THỨC ĂN CHĂN NUÔI - THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Animal feedstuff- Terms and definitions
Lời nói đầu
TCVN 9123:2014 do Cục chăn nuôi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THỨC ĂN CHĂN NUÔI - THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Animal feedstuff- Terms and definitions
Tiêu chuẩn này quy định các thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến thức ăn chăn nuôi.
2.1.1. Vật nuôi (animal)
Các loại gia súc, gia cầm, ong, tằm và động vật thủy sản được con người nuôi giữ.
2.1.2. Thức ăn chăn nuôi (animal feedstuff)
Là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hay thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn chăn nuôi, premix, hoạt chất và chất mang
2.1.3. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hay thức ăn đơn (animal feed ingredients)
Là thức ăn dùng để cung cấp một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho vật nuôi.
2.1.4. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng (rich energy feed ingredients)
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có năng lượng trao đổi không thấp hơn 2 500 kcal tính theo khối lượng vật chất khô.
2.1.5. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu protein (rich protein feed ingredients)
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có hàm lượng protein thô không thấp hơn 35 % tính theo khối lượng vật chất khô.
2.1.6. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu chất khoáng (rich mineral feed ingredients)
Những thức ăn bổ sung được cấu tạo chính bởi các chất khoáng có hàm lượng tro thô từ 40 % trở lên.
2.1.7. Khẩu phần ăn (ration)
Lượng thức ăn chăn nuôi dưới dạng nguyên liệu hoặc hỗn hợp các nguyên liệu bao gồm cả nước mà vật nuôi ăn vào trong một ngày đêm.
2.1.8. Thức ăn chăn nuôi hỗn hợp (compound feed)
Thức ăn chăn nuôi được phối chế theo tỷ lệ nhất định gồm hai loại nguyên liệu thức ăn trở lên phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.
2.1.9. Thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh (complete feed)
Hỗn hợp của nhiều nguyên liệu thức ăn được phối chế theo công thức nhất định đảm bảo có đủ các chất dinh dưỡng để duy trì đời sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng của chu kỳ sản xuất mà không cần thêm bất kỳ loại thức ăn nào khác ngoài nước uống.
2.1.10. Thức ăn chăn nuôi đậm đặc (concentrated feed)
Hỗn hợp các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có hàm lượng các chất dinh dưỡng (protein, khoáng, vitamin...) cao hơn nhu cầu vật nuôi dùng để pha trộn với các nguyên liệu khác để tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
2.1.11. Phụ gia thức ăn chăn nuôi (feed additives)
Chất có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến, xử lý nhằm duy trì hoặc cải thiện đặc tính nào đó của thức ăn chăn nuôi.
2.1.12. Thức ăn chăn nuôi bổ sung (supplement feed)
Là nguyên liệu đơn hay hỗn hợp của nhiều nguyên liệu cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vật nuôi.
2.1.13. Premix
Là thức ăn bổ sung gồm hỗn hợp của một hay nhiều hoạt chất cùng với chất mang.
2.1.14. Chất mang (carier)
Chất mà vật nuôi ăn được dùng để trộn với hoạt chất trong premix nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
2.1.15. Thức ăn chăn nuôi có chiếu xạ (radioactive feed)
Thức ăn chăn nuôi đã được chiếu xạ bằng các nguồn có hoạt tính phóng xạ để bảo quản và ngăn ngừa sự biến chất của thức ăn chăn nuôi.
2.1.16. Thức ăn chăn nuôi có nguy cơ cao (high risk feed)
Thức ăn chăn nuôi có nhiều khả năng bị các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý xâm nhập gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
2.1.17. Sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi (animal feed production and feed business)
Việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, buôn bán thức ăn chăn nuôi.
2.1.18. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (feed manufacturer, feed mill)
Là tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích thương mại.
2.1.19. Gia công thức ăn chăn nuôi (animal feed processing)
Là quá trình thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn sản xuất thức ăn chăn nuôi để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng.
2.1.20. Thức ăn chăn nuôi hàng hóa (commercial feeds)
Thức ăn chăn nuôi được lưu thông và tiêu thụ trên thị trường.
2.1.21. Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi (animal feed safety)
Các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm thức ăn chăn nuôi không gây hại cho sức khỏe của vật nuôi và con người sử dụng sản phẩm vật nuôi và môi trường.
2.2. Thuật ngữ về chất dinh dưỡng
2.2.1. Chất dinh dưỡng (nutrient)
Chất hóa học mà có thể sử dụng để nuôi dưỡng gia súc như protein, lipid, carbohydrat, chất khoáng và vitamin.
2.2.2. Vi chất dinh dưỡng (micronutrient)
Vitamin, chất khoáng vi lượng và các chất khác mà vật nuôi cần với hàm lượng nhỏ, thường được đo ở mức miligam, microgam.
2.2.3. Vật chất khô (dry matter)
Phần còn lại của thức ăn chăn nuôi sau khi loại bỏ hoàn toàn nước.
2.2.4. Chất hữu cơ (organic matter)
Phần còn lại của thức ăn chăn nuôi sau khi loại bỏ hoàn toàn nước và chất khoáng.
2.2.2. Protein
Chất hữu cơ tự nhiên hoặc nhân tạo có cấu trúc phức tạp được cấu thành bởi các axit amin.
2.2.6. Nitơ phi protein (non protein nitrogen)
Nitơ có nguồn gốc từ các nguồn khác không phải từ protein nhưng có thể được sử dụng bởi gia súc nhai lại để tổng hợp protein của cơ thể.
2.2.7. Lipid
Những chất khác nhau về tính chất hóa học nhưng đều hòa tan được trong các dung môi hữu cơ như etanol, ete, cloroform, benzen. Lipid gồm mỡ và dầu, phospho lipid, glycolipid, lipoprotein, các axit béo và các carotenoid.
2.2.8. Dẫn xuất không đạm (nitrogen-free extract)
Tập hợp một số chất hóa học trong thức ăn không chứa nitơ gồm: đường, tinh bột, pentose và các axit hữu cơ không chứa nitơ. Tỷ lệ phần trăm của dẫn xuất không đạm được xác định bằng cách lấy 100 trừ đi tỷ lệ phần trăm (%) nước, protein thô, mỡ thô, xơ thô và khoáng tổng số.
2.2.9. Chất khoáng (mineral)
Các nguyên tố vô cơ của cơ thể động vật và thực vật, được xác định bằng cách đốt cháy hoàn toàn chất hữu cơ ở nhiệt độ cao.
2.2.10. Tro tổng số (total ash)
Phần còn lại sau khi đốt cháy hoàn toàn chất hữu cơ của thức ăn chăn nuôi ở nhiệt độ từ 500 °C đến 600 °C trong phân tích gần đúng.
2.2.11.
Tro không tan trong axit (acid insoluble ash)
Phần tro không tan trong axit clohydric, được sử dụng để đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi.
2.2.12. Chất xơ (fibre)
Carbohydrat không hòa tan còn lại trong thức ăn chăn nuôi sau khi đun sôi trong dung dịch axit và dung dịch kiềm trong phân tích gần đúng.
2.2.13. Tinh bột (starch)
Polyme của glucoza và bị thủy phân dễ dàng bởi các enzym tiêu hóa.
2.2.14. Axit amin (amino acid)
Đơn vị cấu trúc đơn giản nhất tạo nên protein.
2.2.15. Axit amin tiêu hóa (digestible amino acid)
Axit amin của thức ăn chăn nuôi đã được hấp thu trong đường tiêu hóa của vật nuôi.
2.2.16. Axit amin thiết yếu (essential amino acid)
Axit amin mà cơ thể động vật không tự tổng hợp được và cần được cung cấp thông qua thức ăn.
2.2.17. Năng lượng thô (gross energy)
Năng lượng giải phóng ra sau khi đốt mẫu thức ăn chăn nuôi trong máy đo năng lượng.
2.2.18. Năng lượng tiêu hóa (digestible energy)
Năng lượng thô của thức ăn đã trừ đi năng lượng của phân mà con vật thải ra sau khi ăn thức ăn đó.
2.2.19. Năng lượng trao đổi (metabolizable energy)
Năng lượng còn lại sau khi lấy năng lượng tiêu hóa trừ đi năng lượng của nước tiểu và khi tiêu hóa.
2.2.20. Năng lượng thuần (net energy)
Năng lượng còn lại của thức ăn sau khi lấy năng lượng trao đổi trừ đi năng lượng nhiệt thất thoát.
2.2.21. Vitamin
Những hợp chất hữu cơ phức tạp có chức năng như một bộ phần cấu thành của các enzym trong cơ thể.
2.3. Thuật ngữ về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
2.3.1. Ngô (maize)
Hạt được lấy ra từ bắp ngô.
2.3.2. Bột ngô nghiền (ground maize)
Bột hạt ngô được nghiền nhỏ, có ít hoặc không có cám.
2.3.3. Thóc (paddy rice)
Hạt được lấy ra từ bông lúa.
2.3.4. Gạo (rice)
Phần còn lại của hạt thóc sau khi đã tách bỏ hết vỏ trấu, tách một phần hay toàn bộ cám và phôi.
2.3.5. Tấm (broken rice)
Hạt gạo gẫy đã được tách ra từ những hạt gạo nguyên trong quá trình xay xát.
2.3.6. Cám (bran)
Vỏ của các loại hạt ngũ cốc sau khi đã loại bỏ vỏ cứng.
2.3.7. Cám gạo (rice bran)
Vỏ lụa của hạt gạo, thường lẫn với phôi và nội nhũ.
2.3.8. Cám gạo trích li (extracted rice bran)
Sản phẩm thu được sau khi tách dầu từ cám gạo bằng sử dụng dung môi.
2.3.9. Cám mì (wheat bran)
Vỏ thô bên ngoài của hạt lúa mì được tách ra từ hạt lúa mì sạch trong quá trình xay xát.
2.3.10. Cám ngô (maize bran)
Phần bên ngoài bao bọc phần nhân hạt ngô, có rất ít hoặc không có tinh bột.
2.3.11. Củ (tuber)
Bộ phận ở dưới đất của thực vật.
2.3.12. Sắn củ khô bỏ vỏ (dried depeeled cassava root)
Phần lõi khô của củ sắn sau khi tách vỏ cứng và vỏ lụa.
2.3.13. Sắn củ khô cả vỏ (dried cassava root with peel)
Củ sắn còn nguyên vỏ cứng và vỏ lụa đã được làm khô.
2.3.14. Sắn lát (sắn chẻ) (tapioca)
Sắn khô ở dạng mảnh nhỏ hoặc thái lát.
2.3.15. Dầu (oil)
Chất béo chủ yếu gồm triglycerit, thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng.
2.3.1. Mỡ (fat)
Chất béo chủ yếu gồm triglycerit, thường ở dạng đặc hoặc dẻo ở nhiệt độ phòng.
2.3.17. Mỡ động vật (animal fat)
Mỡ từ các mô của động vật.
2.3.18. Bột cá (fish meal)
Sản phẩm thu được bằng cách làm khô (đã tách hoặc không tách chất béo) và xay nghiền một phần hoặc cả cá nguyên con.
2.3.19. Bột lông vũ thủy phân (hydrolysed feather meal)
Sản phẩm lông sạch của gia cầm giết mổ được tạo ra bằng xử lý trong điều kiện áp suất cao.
2.3.20. Bột máu (blood meal)
Bột được tạo ra từ máu gia súc tươi sạch.
2.3.21. Sữa bột gầy (skimmed milk powder)
Sản phẩm sữa thu được bằng cách tách nước và chất béo của sữa.
2.3.22. Bột tôm (shrimp meal)
Phần phế thải của tôm nguyên con hoặc các phần của con tôm chưa bị phân hủy được nghiền khô.
2.3.23. Bột thịt (meat meal)
Sản phẩm của các mô động vật ở dạng bột nhưng không có xương, lông, sừng, móng và chất chứa dạ cỏ.
2.3.24. Bột thịt xương (meat and bone meal)
Sản phẩm của các mô động vật bao gồm xương nhưng không có máu, lông, sừng, móng, phân, dạ dày và chất chứa dạ cỏ.
2.3.25. Hạt đậu tương ép đùn (extruded full fat soybean)
Sản phẩm bột đậu tương được tạo ra bởi sự ép đẩy nhờ ma sát nhiệt lên toàn bộ hạt đậu tương nguyên dầu.
2.3.26. Hạt đậu tương nguyên dầu (full fat soybean)
Hạt đậu tương chưa bị tách dầu.
2.3.27. Hạt đậu tương xử lý nhiệt (heat treated soybean)
Sản phẩm được tạo ra từ sự xử lý nhiệt của hạt đậu tương nguyên dầu.
2.3.28. Khô dầu đậu tương trích li (extracted soybean meal)
Sản phẩm còn lại của hạt đậu tương sau khi tách dầu bằng phương pháp dùng dung môi.
2.3.29. Khô dầu đậu tương ép (pressed soybeal meal)
Sản phẩm còn lại của hạt đậu tương sau khi tách dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.30. Khô dầu bông trích li (extracted cotton seed meal)
Sản phẩm còn lại của hạt bông sau khi tách dầu bằng phương pháp dùng dung môi.
2.3.31. Khô dầu bông ép (pressed cotton seed meal)
Sản phẩm còn lại của hạt bông sau khi tách dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.32. Khô dầu cọ trích li (extracted palm cake)
Sản phẩm còn lại của hạt cọ sau khi tách dầu bằng dung môi.
2.3.33. Khô dầu hạt cọ ép (pressed palm cake)
Sản phẩm còn lại của hạt cọ sau khi tách dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.34. Khô dầu cải trích li (extracted rape seed cake)
Sản phẩm còn lại từ hạt cải sau khi tách dầu bằng dung môi.
2.3.35. Khô dầu cải ép (pressed rape seed cake)
Sản phẩm còn lại của hạt cải sau khi tách bỏ dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.36. Khô dầu dừa trích li (extracted copra meal)
Sản phẩm còn lại của cùi dừa sau khi tách dầu bằng dung môi.
2.3.37. Khô dầu dừa ép (pressed copra meal)
Sản phẩm còn lại của cùi dừa sau khi tách dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.38. Khô dầu lạc trích li (extracted groundnut meal)
Sản phẩm còn lại sau khi tách dầu từ hạt lạc bằng dung môi.
2.3.39. Khô dầu lạc nhân ép (pressed groundnut meal)
Sản phẩm còn lại của hạt lạc sau khi tách dầu bằng phương pháp cơ học.
2.3.40. Gluten ngô (corn gluten meal)
Phần còn lại của ngô sau khi lấy đi phần lớn tinh bột và mầm.
2.3.41. Gluten mì (wheat gluten meal)
Phần còn lại của hạt lúa mì đã loại bỏ cám sau khi lấy đi phần lớn tinh bột.
2.3.42. Bentonit (bentonite)
Chất khoáng tự nhiên có thành phần chính là nhôm silicat.
2.3.43. Bột đá (lime stone)
Sản phẩm có nguồn gốc từ canxi oxit (CaO), chứa ít nhất 33 % canxi tính theo khối lượng.
2.3.44. Bột vỏ sò (oyster shell meal)
Phần bao bọc bên ngoài của con sò đã được nghiền nhỏ.
2.3.45. Bột vỏ trứng (egg shell meat)
Hỗn hợp bột khô của vỏ trứng, màng vỏ trứng và lòng trứng sau khi ấp nở.
2.3.46. Bột xương (bone meal)
Sản phẩm của xương được xử lý nhiệt, làm khô và nghiền.
2.3.47. Xương động vật làm thức ăn chăn nuôi (animal bone used as animal feed)
Xương động vật ở dạng nguyên thủy hoặc dạng mảnh dùng làm thức ăn chăn nuôi.
2.3.48. Men tiêu hóa (enzym)
Các chất có hoạt tính sinh học, có nguồn gốc protein, được cấu thành bởi các axit amin hoặc các dẫn xuất của chúng, làm xúc tác cho phản ứng sinh hóa đã được định rõ.
2.3.49. Kháng sinh (antibiotic)
Một loại dược phẩm thường được tổng hợp bởi vi sinh vật sống, có khả năng kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật khác.
2.3.50. Thuốc (drug)
Chất được dùng để chẩn đoán, chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh ở người và động vật.
2.3.51. Phụ phẩm (by-product)
Những sản phẩm thứ cấp được tạo ra cùng với sản phẩm chính.
2.3.52. Phụ phẩm gia cầm (poultry by-product)
Phần thịt xẻ gia cầm như cổ, chân, trứng chưa phát triển và ruột, đã được nghiền sạch.
2.3.53. Phụ phẩm sữa (milk by-product)
Sản phẩm thứ cấp bên cạnh sản phẩm chính trong chế biến sữa.
2.3.54. Whey (whey)
Sản phẩm sữa dạng lỏng được tách ra khỏi phần đông tụ, thu được trong quá trình sản xuất phomat, casein hoặc các sản phẩm tương tự.
2.3.55. Whey bột (whey powder)
Sản phẩm sữa thu được bằng cách sấy khô whey.
2.3.56. Nấm men bia khô (dried brewer's yeast)
Men chưa tách, chưa lên men và khô.
2.3.57. Bã bia khô (dried brewer's waste)
Phần còn lại sau khi chiết khô mạch nha, lúa mạch hoặc hỗn hợp lúa mạch với hạt ngũ cốc khác trong công nghệ sản xuất bia.
2.3.58. Dây lạc khô nghiền (dried ground groundnut vine)
Sản phẩm bao gồm lá và thân cây lạc đã được lấy hết củ và nghiền dưới dạng khô.
2.3.59. Dây lá khoai lang khô (dried ground sweet potato)
Sản phẩm bao gồm lá và thân cây khoai lang đã được lấy hết củ và nghiền dưới dạng khô.
2.3.60. Lõi ngô (com cob)
Phần còn lại của bắp ngô sau khi lấy hạt.
2.3.61. Phụ phẩm nhà hàng ăn uống (restaurant by-product)
Thức ăn thừa được được thu gom từ các nhà hàng, quán ăn.
2.3.62. Rơm lúa (rice straw)
Phần thực vật còn lại sau khi tách hạt từ bông lúa.
2.3.63. Rỉ mật (molasses)
Sản phẩm phụ đặc, nhớt tạo ra từ sản xuất đường hoặc từ dịch quả ép đã khử nước một phần và cô đặc.
2.3.64. Rỉ mật mía (sugar cane molasses)
Sản phẩm phụ đặc, nhớt tạo ra từ sản xuất đường mía đã khử một phần nước và cô đặc.
2.3.65. Vỏ trấu (rice hull)
Phần bao bọc ngoài cùng của các hạt thóc.
2.3.66. Vỏ lạc (groundnut hull)
Phần bao bọc ngoài cùng của củ lạc.
2.3.67. Vỏ hạt đậu tương (soybeal hull)
Phần bao bọc ngoài cùng của hạt đậu tương.
2.4. Thuật ngữ về chế biến và sản xuất thức ăn chăn nuôi
2.4.1. Tạo viên (pelleting)
Quá trình làm kết dính thức ăn chăn nuôi nhờ sự nén chặt và đẩy ra ngoài thông qua các lỗ hở.
2.4.2. Chiết (extraction)
Quá trình làm mất dầu hoặc mỡ của thức ăn chăn nuôi bằng dung môi hữu cơ.
2.4.3. Ép đùn (extrusion)
Quá trình dùng áp lực làm cho thức ăn chăn nuôi bị nén và đẩy ra ngoài thông qua lỗ.
2.4.4. Giãn nở (expanding)
Việc sử dụng ẩm độ, áp suất và nhiệt độ để gelatin hóa tinh bột.
2.4.5. Nổ bỏng (popping)
Việc xử lý nhiệt khô để làm bung nổ các hạt ngũ cốc.
2.4.6. Hầm (steaming)
Quá trình xử lý nhiệt bằng hơi nước để làm thay đổi các đặc tính lý hóa của thức ăn chăn nuôi.
2.4.7. Khử nước (dehydration)
Quá trình làm mất nước bằng nhiệt.
2.4.8. Làm khô (drying)
Quá trình làm mất nước và các dịch lỏng khác trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
2.4.9. Lên men (fermentation)
Quá trình tác động của nấm men, nấm mốc hay vi khuẩn trong điều kiện yếm khí hoặc hiếu khí.
2.4.10. Ủ chua (ensiling)
Quá trình lên men tự nhiên thức ăn chăn nuôi trong điều kiện yếm khí có kèm theo sự giảm độ pH của thức ăn.
2.4.11. Nấu chín (cooking)
Quá trình đun nóng với sự có mặt của ẩm độ để làm biến đổi các đặc tính lý hóa của thức ăn chăn nuôi.
2.4.12. Nghiền (grinding)
Quá trình làm giảm kích thước vật thể bằng tác động va chạm hay cọ sát.
2.4.13. Trộn (mixing)
Quá trình làm rối tung hai hay nhiều nguyên liệu tới mức độ khuếch tán đồng nhất.
2.4.14. Rang (dry heat treatment)
Quá trình làm cho thức ăn chăn nuôi bị khô vàng dưới tác động của nhiệt độ.
2.4.15. Tách vỏ (dehulling)
Quá trình loại bỏ lớp bên ngoài của hạt.
2.4.16. Bã ngũ cốc lên men (dried distillers grain with solubles)
Phần còn lại của hạt ngũ cốc sau khi lên men để sản xuất etanol.
2.4.17. Bã ngô lên men (maize DDGS)
Phần còn lại của ngô sau khi lên men để sản xuất etanol.
2.4.18. Bã lúa mì lên men (wheat DDGS)
Phần còn lại của lúa mì sau khi lên men để sản xuất etanol.
2.4.19. Gluten ngô (corn gluten meal)
Phần còn lại của ngô sau khi đã chiết xuất tinh bột.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 4800:1989 (ISO 7088:1981), Bột cá - Thuật ngữ và định nghĩa.
[2] TCVN 4995:2008 (ISO 5527:1995), Ngũ cốc - Thuật ngữ và định nghĩa.
[3] American Feed Control Officials Incorporated - Official Publication 2004 (Official Feed Terms).
[4] Ensminger. M.E, Oldfild. J.E and W.W. Heinemann. 1990. Feeds and Nutrition (Glossary of Nutrition terms).
[5] American Feed Industry Association. 1994, Feed Manufacturing Technology IV.
[6] Pond. W.G, Church. D.C. and K.R. Pond. Basic Animal Nutrition and Feeding.
[7] GB/T 10647-2008. Feed Industry terms (Tiêu chuẩn Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
[8] MS 455:1976 Spesification for Glossary of Terms for Animal Feedingstuff (Tiêu chuẩn Quốc gia Malaysia).
[9] Alan Stephens. Dictionary of Agriculture.
[10] Karen Eich Drummond. Dictionary of Nutrition and Dietetics.
[11] Lynn S. Bates, Dean M. Akiyama and Lee Ryh Shing. Aquaculture Feed Microscopy Manual.