CÔNG TRÌNH THỦY LỢI MÁY BƠM NƯỚC - YÊU CẦU KỸ THUẬT LẮP ĐẶT, VẬN HÀNH, BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA MÁY BƠM CHÌM
Hydraulic structures - Water pumps - Technical requirements for installation, operation, maintaining and repairing of submersible pumps
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ và định nghĩa
3 Kỹ thuật lắp đặt
4 Quản lý vận hành máy bơm chìm
5 Bảo dưỡng và sửa chữa máy bơm chìm
Phụ lục A (Tham khảo): Sơ đồ lắp đặt một tổ máy bơm chìm
Lời nói đầu
TCVN 8638: 2011 Công trình thủy lợi - Máy bơm nước - Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy bơm chìm, được chuyển đổi từ 14 TCN 177: 2006 Công trình thủy lợi - Máy bơm chìm - Quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa, theo quy định tại khoản 1 điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a, khoản 1 điều 7 của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 8638: 2011 do Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi thuộc trường Đại học Thủy lợi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 362/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 02 năm 2011.
TCVN 8638: 2011
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI MÁY BƠM NƯỚC - YÊU CẦU KỸ THUẬT LẮP ĐẶT, VẬN HÀNH, BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA MÁY BƠM CHÌM
Hydraulic structures - Water pumps - Technical requirements for installation, operation, maintaining and repairing of submersible pumps
1.1 Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy bơm chìm có điện áp làm việc dưới 500 V, công suất từ 200 kW trở xuống dùng trong các công trình thuỷ lợi.
1.2 Ngoài các yêu cầu của tiêu chuẩn này còn phải tuân theo các yêu cầu được quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Máy bơm (Pumps)
Máy thủy lực biến đổi cơ năng truyền từ nguồn động lực (động cơ) thành năng lượng của chất lỏng (thế năng và động năng) để đưa nước từ nơi này đến nơi khác.
2.2
Tổ máy bơm (Pumping set)
Một tổ hợp bao gồm máy bơm và động cơ dẫn động máy bơm.
2.3 Máy bơm chìm (Submersible pump)
Thiết bị động lực bao gồm phần bơm và động cơ điện đặt chìm trong nước.
2.4
Máy bơm chìm lắp trong ống (Inner-pipe-installed submersible pumps)
Toàn bộ tổ bơm lắp trong ống bao kín có tác dụng như một đoạn ống xả.
2.5
Máy bơm chìm lắp tự do (Open submersible pumps)
Tổ bơm không lắp trong ống bao kín, đường ống xả lắp với miệng xả của máy bơm
2.6
Bộ làm kín cơ khí (Mechnical sealing sets)
Tổ hợp chi tiết có mặt làm kín là mặt tiếp xúc giữa chi tiết quay và chi tiết cố định.
2.7
Gioăng làm kín (Gaskets)
Chi tiết gioăng làm kín lắp cố định.
2.8
Cụm chi tiết (Component)
Nhiều chi tiết được liên kết với nhau tạo thành một bộ phận máy nhất định để có thể thực hiện được một chức năng của máy.
2.10
Lắp ráp (Assembly)
Quá trình liên kết các chi tiết và bộ phận máy bằng bulông hoặc các liên kết khác tạo thành tổ hợp máy bảo đảm chúng hoạt động chính xác theo một quy luật định trước.
2.11
Lắp đặt (Installation)
Quy trình nối kết các máy móc, thiết bị hay các bộ phận máy vào vị trí móng máy đã định sẵn nhằm làm cho máy hay tổ hợp máy hoạt động ổn định.
2.12
Dụng cụ lắp đặt (Installing instruments)
Công cụ dùng để tháo, lắp hoặc điều chỉnh liên kết các chi tiết hay bộ phận máy.
2.13
Dụng cụ đo (Measuring tools)
Loại công cụ trên đó có chia đơn vị đo, dùng để kiểm tra một loại thông số kỹ thuật nhất định của thiết bị (như kích thước, nhiệt độ, lưu lượng, áp lực…) trong quá trình lắp ráp.
3.1 Kiểm tra trước khi lắp đặt
3.1.1 Yêu cầu chung
3.1.1.1 Hạng mục xây lắp phải đảm bảo đúng thiết kế được duyệt, quy định của nhà chế tạo và phù hợp với thiết bị sẽ lắp đặt (về kết cấu, kích thước và yêu cầu kỹ thuật).
3.1.1.2 Thiết bị dùng cho lắp đặt phải đúng, đủ về số lượng và chất lượng theo thiết kế và quy định của nhà sản xuất .
3.1.2 Kiểm tra, tiếp nhận mặt bằng công trình
Kiểm tra tim móng máy, cao trình của những công trình liên quan đến công tác lắp đặt, tiếp nhận mặt bằng công trình.
3.1.3 Kiểm tra và tiếp nhận thiết bị
3.1.3.1 Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Hồ sơ kỹ thuật: đủ số lượng, chất lượng cho công tác lắp đặt và vận hành thiết bị;
b) Hồ sơ thương mại: đầy đủ, rõ ràng từng hạng mục thiết bị;
c) Hồ sơ pháp lý: đúng quy định hiện hành.
3.1.3.2 Kiểm tra chất lượng, số lượng các bộ phận và chi tiết rời đi theo thiết bị. Xác định rõ sự phù hợp của thiết bị với hồ sơ cung cấp của thiết bị, bao gồm:
a) Kiểm tra bằng mắt về hình thức bên ngoài thiết bị để đánh giá sơ bộ chất lượng, độ an toàn trong quá trình vận chuyển;
b) Dùng thước chuyên dụng để kiểm tra các kích thước lắp ghép và lắp đặt;
c) Kiểm tra dầu làm mát, bôi trơn trong khoang dầu;
d) Kiểm tra độ cách điện của các cuộn dây, các đầu tín hiệu trong môtơ.
3.1.4 Kiểm tra tổ chức thi công
3.1.4.1 Kiểm tra nhân sự cho lắp đặt, bao gồm:
a) Xác định đại diện chủ đầu tư về quản lý, giám sát, nghiệm thu;
b) Xác định năng lực bên thầu lắp đặt về số lượng, chất lượng của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật.
3.1.4.2 Kiểm tra kế hoạch và tiến độ lắp đặt: thời gian bắt đầu và kết thúc.
3.1.4.3 Kiểm tra các thiết bị thi công, gá lắp và dụng cụ kiểm tra phục vụ quá trình lắp đặt: phải đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng cho tiến độ lắp đặt và an toàn lao động.
3.2 Lắp đặt máy bơm chìm lắp trong ống
3.2.1 Trình tự lắp đặt thiết bị cơ khí
a) Làm sạch bề mặt tiếp xúc giữa gioăng làm kín và ống bao máy bơm;
b) Lắp gioăng làm kín giữa máy bơm và ống bao máy bơm;
c) Dùng thiết bị đưa tổ bơm vào vị trí, định vị bơm với ống bao. Trong quá trình vận chuyển, nâng, hạ tuân theo các quy định trong tiêu chuẩn hiện hành về thiết bị nâng, hướng dẫn và và lắp đặt thiết bị phải yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo;
d) Căn chỉnh đảm bảo độ thẳng góc của tổ bơm với mặt phẳng nằm ngang;
e) Cố định tổ máy bơm với ống bao;
f) Lắp tiếp các phần còn lại của ống bao theo bản vẽ thiết kế;
g) Lắp hệ thống đường ống xả và các thiết bị trên đường ống xả.
3.2.2 Trình tự lắp đặt tủ điện điều khiển
a) Kiểm tra vận hành bằng tay của các thiết bị điện;
b) Kiểm tra độ an toàn về điện của cả hệ thống thiết bị điện theo quy định hiện hành;
c) Đấu nối điện giữa động cơ điện và tủ điều khiển theo sơ đồ thiết kế.
3.2.3 Vận hành thử nghiệm
3.2.3.1 Các công việc sau đây phải thực hiện trước khi vận hành thử nghiệm:
a) Kiểm tra và làm sạch bể hút;
b) Dẫn nước vào bể hút, đảm bảo mực nước bể hút phải lớn hơn mực nước nhỏ nhất cho phép;
c) Đóng nhấp điện, xác định chiều quay của động cơ theo thiết kế.
3.2.3.2 Vận hành thử nghiệm có tải máy bơm và hệ thống thiết bị điện, bao gồm các công việc sau:
a) Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy bơm như lưu lượng, cột áp tổng, công suất, dòng điện định mức, độ rung, độ ồn;
b) Kiểm tra độ kín của các mặt bích lắp nối đường ống;
c) Nếu kết quả kiểm tra chưa đạt yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế phải tìm nguyên nhân và khắc phục cho tới khi đạt.
3.2.4 Nghiệm thu và bàn giao công trình đưa vào sử dụng
3.2.4.1 Máy bơm và hệ thống thiết bị điện chỉ được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng sau khi đã vận hành đạt các thông số kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và chạy ổn định không dưới 72 giờ.
3.2.4.2 Các bước nghiệm thu, thành phần Hội đồng nghiệm thu, biên bản nghiệm thu, hồ sơ và thủ tục bàn giao công trình thực hiện theo các văn bản pháp quy hiện hành.
3.3 Lắp đặt máy bơm chìm lắp tự do
3.3.1 Trình tự lắp đặt máy bơm chìm lắp tự do có trục dẫn hướng
a) Lắp ống giá đỡ bơm vào đáy bể hút trạm bơm đảm bảo sai số về độ song song và độ vuông góc của giá đỡ với mặt phẳng ngang không quá 0,1 mm/m;
b) Lắp trụ dẫn hướng với giá đỡ đảm bảo sai số về độ thẳng không quá 0,1 mm/m;
c) Lắp đường ống xả với ống giá đỡ bơm;
d) Lắp van một chiều với ống xả máy bơm;
e) Đưa bơm vào vị trí, định vị với trục dẫn hướng;
f) Hạ bơm xuống cho ăn khớp với ống giá đỡ bơm;
g) Kiểm tra độ kín của mặt bích miệng xả bơm với ống giá đỡ bơm;
h) Kéo bơm lên, hạ bơm xuống từ 2 lần đến 3 lần để kiểm tra độ ổn định của mối ghép mặt bích miệng xả bơm và ống giá đỡ bơm;
i) Tiến hành các bước còn lại theo các quy định từ 3.2.2 đến 3.2.4 của tiêu chuẩn này.
3.3.2 Trình tự lắp đặt máy bơm chìm lắp tự do, tổ bơm lắp trên xe kéo di chuyển trên đường ray
a) Lắp đặt đường ray kéo máy bơm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế. Nếu trong bản vẽ thiết kế không quy định thì phải đảm bảo yêu cầu sau:
- Sai số về độ song song giữa hai đường ray không lớn hơn 5 mm;
- Chênh lệch độ cao giữa hai mặt ray tại cùng mặt cắt ngang không lớn hơn 2 mm;
- Độ mấp mô hai đầu ray của mối nối không lớn hơn 1 mm;
b) Lắp đặt tổ máy bơm chìm lên xe kéo;
c) Đưa xe kéo bơm cùng tổ bơm xuống vị trí làm việc;
d) Lắp đặt cút xả vào vị trí miệng xả bơm đảm bảo gioăng làm kín tiếp xúc đều;
e) Kéo bơm lên, hạ bơm xuống, kiểm tra cơ cấu khoá giữ mặt bích và độ kín của gioăng giữa miệng xả bơm và cút xả;
e) Lắp hệ thống đường ống xả đảm bảo trong quá trình lắp không làm xê dịch vị trí cút xả với miệng xả bơm;
e) Kéo bơm lên, hạ bơm xuống từ 2 lần đến 3 lần để kiểm tra độ ổn định làm việc của khoá giữ mặt bích và độ kín của gioăng;
f) Tiến hành các bước còn lại theo các quy địn từ 3.2.2 đến 3.2.4 của tiêu chuẩn này.
4 Quản lý vận hành máy bơm chìm
4.1 Yêu cầu chung
4.1.1 Cán bộ quản lý và công nhân vận hành máy bơm chìm phải hiểu và thuộc quy trình quản lý vận hành thiết bị và trạm bơm và thực hiện đúng các quy định trong quy trình.
4.1.2 Chỉ được phép vận hành các máy bơm chìm của các trạm bơm mới xây dựng hoặc mới sửa chữa lớn xong sau khi đã có văn bản nghiệm thu công trình theo đúng các quy định hiện hành.
4.1.3 Tại nơi trực trưởng ca trong trạm bơm cần có các văn bản sau:
a) Quy trình quản lý và vận hành máy bơm, trạm bơm;
b) Bản vẽ sơ đồ điện chính của máy bơm và hệ thống;
c) Sổ theo dõi vận hành từng tổ máy và sổ giao ca.
4.1.4 Ở mỗi trạm bơm cần có dụng cụ và thiết bị chính như kìm điện, bút thử điện, mêgôm mét, ampe kìm, hòm dụng cụ tháo lắp cơ khí và các phương tiện bảo vệ cá nhân như găng tay cách điện, ủng cách điện...
4.1.5 Công nhân vận hành máy bơm và trạm bơm phải được đào tạo chuyên môn, có văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp chuyên môn phù hợp và có đủ sức khoẻ để vận hành.
4.1.6 Tổ công nhân vận hành chịu trách nhiệm bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ các thiết bị cơ điện và các hạng mục công trình của trạm bơm do mình quản lý.
4.1.7 Sửa chữa lớn các thiết bị cơ điện và các hạng mục công trình của trạm bơm do các cơ sở có năng lực chuyên môn và có thiết bị phù hợp thực hiện.
4.2 Kiểm tra định kỳ
4.2.1 Tổ chức kiểm tra
4.2.1.1 Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trạm bơm chịu trách nhiệm kiểm tra trước và sau mỗi vụ sản xuất, lập văn bản gửi về cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương. Trường hợp có sự cố đặc biệt cần gửi báo cáo về cơ quan quản lý chuyên ngành tại trung ương.
4.2.1.2 Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trạm bơm căn cứ vào quy trình tưới tiêu và lịch canh tác tại địa phương mình để quy định thời gian kiểm tra định kỳ cho hợp lý.
4.2.1.3 Thành phần đoàn kiểm tra thực hiện theo quy định hiện hành. Phải có kỹ sư thủy lợi, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, cán bộ trực tiếp vận hành trạm bơm và cán bộ quản lý trạm bơm trong thành phần đoàn kiểm tra.
4.2.1.4 Trước khi tiến hành kiểm tra, đơn vị trực tiếp quản lý trạm bơm phải có báo cáo gửi đoàn kiểm tra về những nội dung sau:
a) Đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình như công trình thủy công, thiết bị cơ khí, thiết bị điện. Những hư hỏng đã sửa chữa xong và chưa sửa chữa xong;
b) Việc chấp hành quy trình quản lý và vận hành trạm bơm;
c) Các kiến nghị về biện pháp sửa chữa, quản lý và vận hành trạm bơm.
4.2.1.5 Mười ngày sau khi kiểm tra, cơ quan được giao quản lý trạm bơm có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra gửi về cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương.
4.2.1.6 Trường hợp trạm bơm bị sự cố lớn như cháy nổ máy biến áp, hỏng nhiều thiết bị cơ điện…, cơ quan được giao quản lý trạm bơm phải tiến hành tổ chức kiểm tra kịp thời, gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương. Thành phần đoàn kiểm tra thực hiện theo 4.2.1.3.
4.2.2 Nội dung kiểm tra
4.2.2.1 Công trình thủy công
4.2.2.1.1 Kiểm tra tình trạng bể hút, bể xả, nhà trạm bơm, kênh dẫn nước cho bể hút, bể xả và các công trình khác trên kênh. Đặc biệt chú ý đến tình trạng an toàn của các cống qua đê (nếu có).
4.2.2.1.2 Kiểm tra phương án phòng chống lụt, bão và phòng chống cháy nổ.
4.2.2.1.3 Kiểm tra công tác bảo dưỡng và sửa chữa công trình.
4.2.2.2 Tổ máy bơm và thiết bị cơ - điện
4.2.2.2.1 Nội dung kiểm tra tổ máy bơm:
a) Tình trạng bên ngoài máy bơm và động cơ;
b) Độ chặt của các bu long mối lắp ghép;
c) Chất lượng của các gioăng làm kín cơ khí và làm kín tĩnh;
d) Lượng dầu làm mát trong khoang động cơ;
e) Độ cách điện của bối dây và độ cách điện của bối dây với vỏ;
f) Độ tin cậy của các thiết bị đầu đo: nhiệt độ, độ ẩm, độ rò điện bên trong động cơ.
4.2.2.2.2 Nội dung kiểm tra các thiết bị cơ khí:
a) Hệ thống đường ống xả;
b) Hệ thống đường ray và xe kéo bơm (nếu có);
c) Hệ thống van, máy đóng mở và các cánh phai;
d) Hệ thống cần trục, palăng, tời kéo (nếu có);
f) Hệ thống lưới chắn rác, máy vớt rác (nếu có).
4.2.2.2.3 Nội dung kiểm tra các bảng phân phối điện và tủ phân phối điện:
a) Vệ sinh công nghiệp của tủ điện;
b) Tình trạng cầu chì, dây chảy;
c) Điện trở cách điện giữa các bộ phận kim loại và giữa kim loại với đất;
d) Các thiết bị đóng ngắt điện;
e) Độ chính xác của đồng hồ vôn, ampe và công tơ điện;
f) Tình trạng lõi thép, cuộn dây và độ cách điện của các biến dòng;
g) Tình trạng tiếp đất của tủ điện.
4.2.2.2.4 Nội dung kiểm tra các khởi động từ, aptomat, thiết bị khởi động và cầu dao hộp:
a) Các tiếp điểm, má cầu dao, độ tiếp xúc đồng đều của các tiếp điểm;
b) Cơ cấu truyền động, thao tác;
c) Độ cách điện của các bộ phận tải điện;
d) Đóng ngắt thử bằng tay.
4.2.2.2.5 Nội dung kiểm tra cáp điện:
a) Tình trạng vỏ cáp, lớp cách điện vỏ cáp;
b) Tình trạng phễu cáp;
c) Các điểm nối đất an toàn của cáp.
4.2.2.3 Công tác quản lý tại trạm bơm
Kiểm tra công tác quản lý tại trạm bơm gồm các nội dung sau:
a) Việc ghi chép trong sổ vận hành, sổ giao ca, sổ theo dõi sự cố và sửa chữa;
b) Việc hoàn chỉnh, bổ sung và lưu trữ các hồ sơ lý lịch công trình, thiết bị cơ điện;
c) Công tác quản lý vật tư, thiết bị dự phòng, vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động.
4.3 Vận hành các thiết bị máy bơm chìm
4.3.1 Kiểm tra trước khi khởi động máy
4.3.1.1 Các hạng mục công trình và thiết bị cơ khí phải được kiểm tra đáp ứng được các yêu cầu sau:
a) Bể hút sạch, không có dị vật. Mực nước bể hút phù hợp với quy định của thiết kế. Mực nước tối thiểu phải làm ngập máy bơm tới hết bộ phận làm kín cơ khí;
b) Máy đóng mở làm việc bình thường, cửa phai lên xuống an toàn;
c) Lưới chắn rác sạch, thông thoáng;
d) Van một chiều trên đường ống xả (nếu có) làm việc bình thường.
4.3.1.2 Tổ máy bơm chìm và thiết bị điện phải được kiểm tra đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Các thiết bị điện làm việc ổn định, các cơ cấu đóng ngắt làm việc nhẹ nhàng, các điểm đầu nối cáp chặt, cáp an toàn…
b) Độ cách điện của động cơ đảm bảo lớn hơn 0,5 M. Nếu độ cách điện thấp hơn 0,5 M thì không được khởi động máy;
c) Dòng điện rò của hệ thống phải nhỏ hơn 0,5 mA. Nếu dóng điện rò lớn hơn 0,5 mA, không đảm bảo an toàn về điện thì không được đóng điện khởi động máy.
4.3.2 Khởi động máy bơm
4.3.2.1 Đối với bơm chìm kiểu ly tâm trước khi khởi động máy phải đóng bớt van đặt trên đường ống xả để điều tiết lưu lượng của bơm. Khi máy bơm đã ở chế độ làm việc, mở từ từ van này cho bơm đạt tới chế độ làm việc của thiết kế. Đối với bơm chìm kiểu hướng trục thì làm ngược lại.
4.3.2.2 Trình tự khởi động máy bơm chìm:
a) Mở cánh phai trên kênh hút, kênh xả;
b) Đóng (mở) van tiết lưu đường ống xả, thực hiện theo 4.3.2.1;
c) Đóng áptômát của tủ phân phối điện để nối nguồn điện cho tủ điều khiển;
d) kiểm tra điện áp 3 pha và sự cân bằng điện áp ở 3 pha;
e) Đóng áptômát mạch động lực;
f) Đóng áptômát mạch điều khiển;
g) Nhấn nút khởi động động cơ;
h) Chờ cho động cơ chuyển từ chế độ khởi động sang chế độ làm việc thì mở (đóng) van tiết lưu trên đường ống xả, thực hiện theo 4.3.2.1.
4.3.2.3 Nếu trong một trạm bơm có nhiều tổ máy bơm chìm, trình tự khởi động máy bơm như sau:
a) Phải khởi động lần lượt từng tổ máy một;
b) Nếu các tổ máy có công suất khác nhau thì máy bơm có công suất lớn phải được khởi động trước;
c) Nếu trong một trạm bơm có bố trí tổ máy dự phòng thì tổ máy bơm này phải được vận hành luân phiên với các tổ bơm khác để sấy động cơ thường xuyên và tránh lắng đọng phù sa ở bể hút;
4.3.2.4 Số lần khởi động của một tổ máy bơm trong một giờ không được vượt quá 10 lần và trong một năm không quá 5 000 lần.
4.3.3 Theo dõi trong quá trình vận hành
4.3.3.1 Công nhân vận hành phải theo dõi liên tục quá trình làm việc của toàn bộ công trình và thiết bị cơ điện; định kỳ đọc và ghi chép đầy đủ các thông số kỹ thuật theo quy định vào sổ vận hành, làm vệ sinh lưới chắn rác.
4.3.3.2 Các thiết bị cơ điện của trạm bơm chìm làm việc bình thường phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sau:
a) Đối với điện nguồn: điện áp và tần số ổn định. Cho phép điện áp sai lệch không quá ± 5 % điện áp định mức và tần số sai lệch không quá 2 % tần số định mức của động cơ điện;
b) Đối với các thiết bị điện:
- Không có tiếng kêu lạ, không phát ra hồ quang tại các tiếp điểm, không sinh nhiệt quá nhiệt độ cho phép;
- Các tay gạt cơ khí, các kim đồng hồ không bị kẹt;
- Các thiết bị truyền báo mức dầu, độ ẩm và nhiệt độ cuộn dây, ổ lăn trong khoang động cơ điện làm việc ổn định;
- Các đèn tín hiệu báo đúng trạng thái làm việc hoặc sự cố của động cơ điện;
c) Đối với tổ máy bơm:
- Máy bơm chạy êm, không bị rung, lắc, không có tiếng kêu lạ;
- Trị số dòng điện và công suất không vượt quá trị số định mức cho phép của động cơ điện;
- Lưu lượng và cột áp trên đường ống xả bơm ổn định;
- Mực nước bể hút không được thấp hơn mực nước nhỏ nhất thiết kế.
4.3.3.3 Nếu trong quá trình vận hành xảy ra một trong những trường hợp sau, công nhân vận hành phải ngừng máy ngay bằng cách ngắt áptômát tổng:
a) Xảy ra tai nạn;
b) Động cơ và máy bơm bị rung lắc mạnh, có tiếng kêu lạ;
c) Hệ thống truyền báo mức dầu, độ ẩm và nhiệt độ trong khoang động cơ điện không làm việc hoặc báo trị số vượt quá mức giới hạn cho phép của nhà chế tạo;
d) Mực nước bể hút xuống dưới mực nước nhỏ nhất thiết kế;
e) Điện áp 3 pha không cân bằng;
f) Mất điện lưới.
4.3.4 Ngừng chạy máy bơm, kết thúc ca làm việc
4.3.4.1 Trình tự thao tác dừng vận hành máy bơm chìm:
a) Nhấn vào nút dừng máy;
b) Ngắt áptômát mạch điều khiển;
c) Ngắt áptômát mạch động lực;
d) Ngắt áptômát tổng tủ phân phối;
4.3.4.2 Khi kết thúc ca làm việc phải vệ sinh lau chùi thiết bị, nơi làm việc. Phải ghi chép đầy đủ các số liệu theo quy định vào sổ vận hành và sổ giao ca.
5 Bảo dưỡng và sửa chữa máy bơm chìm
5.1 Bảo dưỡng
Sau mỗi ca vận hành, công nhân vận hành phải tiến hành bảo dưỡng theo nội dung sau:
a) Lau chùi, vệ sinh toàn bộ thiết bị cơ, điện chính và mặt bằng nơi làm việc;
b) Xử lý các chỗ rò rỉ nước, dầu;
c) Xiết chặt các bulông, đai ốc ở các bộ phận máy bị rung;
d) Thu dọn đồ nghề để vào nơi quy định;
e) Ghi chép đầy đủ những hiện tượng hư hỏng hoặc hiện tượng không bình thường của thiết bị chưa được xử lý vào sổ vận hành và sổ giao ca.
5.2 Sửa chữa tổ máy bơm
5.2.1 Sửa chữa nhỏ
5.2.1.1 Cứ sau 4 000 giờ nhưng không quá một năm phải có một lần kiểm tra và sửa chữa nhỏ máy bơm chìm.
5.2.1.2 Công tác sửa chữa nhỏ bao gồm cả việc kiểm tra và sửa chữa, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định tại 4.3.1 và các quy định sau:
a) Đo điện trở của động cơ điện:
- Đo điện trở của các cuộn dây (pha - pha);
- Đo điện trở của cuộn dây với đất (pha - đất);
b) Nếu cáp có hiện tượng không bình thường, phải đo điện trở của dây cáp với đất;
c) Đo điện trở của các cảm biến nhiệt cuộn dây của mô tơ điện với đất (trừ cảm biến nhiệt ổ lăn);
d) Dùng một ôm kế (không được dùng máy phát tay quay - mêgôm mét) để đo điện trở R của cảm biến nhiệt, đảm bảo độ cách điện giữa các lõi dây của cảm biến nhiệt lớn hơn 100 W và nhỏ hơn 120 W (100 W < R < 120 W);
e) Kiểm tra các tiếp điểm đầu nối cáp;
f) Đo và kiểm tra cáp tiếp đất, chỉ số điện trở cách điện giữa cáp nối đất và thân bơm phải nhỏ hơn 1 W.
5.2.1.3 Nếu tổ máy bơm chìm được kéo lên để bảo quản trong nhà trạm thì nên kết hợp tháo và kiểm tra dầu trong khoang mô tơ để đánh giá tình trạng gioăng cơ khí và gioăng tĩnh. Phương pháp kiểm tra như sau:
a) Kiểm tra bằng định lượng: nếu lượng dầu tháo ra còn ít hơn lượng dầu đổ vào ban đầu thì chất lượng gioăng làm kín còn đảm bảo;
2) Kiểm tra bằng định tính: nếu dầu tháo ra trên mặt có những vết loang chứng tỏ đã có nước xâm nhập vào khoang chứa dầu, cần phải kiểm tra xem xét lại các gioăng làm kín, đặc biệt là gioăng làm kín cơ khí và phải thay dầu mới.
5.2.1.4 Kiểm tra và vệ sinh bảo dưỡng các thiết bị điện như áptômát, công tắc tơ, rơ le…
5.2.2 Sửa chữa lớn
5.2.2.1 Cứ sau 16 000 giờ nhưng không quá 5 năm một lần phải tiến hành kiểm tra sửa chữa lớn máy bơm chìm.
5.2.2.2 Nội dung công tác sửa chữa lớn bao gồm các nội dung quy định từ 5.2.1.2 đến 5.2.1.4 và thêm các công việc sau:
a) Kéo máy bơm chìm lên đặt ổn định trên gian sửa chữa;
b) Tháo dầu trong khoang mô tơ;
c) Tháo các chi tiết máy bơm. Căn cứ vào bản vẽ chung về mặt cắt máy bơm và động cơ, lần lượt tháo, làm vệ sinh sạch sẽ, đo kiểm tra các chi tiết của bơm xác định mức độ hư hỏng, độ mòn của chi tiết so với thiết kế;
d) Tháo các chi tiết của động cơ điện, thực hiện các nội dung sau:
- Trước khi tháo bộ phận mô tơ và cáp điện phải đảm bảo đánh dấu đầy đủ các đầu nối cáp để thuận lợi cho quá trình lắp lại;
- Tháo rút roto và làm vệ sinh công nghiệp toàn bộ bên trong khoang mô tơ;
- Sơn cách điện và sấy cuộn dây stato;
- Kiểm tra và thay thế ổ lăn;
- Kiểm tra và thay thế các gioăng cơ khí và các gioăng tĩnh;
e) Tháo kiểm tra, vệ sinh hoặc thay thế các thiết bị điện như áptômát, công tắc tơ, rơle, hệ thống báo độ ẩm, nhiệt độ trong khoang mô tơ…;
f) Lắp ráp lại động cơ điện và máy bơm.
5.2.2.3 Khi tháo lắp để sửa chữa lớn thiết bị phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sau:
a) Lắp ráp lại đảm bảo theo thứ tự: chi tiết tháo trước thì lắp lại sau và ngược lại;
b) Mỡ dùng để bôi trơn ổ lăn thực hiện theo chỉ dẫn của nhà chế tạo. Có thể dùng loại ASONIC, HQ 72-102 hoặc loại khác có tính năng tương tự;
c) Khi lắp vòng bịt kín cơ khí phải có dụng cụ chuyên dùng, không được dùng vật cứng tì, gõ vào bề mặt tiếp xúc của vòng động và vòng tĩnh. Khi lắp chi tiết vòng cao su vào cổ trục, để không bị rách thì ổ trục cần phải bọc bằng giấy kim loại có chiều dầy từ 0,1 mm đến 0,3 mm, khi lắp xong thì phải tháo bỏ lớp giấy bọc cổ trục;
d) Các gioăng cao su tĩnh cần phải thay thế bằng gioăng mới trước khi đặt gioăng vào vị trí cần phải bôi lớp keo làm kín;
e) Động cơ điện chìm sau khi đã lắp hoàn chỉnh, trước khi lắp với bơm phải tiến hành thử kín các khoang động cơ bằng khí với áp suất 1 bar trong thời gian 5 phút nếu áp suất giảm xuống không lớn hơn 0,2 bar thì các gioăng làm kín khoang mô tơ đảm bảo yêu cầu.
5.2.2.4 Thay dầu cho động cơ điện theo chỉ dẫn của nhà chế tạo. Có thể dùng dầu EP-46 hoặc các loại dầu thay thế như Castrol CRISAE10, BPTOL SAE10, ESSO HDX SAE10, texaco Ultra 10, Mobil (DEA)1210, Shell Oil-46 hoặc các loại khác có tính năng tương tự.
5.3 Bảo quản
5.3.1 Các loại vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế, sửa chữa phải được bảo quản trong nhà kho. Phải đặt các thiết bị không chịu ẩm trên giá đỡ có đèn sấy.
5.3.2 Các phụ tùng đã thay thế, nhưng còn khả năng phục hồi, sửa chữa phải được bảo quản trong nhà kho như các phụ tùng dự trữ khác.
PHỤ LỤC A
(Tham khảo)
SƠ ĐỒ LẮP ĐẶT MỘT TỔ MÁY BƠM CHÌM
CHÚ DẪN:
1 là máy bơm chìm ; 5 là khớp lắp ráp nhanh ;
2 là giăng làm kín ; 6 là trục dẫn hướng ;
3 là giăng làm kín cơ khí ; 7 là ống xả ;
4 là động cơ điện chìm ; 8 là ống giá đỡ bơm .
Hình A.1 – Sơ đồ tổ máy bơm chìm lắp tự do có trục dẫn hướng