TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 1713 – 85
ĐỘNG CƠ Ô TÔ - CON ĐỘI - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Automobile engines - Valve tappet - Technical requirements
Tiêu chuẩn này thay thế cho TCVN 1713 – 75
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với con đội kiểu đòn bẩy và những con đội có khe hở giãn nở theo nhiệt.
1. YÊU CẦU KỸ THUẬT
1.1. Con đội phải được chế tạo phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn này và bản vẽ đã được xét duyệt theo thủ tục quy định
1.2. Con đội phải được chế tạo:
a) Bằng thép 15Cr, 20Cr, C35, C40, C15S, C15, C20S hay các loại thép khác có cơ lý tính tương đương.
b) Bằng gang hợp kim tôi và gang xám có biến trắng mặt mút làm việc của con đội.
1.3. Bề mặt làm việc của con đội chế tạo bằng thép phải tiến hành tôi, ram hoặc xêmentít hóa tiếp sau là tôi, ram. Bề mặt làm việc của con đội chế tạo bằng gang phải tiến hành biến trắng.
1.4. Chiều sâu lớp xêmentít trên mặt mút làm việc của con đội phải nằm trong khoảng 0,8 – 1,5 mm. Không cho phép chuyển biến đột ngột từ lớp xêmentít tới lõi. Sự khác nhau về chiều sâu của lớp xêmentít trong một con đội không được lớn hơn 0,4 mm.
Chiều sâu của lớp xêmentít sau khi tôi được xác định bằng chiều dầy từ bề mặt gia công đến lớp pherít.
1.5. Tổ chức kim loại lớp xêmentít phải là máctenxít mịn, còn tổ chức kim loại ở lõi là máctenxít ít các bon. Không cho phép xêmentít tự do ở dạng hình kim loại hoặc dạng lưới dày đặc.
1.6. Chiều sâu của lớp tôi trên mặt mút con đội khi tôi bề mặt không được nhỏ hơn 2 mm. Cho phép trị số của khoảng không đồng nhất chiều sâu lớp tôi, theo bản vẽ quy định.
Chiều sâu của lớp tôi được xác định bằng chiều dày lớp tôi bề mặt gia công của con đội đến lớp pherít.
1.7. Tổ chức kim loại lớp tôi của mặt mút làm việc của con đội, phải có kết cấu máctenxít hình kim mịn. Không cho phép phe rít tự do ở bề mặt tôi phía ngoài.
1.8. Chiều sâu lớp biến trắng của con đội bằng gang đối với bề mặt làm việc đều đặn và nằm trong khoảng 1,5 ÷ 6,0 mm.
1.9. Độ cứng trên mặt mút con đội phải đạt: 55 – 62 HRC đối với con đội bằng thép, không thấp hơn 48 HRC đối với con đội bằng gang.
1.10. Độ cứng của phần trụ con đội cần phải không thấp hơn 33 HRC đối với con đội bằng thép và 187 ÷ 241 HB đối với con đội bằng gang.
1.11. Thông số nhám của bề mặt làm việc tiếp xúc với cam (trước khi mạ) và bề mặt làm việc hình trụ không được lớn hơn Ra = 0,32 mm theo TCVN 2511 – 78.
1.12. Ren của con đội phải sạch, không có vết xước, bavia vết xây sát và vẩy sắt. Miền dung sai của ren theo 6H.
1.13. Sai lệch độ trụ của bề mặt gia công hình trụ ngoài (bề mặt dẫn hướng) của con đội không được lớn hơn 0,007 mm.
1.14. Độ đảo bề mặt làm việc của con đội tiếp xúc với mặt cam so với mặt trụ dẫn hướng không được lớn hơn 0,010 mm trên mỗi khoảng 10 mm của đường kính bề mặt làm việc.
1.15. Sau khi gia công lần cuối, mặt đầu làm việc của con đội có thể được mạ một lớp chạy rà. Chiều dày lớp mạ và hình thức mạ phải được chỉ dẫn trong tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất đã được xét duyệt.
2. QUI TẮC NGHIỆM THU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
2.1. Mỗi con đội phải được bộ phận kiểm tra chất lượng của cơ sở sản xuất nghiệm thu và đảm bảo phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn này, yêu cầu phải tuân theo qui tắc lấy mẫu và phương pháp thử dưới đây:
2.2. Qui cách của lô, số lượng con đội lấy ra từ các lô để kiểm tra do hợp đồng giữa các bên quy định.
2.3. Tất cả các con đội phải được kiểm tra bằng mắt thường và kiểm tra độ đảo mặt mút làm việc so với mặt trụ dẫn hướng:
Các chỉ tiêu và kích thước còn lại của con đội được quy định kiểm tra theo tài liệu kỹ thuật của nhà máy đã được xét duyệt.
2.4. Kiểm tra độ cứng theo TCVN 256 và TCVN 257. Khi thử độ cứng yêu cầu chọn số vết, đường kính, chiều rộng và tải trọng phải phù hợp với cơ tính con đội.
2.5. Kiểm tra vết nứt của con đội chủ yếu bằng mắt thường trong trường hợp đáng nghi ngờ thì sử dụng phương pháp dò kiểu từ tính hay phương pháp khác, sau khi dùng phương pháp dò từ tính, nhất thiết phải khử từ cho con đội.
2.6. Khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu (dù chỉ là trong số các chỉ tiêu) thì phải tiến hành kiểm tra lại lần thứ hai với số lượng con đội gấp đôi cũng lấy ra ở lô đó.
Kết quả kiểm tra lần thứ hai là kết quả cuối cùng.
3. GHI NHÃN, BAO GÓI, VẬN CHUYỂN VÀ BẢO QUẢN
3.1. Trên mỗi con đội cần ghi nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở sản xuất chế tạo cũng như nhóm kích thước qui ước. Đối với con đội có kích thước sửa chữa, ngoài những ký hiệu trên cần ghi thêm giá trị được tăng lên của kích thước sửa chữa.
3.2. Mỗi con đội trước khi bao gói cần tiến hành bôi mỡ chống gỉ và bao gói bằng giấy không thấm nước.
3.3. Trong mỗi bao bì chỉ được bao gói những con đội cùng số hiệu, cùng kích thước.
3.4. Khi vận chuyển bằng ô tô, các con đội cần phải bao gói trong hộp các tông. Còn khi vận chuyển bằng tàu hỏa toa trần thì phải đặt chúng vào hòm gỗ, bên trong có lót giấy không thấm nước.
3.5. Bao gói phải lèn chặt các con đội để tránh hư hỏng do va chạm khi vận chuyển và bảo quản.
3.6. Khối lượng bao bì cả hòm không được lớn hơn 50 kg.
3.7. Trên mỗi bao bì cần phải ghi bằng sơn bền màu:
a) Dấu hiệu hàng hóa của cơ sở sản xuất
b) Tên sản phẩm và ký hiệu của nó theo bảng kê mẫu hàng
c) Số lượng con đội
d) Ngày bao gói;
đ) Số hiệu của tiêu chuẩn này;
e) Đề chữ “không ném”, “chống ẩm”.
3.8. Trên mỗi bao bì phải kèm theo giấy bao gói, chữ ký của cán bộ kiểm tra kỹ thuật của nhà máy, tên và ký hiệu của con đội, số hiệu của tiêu chuẩn này và ngày bao gói.
3.9. Việc bôi mỡ chống gỉ cần phải giữ được con đội không bị ăn mòn trên 12 tháng kể từ ngày xuất xưởng và điều kiện bảo quản chúng ở nơi kín, khô ráo.