TIÊU CHUẨN NHÀ NƯỚC
TCVN 1769 – 75
HỒI LIỆU KIM LOẠI ĐEN
YÊU CẦU VỀ AN TOÀN PHÒNG NỔ KHI GIA CÔNG VÀ LUYỆN LẠI
Tiêu chuẩn này áp dụng cho hồi liệu kim loại đen dùng trong các cơ sở gia công và luyện lại cũng như dùng trong nội bộ các cơ quan sản xuất và quy định yêu cầu về an toàn phòng nổ ở tất cả các khâu kiểm tra.
1. CHUẨN BỊ HỒI LIỆU KIM LOẠI ĐỂ CUNG CẤP
1.1. Tất cả các cơ sở chuẩn bị cung cấp và vận chuyển hồi liệu kim loại đen có trách nhiệm loại trừ và thu nhặt các vật có thể nổ và chất dễ cháy khỏi hồi liệu kim loại.
1.2. Trong quá trình loại trừ và thu nhặt vật có thể nổ ra khỏi hồi liệu kim loại cần phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của kỹ thuật viên an toàn đặc trách về việc này. Kỹ thuật viên an toàn cần được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp. Các công nhân đã qua những lớp đào tạo chuyên môn và có giấy chứng nhận thực hiện việc thu hồi, loại trừ và vận chuyển các vật có thể gây nổ. Trước khi bắt đầu công việc phải nói rõ cho công nhân về thứ tự thao tác và biện pháp về bảo đảm an toàn.
1.3. Tất cả các bước kiểm tra về an toàn phòng nổ hồi liệu kim loại phải theo đúng những yêu cầu sau đây:
a) Các vật gây nổ (đạn, pháo, mìn, đầu đạn, bom v.v… không được còn ngòi nổ) phải có lỗ thông ra hoặc tháo đáy và rỗng ruột. Mặt trong phải làm sạch hết chất nổ và các chất dầu mỡ khác; phải phá bỏ các tấm ngăn bên trong vỏ đạn pháo.
b) Các mảnh đạn, bom, mìn, lựu đạn… không được dính, chứa các chất nổ.
c) Các nòng súng, nòng pháo phải rỗng suốt hoặc đã bị biến dạng cong queo ở gần cuối nòng và ở phần hộp nòng; hộp khóa nòng của tất cả các loại pháo và súng bộ binh phải mở hở và rỗng.
d) Các vỏ đạn pháo không được còn kíp nổ, kíp điện hoặc thuốc nổ.
đ) Xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép v.v… nếu chưa tháo rời; phải loại bỏ hết nhiên liệu, dầu mỡ và đạn nằm trong xe, pháo.
e) Tất cả các vật rỗng: ống, xilanh, thùng v.v… cần được tháo bỏ hết các vật lạ, chất lạ bên trong để nhìn thấy mặt trong của chúng. Vách, đáy thùng, két v.v… cần phải tháo, bóc trần ra.
g) Các bình chứa chất khí và chất lỏng phải được làm sạch bên trong, mở nắp van ở đầu bình và khoan thêm một lỗ ở vỏ bình.
h) Các khối kim loại (u lò Mactanh hoặc các lò khác). Các kết cấu kim loại của cầu và cần trục đã thu được do nổ mìn, không được phép còn chất nổ.
2. CUNG CẤP HỒI LIỆU KIM LOẠI
2.1. Hồi liệu kim loại được chuyên chở trong các toa tầu, thùng sắt trên ôtô hoặc xà lan sau khi đã loại bỏ các vật dễ nổ, dễ cháy và được xử lý theo yêu cầu nêu ở điều 1.3.
2.2. Các toa tầu, thùng, ô tô và xà lan chở hồi liệu kim loại chỉ được chuyển đi khi có đủ giấy tờ chứng nhận về an toàn phòng nổ. Chứng từ về an toàn phòng nổ phải lặp thành 3 bản có chữ ký của người giao và của kỹ thuật viên an toàn thuộc cơ sở giao hàng chịu trách nhiệm loại bỏ các vật dễ gây nổ. Người giao lưu lại một bản, một bản do người vận chuyển giữ, bản còn lại giao cho người nhận.
Trong chứng từ kèm theo khi giao nhận hồi liệu kim loại ở nội bộ nhà máy phải có chứng nhận về an toàn phòng nổ và chữ ký của kỹ thuật viên đã kiểm tra hồi liệu kim loại.
3. KIỂM TRA AN TOÀN PHÒNG NỔ HỒI LIỆU KIM LOẠI
3.1. Các cơ quan, xí nghiệp thu nhận hồi liệu kim loại phải chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng nổ và phải tiến hành các biện pháp cần thiết để phòng ngừa các vụ nổ trong khi gia công và luyện lại sao cho phù hợp với những yêu cầu ở điểm 1.3.
Khi giao nạp hồi liệu kim loại trong nội bộ nhà máy, ban phụ trách phân xưởng giao nạp phải đưa lò hồi liệu kim loại đi kiểm tra an toàn phòng nổ, đồng thời phải có chứng nhận trong sổ thống kê và hóa đơn xuất hàng.
Việc bốc dỡ và kiểm tra hồi liệu kim loại giao nạp phải được tiến hành dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên an toàn. Hồi liệu kim loại chưa qua kiểm tra xem như còn nguy hiểm nổ, và tuyệt đối không được để lẫn với hồi liệu kim loại đã kiểm tra.
3.2. Hồi liệu kim loại trước khi đem đi cắt bằng lửa (mỏ cắt axêtilen) phải được kỹ thuật viên an toàn kiểm tra trước về an toàn phòng nổ theo yêu cầu ở điều 1.3. Nếu thấy đạt yêu cầu, kỹ thuật viên cấp giấy phép cho đem đi cắt bằng lửa.
3.3. Trước khi đóng bánh hồi liệu kim loại phải được kiểm tra dưới sự giám sát của kỹ thuật viên an toàn theo yêu cầu ở điều 1.3.
3.4. Trước khi xúc liệu vào gầu hoặc nạp hồi liệu kim loại vào các thiết bị nấu chảy phải có kỹ thuật viên an toàn kiểm tra phòng nổ theo các yêu cầu ở điều 1.3.
3.5. Nơi kiểm tra hồi liệu kim loại phải có đủ ánh sáng thích hợp cho việc kiểm tra.
3.6. Những điều phát hiện được khi kiểm tra hồi liệu kim loại về an toàn phòng nổ hoặc có điều gì nghi ngờ cần phải theo dõi và tìm ngay các chất có thể gây nổ và đưa vào phòng bảo quản để thủ tiêu hoặc làm mất hiệu lực.
3.7. Bộ phận chịu trách nhiệm thu nhận hồi liệu kim loại của xí nghiệp phải ghi chép đầy đủ vào sổ, số lượng hồi liệu kim loại đã nhập: tên cơ sở sản xuất hồi liệu kim loại, tên cơ quan và người có trách nhiệm chuyển đến, số hóa đơn, số giấy chứng nhận kiểm tra về an toàn phòng nổ.
3.8. Trong cuốn sổ ghi chép về kiểm tra an toàn phòng nổ hồi liệu kim loại, cần ghi rõ họ tên và chữ ký của kỹ thuật viên an toàn.
3.9. Khi phát hiện ra các chất gây nổ cần phải lập biên bản. Biên bản phải có chữ ký của cán bộ kỹ thuật an toàn đã tiến hành kiểm tra và của đại diện ban lãnh đạo xí nghiệp. Biên bản cần được sao ra ba bản. Một bản để xí nghiệp đã tiến hành kiểm tra an toàn phòng nổ gởi cho người xuất hồi liệu kim loại kèm theo bản sao các giấy tờ (hóa đơn giao hàng, giấy chứng nhận về an toàn phòng nổ). Bản thứ hai với các chứng từ như trên gửi đến cho kỹ thuật viên về an toàn ở cơ sở xuất hồi liệu kim loại.
PHỤ LỤC 1
GIẤY CHỨNG NHẬN Số …
Người giao hàng (họ và tên)………………………… thuộc cơ sở ……………………………………
Người nhận hàng (họ và tên) …………………………. thuộc cơ sở ……………………………....…
Tên hàng ………………………………… khối lượng ………………………………… (tấn)
Số hóa đơn giao hàng:
Chứng nhận hồi liệu kim loại đen được cung cấp thỏa mãn các yêu cầu ở điều 1.3 của TCVN 1769 – 75.
| Ngày … tháng … năm 19 … |