cho đường dây tải điện và chủ yếu chịu các tải uốn và tải nén.
Mục 471-04 - Thuật ngữ liên quan đến cái cách điện dùng cho trạm điện
471-04-01. Cái cách điện kiểu đỡ
Cái cách điện được thiết kế để đỡ cứng vững bộ phận mang điện mà được cách điện với đất và với bộ phận mang điện khác.
CHÚ THÍCH 1: Cái cách điện kiểu đỡ có thể là một cụm gồm một số khối cách điện kiểu đỡ.
CHÚ THÍCH 2: Cái cách điện kiểu đỡ dùng cho trạm điện cũng được gọi là cái cách điện kiểu đỡ dùng cho cột trạm điện.
471-04-02. Khối cách điện kiểu đỡ
Phần hợp thành của khối cách điện kiểu đỡ một cụm lắp ráp cố định gồm một hoặc nhiều phần cách điện hoàn chỉnh có đủ phụ kiện đầu mút.
471-04-03. Cái cách điện kiểu đỡ dùng ngoài trời
Cái cách điện kiểu đỡ được thiết kế để chịu các điều kiện khí quyển ngoài trời.
471-04-04. Cái cách điện kiểu đỡ dùng trong nhà
Cái cách điện kiểu đỡ không được thiết kế để chịu các điều kiện khí quyển ngoài trời.
471-04-05. Cái cách điện đỡ kiểu bệ
Cái cách điện có hai phần kim loại, mũ ôm lấy một phần cách điện và “bệ” được gắn vào hốc trong phần cách điện, mũ thường có lỗ được tiện ren và bệ thường có mặt bích có các lỗ không ren để gắn với nhau bằng bu lông hoặc vít.
471-04-06. Cái cách điện đỡ kiểu trụ
Cái cách điện đỡ có dạng hình trụ gồm một hoặc nhiều phần cách điện có cơ cấu cố định bằng kim loại gắn vào mỗi đầu; cơ cấu cố định bằng kim loại có thể là mũ, chi tiết chèn hoặc mặt bích có các lỗ không ren hoặc tiện ren để cố định bằng bu lông hoặc vít.
MỤC LỤC
Lời nói đầu ....................................................................................................................
Lời giới thiệu .................................................................................................................
1. Phạm vi áp dụng ........................................................................................................
2. Thuật ngữ và định nghĩa............................................................................................
Mục 471-01: Thuật ngữ chung.......................................................................................
Mục 471-02: Thuật ngữ liên quan đến ống lót...............................................................
Mục 471-03: Thuật ngữ liên quan đến cái cách điện của đường dây trên không.........
Mục 471-04: Thuật ngữ liên quan đến cái cách điện dùng cho trạm điện.....................