Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN NHÀ NƯỚC

TCVN 1661 - 75

PHƯƠNG PHÁP THỬ NẤM MỐC CHO CÁC SẢN PHẨM KỸ THUẬT ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ

Tiêu chuẩn này quy định chế độ thử nấm mốc dùng để để đánh giá khả năng bị mốc của sản phẩm kỹ thuật điện và điện tử như các loại vật liệu cách điện bằng giấy, vải, cao su, sơn, chất dẻo, da… và các linh kiện, thiết bị dùng các vật liệu kể trên.

Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng cho các sản phẩm của ngành khác dùng các vật liệu tương tự.

1. NGUYÊN TẮC CHUNG

Nguyên tắc thử là dùng phương pháp gia tốc nhân tạo (đặt mẫu thử vào những điều kiện thuận lợi nhất cho nấm mốc phát triển) để nhanh chóng xác định được tính bền của sản phẩm đối với nấm mốc.

2. MẪU THỬ

2.1. Các mẫu thử phải đồng nhất về thành phần cấu tạo, về công nghệ sản xuất và về quy cách kỹ thuật.

2.2. Mỗi loại vật liệu thử phải có năm mẫu. Nếu là linh kiện hoặc thiết bị nhỏ phải có ít nhất là ba mẫu.

2.3. Vật liệu dạng phiến phải có kích thước 100 x 100mm.

2.4. Vật liệu dạng sợi hay dây có đường kính dưới 3mm phải cắt thành từng đoạn dài 40mm xếp sát nhau thành hình vuông có cạnh bằng 40mm (hình 1) hoặc quấn thành dạng đĩa có đường kính bằng 40 mm (hình 2). Có thể quấn vào lõi sứ hoặc lõi thủy tinh hình ống có đường kính từ 15 đến 20 mm với đoạn có dây mẫu dài 40 mm (hình 3). Cũng có thể quấn vào lõi sứ hoặc lõi thủy tinh hình phiến với phần có dây mẫu thành hình vuông mỗi cạnh 40mm hoặc hình chữ nhật 20 x 40 mm (hình 4). Vật liệu sắp xếp như trên được coi như một mẫu.

2.5. Vật liệu dạng dây có đường kính trên 3 mm phải cắt thành đoạn dài 100 mm, mỗi đoạn coi như một mẫu.

2.6. Mép các mẫu phải nhẵn không có sơ hay nham nhở.

Hình 1

Hình 2

Hình 3

Hình 4

2.7. Nếu vật liệu thử là sơn thì phải tạo thành màng bằng cách tráng đều lên một mặt của tấm thủy tinh, có kích thước 20 x 80 mm phần có sơn phải chiếm một nửa tấm thủy tinh (hình 5). Màng sơn phải đồng đều và phải sấy khô theo đúng quy trình công nghệ sản xuất.

Hình 5

3. THIẾT BỊ VÀ ĐIỀU KIỆN THỬ

3.1. Tủ thử (hoặc buồng thử) phải luôn luôn giữ ở nhiệt độ 30 ± 2oC và độ ẩm tương đối 95 ± 5% (phần 1 của phụ lục).

Trong tủ phải có dụng cụ đo nhiệt độ và độ ẩm tương đối, đồng thời phải có giá ngang để treo hoặc đặt mẫu thử.

3.2. Nhiệt độ trong tủ trong cùng thời điểm phải đồng đều, sau khác nhau giữa các điểm không quá 1oC.

3.3. Tốc độ lưu chuyển không khí trong tủ không được vượt quá 0,5 m/s.

3.4. Không cho phép có hạt nước rơi từ trần hoặc thành tủ vào các mẫu thử.

3.5. Kim loại hoặc sơn phủ bảo vệ trong tủ phải có tính chịu ẩm cao để không bị gỉ hay mốc.

4. NẤM MỐC ĐỂ THỬ

4.1. Lấy bào tử các loài nấm sau đây để nhiễm cho mẫu thử:

- Aspergillus amstelodami

- Aspergillus flavus

- Aspergillus niger

- Aspergillus nidulans

- Aspergillus versicolor

- Chaetomium sản phẩm NĐ 201

- Cladosporium herbarum

- Gonytrichum

- Paecilomyces varioti

- Penicillium waksmani

- Penicillium wortmani

- Trichoderma viride

4.2. Các loại nấm trên phải được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng (phần 2 của phụ lục) ở nhiệt độ 25 - 30oC trong 15 ngày.

Riêng với hai loài Chaetomium sp NĐ 201 và Gonytrichum phải nuôi trên vải phin trắng trong 30 ngày. Sau thời gian trên, lấy bào tử nấm để tiến hành thử.

5. THAO TÁC THỬ

5.1. Mẫu thử phải được lau sạch bằng bông hoặc vải thô mềm, không được để sơ bông dây lên mặt mẫu. Tay người lau mẫu phải mang bao cao su hoặc xoa cồn.

5.2. Trước khi thử, mẫu phải được để ở Điều kiện nhiệt độ 20 ± 2oC và độ ẩm tương đối 65 ± 5% trong 48 giờ.

5.3. Mỗi mẫu phải đánh số, nếu có dạng hình phiến phải có quai treo để treo vào giá ngang. Mẫu có dạng sợi hay dạng dây phải đặt vào đĩa thủy tinh sạch có đường kính từ 100 đến 150 mm.

5.4. Nhiễm bào tử nấm cho mẫu bằng cách rắc bào tử khô hoặc phun hỗn hợp bào tử trong nước cất (phần 3 của phụ lục). Mẫu treo phải được nhiễm bào tử cả hai mặt, mẫu đặt trong đĩa, chỉ nhiễm bào tử cho mặt trên.

5.5. Trong khi thao tác phải dùng cặp gắp mẫu không được chạm tay vào mặt mẫu.

5.6. Các mẫu phải treo cách thành tủ và cách nhau ít nhất 50 mm.

5.7. Đóng kín cửa tủ. Hàng ngày phải kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và tình trạng nước rỏ giọt từ trần hoặc thành tủ để kịp thời có biện pháp hiệu chỉnh khi cần.

6. THỜI GIAN THỬ

Tùy theo yêu cầu và đối tượng phải thử, thời gian thử có thể là 14 hoặc 28 ngày đêm liên tục.

Để đánh giá khả năng bị mốc của sản phẩm nói chung, thời gian thử là 14 ngày đêm liên tục, với các sản phẩm có yêu cầu cao, làm việc ở điều kiện đặc biệt khắc nghiệt hoặc sản phẩm đã được xử lý chống mốc bằng chất diệt nấm thì thời gian thử phải là 28 ngày đêm liên tục.

7. ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG MỐC

7.1. Trong thời gian thử, cứ 7 ngày phải kiểm tra tình trạng mốc một lần. Sau 14 hoặc 28 ngày đêm liên tục tiến hành nhận xét kết luận. Nếu mức độ mốc đạt đến cực đại trước thời gian dự định thử thì có thể kết thúc thử sớm hơn.

7.2. Đánh giá mức độ mốc theo 6 cấp từ 0 đến 5 như bảng sau.

7.3. Việc đánh giá cấp mốc phải do nhân viên kỹ thuật đã được huấn luyện và có kinh nghiệm tiến hành.

7.4. Gặp trường hợp có mẫu khó xếp vào một cấp nhất định, cho phép ghi hai cấp (ví dụ 2 - 3) và cho phép gạch dưới cấp nào mà người quan sát cho là đúng hơn (ví dụ 2 - 3).

7.5. Lấy kết quả nhận xét trên đa số mẫu làm kết luận về tình trạng của mẫu qua việc thử.

Cấp mốc

Tình trạng mốc

Hướng dẫn nhật xét

0

Không mốc

Xem qua kính phóng đại khoảng 50 lần, không thấy bào tử nẩy mầm

1

Mốc rất nhẹ

Xem qua kính phóng đại khoảng 50 lần, thấy bào tử nẩy mầm lẻ tẻ thành màng sợi thưa thớt, không có hoặc có rất ít cơ quan sinh sản

2

Mốc nhẹ

Xem qua kính phóng đại khoảng 50 lần, thấy một số điểm bào tử nấm mọc thành hệ sợi rõ rệt, không có cơ quan sinh sản hoặc cơ quan sinh sản phát triển kém

3

Mốc vừa

Nhìn mắt thường, thấy rải rác có những chấm mốc đường kính khoảng 1 mm, có cơ quan sinh sản rõ

4

Mốc nặng

Nhìn mắt thường, thấy nhiều điểm mốc phân bố loang lổ trên mặt mẫu, chiếm khoảng 1/3 đến 1/2 mặt mẫu, có cơ quan sinh sản phát triển tốt

5

Mốc rất nặng

Mốc mọc trên hầu khắp mặt mẫu, có cơ quan sinh sản phát triển tốt

8. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM SAU KHI THỬ

8.1. Sản phẩm qua thử nếu ở cấp 0, 1, 2 thì được coi là bền đối với mốc trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm.

8.2. Sản phẩm qua thử nếu bị mốc từ cấp 3 trở lên thì coi như không bền đối với mốc và không nên dùng trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Nếu muốn sử dụng thì phải được xử lý chống mốc.

Chú thích:

1. Để đảm bảo an toàn, nhân viên thí nghiệm phải đeo vải bịt miệng có ít nhất 8 lớp vải xô.

2. Các ống nuôi nấm, lọ đựng dùng dịch hỗn hợp bào tử nấm, tăm bông… đã dùng phải được hấp tiệt trùng ở áp suất 1 atm trong 20 phút rồi mới đem rửa.

 

PHỤ LỤC

1. Cách tạo môi trường ẩm đơn giản

Thiết bị thử tốt nhất là tủ hoặc buồng khí hậu nhân tạo, cho phép điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm chính xác theo yêu cầu thử. Trường hợp không có trang thiết bị như trên, có thể dùng loại tủ ẩm nuôi vi trùng thông thường. Điều chỉnh nhiệt độ đến 30oC; để tạo ẩm cao, dùng một khay nước có diện tích bằng hoặc lớn hơn 1/3 diện tích đầy tủ. Đóng kín tủ sau 24 giờ, độ ẩm trong tủ sẽ đạt tới từ 95 đến 100%.

2. Môi trường dinh dưỡng nuôi nấm

Môi trường dinh dưỡng nuôi nấm là môi trường thạch Czapeck - Dox có công thức như sau:

Natri nitrat NaNO3

3g

Kali phôtphat dibasic K2HPO4

1g

Manhê sunphat MgSO47H2O

0,5 g

Kali clorua KCl

0,5 g

Sắt sunphat FeSO47H2O

0,01 g

Saccaroza

20 g

Thạch trắng (aga - aga)

20 g

Nước cất vừa đủ

1 000 ml

3. Phương pháp nhiễm bào tử nấm cho mẫu thử

Nấm đã được nuôi cấy trong ống thạch nghiêng môi trường dinh dưỡng trong 15 ngày (riêng Chaetomium sp NĐ 201 và Gonytrichum phải nuôi trên vải phim từ 25 đến 30 ngày) được coi là đủ thuần để làm thí nghiệm.

3.1. Phương pháp rắc bào tử khô

Mẫu đặt nằm trên mặt bàn. Dùng tăm bông dài khoảng 200 mm đã tiệt trùng, xoay nhẹ trên mặt cụm nấm cho bào tử dính vào bông. Đung nhẹ cánh tay cầm tăm bông cho bào tử nấm rơi rắc lên mặt mẫu. Làm như vậy với tất cả các loại nấm cần thử. Yêu cầu cần đạt được là trên mặt mẫu phải có một lớp bụi mỏng, không được phép có những cục lớn quá 0,5 mm, nếu có phải lấy cặp sạch gắp bỏ đi.

3.2. Phương pháp phun dung dịch treo hỗn hợp bào tử. Cho 100 ml nước cất và ít viên bi thủy tinh có đường kính 0,5 mm vào một bình tam giác cỡ 250 ml. Hấp tiệt trùng sau đó dùng que quấy hình khuyên gạt bào tử trên cụm nấm, bỏ vào nước cất, làm 10 lần như vậy với mỗi loại nấm. Lắc bình trong 20 phút cho bào tử phân tán đều. Nếu không có viên bi thủy tinh thì dùng đũa thủy tinh đã tiệt trùng quấy kỹ, thời gian như trên. Đổ dung dịch treo hỗn hợp bào tử nấm này vào bình phun. Đường kính lỗ vòi phun không được lớn quá 0,5 mm. Dung dịch phun ra phải ở dạng mù, hạt mù, trên mặt mẫu phải có đường kính nhỏ hơn 0.5mm.

Trong 1ml dung dịch treo bào tử như trên phải có 0,5 đến 1.10 bào tử. Xác định mật độ bào tử này bằng phòng đếm hồng cầu.

Dung dịch treo bào tử đã pha chế phải đúng ngay không được để quá 24 giờ.