Hệ thống pháp luật

Tiêu chuẩn thi công chức tư pháp hộ tịch

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31820

Câu hỏi:

Xin được hỏi chuyên gia hiện nay tôi có bằng Trung cấp Quản lý hành chính về trật tự xã hội (công an xã) có được thi vào công chức tư pháp hộ tịch không vì hiện nay địa phương còn thiếu một chức danh đó? 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Nghị định số 112/2011/NĐ-CP;

– Thông tư số 06/2012/TT-BNV;

– Luật hộ tịch 2014.

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP thì công chức tư pháp – hộ tịch phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung như sau:

“Điều 3. Tiêu chuẩn chung

1. Đối với các công chức Văn phòng – thống kê, Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính – kế toán, Tư pháp – hộ tịch, Văn hóa – xã hội:

a) Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

b) Có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

c) Có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.”

Bên cạnh đó, công chức tư pháp – hộ tịch phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể quy định theo Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV gồm:

– Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

– Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

– Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;

– Tiếng dân tộc thiểu số: ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công;

– Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm.

Đồng thời, theo khoản 2, Điều 72 Luật hộ tịch 2014 thì công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã phải có các tiêu chuẩn sau đây:

– Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch;

– Có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.

Như vậy, từ các quy định trên thì công chức tư pháp – hộ tịch phải bảo đảm tất cả các tiêu chuẩn chung và riêng thì mới được làm. Ngoài ra còn phải phụ thuộc vào tổ chức hoạt động và xét tuyển từng địa bàn khác nhau. Ở đây, nếu bạn chỉ có bằng Trung cấp Quản lý hành chính về trật tự xã hội thì bạn chưa đủ tiêu chuẩn để thi vào công chức tư pháp – hộ tịch. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn