TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8257-7:2023
TẤM THẠCH CAO - PHƯƠNG PHÁP THỬ CƠ LÝ - PHẦN 7: XÁC ĐỊNH ĐỘ HẤP THỤ NƯỚC BỀ MẶT
Gypsum board - Test methods for physical testing - Part 7: Determination of surface water absorption
Lời nói đầu
TCVN 8257-7:2023 thay thế TCVN 8257-7:2009.
TCVN 8257-7:2023 do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 8257:2023 Tấm thạch cao - Phương pháp thử cơ lý, bao gồm các tiêu chuẩn sau:
- TCVN 8257-1:2023, Phần 1: Xác định kích thước, độ sâu của gờ vát và độ vuông góc của cạnh;
- TCVN 8257-2:2023, Phần 2: Xác định độ cứng của lõi, cạnh, gờ;
- TCVN 8257-3:2023, Phần 3: Xác định cường độ chịu uốn;
- TCVN 8257-4:2023, Phần 4: Xác định độ kháng nhổ đinh;
- TCVN 8257-5:2023, Phần 5: Xác định độ biến dạng ẩm;
- TCVN 8257-6:2023, Phần 6: Xác định độ hút nước;
- TCVN 8257-7:2023, Phần 7; Xác định độ hấp thụ nước bề mặt;
- TCVN 8257-8:2023, Phần 8: Xác định độ thẩm thấu hơi nước.
TẤM THẠCH CAO - PHƯƠNG PHÁP THỬ CƠ LÝ - PHẦN 7: XÁC ĐỊNH ĐỘ HẤP THỤ NƯỚC BỀ MẶT
Gypsum board - Test methods for physical testing - Part 7: Determination of surface water absorption
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ hấp thụ nước bề mặt của sản phẩm tấm thạch cao.
Tiêu chuẩn này là một phương pháp đánh giá khả năng chống thấm nước bề mặt của sản phẩm tấm thạch cao.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8256, Tấm thạch cao - Yêu cầu kỹ thuật.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 8256.
4 Nguyên tắc
Độ hấp thụ nước bề mặt của tấm thạch cao được xác định bằng cách duy trì một lượng nước tĩnh lặng trong khoảng thời gian quy định trên một diện tích xác định của bề mặt tấm thạch cao.
5 Lấy mẫu
Để tiến hành các phép thử, mẫu phải được lấy ít nhất ba tấm thạch cao trong một lô hàng. Mẫu thử phải được cắt từ các mẫu đã lấy theo quy định trong từng phép thử.
6 Thiết bị, dụng cụ
6.1 Vòng Cobb
Dụng cụ thử vòng Cobb có đường kính trong (11,28 ± 0,02) cm tương ứng với diện tích mặt cắt là 100 cm2 (Xem Hình 1), vòng có chiều cao 2,5 cm và chiều dày khoảng 0,6 cm, vòng được kẹp vào một tấm đế phẳng kích thước (15 × 15) cm với một thanh ngang kim loại có kích thước (17 × 2,5 × 0,6) cm và hai đai ốc vặn trên một cặp đinh vít. Thanh ngang có một lỗ ở một đầu và một khe ở đầu kia để thuận tiện cho việc lắp ráp và sử dụng. Trên tấm đế đặt một tấm lót cao su có kích thước lớn hơn đường kính ngoài của vòng Cobb, mẫu thử được kẹp nằm trên tấm lót cao su.
CHÚ DẪN:
1) vòng cobb
2) đế dụng cụ thử
3) gá giữ mẫu và vòng cobb
4) tấm lót cao su
Hình 1 - Dụng cụ thử độ hấp thụ nước bề mặt
6.2 Cân
Cân có độ chính xác đến 0,05 g.
7 Chuẩn bị mẫu thử
Cắt ba mẫu thử hình vuông có kích thước cạnh (127 ± 1) mm trên cùng một dải từ phần giữa của tấm thạch cao.
8 Ổn định
Các mẫu thử được ổn định ở nhiệt độ (27 ± 2) °C và độ ẩm tương đối (65 ± 5) % đến khối lượng không đổi (khối lượng chênh lệch giữa các lần cân không quá 0,1 %). Các mẫu thử phải được tiến hành thử nghiệm sau khi đạt đến khối lượng không đổi và trong vòng 10 min sau khi lấy ra khỏi buồng ổn định.
9 Cách tiến hành
Các mẫu thử sau khi lấy ra khỏi buồng ổn định được cân lấy chính xác đến 0,05 g. Sau đó đặt vòng Cobb lên mẫu thử sao cho mặt trước của tấm tiếp xúc với nước. Đổ nước máy có nhiệt độ (27 ± 2) °C vào vòng Cobb sao cho mực nước cao hơn bề mặt mẫu thử 25 mm.
Sau hai giờ, đổ nước ra và tháo vòng Cobb ra khỏi mẫu thử. Ngay lập tức lau bỏ nước dư trên bề mặt và cân mẫu thử lấy chính xác đến 0,05 g.
10 Biểu thị kết quả
Độ hấp thụ nước bề mặt (T) của tấm thạch cao tính bằng gram (g), được tính theo công thức (1):
T = m1 - mo | (1) |
trong đó:
mo là khối lượng khô của mẫu trước khi thử nghiệm, tính bằng gam (g).
m1 là khối lượng mẫu sau khi thử nghiệm, tính bằng gam (g).
Kết quả độ hấp thụ nước bề mặt là giá trị trung bình cộng của các mẫu thử lấy chính xác đến 0,1 g.
CHÚ THÍCH 1: Độ chụm và độ chệch của phép thử tham khảo Phụ lục A.
11 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) số hiệu của báo cáo thử nghiệm;
c) tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm;
d) tên và nhãn hiệu nhận dạng hoặc số lô sản phẩm;
e) kết quả thử nghiệm
f) ngày báo cáo thử nghiệm và ký tên.
Phụ lục A
(tham khảo)
Độ chụm và độ chệch
A.1 Độ chụm - Tiêu chuẩn này dựa trên nghiên cứu liên phòng của tiêu chuẩn ASTM C473-07 được thực hiện năm 2007. Mười phòng thí nghiệm đã thử nghiệm năm tấm thạch cao khác nhau. Mỗi kết quả thử nghiệm đại diện cho một cá nhân xác định. Những người tham gia được yêu cầu làm lặp lại sáu kết quả thử nghiệm cho từng bộ tham số/ vật liệu.
A.1.1 Giới hạn độ lặp lại (r) - Hai kết quả thử nghiệm thu được trong một phòng thí nghiệm sẽ được đánh giá là không tương đương nếu các giá trị đó sai khác nhiều hơn giá trị “r” của vật liệu đó; “r” là khoảng đại diện cho sự sai khác giới hạn giữa hai kết quả thử nghiệm cho cùng một vật liệu thu được bởi cùng một người tiến hành thử nghiệm trên cùng một thiết bị trong cùng một ngày và trong cùng một phòng thí nghiệm.
A.1.2 Giới hạn độ tái lập (R) - Hai kết quả thử nghiệm sẽ được đánh giá là không tương đương nếu các giá trị đó sai khác nhiều hơn giá trị “R” của vật liệu đó; “R” là khoảng đại diện cho sự sai khác tới hạn giữa hai kết quả thử nghiệm cho cùng một vật liệu thu được bởi người tiến hành thử nghiệm khác nhau trên thiết bị khác nhau trong các phòng thí nghiệm khác nhau.
A.1.3 Các đánh giá theo A.1.1 và A. 1.2 thường có xác suất gần đúng 95 %, tuy nhiên không phải tất cả các thống kê độ chụm thu được đều có thể được coi là đại lượng toán học xác định, áp dụng cho tất cả hoàn cảnh và lĩnh vực sử dụng, số lượng hạn chế của các thử nghiệm lặp lại và các phòng thí nghiệm báo cáo kết quả cho một số phép phân tích đảm bảo rằng sẽ có sự sai khác lớn hơn dự đoán của các kết quả, đôi khi sẽ xảy ra với tần suất lớn hơn hoặc nhỏ hơn đáng kể so với giới hạn xác suất là 95 %. Giới hạn độ lặp lại và giới hạn độ tái lập cho các phân tích đó được coi là hướng dẫn chung và xác suất liên quan 95 % là một chỉ số sơ bộ được kỳ vọng.
A.2 Độ chệch - Tại thời điểm nghiên cứu, không có vật liệu chuẩn phù hợp được chấp nhận để xác định độ chệch cho phương pháp thử này, do đó không có báo cáo nào về độ chệch được đưa ra.
A.3 Báo cáo độ chụm được xác định thông qua nghiên cứu thống kê 107 số liệu kết quả thử nghiệm từ chín phòng thí nghiệm trên năm loại vật liệu. Năm vật liệu này như sau:
Tấm A: Tấm tường thạch cao tiêu chuẩn dày 12,7 mm;
Tấm B: Tấm tường thạch cao loại X dày 15,9 mm;
Tấm C: Tấm tường thạch cao tiêu chuẩn dày 6,4 mm;
Tấm D: Tấm ốp thạch cao ốp;
Tấm E: Tấm lót thạch cao chịu ẩm.
Để đánh giá sự tương đương của hai kết quả thử nghiệm, nên chọn vật liệu có các đặc tính gần giống với các đặc tính của vật liệu thử nghiệm.
Giới hạn độ lặp lại và giới hạn độ tái lập được liệt kê trong Bảng A.1.
Bảng A.1 - Độ hấp thụ nước bề mặt (g) 9 phòng thí nghiệm/107 số liệu
Tấm thử | Giá trị trung bình A | Độ lệch chuẩn của trung bình các mẫu thử | Độ lặp lại độ lệch chuẩn | Độ tái lặp độ lệch chuẩn | Giới hạn độ lặp lại | Giới hạn độ tái lặp |
| S | Sr | SR | r | R | |
D | 1,2929 | 0,0759 | 0,1161 | 0,1303 | 0,3250 | 0,3649 |
E | 1,3040 | 0,0703 | 0,0660 | 0,0926 | 0,1847 | 0,2592 |
A Giá trị trung bình của các phòng thí nghiệm được tính trung bình cộng |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] ASTM C11, Standard specification for gypsum;
[2] ASTM C473, Standard test methods for physical testing of gypsum panel products
[3] ASTM C1264, Standard specification for sampling, inspection, rejection, certification, packaging, marking, shipping, handling, and storage of gypsum panel products;
[4] ASTM D3285, Standard test method for water absorptiveness of nonbibulous paper and paperboard (Cobb test).
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Nguyên tắc
5 Lấy mẫu
6 Thiết bị, dụng cụ
7 Chuẩn bị mẫu thử
8 Ổn định
9 Cách tiến hành
10 Biểu thị kết quả
11 Báo cáo thử nghiệm
Phụ lục A (tham khảo) Độ chụm và độ chệch
Thư mục tài liệu tham khảo