Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8927 : 2013

PHÒNG TRỪ SÂU HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG

Control of forest insect pests - General guide

Lời nói đầu

TCVN 8927 : 2013 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

PHÒNG TRỪ SÂU HẠI CÂY RỪNG - HƯỚNG DẪN CHUNG

Control of forest insect pests - General guide

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng vào việc quản lý, lập kế hoạch và định mức cho công tác phòng trừ sâu hại trong quá trình xây dựng, nuôi dưỡng, bảo vệ và kinh doanh rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và vườn ươm cây rừng).

2. Tài liệu viện dẫn

- Luật bảo vệ và Phát triển rừng, Luật số: 29/2004/QH11.

- Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Số 36/2001/PL-UBTVQH-10.

- Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 224-2003 về phương pháp điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng.

- TCVN 4261-86, bảo vệ thực vật. Thuật ngữ và định nghĩa.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

3.1. Cấp bị hại: Cấp bị hại là chỉ số xác định tình trạng bị hại của cây dưới tác động của sâu. Cấp bị hại được chia làm 5 cấp, được đánh số từ 0 đến 4, trong đó 0 là cây không bị hại, cây khỏe, 1 là cây bị hại nhẹ, 2 là cây bị hại vừa, 3 là cây bị hại nặng và 4 là cây bị hại rất nặng. Tùy theo bộ phận của cây bị hại mà các cấp bị hại được xác định với các tiêu chí riêng.

3.2. Dự tính, dự báo: Dự tính, dự báo sâu hại rừng là hoạt động phỏng đoán khả năng phát sinh, phát triển của các loài sâu hại chủ yếu để chủ động xây dựng kế hoạch phòng trừ và bảo vệ cây rừng.

3.3. Điều tra sơ bộ: Điều tra sơ bộ hay còn gọi là điều tra phát hiện thường sử dụng một số phương pháp đơn giản để nắm khái quát về tình hình sâu hại của khu vực điều tra. Kết quả điều tra xác định ra các nhóm sâu hại chính (sâu ăn lá, sâu đục chồi, sâu đục thân, sâu đục cành, sâu gây u bướu, sâu hại rễ…) và các loài cây bị hại.

3.4. Điều tra tỷ mỷ: Điều tra tỷ mỷ được tiến hành trên các ô tiêu chuẩn hay một lô mẫu nhằm đánh giá chính xác thành phần loài, đặc điểm phân bố và mức độ bị hại của các nhóm sâu hại chủ yếu tại khu vực điều tra. Cung cấp thông tin phục vụ dự tính, dự báo và nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài sâu hại; đánh giá tác hại và tổn thất do sâu gây ra.

3.5. Khả năng sinh sản: Khả năng sinh sản là số lượng trứng hoặc ấu trùng của một con cái đẻ ra. Người ta thường căn cứ vào trọng lượng nhộng và đếm số trứng của một nhộng cái điển hình để tính ra số lượng trứng bình quân của một con cái.

3.6. Khả năng phát dịch: Khả năng phát dịch được xác định bằng tỷ số giữa khả năng phát triển của lứa sâu hiện tại với khả năng của lứa sâu lần phát dịch trước.

3.7. Lứa sâu: Lứa sâu hay thế hệ sâu là thời gian tồn tại của tất cả những cá thể sâu do cùng một con mẹ sinh ra.

3.8. Mật độ tuyệt đối: Số lượng cá thể sâu, nhộng, trứng được tính trên một đơn vị điều tra (cây hoặc m2).

3.9. Mức độ bị hại: Trên cơ sở phân cấp bị hại cho từng cây, cành tiêu chuẩn, mức độ bị hại được tính bình quân cho mỗi đơn vị điều tra như sau:

trong đó:

R (%) là mức độ bị hại trung bình

ni là số cây bị hại ở cấp hại i

vi là trị số của cấp hại i

N là tổng số cây điều tra

V trị số cấp bị hại cao nhất (V=4)

3.10. Ngưỡng kinh tế: Ngưỡng kinh tế là một thuật ngữ dùng để chỉ mật độ sâu hại mà ở đó chi phí cho việc phòng trừ bằng với giá trị sản phẩm thu được nhờ sự phòng trừ sâu hại.

3.11. Ngưỡng thiệt hại: Ngưỡng thiệt hại là một thuật ngữ dùng để chỉ mật độ sâu hại mà ở đó chưa gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của cây trồng.

3.12. Ô tiêu chuẩn: Ô tiêu chuẩn là một diện tích rừng được chọn ra để thực hiện các phương pháp thu thập thông tin đại diện cho khu vực điều tra. Ô tiêu chuẩn cần có diện tích và số cây đủ lớn, các đặc điểm về đất đai, địa hình, thực bì đại diện cho các lâm phần điều tra.

3.13. Phân cấp mức độ bị hại: Căn cứ vào mức độ bị hại của từng loài sâu và loài cây chủ, mức độ bị hại được phân cấp như sau:

Hại nhẹ có trị số R (%) < 25 %

Hại vừa có trị số R (%) từ 25 đến 50 %

Hại nặng có trị số R (%) từ 51 đến 75 %

Hại rất nặng có trị số R (%) > 75 %

3.14. Tuyến điều tra: Tuyến điều tra là các đường trên thực địa được thiết lập để tiến hành điều tra sâu hại và thiên địch.

3.15. Tỷ lệ bị hại: Tỷ lệ bị hại là tỷ lệ phần trăm số cây bị hại trên tổng số cây điều tra, được tính như sau:

trong đó:

P là tỷ lệ bị hại

n là số cây bị hại

N là tổng số cây điều tra

3.16. Tỷ lệ cá thể cái hay chỉ số sinh dục: Tỷ lệ cá thể cái là tỉ lệ % số lượng nhộng cái trên tổng số nhộng điều tra (chỉ điều tra giai đoạn nhộng).

3.17. Vòng đời: Vòng đời của côn trùng là một chu kỳ phát dục được kể từ trứng mới đẻ ra và kết thúc ở sâu trưởng thành bắt đầu đẻ trứng.

4. Quy định về kỹ thuật điều tra sâu hại rừng và biện pháp phòng trừ

4.1. Điều tra sơ bộ

4.1.1. Mục tiêu

- Xác định thành phần loài sâu hại và thiên địch, nhóm loài sâu hại chính

- Xác định mức loài cây bị hại, và bộ phận của cây bị hại.

4.1.2. Các bước tiến hành

- Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị tài liệu phục vụ cho điều tra như: bản đồ, tài liệu thiết kế trồng rừng, điều kiện tự nhiên và tình hình dân sinh kinh tế của khu vực điều tra.

Chuẩn bị dụng cụ phục vụ công tác điều tra: các loại mẫu biểu, dụng cụ lập ô tiêu chuẩn và đo cây, dụng cụ thu mẫu sâu hại và thiên địch.

- Xác định hệ thống điều tra

Điều tra sơ bộ thường được thực hiện trên tuyến điều tra. Tuyến điều tra phải đại diện cho khu vực điều tra và đi qua các loài cây trồng chính, các dạng địa hình, thực bì và tuổi cây khác nhau. Tuyến thường được bố trí theo một trong các dạng sau: chữ chi, song song, nan quạt hoặc xoắn trôn ốc. Khoảng cách giữa các tuyến là 200-250 m, tuyến xoắn trôn ốc khoảng cách giữa 2 vòng xoắn là 100 m. Trên tuyến cứ 100 m điều tra 1 điểm. Trên các điểm điều tra chọn 30 cây tiêu chuẩn để điều tra hoặc lập ô tiêu chuẩn.

- Nội dung điều tra

Xác định thành phần loài sâu hại rừng và thiên địch của chúng trong khu vực điều tra.

Xác định mức độ gây hại của các loài sâu hại trên các loài cây chủ.

Xác định được các loài gây hại chính

4.2. Điều tra tỷ mỷ

4.2.1. Mục tiêu

- Nhằm đánh giá chính xác thành phần loài, đặc điểm phân bố và mức độ bị hại của các nhóm sâu hại chủ yếu tại khu vực điều tra.

- Thu thập thông tin và nghiên cứu đặc điểm sinh học của sâu hại phục vụ dự tính, dự báo; đánh giá tác hại và tổn thất do sâu gây ra.

4.2.2. Các bước tiến hành

- Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị tài liệu phục vụ cho điều tra như: bản đồ, tài liệu thiết kế trồng rừng, điều kiện tự nhiên và tình hình dân sinh kinh tế của khu vực điều tra và tài liệu của điều tra sơ bộ.

Chuẩn bị dụng cụ phục vụ công tác điều tra: các loại mẫu biểu, dụng cụ lập ô tiêu chuẩn và đo cây, dụng cụ thu mẫu sâu và thiên địch.

- Xác định hệ thống điều tra

Điều tra được thực hiện trên ô tiêu chuẩn. Diện tích ô tiêu chuẩn nằm trong khoảng 500-2500 m2. Số lượng ô tiêu chuẩn căn cứ vào mục đích của đợt điều tra và diện tích rừng điều tra. Cứ 10-15 ha chọn một ô tiêu chuẩn. Diện tích ô tiêu chuẩn nên chiếm tổng diện tích là 0,1 % - 0,5 % đối với rừng trồng và 0,05 - 0,1 % đối với vườn ươm.

Lấy mẫu trong ô tiêu chuẩn: Trong ô tiêu chuẩn chọn 30-50 cây, cây mới trồng chọn > 100 cây, cây nông lâm kết hợp có thể chọn số cây < 1/3 để tiến hành điều tra.

- Nội dung điều tra

Nội dung điều tra trong ô tiêu chuẩn bao gồm:

- Phân cấp bị hại đối với các cây tiêu chuẩn trong ô tiêu chuẩn

Sâu hại lá: Nếu cây có độ cao dưới 2 m thì điều tra cả cây. Nếu cây cao có thể chia ra dưới, giữa, trên tán cây theo hướng khác nhau. Trong trường hợp nhộng, kén sâu hại qua đông trên cành, lá rụng và trên đất, cần điều tra số lượng sâu hại trên đất với diện tích 1 m2 ở độ sâu đến 20 cm. Điều tra xác định tỷ lệ ký sinh, loài ký sinh đối với mỗi giai đoạn phát triển của sâu hại. Cấp bị hại được phân cấp như sau:

Cấp bị hại

Mức độ biểu hiện triệu chứng

0

tán lá không bị hại

1

tán lá bị hại dưới 25 %

2

tán lá bị hại từ 25 đến 50 %

3

tán lá bị hại từ 51 đến 75 %

4

tán lá bị hại > 75 %

Sâu hại hoa quả: Sau khi chọn ô tiêu chuẩn, chọn 5-10 cây theo đường chéo hoặc đường chữ chi. Mỗi cây chia ra trên, giữa và dưới tán, lấy 30 - 40 quả, hạt, kiểm tra các loài sâu. Tính toán tỷ lệ, mức độ bị hại và mật độ sâu cho từng mẫu điều tra. Điều tra xác định tỷ lệ ký sinh, loài ký sinh đối với mỗi giai đoạn phát triển của sâu hại. Cấp bị hại được phân cấp như sau:

Cấp bị hại

Mức độ biểu hiện triệu chứng

0

không có hoa quả bị hại

1

hoa quả bị hại dưới 15%

2

hoa quả bị hại từ 15 đến 30%

3

hoa quả bị hại từ 31 đến 50%

4

hoa quả bị hại > 50%

Sâu hại thân, cành và ngọn: Trên khu vực điều tra chọn ô tiêu chuẩn, ô tiêu chuẩn phải có mức độ hại đồng đều. Mỗi ô tiêu chuẩn chọn 50 cây để điều tra. Nếu cần thiết phải chặt 2-3 cây, bóc đoạn vỏ dài từ gốc đến ngọn ghi chép vị trí phạm vi các loài sâu hại. Thống kê mật độ sâu đục thân cần bóc vỏ 20 cm x 50 cm theo vị trí và hướng khác nhau, làm rõ chủng loại, số lượng, dạng sâu và thống kê mật độ sâu trên 1 m2 và của 1 cây. Điều tra xác định tỷ lệ ký sinh, loài ký sinh đối với mỗi giai đoạn phát triển của sâu hại. Cấp bị hại được phân cấp như sau:

Cấp bị hại

Mức độ biểu hiện triệu chứng

0

thân, thành và ngọn không bị hại

1

thân, thành và ngọn bị hại dưới 15%

2

thân, thành và ngọn bị hại từ 15 đến 30%

3

thân, thành và ngọn bị hại từ 31 đến 50%

4

thân, thành và ngọn bị hại > 50%

Sâu hại rễ: Sâu hại rễ bao gồm bọ hung, dế, sâu xám và một số loài sâu khác. Phương thức rút mẫu thường theo đường chéo hoặc hình bàn cờ, cứ 0,2 - 0,3 ha đào 1 hố rộng 1 m x 1 m, theo các chiều sâu 0 - 1 cm, 5 - 15 cm, 15 - 30 cm, 30 - 45 cm. Tính toán mật độ sâu cho mỗi một lớp điều tra. Điều tra xác định tỷ lệ ký sinh, loài ký sinh đối với mỗi giai đoạn phát triển của sâu hại. Mức độ bị hại được phân cấp như sau:

Cấp bị hại

Mức độ biểu hiện triệu chứng

0

rễ không bị hại

1

rễ có một vài cây bị hại lẻ tẻ, < 10 % số cây

2

rễ bị hại tập trung 3 - 10 cây (10 - 30 % cây)

3

rễ bị hại tập trung 10 - 20 cây (30 - 50 % cây)

4

rễ bị hại tập trung > 20 cây (> 50 % số cây)

- Tính toán tỷ lệ bị hại, tỷ lệ cây có sâu (P%), mức độ bị hại (R%) và mật độ sâu.

Tính tỷ lệ số cây có sâu và mật độ sâu hại:

trong đó:

P là tỷ lệ bị hại

n là số cây bị hại

N là tổng số cây điều tra

Tính mức độ bị hại:

trong đó:

R(%) là mức độ bị hại trung bình

ni là số cây bị hại ở cấp hại i

vi là trị số của cấp hại i

N là tổng số cây điều tra

V trị số cấp bị hại cao nhất (V = 4)

Mật độ sâu trên đơn vị diện tích:

trong đó

Ms là mật độ sâu theo diện tích.

N số sâu điều tra

S diện tích điều tra

Mật độ sâu trên mỗi cây:

trong đó

Mc Mật độ sâu trên mỗi cây

N là tổng số sâu điều tra

C là tổng số cây điều tra

- Xử lý số liệu điều tra và báo cáo

Từ số liệu điều tra, giám định mẫu, tính toán tỷ lệ, mức độ bị hại và viết báo cáo. Báo cáo điều tra sâu hại có các nội dung sau:

- Phần mở đầu: Trình bày lý do của đợt điều tra

- Phần tổng quan tài liệu: nêu những kết quả điều tra và những vấn đề có liên quan đến các đối tượng điều tra

- Phần nội dung và phương pháp: Trình bày những nội dung và phương pháp chính.

- Phần kết quả điều tra: Trình bày toàn bộ kết quả điều tra đã được xử lý và tính toán số liệu.

- Kết luận và kiến nghị: nêu những kết luận chính được rút ra từ kết quả điều tra và những kiến nghị để thực hiện những công việc tiếp theo.

5. Dự tính, dự báo sâu hại cây rừng

5.1. Dự báo thời gian phát triển và sự xuất hiện sâu hại

Sử dụng nhiệt độ khởi điểm phát dục và tính ôn hữu hiệu để dự báo:

K = N(T - C)

trong đó

K là tích ôn hữu hiệu

N thời gian sống của sâu dưới điều kiện nhiệt độ T

T là nhiệt độ trung bình trong thời gian N

C là nhiệt độ khởi điểm phát dục, được tính như sau:

trong đó

N1 số ngày cần thiết cho sự phát dục trong điều kiện 1,

N2 số ngày cần thiết cho sự phát dục trong điều kiện 2,

T1 nhiệt độ điều kiện 1,

T2 là nhiệt độ điều kiện 2.

- Dự báo số lứa có thể phát sinh

Số thế hệ sâu hại trong một năm là:

trong đó

V số vòng đời của sâu trong năm

Kv tổng nhiệt độ hữu hiệu bình quân của vùng

K tổng nhiệt độ hữu hiệu của 1 thế hệ đối với loài sâu dự báo

- Dự báo kỳ phát sinh sâu hại

Thời gian cần thiết để sâu hoàn thành một pha phát triển là:

5.2. Dự báo mật độ sâu hại lứa kế tiếp

Công thức tính số lượng sâu:

F = pab(1-M)

trong đó

F số lượng sâu cần tính

P mật độ sâu hiện tại

a tỷ lệ cá thể cái

b số trứng của một cá thể cái

M tỷ lệ chết cho đến pha sâu cần tính

5.3. Dự tính diện tích nhiễm sâu hại

Công thức tính diện tích có sâu:

trong đó

Ssâu diện tích dự tính có sâu

P(%) tỷ lệ cây có sâu trung bình ở khu vực điều tra

Skv diện tích của khu vực điều tra

5.4. Dự báo khả năng phát dịch dựa vào biểu đồ khí hậu

Dùng một trục của hệ tọa độ biểu diễn nhiệt độ, trục kia biểu diễn ẩm độ. Như vậy mỗi một tháng có 1 điểm trên hệ tọa độ. Nối các điểm được 1 đa giác mô tả đặc điểm khí hậu của 1 năm của một vùng nào đó. So sánh biểu đồ khí hậu của năm hiện tại với biểu đồ khí hậu của năm phát dịch nếu có sự tương đồng thì năm tới được dự báo có khả năng phát dịch.

5.5. Dự báo khả năng phát dịch dựa vào chỉ số kinh nghiệm

Chỉ số kinh nghiệm bao gồm: hệ số sinh sản (HSSS) hay chiều hướng phát triển của sâu hại, hệ số phân bố (HSPB), khả năng phát dịch (KNPD).

HSSS =

Nếu HSSS > 1: mật độ sâu tăng lên

Nếu HSSS < 1: mật độ sâu giảm

Nếu HSSS = 1: rừng ổn định, sâu hại không có chiều hướng phát triển.

HSPB =

Trong đó mật độ tương đối sâu hại được xác định bằng tỷ lệ % điểm có sâu trên tổng số điểm điều tra.

Nếu HSPB = 1 tức là diện tích bị sâu hại vẫn như trước

Nếu HSPB >1 tức là diện tích sâu hại tăng lên

Nếu HSPB < 1 tức là diện tích sâu hại thu hẹp

Khả năng phát triển (KNPT) được tính như sau:

KNPT = HSSS x HSPB

Khả năng phát dịch được tính như sau:

KNPD =

Hệ số này là số liệu quan trọng nhất để dự báo khả năng phát dịch của sâu hại. Nếu hệ số phát dịch > 1 tức là sâu hại đang phát triển mạnh và đang lan tràn trong lâm phần, cần có biện pháp ngăn ngừa.

6. Phòng trừ sâu hại rừng

6.1. Phương châm và nguyên tắc phòng trừ sâu hại cây rừng

Phòng trừ sâu hại cần theo phương châm "Phòng là chính, trừ kịp thời, toàn diện và tổng hợp", luôn luôn phải thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng cân bằng sinh thái luôn giữ mật độ sâu hại ở mật độ không nguy hiểm - dưới ngưỡng kinh tế.

Thay đổi tính đa dạng loài theo hướng tăng loài thiên địch và giảm loài gây hại; cải thiện môi trường sinh thái để ức chế kìm hãm sự phát triển của sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật có ích và nâng cao sức đề kháng của cây.

Căn cứ vào mức độ bị hại áp dụng biện pháp quản lý sâu hại thích hợp

Mức độ bị hại

Biện pháp

Hại nhẹ

phòng

Hại vừa

phòng

Hại nặng

phòng và trừ

Hại rất nặng

trừ

6.2. Các bước tiến hành

Xây dựng kế hoạch phòng trừ: do chủ rừng chịu trách nhiệm soạn thảo dựa theo quy trình hay hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và phải được Sở NN-PTNT phê duyệt; thực hiện các phương pháp phòng trừ; kiểm tra kết quả phòng trừ; điều chỉnh kế hoạch phòng trừ; báo cáo kết quả phòng trừ sâu hại.

6.3. Các biện pháp phòng trừ sâu hại

Phòng trừ sâu hại rừng được thực hiện bằng phương pháp quản lý tổng hợp dịch hại IPM (viết tắt của từ tiếng Anh là Integrated Pests Management) với các phương pháp cơ bản sau: Kỹ thuật lâm sinh, kiểm dịch; vật lý cơ giới; sinh học và hóa học.

6.3.1. Phương pháp kỹ thuật lâm sinh: Phương pháp kỹ thuật lâm sinh là thông qua một loạt những biện pháp kinh doanh, quản lý rừng như trồng rừng, cải tạo tu bổ, khai thác rừng và kỹ thuật ở vườn ươm… nhằm tạo ra một khu rừng khỏe mạnh, có sức đề kháng cao và hạn chế sự phát sinh, phát triển của sâu hại đến mức thấp nhất.

6.3.2. Phương pháp kiểm dịch thực vật: Kiểm dịch thực vật là một hệ thống các biện pháp kiểm tra phát hiện các loài sâu hại cùng với hàng hóa như hạt giống, cây con, lâm sản khác vận chuyển từ vùng này sang vùng khác và từ nước này sang nước khác. Kiểm dịch thực vật được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn theo Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo Pháp lệnh số 36/2001/PL-UBTVQH10 công bố ngày 08 tháng 08 năm 2001.

6.3.3. Phương pháp vật lý, cơ giới: Phương pháp vật lý, cơ giới là sử dụng trực tiếp sức người hay các phương tiện và các yếu tố vật lý để tiêu diệt sâu hại.

6.3.4. Phương pháp sinh học: Phương pháp sinh học là lợi dụng các thiên địch của sâu hại và các sản phẩm hoạt động của các sinh vật vào việc phòng trừ sâu hại.

6.3.5. Phương pháp hóa học: Phương pháp hóa học là sử dụng các chất độc hóa học thông qua tiếp xúc hoặc xâm nhập vào cơ thể côn trùng làm đảo lộn hoạt động sống và làm sâu bị chết. Hạn chế ở mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong rừng tự nhiên. Khi sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc "đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng phương pháp". Cần chú ý chọn các loại thuốc có độc tính thấp, có tính chọn lọc, hiệu quả trừ sâu, bệnh cao theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cho từng thời kỳ.

6.4. Các quy định về dập tắt dịch

Khi có dấu hiệu dịch, cơ quan bảo vệ thực vật các cấp cần tiến hành xác định và hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương pháp dập dịch. Khi có dịch các cơ quan bảo vệ thực vật cấp Tỉnh báo cáo để UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch trong phạm vi của Tỉnh và báo cáo lên Bộ. Trường hợp vùng dịch thuộc phạm vi từ 2 tỉnh trở lên Bộ NN-PTNT quyết định công bố dịch. Khi có quyết định công bố, chủ tịch UBND các cấp nơi có dịch phải chỉ đạo các ngành các cấp phối hợp với các tổ chức xã hội huy động nhân dân trong vùng thực hiện ngay các biện pháp hữu hiệu để dập dịch và ngăn ngừa sự lây lan sang các vùng khác. Khi hết dịch cơ quan nào công bố dịch thì cơ quan đó bãi bỏ quyết định công bố dịch.

Điều kiện thể thức quyết định công bố dịch và bãi bỏ công bố dịch theo Pháp lệnh số 36/2001/PL-UBTVQH10 công bố ngày 08 tháng 08 năm 2001 và điều lệ kiểm dịch thực vật ban hành theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 3 tháng 6 năm 2002.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp và đối tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2006, Cẩm nang ngành lâm nghiệp, Chương Quản lý sâu bệnh hại rừng, Hà Nội.

2. Nguyễn Thế Nhã, Trần Công Loanh và Trần Văn Mão, 2001, Điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh trong lâm nghiệp, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

3. Teresa Mc Maugh, 2008, Hướng dẫn điều tra dịch hại thực vật ở Châu Á và khu vực Thái Bình dương, ACIAR, Chuyên khảo 119B, 192 trang.

4. Trần Công Loanh và Nguyễn Thế Nhã, 1997, Côn trùng rừng, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

5. Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2002, Văn bản tiêu chuẩn kỹ thuật lâm sinh, Tập 3, Tiêu chuẩn ngành 04-TCN-27-2001, Quy phạm kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.