Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8307 : 2010

EN 645 : 1993

GIẤY VÀ CÁCTÔNG TIẾP XÚC VỚI THỰC PHẨM – CHUẨN BỊ NƯỚC CHIẾT LẠNH

Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Preparation of cold water extract

Lời nói đầu

TCVN 8307 : 2010 hoàn toàn tương đương với EN 645 : 1993.

TCVN 8307 : 2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 6 Giấy và Sản phẩm giấy biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

GIẤY VÀ CÁCTÔNG TIẾP XÚC VỚI THỰC PHẨM – CHUẨN BỊ NƯỚC CHIẾT LẠNH

Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Preparation of cold water extract

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này mô tả cách chuẩn bị nước chiết lạnh để nghiên cứu một số chất chiết trong giấy và cáctông tiếp xúc với thực phẩm.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 3649 : 2007 (ISO 186 : 2002), Giấy và cáctông – Lấy mẫu để xác định chất lượng trung bình.

TCVN 1867 : 2007 (ISO 287 : 1985), Giấy và cáctông – Xác định độ ẩm – Phương pháp sấy khô.

TCVN 1270 : 2008 (ISO 536 : 1995), Giấy và cáctông – Xác định định lượng.

TCVN 7153 : 2002 (ISO 1042 : 1998), Dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh – Bình định mức.

ISO 1773, Laboratory glassware – Boiling flasks (narrow necked) [Dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh – Bình đun (cổ hẹp)].

ISO 6556, Laboratory glassware – Filter flasks (Dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh – Bình lọc).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng thuật ngữ và định nghĩa sau:

Nước chiết lạnh (cold water extract)

Dung dịch nước thu được từ quá trình chiết lạnh.

CHÚ THÍCH: Trong một số trường hợp, dịch chiết này có thể chứa một lượng nhỏ các hạt lơ lửng.

4. Nguyên tắc

Mẫu thử được xé hoặc cắt và chiết với nước ở nhiệt độ (23 ± 2)oC trong 24 h, thỉnh thoảng lắc. Sau khi chiết, nước chiết được lọc nếu cần thiết, nước chiết hoặc phần nước lọc ra (nước chiết lạnh) được dùng để nghiên cứu các chất chiết.

5. Thuốc thử

5.1. Nước cất hoặc nước có độ tinh khiết tương đương

CHÚ THÍCH: Chất lượng nước phải phù hợp với các yêu cầu của phương pháp thử xác định chất chiết cụ thể tương ứng.

6. Thiết bị, dụng cụ

6.1. Cân, có độ chính xác đến 0,001 g.

6.2. Bình nón 500 ml, cổ rộng có nút nhám bằng thủy tinh (xem ISO 1773).

6.3. Thiết bị lọc, phễu lọc thủy tinh xốp số 4 (cỡ danh nghĩa 90) và bình lọc 500 ml (xem ISO 6556).

6.4. Ống đong, 250 ml.

6.5. Bình định mức một vạch, 250 ml [xem TCVN 7153 : 2002 (ISO 1042 : 1998)]

6.6. Găng tay bảo hộ.

6.7. Kéo bằng gốm (chỉ cần thiết cho việc xác định các loại kim loại).

7. Lấy mẫu

7.1. Lấy mẫu được tiến hành theo TCVN 3649 : 2007 (ISO 186 : 2002). Không chạm tay vào diện tích thử của mẫu hoặc mẫu thử; sử dụng găng tay bảo hộ (6.6).

7.2. Khối lượng tối thiểu của mẫu thử yêu cầu là 10 g.

7.3. Nếu có yêu cầu, lấy riêng một mẫu để xác định định lượng theo TCVN 1270 : 2008 (ISO 536) và/hoặc để xác định hàm lượng ẩm [xem TCVN 1867 (ISO 287)].

8. Cách tiến hành

8.1. Xé hoặc cắt mẫu thành các miếng mẫu có kích thước xấp xỉ từ 1 cm2 đến 2cm2. Sử dụng găng tay bảo hộ (6.6).

8.2. Cân (10 ± 0,1) g mẫu thử chính xác đến 0,01 g, cho vào bình nón (6.2), thêm 200 ml nước (5.1) và đậy nắp bình. Để yên bình này trong 24 h ở nhiệt độ (23 ± 2)oC, thỉnh thoảng lắc bình.

Gạn dung dịch và rửa các miếng mẫu còn lại ở trong bình hai lần. Nếu cần thiết, lọc chế phẩm này (6.3). Chuyển phần chiết và các phần được rửa hoặc phần nước lọc vào bình định mức (6.5) và thêm nước (5.1) đầy đến vạch mức. Phần dung dịch này được sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo.

CHÚ THÍCH: Nếu cần, phép thử có thể thực hiện ở tỷ lệ lớn hơn nhưng không được lớn hơn 2 lần.